Wednesday, July 12, 2017

Plato – Republic (03)

Plato 
The Republic 


(Πλάτων  –  Πολιτεία)








QUYỂN I

Tóm lược Quyển I

Trong The Republic, Plato, qua người thày dạy của ông là Socrates, đặt định để trả lời hai câu hỏi. Công lý là gì? Tại sao chúng ta nên công chính? Quyển I thiết lập những thách thức này. Những người bàn luận tham dự vào một đàm thoại kiểu Socrates, tương tự như đã thấy trong tác phẩm trước đó của Plato. Giữa một nhóm gồm cả bạn bè lẫn đối nghịch, Socrates đặt câu hỏi, "Công lý là gì?" Ông tiến hành để bác bỏ mọi định nghĩa đề nghị được đem lại, cho thấy trong mỗi đề nghị có chứa chấp những mâu thuẫn tiềm ẩn như thế nào. Tuy nhiên, chính ông không đem đến một định nghĩa nào của ông, và cuộc thảo luận kết thúc trong một bế tắc — aporia, không thể tiến thêm xa hơn nữa, và những người đàm thoại cảm thấy bớt chắc chắn vào tin tưởng của họ hơn là khi họ bắt đầu trò chuyện. Trong những đàm thoại ban đầu của Plato, aporia thường báo hiệu sự kết thúc. Republic sẽ vượt quá khỏi bế tắc quen thuộc này trong 9 quyển sách kế tiếp, và Socrates sẽ phát triển một lý thuyết phong phú và phức tạp về công lý.


Bắt đầu quyển I; sau một lễ hội tôn giáo ở hải cảng Piraeus, Socrates đương sửa soạn quay trở lại thành Athens với người bạn trẻ Glaucon của ông, một người anh của Plato. Trên đường, Adeimantus, một người anh khác của Plato, và nhà quý tộc trẻ Polemarchus và một số đông nữa, bắt gặp hai người và đã thuyết phục họ đổi ý ở lại, đến nhà Polemarchus. Ở đó, họ gặp cha của Polemarchus là Cephalus, và những người khác. Socrates và người chủ nhà lớn tuổi bắt đầu một cuộc thảo luận về giá trị của tuổi già. Thảo luận này nhanh chóng quay sang đề tài công lý.

Cephalus, một người giàu có, lớn tuổi và uy tín ở Piraeus, ông là chủ nhà tiếp đãi cả nhóm, và là người đầu tiên đem cho một định nghĩa về công lý. Cephalus như là người phát ngôn cho truyền thống Hylạp. Định nghĩa của ông về công lý là một cố gắng để nói lên quan niệm cơ bản theo truyền thống từ Hesiod: công chính có nghĩa là sống xứng đáng tốt đẹp với nghĩa vụ pháp lý của bạn và giữ tư cách trung thực. Socrates đánh đổ định nghĩa này với một phản thí dụ: trả một vũ khí về chủ của nó nhưng nay là một người điên. Bạn nợ người điên vũ khí của ông ta trong một nghĩa nào đó nếu nó thuộc về ông ta theo pháp lý, và thế nhưng trả lại trong hoàn cảnh đó sẽ là một hành động bất công, vì nó sẽ gây nguy hiểm cho mạng sống của những người khác. Vì vậy, nó không thể là trường hợp trong đó công lý là không-gì hơn là tôn trọng những nghĩa vụ pháp lý và giữ tư cách trung thực.

Đến đây, Cephalus xin lỗi phải bỏ đi để trông coi một lễ cúng hy sinh, và Polemarchus con trai ông, tiếp nhận bàn cãi những luận chứng thay ông. Polemarchus đưa ra một định nghĩa mới cho công lý: công lý có nghĩa là bạn nợ bạn bè sự giúp đỡ, và bạn nợ kẻ thù sự gây hại. Mặc dù định nghĩa này có thể dường như khác với của Cephalus, chúng có liên quan chặt chẽ. Chúng chia sẻ đòi hỏi cơ bản ngấm ngầm trong việc trả lại với nhau những gì còn nợ, và đem đến cho nhau những gì là thích ứng. Bắt buộc này cũng sẽ là nền tảng của nguyên tắc công lý của Socrates trong những tập sách sau này. Giống như quan điểm của cha mình, Polemarchus chấp nhận công lý đại diện cho một mạch tư tưởng phổ biến – thái độ của một nhà chính trị còn trẻ và có tham vọng — trong khi định nghĩa của Cephalus đại diện cho thái độ của những doanh nhân già, đã có cơ sở vững chãi.

Socrates cho thấy sự thiếu nhất quán trong quan điểm này. Ông chỉ ra rằng, vì phán đoán của chúng ta liên quan đến bạn bè và kẻ thù là có thể sai lầm, cương lĩnh này sẽ dẫn chúng ta đến gây tổn hại cho cái tốt và trợ giúp cái xấu. Chúng ta không luôn luôn là bạn bè với những cá nhân có đạo đức nhất, cũng không phải là kẻ thù của chúng ta luôn luôn là cặn bã của xã hội. Socrates chỉ ra rằng có một vài không thuận hợp, thiếu chặt chẽ trong ý tưởng làm tổn hại con người qua công lý.

Tất cả những điều này phục vụ như là một giới thiệu cho Thrasymachus, nhà sophist. Chúng ta đã thấy, qua đối chất của Socrates với Polemarchus và Cephalus, là suy nghĩ phổ biến về công lý là không thỏa đáng. Thrasymachus cho chúng ta thấy kết quả bất chính của sự lẫn lộn này: Cổ vũ của nhà sophist là bỏ công lý đi, và tất cả những tiêu chuẩn đạo đức, bỏ hoàn toàn. Thrasymachus, tức giận nhảy vào thảo luận, tuyên bố rằng ông đem cho một định nghĩa về công lý tốt hơn. Công lý, ông nói, là không-gì khác hơn lợi thế của kẻ mạnh hơn. Mặc dù Thrasymachus tuyên xưng rằng đây là định nghĩa của ông, nó không thực sự có nghĩa như là một định nghĩa của công lý nhiều như nó là một sự hủy bỏ tính chất pháp lý của công lý. Ông nói rằng không có đền đáp gì để là công chính. Những hành vi công chính hoạt động cho lợi thế của những người khác, không cho chính người cư xử trong công chính. Ở đây, Thrasymachus giả định rằng công lý là sự hạn chế trái tự nhiên trên sự mong muốn tự nhiên — muốn có nhiều hơn của chúng ta. Công lý là một quy ước áp đặt trên chúng ta, và tuân thủ nó không có lợi cho chúng ta. Điều hợp lý để làm là bỏ qua công lý hoàn toàn.

Gánh nặng của thảo luận giờ đã đổi. Lúc đầu, thách thức duy nhất là định nghĩa công lý; bây giờ phải định nghĩa công lý và chứng minh công lý là đáng giá. Socrates có ba luận chứng đem dùng chống lại tuyên bố của Thrasymachus. Trước nhất, ông làm cho Thrasymachus thừa nhận rằng quan điểm của mình là tiến lên quảng bá sự bất công như một đức hạnh. Theo quan điểm này, đời sống được xem như là một cuộc cạnh tranh liên tục dành cho được nhiều hơn (nhiều tiền hơn, nhiều quyền lực hơn, vv…), và bất cứ ai là người thành công nhất trong cuộc thi đua này là có đức hạnh lớn nhất. Socrates sau đó phóng ra một chuỗi lý luận dài và phức tạp, chúng dẫn ông đến kết luận rằng sự bất công không thể là một đức hạnh, vì nó là trái với sự khôn ngoan, vốn là một đức hạnh. Bất công là trái với sự khôn ngoan vì người khôn ngoan, người có kỹ năng trong một số nghệ thuật, không bao giờ tìm cách để đánh bại những người có cùng một nghệ thuật. Nhà toán học, ví dụ, không là cạnh tranh với những nhà toán học khác.

Socrates sau đó chuyển đến một luận chứng mới. Hiểu biết về công lý bây giờ như sự tuân thủ với những quy tắc nhất định đem lại khả năng cho một nhóm hành động chung. Socrates chỉ ra rằng để đạt được bất kỳ một mục tiêu nào Thrasymachus trước đó đánh giá cao như đáng mong muốn, một người ít nhất là cần phải ôn hòa chỉ trong ý hướng tôn trọng theo tập hợp gồm những quy luật này.

Cuối cùng, ông lập luận rằng vì đã đồng ý rằng công lý là một đức hạnh của hồn người, và đức hạnh của hồn người có nghĩa là sức khỏe của hồn người, công lý là đáng mong muốn vì nó có nghĩa là sức khỏe của hồn người.

Như vậy đi đến kết thúc quyển I. Socrates và những người đàm thoại với ông đã không tiến gần hơn đến một sự đồng thuận nào về một định nghĩa cho công lý, và Socrates chỉ đẩy ra những luận chứng còn yếu để đòi nghiêng cán cân về giá trị xứng đáng của công lý. Tuy nhiên, những điều khoản của thách thức của chúng ta đã được thiết lập. Suy nghĩ phổ biến và truyền thống về công lý thì trong một mớ hỗn độn, và chúng ta cần phải có một khởi hành tươi mới tìm đường ngõ hầu đánh bại chủ nghĩa hoài nghi đạo đức luồn lọc của những nhà Sophist.

Phân tích Quyển I

Trong khi The Republic là tập sách chú tâm với vấn đề công lý, nó cũng đề cập đến nhiều đề tài khác. Có một số học giả đi xa hơn, nói tập sách này chủ yếu là một gì đó khác hơn công lý. Allan Bloom, như phần giới thiệu dẫn nhập ở trên, đọc Republic trước nhất và quan trọng nhất như là một bào chữa cho triết học, như “Apology” thứ hai của Socrates. Socrates đã bị thành phố Athens xử tử vì ông thực hành triết lý. Các nhà lãnh đạo của Athens đã quyết định rằng triết học là nguy hiểm và tìm cách trục xuất nó khỏi thành phố của họ. Socrates đã đặt câu hỏi về những vị gót cũ pháp luật cũ. Ông thách thức, và mời hỏi những người khác thách thức, những tin tưởng cơ bản mà xã hội của họ dựa trên.

Trong Republic, Bloom cho biết, Plato cố gắng để bảo vệ hành động vốn làm người thày mình bị lên án. Mục đích của ông là phơi mở cho thấy tại sao triết học là quan trọng, và quan hệ giữa triết gia và thành phố nên như thế nào. Trong khi một triết gia có tiềm năng lật đổ bất kỳ một chế độ hiện hữu nào, theo Plato, triết gia là rất thiết yếu với đời sống của thành phố công chính. Plato muốn cho thấy triết lý có thể quan trọng sống còn với thành phố. Bloom gọi The Republic là công trình đầu tiên của khoa học chính trị vì nó phát minh một triết lý chính trị đặt nền trên ý tưởng xây dựng một thành phố trên các nguyên lý của lý trí.

Giải thích của Bloom đến từ một sự hiểu biết về những ý tưởng của Plato về công lý và thành phố công chính trong The Republic, vốn trước tiên tập sách sách đòi hỏi người đọc. Nhìn The Republic là một công trình về công lý, trước tiên chúng ta cần hỏi lý do tại sao công lý phải được bảo vệ. Như Thrasymachus làm rõ ràng, công lý không phải được giả định phổ quát là có lợi ích . Vì cũng dài lâu như đã từng có tư tưởng đạo đức, đã có những nhà theo chủ nghĩa phi-đao đức — immoralists, những người nghĩ rằng là tốt hơn để trông tìm những lợi ích cho riêng bạn, hơn là làm theo những quy luật của đúng và sai.

Theo truyền thống, quan niệm công lý của Hy Lạp đến từ những nhà thơ như Hesiod, người có tác phẩm Works and Days trình bày công lý như là một tập hợp một số hành vi cần phải tuân theo. Lý do để giữ công chính, như được quan điểm truyền thống trình bày, là cân nhắc giữa khen thưởng và trừng phạt: Zeus thưởng những người tốt và trừng phạt những người xấu. Tại Athens cuối thể kỷ thứ năm TCN, quan niệm này về thưởng và phạt của Gót đã bị mất uy tín. Không ai tin các vị gót khen thưởng công chính và trừng phạt bất công. Người ta có thể thấy đông đảo nhiều người bất công phồn thịnh và thành công, và nhiều người công chính bị bỏ lại phía sau. Trong nền dân chủ phức tạp phát triển tại Athens, ít người có xu hướng uốn nắn những hy vọng của họ về thế giới bên kia. Công lý đã trở thành một vấn đề nhiều tranh cãi.

Dẫn đầu tranh cãi thời ấy là những nhà Sophist, những nhà giáo dục thường được thuê làm thày dạy tư tại nhà cho con những người giàu. Những nhà Sophist có xu hướng không tin vào sự thật khách quan, hoặc các tiêu chuẩn khách quan về đúng và sai. Họ coi pháp luật và đạo đức là những quy ước. Nhà sophist Antiphon, ví dụ, công khai tuyên bố rằng chúng ta phải là không công bằng khi bất công là lợi thế của chúng ta. Điều này có thể thấy qua sự kiện lịch sử — Trong mùa hè 416 TCN, lực lượng hải quân Athens tấn công một đảo nhỏ là Melos trong biển Aegean, ép chính quyền đảo này phải liên minh với Athens chống lại Sparta, nhưng chính phủ đảo này từ chối nên bị lực lượng Athens bao vây. Cuối cùng theo Thucydides, người Athens đã “giết chết tất cả những đàn ông bị bắt và bắt làm nô lệ những trẻ em và phụ nữ. Họ đem dân Athens đến định cư” sau khi đảo bị chiếm đóng.

Plato cảm thấy ông phải bảo vệ công lý chống lại những tấn công này. Thrasymachus đại diện cho thách thức của những nhà sophist — người tuyên bố rằng công lý không là gì, nhưng chỉ là lợi thế của kẻ mạnh mẽ hơn. Tuyên bố này đã thúc đẩy toàn bộ những biện luận tranh cãi tiếp sau đó, nên nó xứng đáng được phân tích. Thrasymachus đích thực muốn nói gì khi ông tuyên bố — công lý là lợi thế của kẻ mạnh mẽ hơn? Ai là kẻ mạnh mẽ hơn là ai? Lợi thế của họ là gì?

Khi đọc lần đầu, tuyên bố của Thrasymachus cô đọng về với những khái niệm cơ bản đạo đức của những nhà sophist – đó là những khuôn thước và những tập tục chúng ta xem xét chỉ là những qui ước, chúng cản trở những người tuân theo và làm lợi những người đạp lên chúng. Những người đối xử bất công tự nhiên có quyền lực và trở thành những người cai trị và những người mạnh mẽ trong xã hội. Trong khi những người ngu dại, yếu đuối hành động theo quy định của công lý, họ bị thiệt thòi, và kẻ mạnh thành nắm được lợi thế. Một cách đoc lời tuyên bố táo bạo của Thrasymachus khác đi — làm cho tuyên bố của ông có vẻ tinh tế hơn. Cách đọc này do C.D.C. Reeve đưa ra, Thrasymachus là không chỉ đơn thuần khẳng định những khuôn thước và những tập tục của công lý là những công ước, tuyên bố của ông còn xa hơn — rằng những khuôn thước và những tập tục của công lý là những công ước được những nhà cai trị đưa ra để thúc đẩy lợi ích riêng của họ và để giữ các đối tượng của họ ở trong tình trạng áp bức.

Cách đọc thứ hai này là thú vị vì nó thách thức không chỉ quan niệm về đúng và sai của chúng ta, nhưng cách thông thường của Socrates trong việc tìm kiếm sự thật. Phương pháp elenchus của Socrates tiến hành bằng cách xây đắp dần kiến thức rút ra từ những tin tưởng của những người đối thoại. Nếu Thrasymachus là đúng, vậy sau đó chúng ta không có bất kỳ tin tưởng đúng nào về công lý. Tất cả tin tưởng chúng ta có là đã bị bóp méo- nhào nặn — thúc ép vào chúng ta bởi những nhà cai trị. Để khám phá sự thật về đúng và sai, chúng ta phải từ bỏ phương pháp cũ và bắt đầu từ đầu: xây dựng kiến thức không dựa trên những tin tưởng truyền thống. Trong quyển II tiếp theo, Plato từ bỏ phương pháp elenchus. và bắt đầu các cuộc thảo luận từ số không.

Dù chúng ta giải thích tuyên bố của Thrasymachus như thế nào, thách thức với Socrates trong quyển I này vẫn như nhau: ông phải chứng minh công lý mà một gì đó tốt và đáng mong muốn, rằng nó là nhiều hơn thế, không chỉ là quy ước, rằng nó liên kết với những tiêu chuẩn khách quan về đạo đức, và chúng ta tuân thủ theo nó là vì lợi ích cho chúng ta.



QUYỂN I


[327a]
SOCRATES bắt đầu kể:

Tôi đã đi xuống cảng Piraeus, ngày hôm qua với Glaucon, con trai của Ariston, để đọc một lời cầu nguyện với vị gót bà [1] và cũng vì tôi muốn xem họ tiến hành lễ hội như thế nào, vì đây là lần đầu tiên họ tổ chức lễ hội ấy. Tôi nghĩ đám rước của người dân địa phương thì đẹp, nhưng trong cái nhìn của tôi, màn trình diễn của những người Thrace cũng đã không kém. Sau khi chúng tôi đã cầu nguyện và xem đoàn diễn hành, chúng tôi đã bắt đầu quay lại hướng thành phố. Lúc đó Polemarchus, con trai của Cephalus, đã thấy chúng tôi từ một khoảng xa, khi chúng tôi đương gấp rút trở về nhà, và bảo đứa bé nô lệ của mình chạy theo và yêu cầu chúng tôi chờ ông. Đứa bé nắm lấy áo choàng [2] của tôi từ phía sau.

NÔ LỆ: Polemarchus [3] muốn các ông hãy chờ.
Tôi quay lại và hỏi ông ta đâu
NÔ LỆ: Ông ấy đương đến, đằng sau các ông, xin hãy chờ ông ấy.
GLAUCON: Không sao, chúng tôi sẽ chờ.
Ngay sau đó, Polemarchus bắt kịp chúng tôi. Adeimantus, anh của Glaucon [4] cũng với ông ta, và cả Niceratus, con trai của Nicias, cũng thế, và một số những người khác, tất cả rõ ràng đều trên đường từ đám rước về.
POLEMARCHUS: Với tôi, Socrates, có vẻ như hai ông đang vội vã rời đây để về thành Athens [5].
SOCRATES: Đoán thế không phải là tệ đâu.
POLEMARCHUS: Nhưng các ông có thấy chúng tôi đông như thế nào không?
SOCRATES: Hẳn rồi.
POLEMARCHUS: Tốt, vậy thì, hoặc các ông phải chứng minh chính các ông khỏe hơn hơn tất cả những người này, hoặc các ông sẽ phải ở lại đây.
SOCRATES: Không phải là vẫn có một chọn lựa khác hay sao: rằng chúng tôi thuyết phục các bạn rằng các bạn nên để cho chúng tôi đi?
POLEMARCHUS: Dù ông có thể thuyết phục chúng tôi, nhưng nếu chúng tôi sẽ không nghe?
GLAUCON: Chúng tôi không thể có cách nào.
POLEMARCHUS: Tốt, chúng tôi sẽ không nghe đâu, các ông tốt hơn nên xem điều ấy như đã quyết định xong rồi.
ADEIMANTUS: Có phải các ông nói các ông không biết tối nay có một cuộc đua rước đuốc trên lưng ngựa để mừng vị gót bà?
SOCRATES: Trên lưng ngựa? Đó là một điều gì mới mẻ đây. Có phải họ sẽ cỡi ngựa chạy đua và lần lượt chuyền tay những ngọn đuốc, hay gì đây?
POLEMARCHUS: Chuyền tay tiếp sức. Và, bên cạnh đó, sẽ có một lễ mừng kéo dài xuốt đêm, sẽ đáng xem lắm. Sau bữa ăn tối chúng ta sẽ sửa soạn và đi xem lễ hội. Chúng ta sẽ gặp rất nhiều thanh niên ở đó, và có một buổi trò chuyện. Vì vậy, hãy ở lại và làm như chúng tôi yêu cầu.
GLAUCON: Có vẻ như chúng ta sẽ phải ở lại.
SOCRATES: Nếu bạn nghĩ thế, chúng ta phải ở lại.

Như thế, chúng tôi đã đi đến nhà Polemarchus, và ở đó, chúng tôi thấy Lysias và Euthydemus, anh em của Polemarchus, và hơn thế nữa, Thrasymachus [6] người thành Chalcedon cũng đã ở đó nữa, và Charmantides người thành Paeania, và Clitophon, con trai của Aristonymus. Cephalus, cha của Polemarchus, cũng đã có bên trong, và tôi nghĩ rằng ông đã già thêm nhiều. Bạn biết đó, tôi không gặp ông đã khá lâu. Ông đang ngồi trên ghế dài, loại ghế có đệm và trên đầu đội một một vòng hoa kết lẫn lá, vì ông đã vừa cúng một lễ hiến sinh trong sân nhà. Chúng tôi ngồi xuống cạnh ông, vì có một số ghế đã được xếp theo một vòng tròn ở đấy. Ngay khi thấy tôi, Cephalus [7] chào tôi:

(Nói chuyện với Cephalus)

Socrates, ông không xuống Piraeus thăm chúng tôi thường. Tuy rằng ông nên. Nếu như vẫn là điều dễ dàng cho tôi làm chuyến đi lên thành, ông tất đã không phải xuống đây. Nhưng ngược lại, chúng tôi sẽ đến thăm ông. Tuy nhiên, như sự thể là thế, ông nên xuống đây thường xuyên hơn. Tôi muốn ông biết, ông thấy đấy, ít nhất như trong trường hợp tôi, khi những thú vui – những thú vui của thể xác – khô héo mất đi dần, thèm khát của tôi với những thảo luận và những thích thú của chúng ngày càng lớn mạnh hơn. Vì vậy, hãy vui lòng làm như tôi xin: hãy trò chuyện với những người trẻ này, và ở lại đây với chúng tôi, như thể ông sẽ làm với những bạn thân và những họ hàng của ông.
SOCRATES: Chắc chắn tôi sẽ làm, Cephalus. Trong thực tế, tôi thích tham gia thảo luận với người rất nhiều tuổi. Tôi nghĩ chúng ta nên học hỏi từ họ – vì họ giống như những người đã đi một con đường mà chúng ta cũng có lẽ sẽ phải đi theo – Con đường dù giống thế nào, không biết là thô cứng và khó khăn, hay trơn tru và dễ dàng. Và tôi sẽ đặc biệt vui để biết được từ ông, xem ông nghĩ gì về nó, vì ông đã đạt đến điểm trong cuộc đời vốn những nhà thơ gọi là ngưỡng cửa của tuổi già [8]. Có phải nó là một quãng đời khó khăn không? Ông phải kể lại điều gì về nó?

[329a]
CEPHALUS: Có Zeus chứng giám, Socrates, tôi sẽ kể cho ông chính xác những gì tôi nghĩ. Ông thấy đấy, một số người trong chúng tôi xuýt xoát hơn kém cùng lứa tuổi thường tụ họp với nhau, như để giữ theo câu ngạn ngữ [9]. Khi họ gặp nhau, phần lớn những thành viên của chúng tôi than van, tiếc nuối những lạc thú đã mất của thời tuổi trẻ của họ, và nhớ lại về tình dục, những hội hè say sưa, những tiệc tùng và những thứ khác vốn đi cùng với chúng. Họ thành bực dọc khó chịu, như thể họ đã bị tước mất những sự việc quan trọng, và họ đã sống vui mạnh lúc đó, nhưng bây giờ thì không. Một số người khác, cũng thế, thậm chí còn rên rỉ về sự ngược đãi những người già, do những thân nhân của họ chồng chất lên, và vì lý do đó kể lể một dông dài lê thê về tất cả những tai ác tuổi già đã gây cho họ. Nhưng tôi không nghĩ họ đã trách đúng nguyên nhân thực, Socrates. Sau hết, nếu như đó đã là nguyên nhân, tôi tất đã cũng phải có cùng một kinh nghiệm tương tự, ít nhất là trong mức độ liên quan đến tuổi già, và cũng với tất cả mọi người khác trong độ tuổi của tôi. Nhưng như nó xảy ra, trong quá khứ tôi đã gặp những người khác họ không cảm thấy cách đó – đặc biệt, là nhà thơ Sophocles. Tôi đã một lần có mặt khi một người nào đó dã hỏi ông, “Thế còn về chuyện chăn gối, ông thì thế nào hả Sophocles? Ông vẫn có thể làm tình với một phụ nữ đấy chứ?”. “Hãy im đi, người ơi”, ông trả lời, “Tôi rất vui mừng khi thoát khỏi tất cả những điều đó, như một nô lệ đã thoát khỏi một ông chủ loạn trí và dã man”. Lúc ấy, tôi đã nghĩ những gì ông nói là khôn ngoan có lý, và tôi vẫn còn nghĩ thế. Ông thấy, tuổi già mang lại yên bình và tự do tránh khỏi tất cả những sự việc giống như thế. Khi những thèm khát ngưng lại, thôi không thúc ép và dục giã chúng ta, tất cả mọi thứ Sophocles đã nói đều đến rồi đi, và chúng ta thoát khỏi nhiều những ông chủ điên cuồng. Nhưng trong những vấn đề này, và trong những vấn đề liên quan đến những thân nhân của một người, nguyên nhân thực sự không phải là tuổi già, Socrates, nhưng cái cách người ta[10] sống. Nếu họ có kỷ luật gọn gàng và biết hài lòng, tuổi già, cũng thế, chỉ phiền hà vừa phải, nếu họ không như thế, cả tuổi già, Socrates, lẫn tuổi trẻ đều khó để gánh vác.

Tôi thán phục ông ta vì nói điều đó, và tôi muốn ông nói với tôi thêm nữa, nên tôi dục ông tiếp tục.

Tôi tưởng tượng khi ông nói thế, Cephalus, đám đông người ta [11] không chấp nhận điều đó. Trái lại, họ nghĩ rằng ông chịu đựng tuổi già dễ dàng hơn, không phải vì cách ông sống, nhưng vì ông giàu có. Vì người giàu có, họ nói, có nhiều tiện nghi an ủi.

CEPHALUS: Đúng thế, họ không bị tin theo đâu. Và có một gì đó trong sự phản đối của họ, mặc dù không nhiều như họ nghĩ. Ở chỗ này, có liên quan với lời vặn lại của Themistocles. Khi một người nào đó từ đảo Seriphus đã xúc phạm ông bằng cách nói danh tiếng cao trọng của ông là do thành phố ông đem tới, không phải từ chính ông, ông đã trả lời, rằng chẳng ai trong cả hai, nếu ông là một người đảo Seriphus, ông đã không nổi tiếng; nhưng đổi lại, người kia cũng đã chẳng nổi tiếng, nếu ông ta đã là người Athens [12] – cùng một giải thích áp dụng với những ai là người không giàu và thấy chịu đựng tuổi già khó khăn: một người tốt sẽ không dễ dàng chịu đựng được tuổi già nếu như nó ghép cặp với sự nghèo túng, nhưng một người là người không tốt sẽ không được bình an với chính ông ta, ngay cả nếu ông đã là giàu có đi nữa.
SOCRATES: Ông đã thừa hưởng phần lớn sự giàu có của ông, Cephalus, hay có phải ông đã tự gây dựng cho mình?
CEPHALUS: Socrates, ông hỏi tôi đã tạo dựng gì cho bản thân mình. Như một người hái ra tiền, tôi đứng giữa ông nội tôi và cha tôi. Ông thấy đấy, ông nội tôi, người tôi có cùng tên, đã thừa kế cùng một tài sản cũng giàu có như tôi có và đã nhân nó lên gấp nhiều lần. Tuy nhiên, cha tôi, Lysanias, đã tiêu hao số tiền đó xuông mức thậm chí còn ít hơn tôi có bây giờ. Về phần tôi, tôi hài lòng để lại cho những con trai của tôi ở đây không ít hơn, nhưng một chút nhiều hơn, hơn như tôi đã thừa hưởng.
SOCRATES: Lý do tôi hỏi là ông không có vẻ đặc biệt yêu tiền bạc. Và những người không làm ra nó cho chính họ đều là thường như thế. Nhưng những ai là người tự mình làm ra, yêu nó gấp đôi so với bất cứ ai khác. Vì đúng như những nhà thơ yêu những bài thơ của họ, và những người cha yêu những đứa con của họ, do đó những ai là người làm ra tiền, xem tiền bạc của họ nghiêm trọng vừa như một gì đó họ đã tạo được chính họ – và đúng như những người khác làm thế – vì nó hữu dụng. Điều này làm họ khó khăn ngay cả là để ở bên họ, vì họ không sẵn lòng khen ngợi bất cứ gì trừ giàu có tiền bạc.
CEPHALUS: Điều đó đúng.
SOCRATES: Quả thực, đúng vậy. Nhưng kể cho tôi nghe một gì khác. Ông nghĩ điều gì là điều tốt đẹp nhất ông đã vui hưởng như một kết quả của sự có tài sản rất giàu có?
CEPHALUS: Những gì tôi phải nói có lẽ sẽ không thuyết phục được đám đông. Nhưng ông cũng nhận thức được rất rõ, Socrates, khi một ai đó nghĩ rằng cuối đời của mình là gần rồi, người ấy trở thành khiếp hãi và băn khoăn về những sự việc người ấy đã không sợ hãi trước kia. Đó là khi những  câu chuyện nói [13] về cõi của Hades, rằng một người đã bất công [14] ở nơi đây phải trả phạt ở nơi đó – những câu chuyện ông ta đã thường chế diễu – đã vặn bẻ hồn ông ta lối này và cách kia, vì sợ hãi nếu chúng thì đúng thật. Và không biết có phải – vì sự yếu kém của tuổi già, hay vì ông ta bây giờ là gần hơn với những gì xảy ra trong cõi Hades, và có một cái nhìn rõ ràng hơn về nó, hay vì bất cứ dù là điều gì – hay là không, ông thì đầy linh tính và sợ hãi, và bắt đầu để tính toán và xem xét không biết liệu ông đã có từng bất công với bất cứ ai hay không. Nếu ông ta tìm thấy nhiều bất công trong đời mình, ông thường tỉnh dậy trong kinh hãi ngay cả giữa giấc ngủ, giống như con trẻ, và sống trong sự thấp thỏm mong đợi về những quỉ dữ sắp tới. Tuy nhiên, một ai đó là người biết ông đã không từng bất công, đã có hy vọng ngọt ngào như bạn đồng hành không rời của ông – một người chăm sóc cho tuổi già của người ấy, như Pindar [15] nói. Vì ông ta đã đặt bút viết thật dễ thương, Socrates, khi ông nói rằng khi một người nào đó sống một đời công chính và đạo hạnh,
Hy vọng ngọt ngào trong tim ông
Chăm sóc và làm bạn đường với tuổi ông
Hy vọng, người thủ lãnh của não thức thường xoắn vặn chao đảo
của con người có sống chết.
Thật tuyệt vời biết bao khi ông ta viết như thế. Đó là trong kết nối này mà tôi nói sở hữu tài sản thì có giá trị nhất, không phải cho tất cả mọi người, nhưng cho một người tốt và có kỷ luật. Không lừa dối một ai ngay cả chỉ vì vô ý, không nói dối một ai, không nợ một lễ hiến sinh nào với một vài vị gót, hay nợ tiền với một người nào đó, và như một chung cuộc phải ra đi đến chốn kia trong sợ hãi – sở hữu tài sản giàu có làm được không phải là nhỏ vào chuyện này. Nó cũng có nhiều cách dùng khác nữa, nhưng đặt điều này so đo với điều kia, Socrates, tôi sẽ nói rằng với một người có bất kỳ phán đoán nghĩa lý nào, đó là sự giàu có thì hữu ích nhất như thế nào.
SOCRATES: Một tình cảm tế nhị thanh cao[16], Cephalus. Nhưng khi nói về điều đó chính nó, công lý [17], có phải chúng ta nói nó thì đơn giản chỉ là nói sự thật và trả lại bất cứ gì là nợ nần một người đã vướng vào hay không? Hay có phải đôi khi làm những điều này là công chính, đôi khi không công chính? Tôi muốn nói loại này của sự việc, lấy thí dụ: tất cả mọi người sẽ chắc chắn đồng ý rằng nếu một người mượn những vũ khí từ một người bạn lành mạnh, và nếu ông bạn này trở nên điên và đòi chúng lại, người này không nên trả chúng lại, và sẽ là không công chính nếu ông ta làm thế. Cũng không nên làm thế, bất kỳ một ai nếu sẵn sàng để nói toàn bộ sự thật với một người nào đó trong một trạng thái tâm thần như vậy.
CEPHALUS: Điều đó đúng.
SOCRATES: Khi đó, sau đây không phải là định nghĩa của công lý hay sao: nói sự thật và trả lại những gì một người đã vay mượn.

(Hỏi đáp của Polemarchus)

Polemarchus chen vào:
Chắc chắn là thế, Socrates, nếu quả thực chúng ta có tin Simonides chút nào tất cả hay không.

CEPHALUS: Vậy tốt lắm, tôi sẽ giao thảo luận cho anh, vì đến lúc tôi phải đi trông coi lễ hiến sinh [18] xem cúng kiếng thế nào.
POLEMARCHUS: Không phải con,  Polemarchus, là người thừa kế tất cả mọi thứ của cha hay sao?
Cephalus trả lời với tiếng cười:
Chắc chắn rồi.

Và ông bỏ đi, để đến với lễ hiến sinh.

SOCRATES: Vậy người thừa kế cuộc thảo luận, hãy cho chúng tôi biết đúng những gì Simonides [19] đã nói về công chính mà bạn nghĩ là chính xác.
POLEMARCHUS: Ông ấy nói công chính là đem cho mỗi ai những gì có nợ với người ấy. Và đó là một câu nói hay – theo quan điểm của tôi.
SOCRATES: Tốt, bây giờ, không đồng ý với Simonides không phải là điều dễ dàng, bởi ông là một người khôn ngoan và tựa-như-gót rồi. Nhưng đích xác ý ông nói gì? Có lẽ bạn biết, Polemarchus, nhưng tôi thì không hiểu. Rõ ràng, ông không có ý nói những gì chúng ta vừa nói một chút trước đây  – cụ thể là, trả lại một ai đó bất cứ gì người ấy đã cho bạn vay, ngay cả nếu ông ta thì mất trí khi ông đòi nó. Và ấy thế nhưng những gì ông ta đã cho bạn vay chắc chắn là một gì đó nợ với ông ta, phải không?
[332a]
POLEMARCHUS: Vâng.
SOCRATES: Nhưng khi ông ta bị mất trí, đó là, không trong bất cứ trường hợp nào, đem đưa lại cho ông ta?
POLEMARCHUS: Đúng.
SOCRATES: Vậy sau đó, dường như Simonides phải có ý một gì khác khi ông nói rằng để trả lại những gì thì có-nợ – là công chính.
POLEMARCHUS: Một gì khác, thực vậy, có Zeus chứng giám! Ôngmuốn nói là những bạn bè nợ một gì đó tốt với những bạn bè của họ, không bao giờ một gì đó xấu.
SOCRATES: Tôi hiểu. Bạn muốn nói một người nào đó không đưa cho một người cho vay những gì ông ta có nợ, bằng cách cho người kia tiền vàng, nếu khi cho và nhận sẽ là có hại, và cả ông ta lẫn người cho vay đều là những người bạn. Không phải đó là những gì bạn nói  là ý Simonides muốn nói?
POLEMARCHUS: Đó chắc chắn là thế.
SOCRATES: Bây giờ thế còn điều này? Có phải một người cũng nên trả lại những kẻ thù của người ấy tất cả gì thì có nợ với họ?
POLEMARCHUS: Có, bằng mọi cách. Những gì trong thực tế đã nợ với họ. Và những gì một kẻ thù nợ một kẻ thù, theo quan điểm của tôi, thì cũng chính xác là những gì là thích hợp – một gì đó xấu.
SOCRATES: Có vẻ như, sau đó, Simonides đã nói theo lối trong những câu đố – giống đúng như một nhà thơ! – khi ông nói công lý là những gì. Vì những gì ông có ý nói, có vẻ như, có phải rằng đó là công chính khi đem cho mỗi người những gì là thích đáng với người ấy, và đây là điều mà ông đã gọi trả người ấy những gì người ấy có riêng.
POLEMARCHUS: Ông nghĩ Simonides còn định nói gì khác nữa?
SOCRATES: Sau đó thì sao, nhân danh Zeus, bạn có nghĩ rằng ông sẽ trả lời nếu có ai đó hỏi ông ta: “Simonides, những gì có riêng hay những gì thích đáng với kỹ năng [20] chúng ta gọi là y khoa đem cho, và đem cho với những sự việc gì?”
POLEMARCHUS: Rõ ràng, ông sẽ nói rằng nó cho những loại thuốc, thức ăn, và thức uống cho những cơ thể.
SOCRATES: Và những gì có riêng hay những gì thích đáng mà kỹ năng chúng ta gọi là nấu ăn đem cho, và cho với những sự việc gì?
POLEMARCHUS: Nó đem cho những hương vị dễ chịu với thực phẩm.
SOCRATES: Tốt. Bây giờ kỹ năng, chúng ta sẽ gọi là công lý, nó đem cho – và cho ai  hay nó cho gì?
POLEMARCHUS: Nếu chúng ta theo những câu trả lời trước, Socrates, nó cho lợi ích với bạn bè và tổn hại với những kẻ thù.
SOCRATES: Vậy sau đó, có phải Simonides định nói đối xử tốt với bạn và tệ hại với thù là công lý?
POLEMARCHUS: Tôi tin như vậy.
SOCRATES: Và ai là người có khả năng nhất trong để điều trị tốt với những bạn bè đau ốm và điều trị tệ hại với kẻ thù trong những vấn đề về bệnh tật và sức khỏe?
POLEMARCHUS: Một y sĩ.
SOCRATES: Và ai là người có thể làm giống vậy tốt nhất trong một cơn bão trên biển?
POLEMARCHUS: Một thuyền trưởng [21] của con tàu.
SOCRATES: Thế còn người công chính thì sao? Trong những hành động nào và những công việc nào ông có khả năng nhất để làm lợi ích bạn bè và làm tổn hại kẻ thù?
POLEMARCHUS: Trong chiến tranh và những liên minh, tôi tưởng tượng.
SOCRATES: Được rồi. Bây giờ khi mọi người không bị bệnh, Polemarchus, một y sĩ thì vô ích với họ.
POLEMARCHUS: Đúng.
SOCRATES: Và một thuyền trưởng con tàu cũng vậy đối với ai là người không đi thuyền?
POLEMARCHUS: Phải.
SOCRATES: Thế nên, với những người không có chiến tranh, một người công chính thì vô dụng?
POLEMARCHUS: Không, tôi không hề nghĩ thế.
SOCRATES: Như vậy, công lý cũng rất hữu ích trong thời bình?
POLEMARCHUS: Vâng, nó thì hữu ích.
SOCRATES: Và kỹ năng canh nông cũng thế, không phải sao?
POLEMARCHUS: Đúng.
SOCRATES: Để cung cấp hoa màu?
POLEMARCHUS: Đúng.
SOCRATES: Và kỹ năng thợ giày cũng thế nữa, đương nhiên?
POLEMARCHUS: Đúng.
SOCRATES: Cho việc mua giày, tôi giả sử bạn sẽ nói thế?
POLEMARCHUS: Tất nhiên.
SOCRATES: Vậy nói cho tôi nghe, công lý có những hữu ích gì để dùng hay để có trong thời bình?
POLEMARCHUS: Những khế ước hợp đồng, Socrates.
SOCRATES: Và với hợp đồng, bạn có ý nói những kết hợp công ty để làm ăn buôn bán [22], hay gì đây?
POLEMARCHUS: Kết hợp công ty, Tất nhiên.
SOCRATES: Như thế, có phải một người công chính là một người hùn hạp tốt và hữu ích trong một ván cờ checkers, hay là một người chơi cờ checker chuyên môn [23]?
POLEMARCHUS: Một người chơi cờ checker chuyên môn.
SOCRATES: Và trong kỹ năng thợ nề – việc xây gạch đặt đá, có phải một người công chính là người tốt hơn và hữu ích hơn một người làm nghề xây cất?
POLEMARCHUS: Hoàn toàn không phải.
SOCRATES: Tốt, vậy sau đó, trong loại kết hợp nào, một người công chính là một người hùn hạp tốt hơn và hữu ích hơn hơn là một người xây cất, hay một người chơi đàn lyre, trong cách một người chơi đàn lyre thì tốt hơn một người công chính trong việc bấm đúng những nốt nhạc?
POLEMARCHUS: Trong vấn đề tiền bạc, tôi nghĩ.
SOCRATES: Ngoại trừ, tôi đoán, Polemarchus, trong việc dùng tiền bạc. Bạn thấy đấy, bất cứ khi nào một người cần mua hay bán một con ngựa cùng với một người khác, tôi nghĩ rằng người gây giống ngựa là người hùn hạp hữu ích hơn. Phải không?
POLEMARCHUS: Hiển nhiên.
SOCRATES: Và khi nó là một con thuyền, một người làm thuyền hay người thuyền trưởng?
POLEMARCHUS: Có vẻ như như vậy.
SOCRATES: Trong hùn hạp nào khi dùng bạc hay vàng, sau đó, một người công chính là người hùn hạp hữu ích hơn bất cứ một ai khác?
POLEMARCHUS: Khi vàng hay bạc của ông phải đem ký gửi để giữ an toàn, Socrates.
SOCRATES: Bạn có ý nói là bất cứ khi nào – khi không cần phải dùng nó, nhưng chỉ phải giữ nó?
POLEMARCHUS: Tất nhiên.
SOCRATES: Vì vậy, khi tiền bạc không đem tiêu, đó là khi công lý là hữu ích cho nó?
POLEMARCHUS: Xem có vẻ như vậy.
SOCRATES: Và khi một người cần giữ một con dao tỉa cây cho an toàn, công lý thì hữu ích trong cả hai – vừa trong những quan hệ hùn hạp vừa với cá nhân. Tuy nhiên, khi bạn cần để dùng nó, đó là kỹ năng về cắt tỉa cây nho mới là hữu ích?
POLEMARCHUS: Rõ ràng.
SOCRATES: Và có phải bạn cũng nói rằng khi một người cần giữ một lá chắn và một cây đàn lyre an toàn và không dùng chúng, công lý là một điều hữu ích, nhưng khi bạn cần phải dùng chúng, đó là kỹ thuật của người lính hay của nhạc sĩ là hữu ích?
POLEMARCHUS: Tôi sẽ phải nói thế.
SOCRATES: Và cũng thế trong tất cả những trường hợp khác nữa, công lý là vô ích khi chúng đem dùng, nhưng hữu ích khi chúng không?
POLEMARCHUS: Có vẻ như vậy.
SOCRATES: Vậy sau đó, công lý không thể là một một gì đó xuất sắc tuyệt trần, phải thế không, bạn của tôi, nếu nó chỉ hữu ích cho những sự vật việc vô dụng. Nhưng chúng ta hãy xem xét điểm sau đây. Không phải một người là người thông minh nhất đánh một cú là trúng đích ngay, cho dù trong đánh bốc, hay bất kỳ loại đấu võ nào khác, cũng là người thông minh nhất trong việc bảo vệ lại nó, hay sao?
POLEMARCHUS: Tất nhiên.
SOCRATES: Và không phải hay sao – người là người thông minh nhất bảo vệ chống lại bệnh tật cũng là người thông minh nhất tạo ra nó vô tình, không để ý?
POLEMARCHUS: Đó là quan điểm của tôi, dù sao đi nữa.
[334a]
SOCRATES: Và không phải hay sao – người một giám hộ tốt của một đạo quân địch là người có thể lấy cắp những kế hoạch và phân bối của kẻ địch?
POLEMARCHUS: Tất nhiên.
SOCRATES: Vì vậy, bất cứ khi nào một ai đó là một người bảo vệ thông minh của một gì đó, ông thì cũng thông minh trong chuyện đánh cắp nó.
POLEMARCHUS: Nó có vẻ như vậy.
SOCRATES: Vì vậy, nếu một người công chính thì thông minh trong việc bảo vệ tiền, ông cũng phải là thông minh trong chuyện đánh cắp nó.
POLEMARCHUS: Theo như lập luận cho thấy, ít nhất.
SOCRATES: Có vẻ như, sau đó, rằng một người công chính đã quay sang thành một thứ kẻ trộm. Bạn có lẽ đã nhận ý tưởng đó từ Homer. Vì ông yêu Autolycus, ông ngoại của Odysseus, người mà ông mô tả là tốt hơn so với tất cả người nào về trộm cắp, và về thề thốt những lời thề gian [24]. Theo như bạn, Homer, và Simonides, sau đó, công lý dường như là một loại nào đó của tài khéo ăn cắp – một loại làm lợi bạn bè và gây hại cho kẻ thù. Không phải đó là những gì bạn muốn nói?
POLEMARCHUS: Không, có Zeus chứng giám, không phải. Nhưng tôi không còn hiểu những gì tôi muốn nói nữa. Tôi vẫn tin điều này, tuy nhiên, rằng làm lợi ích cho bạn bè và làm tổn hại những kẻ thù là công lý.
SOCRATES: Nói về bạn bè, có phải bạn có ý là những người đó mà một người tin là tốt và hữu ích, hay những người đó là người thực sự đều là tốt và hữu ích, ngay cả nếu người ấy không tin rằng họ là, và tương tự như thế với những kẻ thù?
POLEMARCHUS: Có thể, một người yêu những ai một người xem là tốt và hữu ích và ghét những ai một người xem là xấu.
SOCRATES: Nhưng không phải là người ta phạm sai lầm về điều này, vì vậy rất nhiều những người xem dường như với họ là tốt và hữu ích nhưng không phải là thế, và ngược lại?
POLEMARCHUS: Họ có sai lầm.
SOCRATES: Vì vậy, đối với họ, những người tốt là kẻ thù và những người xấu là bạn bè?
POLEMARCHUS: Tất nhiên.
SOCRATES: Cũng hệt như thế, sau đó là công chính với họ là mang lại lợi ích cho những người xấu và gây tổn hại cho những người tốt?
POLEMARCHUS: Rõ ràng thế.
SOCRATES: Tuy nhiên, những người tốt là công chính và không phải là loại để làm điều bất công.
POLEMARCHUS: Đúng.
SOCRATES: Theo giải thích của bạn, sau đó, là công chính để làm những điều xấu với những người là người không làm điều bất công.
POLEMARCHUS: Hoàn toàn không phải Socrates. Đó là giải thích của tôi khiến xem dường là xấu.
SOCRATES: Vậy sau đó, có phải là công chính là làm hại những người không công chính và làm lợi ích cho những người công chính?
POLEMARCHUS: Thế đó có vẻ tốt hơn quan điểm kia.
SOCRATES: Sau đó, nó dẫn đến sau, Polemarchus, rằng nó là công chính cho nhiều người – những người là người lầm lẫn trong phán đoán của họ – gây tổn hại cho bạn bè của họ, vì chúng xấu với họ, và làm lợi ích kẻ thù của họ, vì chúng là tốt. Và vì vậy chúng ta sẽ tìm thấy chính chúng ta tuyên bố rất trái ngược đúng với những gì chúng ta đã nói Simonides muốn nói.
POLEMARCHUS: Đúng, điều đó chắc chắn dẫn đến. Nhưng chúng ta hãy cùng thay đổi định nghĩa của chúng ta. Vì có vẻ như chúng ta đã không định nghĩa bạn bè và kẻ thù một cách chính xác.
SOCRATES: Chúng ta định nghĩa chúng như thế nào, Polemarchus?
POLEMARCHUS: Chúng ta nói rằng, một người bạn là một ai đó người ấy tin được là tốt.
SOCRATES: Và ta thay đổi điều đó thế nào bây giờ?
POLEMARCHUS: Một người nào đó là cả hai – vửa tin được là tốt vừa là tốt – là một người bạn; một người – tin là tốt, nhưng không phải là tốt – được cho là một người bạn nhưng không phải là bạn. Và cũng như thế với những kẻ thù.
SOCRATES: Theo như giải thích đó, vậy sau đó, một người tốt sẽ là một người bạn, và một người xấu một kẻ thù.
POLEMARCHUS: Đúng.
SOCRATES: Như thế bạn muốn chúng ta thêm một một gì đó vào những gì chúng ta đã nói trước đây về con người công chính. Sau đó, chúng ta đã nói rằng nó là công chính để đối xử tốt với bạn và tồi tệ với thù. Bây giờ bạn muốn chúng ta thêm vào thế này: đối xử tốt với bạn, với điều kiện ông ta tốt, và gây hại với thù, với điều kiện ông ta xấu?
POLEMARCHUS: Vâng, thế là nói khéo lắm, theo tôi
SOCRATES: Một người công chính có nên thực sự làm hại bất cứ một ai, dẫu thế nào?
POLEMARCHUS: Tất nhiên. Ông nên làm hại những người vừa là xấu và là những kẻ thù.
SOCRATES: Khi những con ngựa bị làm hại, có phải chúng trở nên tốt hơn hay tồi tệ hơn?
POLEMARCHUS: Tệ hơn.
SOCRATES: Về liên quan với đức hạnh [25] vốn làm những con chó tốt, hay về một (đức hạnh) vốn làm những con ngựa tốt?
POLEMARCHUS: Với liên quan về đức hạnh vốn làm cho những con ngựa tốt.
SOCRATES: Và khi con chó bị hại, chúng trở nên tồi tệ hơn với liên quan về mặt đức hạnh vốn làm những con chó, không phải những con ngựa, tốt?
POLEMARCHUS: Nhất thiết.
SOCRATES: Và thế còn về những con người thì sao, bạn đồng chí ơi, có phải chúng ta không nên nói rằng, khi họ bị làm hại, họ trở nên tồi tệ hơn về phần liên quan với đức hạnh con người?
POLEMARCHUS: Tất nhiên.
SOCRATES: Thế nhưng, không phải công lý là đức hạnh của con người hay sao?
POLEMARCHUS: Vâng, cũng thế, nhất thiết phải là như vậy.
SOCRATES: Vậy thì, Polemarchus thân mến của tôi, những người là người đã từng bị làm hại đều bị buộc để trở thành bất công hơn.
POLEMARCHUS: Có vẻ như thế.
SOCRATES: Bây giờ, có thể nào những nhạc sĩ dùng âm nhạc để làm cho người ta lãnh đạm với âm nhạc?
POLEMARCHUS: Không, họ không thể.
SOCRATES: Hay người chuyên nuôi dạy ngựa có thể dùng thuật cưỡi ngựa để làm cho người ta cỡi ngựa như người không biết cỡi ngựa?
POLEMARCHUS: Không.
SOCRATES: Vâng, sau đó, có thể nào người công chính dùng công lý để làm cho mọi người thành bất công hay không? Nói cho ngắn gọn, có thể nào người tốt dùng đạo đức hay sự tốt lành của họ để làm cho người ta thành xấu?
POLEMARCHUS: Không, họ không thể.
SOCRATES: Vì không phải là chức năng của nhiệt để giảm nhiệt độ, để làm cho những sự vật thành mát mẻ, tôi tưởng tượng, nhưng ngược lại.
POLEMARCHUS: Đúng.
SOCRATES: Cũng không phải chức năng của khô ráo để làm cho những sự vật thành ướt, nhưng là điều ngược lại của nó.
POLEMARCHUS: Tất nhiên.
SOCRATES: Vì vậy, chức năng của một người tốt không phải là để gây tổn hại, nhưng điều ngược lại của nó.
POLEMARCHUS: Rõ ràng.
SOCRATES: Và một người công chính là một người tốt?
POLEMARCHUS: Tất nhiên.
SOCRATES: Vì vậy, nó không phải là chức năng của một người công chính để gây tổn hại cho một người bạn hay cho bất cứ ai khác, Polemarchus, nhưng chỉ trừ (con người) đối ngược của ông ta, một người không công chính.
POLEMARCHUS: Tôi nghĩ rằng ông hoàn toàn đúng, Socrates.
SOCRATES: Vì vậy, nếu một người nào đó bảo chúng ta – là công chính là để trả lại những gì ông đã nợ, – và hiểu điều này rằng – một người công chính nên làm hại kẻ thù của mình và làm ích lợi bạn bè của mình, – người nói nó không phải là khôn ngoan. Tôi muốn nói là, những gì ông nói là không đúng sự thật. Vì đã trở nên rõ ràng với chúng ta rằng – không bao giờ là công chính mà làm hại bất cứ ai.
POLEMARCHUS: Tôi đồng ý.
SOCRATES: Bạn và tôi sẽ chiến đấu như những người hùn hạp, những đồng đội, sau đó, chống lại bất cứ ai nói với chúng ta – rằng Simonides, Bias, Pittacus [26], hay bất kỳ một ai khác – trong số những người khôn ngoan và đầy may mắn sung sướng của chúng ta – nếu nói điều này.
POLEMARCHUS: Phần tôi, tôi sẵn sàng là đồng đội của ông trong trận chiến.
SOCRATES: Bạn có biết ai là người có câu nói, tôi nghĩ rằng nó là, rằng điều là công chính là làm lợi ích cho những bạn bè và gây hại cho những kẻ thù?
POLEMARCHUS: Của ai?
SOCRATES: Tôi nghĩ rằng đó là một câu nói của Periander, hay Perdiccas, hay Xerxes, hay Ismenias người thành Thebes [27], hay một vài những người giàu có khác, những người nghĩ rằng ông ta có quyền lực lớn lao
POLEMARCHUS: Đó là hoàn toàn đúng.
SOCRATES: Cũng được. Vì nó đã trở thành rõ ràng, sau đó, rằng không công lý cũng chẳng phải công chính bao gồm trong sự làm lợi ích những bạn bè và làm tổn hại những kẻ thù, người ta nên nói nó là gì khác đây?

Bây giờ, trong khi chúng tôi đương nói, Thrasymachus đã cố gắng nhiều lần để dành lấy thảo luận nhưng những người ngồi gần ông đã kìm ông lại, những người muốn nghe lập luận của chúng tôi cho đến kết thúc. Khi chúng tôi tạm dừng sau khi những gì tôi vừa nói, tuy nhiên, ông không thể giữ im lặng lâu hơn được nữa: thu mình lấy đà như một con thú hoang sửa soạn vùng lên, ông đã tự lao về chúng tôi như thể định xé chúng tôi ra từng mảnh. Polemarchus và tôi đã sợ hãi và bối rối khi ông gầm vào giữa đám chúng tôi:

Những gì hai ông đã nói trong xuốt thời gian này là vô nghĩa biết chừng nào, Socrates! Tại sao ông lại hành động như người ngây thơ, nhường lối cho nhau? Nếu ông thực sự muốn biết công lý là gì, đừng chỉ hỏi những câu hỏi và sau đó nuông chiều lòng yêu danh dự của ông bằng cách bác bỏ những trả lời. Ông biết rất rõ là đặt câu hỏi dễ dàng hơn trả lời chúng. Hãy tự ông cho một trả lời của chính mình và bảo cho chúng tôi biết ông nói công lý là gì. Và đừng có cho tôi biết đó là quyền lợi, hưởng lợi, sinh lời tăng lãi, thêm của cải, hay sự ưu thắng, nhưng nói cho tôi biết rõ ràng và chính xác những gì ông muốn nói. Bởi tôi sẽ không chấp nhận thứ vô nghĩa như vậy từ ông.

Những lời ông nói làm tôi giật nảy mình và nhìn ông, tôi sợ. Và tôi nghĩ nếu tôi đã không nhìn thấy ông trước khi ông nhìn tôi, tôi sẽ bị chết điếng người [28]. Tuy nhiên, như nó đã xảy ra, tôi ngẫu nhiên nhìn ông cũng vừa khi ông đã giận điên lên vì luận chứng của chúng tôi, vì vậy tôi đã có thể trả lời; và hơi run một chút, tôi nói:

Xin đừng quá gắt gao với chúng tôi, Thrasymachus. Nếu Polemarchus và tôi đã phạm một sai lầm nào trong xem xét của chúng tôi về những luận giải, ông có thể chắc chắn rằng chúng tôi đã làm như vậy không chủ ý. Nếu như chúng tôi đương tìm vàng, chúng tôi sẽ không bao giờ tự nguyện nhường lối cho nhau, vì nếu làm như vậy, chúng tôi sẽ phá hủy may mắn của chúng tôi để tìm thấy nó. Vì vậy, xin đừng nghĩ rằng trong việc tìm kiếm về công lý, là một điều cao quí hơn cả một số lượng lớn vàng, chúng tôi lại điên rồ nhường lối lẫn nhau, hay ít nhất là không hoàn toàn nghiêm trang về việc tìm kiếm nó. Ông chắc chắn phải đừng nghĩ thế, ông bạn của tôi, nhưng đúng hơn – giống như tôi – là chúng ta không có khả năng tìm thấy nó. Do đó nó chắc chắn là hết sức thích đáng với chúng tôi là được ông, người thông minh, thương hại hơn là đối xử mạnh bạo.

Khi nghe nói thế, ông bật lên một tiếng cười mỉa mai lớn:

Có Heracles chứng! Đó là mỉa mai [29] thông thường của Socrates cho các ông! Tôi biết điều này sẽ xảy ra. Thậm chí trước đó tôi còn nói với những người khác rằng ông sẽ không muốn trả lời, rằng ông sẽ mỉa mai và sẽ làm bất cứ gì hơn là đưa ra một trả lời, nếu một người nào đó hỏi ông.

(Hỏi đáp của Thrasymachus)

SOCRATES: Đó là vì ông là một người khôn ngoan, Thrasymachus. Ông biết rất rõ nếu ông hỏi một người nào đó ‘mười hai là bao nhiêu’, và khi đặt câu hỏi ông bảo trước người ấy, “Đừng có nói với tôi, này người, rằng mười hai là hai lần sáu, hay ba lần bốn, hay sáu lần hai, hay bốn lần ba; vì tôi sẽ không chấp nhận điều vô nghĩa giống vậy từ bạn” – đó là hiển nhiên với ông, tôi tưởng tượng, rằng không có ai có thể trả lời một người hỏi theo cách đó. Nhưng giả sử người ấy nói với ông: “Ông định nói gì, Thrasymachus; có phải tôi không đưa ra bất kỳ trả lời nào ông vừa nhắc, ngay cả nếu mười hai xảy ra là một trong những điều đó? Ông thật là lạ lùng. Có phải ông muốn tôi nói một gì đó khác hơn sự thật? Hay ông có ý một gì đó khác?” Trả lời của ông với người ấy là gì?
THRASYMACHUS: Tốt, thế ông tin hai trường hợp thì giống như nhau?
SOCRATES: Tại sao tôi lại không? Nhưng ngay cả nếu chúng không giống nhau, lại còn có vẻ như vậy với người ông hỏi, ông có nghĩ có bớt đi xác xuất xảy ra nào để người ấy đem cho trả lời vốn xem dường đúng với người ấy, bất kể dù chúng ta cấm người ấy làm như vậy hay không?
THRASYMACHUS: Có phải đó là những gì ông sẽ làm, đem cho một trong những trả lời bị cấm?
SOCRATES: Tôi sẽ không lấy làm ngạc nhiên – miễn nó là một trả lời xem dường là đúng với tôi sau khi tôi đã tra xét vấn đề.
THRASYMACHUS: Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi chỉ cho ông một trả lời về công lý, một trả lời khác với tất cả những trả lời này, và hay hơn bất kỳ một nào trong số chúng? Khi đó, hình phạt nào sẽ xứng với ông đây?
SOCRATES: Chính là hình phạt thích đáng nhất với một ai là kẻ không biết – chứ còn gì khác? Và gì là thích đáng – là học hỏi từ một ai là người thực có hiểu biết. Đó, thành thử, là những gì tôi xứng phải chịu.
THRASYMACHUS: Ông thật là một gã dễ tính làm sao! Nhưng thêm với việc học hỏi, ông phải trả tiền.
SOCRATES: Tôi sẽ trả, nếu tôi từng có đồng nào.
GLAUCON: Ông ấy đã có tiền rồi. Nếu nó là một vấn đề tiền bạc, hãy nói đi, Thrasymachus. Chúng tôi tất cả sẽ đóng góp cho Socrates.
THRASYMACHUS: Ồ đúng đấy, chắc là thế rồi, do đó Socrates có thể cứ tiếp tục như thường lệ: tự ông không cho câu trả lời nào, và nếu một người nào khác đem cho, ông nhặt lên giải thích của người ta và bác bỏ nó.
SOCRATES: Làm thế nào một ai đó có thể đưa ra một trả lời, con người xuất sắc của tôi, trong khi trước hết, ông ta không biết và không tuyên bố rằng biết, và sau đó, ngay cả khi ông ta có một vài ý kiến ​​về vấn đề, thì bị một người không phải tầm thường cấm không được trình bày bất kỳ những gì trong những điều ông ta suy nghĩ? Không, để ông trả lời là điều thích hợp hơn, bởi ông nói ông có biết và có thể cho chúng tôi biết. Xin đừng cố chấp. Đem trả lời của ông cho tôi như một đặc ân, và đừng tiếc giảng dạy của ông với Glaucon và những người khác.

Trong khi tôi nói điều này, Glaucon và những người khác năn nỉ ông hãy làm như tôi đã hỏi. Thrasymachus rõ ràng muốn nói ngõ hầu dành được một danh tiếng tốt, vì ông nghĩ ông đã có một câu trả lời rất hay. Tuy nhiên, ông đã giả vờ muốn dành một chiến thắng với tổn thất cho tôi bằng cách để tôi làm chuyện trả lời. Tuy nhiên, cuối cùng ông đã đồng ý, và sau đó nói: 

Đó là sự khôn ngoan của Socrates dành cho các ông: bản thân ông không muốn dạy, nhưng đi quanh học hỏi từ những người khác và ngay cả còn không biết ơn họ.
SOCRATES: Khi ông nói rằng tôi học hỏi từ những người khác, ông đúng, Thrasymachus, nhưng khi ông nói tôi không cảm ơn, ông sai. Tôi đáp trả nhiều đến như tôi có thể. Nhưng tôi chỉ có thể đem cho lời khen ngợi, vì tôi không có tiền. Và như tôi khen ngợi nhiệt tình đúng đến mức nào, ông sẽ biết ngay sau khi ông trả lời xong, vì tôi nghĩ ông nói sẽ hay.

[338c]
THRASYMACHUS: Vậy hãy nghe đây. Tôi nói công bằng là không gì khác hơn ngoài những gì có lợi thế cho người mạnh hơn. Tốt, sao ông không khen tôi đi? Không, ông không sẵn lòng?
SOCRATES: Trước tiên, tôi phải hiểu ông nói có nghĩa gì. Vì, cứ như hiện trạng sự việc, tôi không hiểu. Những gì thì có lợi thế cho kẻ mạnh hơn, ông nói, là công lý. Ông nói thế có nghĩa lạ lùng gì đây, Thrasymachus? Chắc chắn ông không có nghĩa là một gì đó như thế này: Polydamas, lực sĩ đô vật và đánh bốc [30], thì mạnh hơn chúng ta. Thịt bò thì có lợi thế cho thân thể của ông ta. Vì vậy, thực phẩm này cũng vừa có lợi thế và công chính cho chúng ta, những người yếu hơn ông ta?
THRASYMACHUS: Ông làm tôi chán ngấy, Socrates. Ông diễn dịch giải thích của tôi theo lối làm nó xấu xa nhất.
SOCRATES: Hoàn toàn không phải thế đâu, con người rất tốt của tôi, tôi chỉ muốn ông làm ý nghĩa của ông rõ ràng hơn.
THRASYMACHUS: Vậy ông không biết sao, rằng có một số thành phố được cai trị bởi một chế độ độc tài, một số bởi một chế độ dân chủ, và một số bởi một tầng lớp quý tộc?
SOCRATES: Tất nhiên là tôi biết.
THRASYMACHUS: Và rằng những ai là mạnh mẽ hơn trong mỗi thành phố là thành phần cai trị?
SOCRATES: Chắc chắn.
THRASYMACHUS: Mỗi loại cai trị làm những pháp luật có lợi thế cho chính nó: dân chủ làm những pháp luật dân chủ, độc tài làm những pháp luật chuyên chế, và tiếp tục như thế với những chế độ khác. Và bằng cách lập pháp như vậy, mỗi chế độ cai trị tuyên bố về những gì là công lý cho những đối tượng của nó là những gì có lợi thế cho chính nó – người cai trị – và nó trừng phạt bất cứ ai sai lệch khỏi điều này như là vô pháp luật và là không công chính. Socrates, đó là những gì tôi nói là công lý, tương tự giống nhau trong tất cả những thành phố: những gì là có lợi thế cho nền cai trị đã được thiết lập. Vì nền cai trị đã được thiết lập thì chắc chắn là mạnh mẽ hơn cả, bất cứ ai là người làm tính toán hợp lý cho chính xác sẽ kết luận rằng khắp mọi nơi công lý là giống cũng như nhau – là những gì có lợi thế cho kẻ mạnh mẽ hơn.
SOCRATES: Bây giờ tôi thấy ông nói có nghĩa gì. Không biết nó là sự thật hay không, tôi sẽ cố gắng để tìm cho ra. Nhưng ông đã tự trả lời rằng những gì công chính là những gì có lợi thế, Thrasymachus, trong khi ông đã ngăn cấm tôi để trả lời. Đúng vậy, ông đã thêm vào nó – cho kẻ mạnh hơn.
THRASYMACHUS: Và tôi giả sử ông nghĩ đó là một sự thêm vào không có ý nghĩa đáng kể.
SOCRATES: Điều đó có ý nghĩa đáng kể hay không thì vẫn còn chưa rõ. Điều rõ ràng là chúng ta phải điều tra xem không biết nó là sự thật hay không. Tôi đồng ý rằng những gì là công chính là một gì đó có lợi thế. Nhưng ông thêm cho kẻ mạnh hơn. Tôi không biết về điều đó. Chúng ta sẽ phải xem xét nó.
THRASYMACHUS: Cứ xem xét đi.
SOCRATES: Đó chỉ là những gì tôi sẽ làm. Hãy nói cho tôi nghe, sau đó, ông cũng tuyên bố, có phải không, rằng tuân theo những người cai trị là công chính?
THRASYMACHUS: Tôi có nói.
SOCRATES: Và có phải những nhà cai trị trong mỗi thành phố không thể sai lầm, hay là họ thuộc đối tượng có sai lầm?
THRASYMACHUS: Không nghi ngờ gì, họ thuộc đối tượng có sai lầm.
SOCRATES: Vì vậy, khi họ cố gắng làm những luật lệ, họ làm một số đúng, một số khác khôn không đúng?
THRASYMACHUS: Tôi giả định thế.
SOCRATES: Và một điều luật là đúng ý nếu nó quy định những gì là có lợi thế cho chính những người cai trị, và không đúng nếu nó quy định những gì là bất lợi cho họ? Đó có phải là ý nghĩa những gì ông nói nói?
THRASYMACHUS: Là thế.
SOCRATES: Và pháp luật dù thế nào đi nữa mà những nhà cai trị làm, những người họ cai trị – những đối tượng – phải tuân theo, và đó là công chính là gì?
THRASYMACHUS: Tất nhiên.
SOCRATES: Theo giải thích của ông, sau đó, vậy nó không phải chỉ là công chính để làm những gì có lợi thế cho kẻ mạnh hơn, nhưng cũng là những gì ngược lại: những gì không làm lợi thế
THRASYMACHUS: Ông đang nói gì vậy?
SOCRATES: Cũng cùng như ông, tôi nghĩ. Nhưng chúng ta hãy xem xét nó chặt chẽ hơn. Không phải là chúng ta đã đồng ý rằng những nhà cai trị đôi khi mắc vào sai lầm về phần những gì là tốt nhất cho chính mình khi họ ra những mệnh lệnh cho những người họ cai trị, và rằng nó là công chính khi những những người dưới quyền họ cai trị làm bất cứ gì mà những nhà cai trị của họ xuống lệnh? Không phải đã đồng ý thế?
THRASYMACHUS: Tôi giả định là như vậy.
SOCRATES: Ông cũng sẽ phải giả định, sau đó, rằng ông đã đồng ý rằng nó là công chính để làm những gì là bất lợi cho những nhà cai trị và những ai là những người mạnh mẽ hơn, bất cứ khi nào họ vô ý xuống lệnh những gì là xấu cho chính họ. Nhưng ông cũng nói, rằng nó là công chính cho những người khác để tuân theo những mệnh lệnh những nhà cai trị đã ban. Ông rất khôn ngoan, Thrasymachus, nhưng không phải là tất yếu dẫn đến rằng nó là công chính để làm ngược lại những gì ông nói, vì kẻ yếu hơn sau đó bị ra lệnh phải làm những gì là bất lợi cho kẻ mạnh mẽ hơn?
POLEMARCHUS: Có Zeus chứng giám, Socrates, điều đó là hoàn toàn rõ ràng.

Và Clitophon đã chen vào, gián đoạn:

Tất nhiên nó là, nếu ông là nhân chứng của ông ta, dẫu sao đi nữa

POLEMARCHUS: Ai cần một nhân chứng? Chính Thrasymachus đồng ý rằng những nhà cai trị đôi khi ban hành những mệnh lệnh vốn xấu cho họ, và rằng đó là công chính để những người khác tuân theo chúng.
CLITOPHON: Có điều ấy, Polemarchus, vì Thrasymachus chủ trương rằng đó là công chính để tuân theo những mệnh lệnh của những người cai trị.
POLEMARCHUS: Đúng, Clitophon, và ông ta cũng đã chủ trương rằng những gì có lợi thế cho kẻ mạnh hơn là công chính. Và sau khi đã duy trì cả hai nguyên tắc, ông đã tiếp tục để đồng ý rằng kẻ mạnh hơn đôi khi ra lệnh cho kẻ yếu hơn, những người là đối tượng cai trị của họ, để làm những điều bất lợi cho chính họ những kẻ mạnh hơn. Từ những đồng ý này đưa đến rằng những gì là có lợi thế cho kẻ mạnh hơn thì không công chính hơn những gì thì là có lợi thế.
CLITOPHON: Nhưng những gì ông đã có ý khi nói – những gì là có lợi thế cho kẻ mạnh – là những gì kẻ mạnh tin là có lợi cho người ấy. Đó là những gì người ấy đã chủ trương kẻ yếu phải làm, và đó là những gì người ấy đã chủ trương là những gì là công chính.
POLEMARCHUS: Nhưng nó không phải là những gì ông đã nói.
SOCRATES: Điều đó không làm nên khác biệt nào, Polemarchus. Nếu bây giờ, Thrasymachus muốn phát biểu nó theo cách đó, chúng ta hãy cùng chấp nhận nó. Nhưng nói cho tôi biết Thrasymachus, có phải đó là những gì ông đã định nói, rằng những gì là công chính là những gì người mạnh hơn tin có lợi thế cho cho anh ta, cho dù đó là trong thực tế, có hay không có lợi thế cho anh ta, hay không? Có phải đó là những gì chúng tôi sẽ nói ông muốn nói thế?
THRASYMACHUS: Không phải tất cả như thế. Ông có nghĩ rằng tôi sẽ gọi một người nào đó – là người phạm sai lầm – là người mạnh hơn ngay tại lúc ông ta sai lầm?
SOCRATES: Tôi đã nghĩ rằng ông có nghĩa thế, khi ông đồng ý rằng những nhà cai trị không phải là không thể sai lầm, nhưng đôi khi làm những sai lầm.
THRASYMACHUS: Đó là vì ông là một người đùa nghịch với chữ nghĩa trong những lập luận, Socrates.Ý tôi là, khi một người nào đó làm một sai lầm trong việc điều trị những người bệnh, ông có gọi ông ta là một y sĩ vì lý do của sự kiện là ông đã làm chính sai lầm đó? Hoặc, khi một người nào đó làm một sai lầm trong tính toán, ông có gọi ông ta là một nhà kế toán vì lý do của sự kiện là ông đã làm sai lầm chính trong sự tính toán? Tôi nghĩ chúng ta diễn tả bản thân chúng ta trong những từ, hiểu theo nghĩa đen, có nói rằng một y sĩ thì mắc sai lầm, hay một nhà kế toán, hay một nhà ngữ pháp. Nhưng  mỗi ai trong những người này, cho đến chừng mức ông ta là gì mà chúng ta gọi ông ta, không bao giờ làm những sai lầm, như thế khiến, theo như giải thích chính xác (và ông là một người rất khắt khe về giải thích chính xác), không người thợ có kỹ năng chuyên môn nào từng làm những sai lầm bao giờ. Đó là khi kiến ​​thức của anh ta đã không đủ cho anh ta; khiến anh làm sai, và vì lý do của sự kiện rằng anh làm sai, anh không còn là người thợ có kỹ năng chuyên môn. Không có thợ kỹ năng chuyên môn, người khôn ngoan, hay người cai trị làm một sai lầm tại thời điểm khi ông cai trị, mặc dù mọi người sẽ nói rằng một y sĩ, hay một nhà cai trị làm những sai lầm. Đó là theo cách lỏng lẻo này mà ông cũng phải nhận câu trả lời bây giờ tôi vừa mới đem cho. Nhưng câu trả lời chính xác nhất là thế này: một người cai trị, trong chừng mức mà ông là một người cai trị, không bao giờ làm những sai lầm, và ban hành không sai lầm những nghị định về những gì là tốt nhất cho chính ông ta, và đó là những gì những người là đối tượng cai trị của ông phải làm. Vì vậy, như tôi đã nói từ đầu tiên, công chính là làm những gì có lợi thế cho kẻ mạnh hơn.
SOCRATES: Tốt, Thrasymachus, vậy ông nghĩ rằng tôi đùa với chữ nghĩa, phải không?
THRASYMACHUS: Phải, tôi nghĩ thế.
SOCRATES: Và ông nghĩ rằng tôi đã hỏi những câu hỏi trong một cố gắng có tính toán trước để làm ông xấu  tệ  trong biện luận?
THRASYMACHUS: Tôi chắc chắn về điều đó. Nhưng nó sẽ không giúp gì ông đâu. Ông sẽ không bao giờ có thể làm tôi tệ hại bằng những phương tiện ngấm ngầm, và không có chúng, ông sẽ không bao giờ có khả năng để chế ngự được tôi bằng biện luận.
SOCRATES: Phước cho ông, Thrasymachus, tôi sẽ không làm như thế đâu, ngay cả để chỉ thử thôi! Tuy nhiên, để phòng xa kiểu lẫn lộn này đừng xảy ra nữa với chúng ta, xin ông vui lòng định nghĩa – không biết ông định nghĩa người cai trị và người mạnh mẽ hơn theo nghĩa thông thường, hay là trong những gì ông vừa mới đây gọi là ý nghĩa chính xác, khi ông nói rằng công chính cho những kẻ yếu hơn là để làm những gì đem lại  lợi thế cho ông ta, vì ông ta là kẻ mạnh hơn?
THRASYMACHUS: Tôi muốn nói là người cai trị theo nghĩa chính xác nhất. Bây giờ làm cái trò quỉ quái đó đi, nếu ông có thể, và thực hành trò chơi chữ nghĩa của ông với nó – tôi không xin ơn huệ nào. Nhưng ông sẽ thấy ông không thể làm được gì đâu.
SOCRATES: Ông có nghĩ rằng tôi đủ điên để cố gắng cạo râu một con sư tử [31] và chơi trò chữ nghĩa với Thrasymachus?
THRASYMACHUS: Vâng, chắc chắn vừa mới đây ông đã cố gắng, mặc dù ông cũng đã là người chẳng làm nên trò trống gì trong chuyện đó!
SOCRATES: Thế đó là đủ rồi! Hãy nói tôi nghe – có phải một y sĩ – trong ý nghĩa chính xác, cái nghĩa ông đã đề cập trước đó – một kẻ làm tiền hay một người nào đó là người điều trị những người bệnh? Cho tôi biết về một người nào đó là người thực sự là một y sĩ.
THRASYMACHUS: Một người nào đó là người điều trị những người bệnh.
SOCRATES: Thế còn về thuyền trưởng của một con tàu thì sao? Có phải thuyền trưởng thực là một người cai quản những thủy thủ, hay một thủy thủ?
THRASYMACHUS: Một người cai quản những thủy thủ.
SOCRATES: Nói cách khác, chúng ta không nên nhận bất kỳ mô tả nào của sự kiện rằng ông ta đi trên thuyền, và không nên gọi ông là một thủy thủ vì lý do đó. Vì không phải là ông đi trên thuyền mà ông được gọi là một thuyền trưởng của con thuyền, nhưng vì kỹ năng chuyên môn ông thực hành và sự cai quản những thủy thủ của ông?
THRASYMACHUS: Đúng.
SOCRATES: Và có phải có một gì đó là có lợi thế cho mỗi những người này [32]?
THRASYMACHUS: Chắc chắn.
SOCRATES: Và không phải hay sao – nó cũng là trường hợp mà mục đích tự nhiên của kỹ năng chuyên môn là xem xét và cung cấp những gì là có lợi thế cho mỗi một?
THRASYMACHUS: Vâng, đó là mục tiêu của nó.
SOCRATES: Và có hay không bất cứ gì có lợi thế cho mỗi của chính  những kỹ năng chuyên môn bên cạnh tư cách là toàn hảo nhất đến có thể toàn hảo được?
THRASYMACHUS: Ông nói có nghĩa gì?
SOCRATES: Nó là giống thế này: Giả sử ông đã hỏi tôi – không biết có là hài lòng cho một cơ thể là một cơ thể hay không, hay không biết nó cần một gì khác hay không. Tôi sẽ trả lời, “Tất nhiên nó cần một một gì đó. Trong thực tế, đó là lý do kỹ năng chuyên môn y khoa đã được khám phá – vì một thể xác thì khiếm khuyết và nó thì không hài lòng cho nó giống như thế đó. Để cung cấp những gì là có lợi thế, đó là những gì cho việc đó mà kỹ năng chuyên môn đã được phát triển”. Ông có nghĩ rằng khi nói điều này tôi nói một cách chính xác  hay không?
THRASYMACHUS: Một cách  chính xác.
SOCRATES: Còn về bản thân y khoa thì sao? Nó có khiếm khuyết không? Có phải một kỹ năng chuyên môn cần thêm nữa một vài đức hạnh, tựa những con mắt đều cần thị giác và những tai cần thính giác, như thế khiến những kỹ năng chuyên môn khác thì cần có, để xem xét và cung cấp những gì có lợi thế cho chúng? [33] Có phải mỗi kỹ năng chuyên môn tự nó có một vài khiếm khuyết tương tự, như thế khiến mỗi kỹ năng cần một kỹ năng khác để cân nhắc xem những gì là có lợi thế cho nó? Và có phải một kỹ năng chuyên môn làm chuyện xem xét đó lại vẫn còn cần một kỹ năng khác nữa, và cứ tiếp tục như thế không dứt? Hay mỗi kỹ năng tự xem xét những gì là có lợ thế cho nó? Liệu có phải nó chẳng cần chính nó mà cũng không cần một kỹ năng khác để xem xét – vì sự khiếm khuyết riêng nó – rằng những gì là ưu thế thuận lợi cho nó? Thật vậy, có phải không có khiếm khuyết hay lầm lẫn trong bất kỳ một kỹ năng chuyên môn nào nữa hay không? Và có phải là không thích đáng cho bất kỳ một kỹ năng nào để xem xét những gì là có lợi thế cho bất cứ gì khác nằm ngoài những gì vốn nó đối phó với? Và vì nó tự thân là chính xác, có phải nó không có sai lầm hay nhiễm nhơ bẩn miễn là chừng nào nó là một kỹ năng chuyên môn hoàn toàn và chính xác như nó là? Xem xét điều này với độ chính xác đó của ngôn ngữ mà ông đã đề cập. Có như vậy hay không?
THRASYMACHUS: Nó xem ra là như vậy.
SOCRATES: Vậy không phải hay sao – nó dẫn đến rằng kỹ năng y khoa không xem xét những gì là thuận lợi cho y khoa, nhưng cho thể xác?
THRASYMACHUS: Đúng.
SOCRATES: Và có phải kỹ năng nuôi ngựa giống không xem xét những gì là thuận lợi cho kỹ năng nuôi ngựa giống, nhưng cho những con ngựa? Thật vậy, không có kỹ năng nào khác xem xét những gì là có lợi thế cho chính nó – vì nó không có những nhu cầu nào xa hơn – nhưng những gì là có lợ thế cho gì mà nó đối phó hay giải quyết?
THRASYMACHUS: Rõ ràng như vậy.
SOCRATES: Bây giờ, Thrasymachus, chắc chắn nhiều những kỹ năng chuyên môn khác loại nắm quyền cai trị trên, và mạnh mẽ hơn gì đó vốn chúng đối phó với hay giải quyết?

Tại điểm này, ông cũng buông bỏ, rất miễn cưỡng.

SOCRATES: Vì vậy, không có kiến ​​thức nào xem xét hay thúc đẩy những gì là có lợi thế cho chính nó, nhưng những gì là có lợi thế cho những gì yếu hơn, vốn là đối tượng của nó.

Cuối cùng ông cũng đã đồng ý với điều này, mặc dù ông đã cố chống lại nó. Khi ông đã đồng ý, tuy nhiên, tôi nói:

Chắc chắn, có phải là – sau đó không có y sĩ, trong chừng mức mà ông là một y sĩ, xem xét hay thúc đẩy những gì là có lợi thế cho chính mình, nhưng những gì là có lợi thế cho người bệnh của mình? Vì chúng ta đồng ý rằng một y sĩ, trong ý nghĩa chính xác, là một người cai trị những thể xác, không phải là một kẻ làm tiền. Không phải đó là những gì chúng ta đã đồng ý?
THRASYMACHUS: Đúng.
SOCRATES: Vì vậy, một thuyền trưởng con tàu, trong ý nghĩa chính xác, là một người cai trị những thủy thủ, không phải là một thủy thủ?
THRASYMACHUS: Đó là những gì chúng ta đồng ý.
SOCRATES: Không phải là nó sẽ dẫn đến rằng một thuyền trưởng của một con tàu và một người cai trị sẽ không xem xét và ra lệnh thúc đẩy những gì là có lợi thế cho một thuyền trưởng, nhưng những gì là có lợi thế cho một thủy thủ và đối tượng của mình?

Ông miễn cưỡng đồng ý.

SOCRATES: Vì vậy, sau đó, Thrasymachus, không có ai ở bất kỳ vị trí nào của có quyền cai trị, cho đến chừng mức mà ông là một người cai trị, xem xét hay ra lệnh những gì là có lợi thế cho bản thân ông ta, nhưng những gì là có lợi thế cho những đối tượng của ông – đó là trên gì đó mà ông thực hành kỹ năng của mình. Nó là với đối tượng của ông, và những gì là có lợi thế và thích ứng cho nó mà ông trông nhìn, và tất cả những gì ông nói và làm, ông nói và làm cho nó.

Khi chúng tôi đạt đến điểm này trong luận chứng và nó đã rõ ràng đối với tất cả mọi người rằng giải thích của ông về công lý đã xoay thành đối ngược của nó, thay vì trả lời, Thrasymachus nói:

Cho tôi biết, Socrates, ông vẫn còn có một bà vú đấy chứ?

SOCRATES: Cái gì vậy? Không phải là ông nên đưa ra những trả lời hơn là hỏi những điều loại như thế?
THRASYMACHUS: Vì bà ấy đã để ông chạy đó chạy đây mũi dãi dòng dòng và không chùi mũi cho ông khi ông cần, vì nó là lỗi của bà ấy khiến ông không biết sự khác biệt giữa con cừu và những người chăn cừu.
SOCRATES: Đúng điều gì mà tôi không biết?
THRASYMACHUS: Ông nghĩ rằng những người chăn cừu và người chăn bò cân nhắc những gì là tốt cho bầy cừu và bò của họ, và nuôi chúng cho béo và chăm nom chúng với một vài mục đích trong đầu khác hơn những gì là tốt cho chủ nhân của chúng và của bản thân chính những người chăn. Hơn nữa, ông tin rằng những nhà cầm quyền trong thành phố – đó là những nhà cai trị thực sự, – suy nghĩ về những người họ cai trị trong một cách khác hơn với một người nghĩ về con cừu, và rằng những gì họ ngày đêm cân nhắc là một một gì đó khác hơn những gì là có lợi thế cho mình. Ông như thế quá xa với sự hiểu biết về công lý và công chính là gì, và về bất công là gì, khiến ông không nhận ra được rằng công lý thực sự là sự tốt đẹp cho người khác, những gì là có lợi thế cho người mạnh mẽ hơn và cho người cai trị, và có hại cho người là người tuân theo và phục vụ. Bất công là điều ngược lại, nó cai trị những kẻ đầu óc đơn giản – vì đó là những gì họ thực sự là – người công chính, và những người nó cai trị làm những gì là có lợi thế cho người khác, là người mạnh mẽ hơn; và họ làm những người họ phục vụ được sung sướng, nhưng họ không làm một sung sướng mảy may nào cho chính bản thân họ.
Ông phải xem xét nó như sau, Socrates, hay ông sẽ là kẻ ngây thơ nhất của tất cả: một người công chính phải luôn luôn nhận được ít hơn so với một kẻ bất công nhận được. Thứ nhất, trong những hợp đồng hùn hạp của họ với nhau, khi một người công chính là người hùn hạp với một người không công chính, khi hùn hạp chấm dứt, ông sẽ không bao giờ tìm thấy người công chính nhận được nhiều hơn người không công chính, nhưng ít hơn. Thứ hai, trong những vấn đề liên quan đến thành phố, khi phải nộp những khoản thuế, một người công chính đóng nhiều hơn dù trên đất đai có cùng một giá trị, một người không công chính đóng ít hơn, nhưng khi thành phố có trả lại tiền đóng thừa, một người công chính không được gì trong khi một người không công chính lấy được một món lời lớn. Cuối cùng, khi mỗi người trong số họ nắm giữ chức vụ chính quyền, một người công chính ngay cả khi ông không bị phạt trong mọi cách nào khác – tìm thấy rằng những sự việc gia tư của mình đâm xấu tệ đi nhiều hơn vì ông đã phải bỏ bê chúng, rằng ông sẽ không được lợi thế nào từ ngân quĩ công cộng vì sự công chính của mình, và ông bị những họ hàng và những người quen của mình ghét vì ông đã không muốn làm cho họ một thiên vị hay đặc ân không công bằng nào. Điều ngược lại thì đúng với một người không công chính trong mọi phương diện. Tôi muốn nói, Tất nhiên, là người tôi đã mô tả trước đây: người có quyền lực rất lớn là những người dành được nhiều hơn [34] tất cả mọi người khác. Ông ta là một người ông nên xem xét, nếu ông muốn tìm ra có nhiều lợi thế đến như nào với cá nhân không công chính hơn là cá nhân công chính. Ông sẽ hiểu điều này một cách dễ dàng nhất nếu ông quay những suy nghĩ của ông về loại bất công hoàn toàn nhất, loại làm cho những người không công chính được sung sướng nhất, và những người bị cam chịu vì nó – những người không muốn làm điều bất công, khốn khổ nhất. Cái loại mà tôi muốn nói là chế độ độc tài, vì nó dùng cả hai, những phương tiện che dấu ngấm ngầm và sức mạnh để chiếm đoạt tài sản của những người khác – cho dù đó là thiêng liêng hay thế tục, công cộng hay tư nhân – không phải dần dần từng chút một, nhưng tất cả cùng một loạt. Nếu một người nào đó dính vào một phần của loại bất công này và bị bắt, ông bị trừng phạt và rất nhiều chê trách – Những kẻ cướp đền thờ  [35], bắt cóc, đào tường khoét vách, ăn cướp, và ăn trộm là những người không công chính này bị gọi tên khi họ thực hiện những tác hại đó. Khi một người nào đó, về mặt khác, chiếm đoạt tài sản của những công dân, và sau đó bắt cóc và buộc những người bị chiếm hữu thành nô lệ, thay vì những tên gọi đáng xấu hổ này, ông được gọi là sung sướng và may mắn, không chỉ bởi những chính những công dân, nhưng ngay cả bởi tất cả những người biết rằng ông đã nhúng tay vào toàn bộ sự bất công. Vì không phải là sợ làm những bất công, nhưng là sợ phải bị hứng chịu nó, đã khêu lên những chê trách của những người chửi rủa sự bất công.
Như thế, Socrates, ông thấy bất công, nếu nó trong một quy mô đủ lớn, thì mạnh hơn, tự do hơn, và siêu việt bậc thầy hơn công lý. Và, như tôi đã nói từ đầu, công lý là những gì thì có lợi thế cho kẻ mạnh hơn, trong khi bất công thì có lợi ích  và có lợi thế cho bản thân một người.

Giống như một người hầu tắm [36] . Sau khi trút sạch một dòng lớn cuồn cuộn đầy ứ những từ này vào tai chúng tôi tất cả cùng một lúc, Thrasymachus đã nghĩ đến việc bỏ đi. Nhưng những người hiện diện đã không cho ông đi. Họ đã làm cho ông ở lại và cung cấp một giải thích về những gì ông đã nói. Và bản thân tôi đã đặc biệt năn nỉ:

Ông thật tuyệt diệu, Thrasymachus, sau khi ném cho chúng tôi một bài phát biểu như vậy, ông chắc chắn không thể nghĩ đến việc bỏ đi trước khi ông đã thỏa đáng hướng dẫn chúng tôi – hoặc chính ông đã biết được – trước khi ông đi, liệu ông đã đúng hay không. Hay có phải ông nghĩ rằng nó là một vấn đề tầm thường mà ông đang cố gắng xác định, và đúng hơn không phải là một lối sống ở  đời – một lối sẽ làm cho sống đời sống theo cách đó thì có có lợi ích nhất cho mỗi chúng ta?
THRASYMACHUS: Có phải ông muốn nói rằng tôi không nghĩ đó là một vấn đề nghiêm trọng?
SOCRATES: Nếu không vậy, hoặc ông chẳng quan tâm gì đến chúng tôi và như thế không lo lắng gì về việc liệu chúng tôi sẽ sống đời tốt hơn hay tệ hơn bởi sự thiếu hiểu biết của chúng tôi về những gì ông tuyên bố là mình biết. Đừng, hãy là một người bạn tốt và cho thấy một vài sẵn lòng để dạy chúng tôi – ông sẽ không làm gì tệ cho mình nếu ông giúp đỡ một nhóm đông như chúng tôi. Về phần riêng tôi, tôi sẽ cho ông biết rằng tôi không bị thuyết phục. Tôi không tin rằng bất công thì có lợi ích hơn công lý, không ngay cả khi ông cho nó phạm vi đầy đủ để làm những gì nó muốn. Hãy giả sử, ông bạn tốt của tôi, rằng một người không công chính, và giả sử ông này quyền lực để làm điều bất công, cho dù bằng phương tiện che dấu ngấm ngầm hay chiến tranh công khai, dù thế nào đi nữa, ông ta không thuyết phục được tôi rằng bất công thì có nhiều có lợi ích hơn là công lý. Có lẽ ai đó ở đây, bên cạnh tôi, cũng cảm thấy giống như tôi. Vì vậy, cầu phúc đức cho ông, dẫu ông đã có, ông sẽ phải hoàn toàn thuyết phục chúng tôi rằng chúng tôi là sai khi đánh giá công lý cao hơn nhiều so bất công trong chủ tâm tính toán.
THRASYMACHUS: Và làm thế nào tôi thuyết phục được ông? Nếu ông không bị thuyết phục bởi những gì tôi vừa mới nói mới giờ đây, tôi có thể làm gì hơn được nữa? Tôi đem lập luận của tôi và rót nó vào tận trong chính hồn người của ông?
SOCRATES: Không, có Zeus chứng giám, đừng làm điều đó! Nhưng trước tiên, giữ vững những gì ông đã nói, hoặc, nếu ông thay lập trường của ông, làm công khai và đừng cố lừa dối chúng tôi. Ông thấy đấy, Thrasymachus, sau khi định nghĩa người y sĩ thực sự – tiếp tục xem xét những điều ông nói trước đó – ông đã không xem là cần thiết để duy trì cùng một mức độ của chính xác khi ông sau đó chuyển sang người chăn cừu thực sự. Ông không nghĩ rằng một người chăn cừu – với chừng mức mà ông ta là một người chăn cừu – là làm cho cừu béo tốt với mục đích để làm những gì tốt nhất cho chúng. Nhưng ông nghĩ rằng, giống như một người khách sắp được đãi một bữa tiệc, mục tiêu của ông ta là ăn cho ngon, cho nhiều; hay để làm một việc bán món hàng tương lai – như thể nếu ông là một người kiếm tiền hơn là một người chăn cừu. Nhưng Tất nhiên, mối quan tâm duy nhất của kỹ năng chuyên môn chăn cừu là cung cấp những gì là tốt nhất cho gì-đó mà nó giải quyết, vì nó thì được tự cung cấp đầy đủ với tất cả những gì nó cần để nó là tốt nhất của nó, như chúng ta biết, khi nó không thiếu hụt trong bất kỳ cách nào với tư cách là kỹ năng chuyên môn về chăn cừu. Đó là tại sao tôi, với bất kỳ mức độ nào, đã nghĩ nó là cần thiết cho chúng ta đồng ý trước đã, rằng tất cả những loại cai trị – trong chừng mực nó là một loại cai trị – không tìm kiếm bất cứ gì khác hơn là những gì là tốt nhất cho những gì-đó nó cai trị và chăm sóc cho, và điều này là đúng trong cả hai lĩnh vực chính trị và cai trị riêng tư. Nhưng ông có nghĩ rằng những người cai trị những thành phố – những người là những nhà cai trị thực sự – cai trị một cách chủ ý tự nguyện?
THRASYMACHUS: Tôi không nghĩ điều đó, có Zeus chứng giám, tôi biết điều đó.
SOCRATES: Tuy nhiên, Thrasymachus, ông không nhận ra hay sao rằng trong những loại cai trị khác thì không có người cai trị chủ ý? Ngược lại, họ yêu cầu được trả tiền với giả định rằng sự cai trị của họ sẽ làm ích lợi không chính họ, nhưng cho những đối tượng cai trị của họ. Vì thế hãy cho tôi biết, không phải là chúng ta nói rằng mỗi kỹ năng chuyên môn đều khác biệt với mỗi kỹ năng khác trong những gì nó có khả năng làm hay sao? Cầu phúc đức cho ông, dẫu ông đã có, xin đừng trả lời trái với tin tưởng của ông, để như thế chúng ta có thể đi đến một vài kết luận rõ ràng.
THRASYMACHUS: Đúng, đó là những gì phân biệt chúng.
SOCRATES: Và không phải mỗi kỹ năng chuyên môn đem cho chúng ta một lợi ích cụ thể, khác biệt với những kỹ năng khác? Lấy thí dụ, kỹ năng y khoa đem lại cho chúng ta sức khỏe, kỹ năng làm thuyền trưởng với sự an toàn trên biển, và tiếp tục như vậy với những kỹ năng khác?
THRASYMACHUS: Chắc chắn rồi.
SOCRATES: Và không phải hay sao làm công ăn lương đem cho chúng ta tiền lương, vì đó là những gì nó có khả năng làm, phải không? Hay ông sẽ gọi kỹ năng y khoa cũng tương tự như kỹ năng thuyền trưởng? Thật vậy, nếu ông muốn định nghĩa những vấn đề một cách chính xác, như ông đề nghị, ngay cả nếu ai đó là thuyền trưởng của một con thuyền trở nên khỏe mạnh vì những gì có lợi thế cho ông ta là đi thuyền trên biển, ông sẽ không vì lý do đó gọi những gì ông ấy làm là kỹ năng y khoa, phải không?
THRASYMACHUS: Tất nhiên là không.
SOCRATES: Ông cũng sẽ không gọi làm công ăn lương là kỹ năng y khoa, thậm chí nếu một người nào đó trở nên khỏe mạnh trong khi làm công ăn lương?
THRASYMACHUS: Tất nhiên là không.
SOCRATES: Cũng không phải ông sẽ gọi là kỹ năng y khoa là làm công ăn lương, ngay cả như nếu một người nào đó được trả tiền trong khi chữa bệnh?
THRASYMACHUS: Không
SOCRATES: Có phải chúng ta đồng ý sau đó, rằng mỗi kỹ năng chuyên môn đem lợi ích đặc biệt riêng của nó – có phải không?
THRASYMACHUS: Đúng, chúng ta đồng ý.
SOCRATES: Vì vậy, bất cứ lợi ích gì tất cả những người chuyên môn cùng nhận phải rõ ràng xuất phát từ thực hành chung của họ về một vài kỹ năng chuyên môn cộng thêm vào với, vốn cùng giống như nhau cho mỗi người trong số họ.
THRASYMACHUS: Nó có vẻ như vậy.
SOCRATES: Và chúng ta nói rằng kỹ năng chuyên môn cộng thêm vào – kỹ năng bổ sung – đang bàn luận, vốn nó đem lợi ích cho những người chuyên môn, qua thu nhập tiền lương, là kỹ năng của làm công ăn lương?

Ông miễn cưỡng đồng ý.

SOCRATES: Sau đó, chính lợi ích này, hưởng tiền lương, thì không được cung cấp cho mỗi người bởi kỹ năng chuyên môn riêng của mình. Ngược lại, nếu chúng ta xem xét vấn đề một cách tỉ mỉ, kỹ năng y khoa cung cấp sức khỏe và làm công ăn lương cung cấp sức tiền lương, kỹ năng xây dựng cung cấp một ngôi nhà và làm công ăn lương, đi kèm với nó, cung cấp một mức lương, và tiếp tục như vậy với những kỹ năng chuyên môn khác. Mỗi kỹ năng trong đám chúng làm công việc riêng của nó và những lợi ích vốn công việc đó giải quyết. Vì vậy, bên cạnh tiền lương, có bất kỳ lợi ích nào mà những người chuyên môn nhận được từ công việc của họ?
THRASYMACHUS: Rõ ràng là không.
SOCRATES: Tuy nhiên, ông ta vẫn còn cung cấp một lợi ích, ngay cả khi ông làm việc không lấy (tiền công) gì cả?
THRASYMACHUS: Đúng, tôi nghĩ ông ta làm thế.
SOCRATES: Vậy bây giờ là rõ ràng, Thrasymachus, rằng không có loại kỹ năng chuyên môn hay cai trị nào cung cấp những gì là có lợi ích cho chính nó, nhưng, như chúng ta đã nói một lúc vừa qua, nó cung cấp và chỉ thị về những gì có lợi ích cho những đối tượng cai trị của nó, và nhắm đến những gì là có lợi thế cho – kẻ yếu hơn, không phải kẻ mạnh hơn. Đó là tại sao tôi vừa nói mới đây, Thrasymachus thân mến của tôi, rằng không có ai chọn để cai trị một cách tự nguyện và vơ lấy rắc rối của những người khác vào tay mình và uốn chúng cho thành xuông xẻ thẳng thướm, nhưng mỗi người cai trị đòi món tiền lương. Ông thấy đấy, bất cứ ai là người sẽ thực hành loại kỹ năng chuyên môn của mình cũng không bao giờ làm hay chỉ thị những gì là tốt nhất cho tự thân ông ta – ít nhất là không phải khi ông ta đóng vai trò vốn kỹ năng chuyên môn của ông quy định – nhưng những gì là tốt nhất cho đối tượng của ông ta. Do điều này, có vẻ như rằng hậu quả [37] phải được cung cấp cho một người, nếu như ông ta sẽ bằng lòng sẵn sàng cai trị, cho dù chúng mang những hình thức của tiền hay danh dự, hay một hình phạt nếu như ông ta từ chối.
GLAUCON: Ông nói thế có nghĩa gì, Socrates? Tôi quen với hai loại hậu quả đầu tiên, nhưng tôi không hiểu nghĩa những gì ông nói về hình phạt, hay làm sao ông có thể gọi nó là một hậu quả.
SOCRATES: Vậy thì bạn không hiểu những loại hậu quả dành cho những người cai trị tài giỏi nhất, khi họ sẵn lòng nhận ra cai trị. Không phải là bạn không biết rằng những người yêu danh dự và những người yêu tiền đều bị coi thường, và đúng như vậy?
GLAUCON: Tôi biết.
SOCRATES: Tốt, sau đó, đó là tại sao những người tốt sẽ không sẵn sàng để cai trị vì tiền bạc, hay danh dự. Bạn thấy đấy, nếu họ được trả lương công khai cho sự cầm quyền, họ sẽ được gọi là những kẻ làm thuê, và nếu họ nhận ngấm ngầm như là hoa lợi từ sự cai trị của họ, họ sẽ bị gọi là những kẻ ăn trộm. Mặt khác, họ sẽ cũng không cai trị vì danh dự, vì họ không phải là những người ham danh dự, nhiều tham vọng. Vì vậy, nếu để họ sẽ sẵn lòng muốn cai trị, một vài bắt buộc hay trừng phạt phải đem đến đặt trên vai cho họ gánh chịu – có lẽ đó là tại sao mong muốn nắm quyền cai trị trong khi một người thực ra không phải làm thế, thì được cho là đáng xấu hổ. Bây giờ, sự trừng phạt lớn nhất đối cho tư cách không sẵn lòng để cai trị là bị cai trị bởi một người nào đó còn tồi tệ hơn so với chính mình. Và tôi nghĩ rằng nó là sự sợ hãi về điều đó làm cho những người tốt cai trị khi họ thực cai trị. Họ tiếp cận sự cai trị cầm quyền, không như thể họ sẽ làm một gì đó tốt, hay như thể chính họ sẽ vui thú trong đó, nhưng như một một gì đó cần thiết, vì nó không thể giao phó được cho bất cứ ai tốt hơn – hay thậm chí tốt bằng – như chính bản thân họ. Trong một thành phố của những con người tốt, nếu như nó thành hiện hữu, những công dân sẽ đánh nhau để không cai trị, cũng giống như họ bây giờ họ làm thế để cai trị. Ở đó, nó là rất rõ ràng rằng bất cứ ai là người thực sự và đích thực là một người cai trị không tự nhiên tìm kiếm những gì là có lợi thế cho chính mình, nhưng những gì là như thế cho những đối tượng của mình. Như một hậu quả, bất cứ ai có bất cứ ý thức nào sẽ muốn được hưởng lợi ích từ một người khác hơn là đi đến những rắc rối của sự làm lợi ích cho chính anh ta. Vì vậy, tôi có thể hoàn toàn không đồng ý với Thrasymachus rằng công lý là những gì có lợi thế cho người mạnh mẽ hơn [38]. Nhưng chúng ta sẽ xem xét thêm điều đó một lúc khác. Những gì bây giờ Thrasymachus nói – là đời sống của một người không công chính thì tốt hơn so với một người công chính – xem dường có quan trọng lớn hơn nhiều. Bạn sẽ chọn đời sống nào, Glaucon? Và quan điểm nào của chúng tôi là gần hơn với sự thật?
GLAUCON: Tôi nghĩ rằng cuộc sống của một người công chính thì có có lợi ích hơn.
SOCRATES: Bạn đã nghe tất cả những điều tốt do Thrasymachus gán cho một người không công chính, một lúc trước?
GLAUCON: Tôi đã nghe, nhưng tôi không bị thuyết phục.
SOCRATES: Vậy bạn có muốn chúng ta thuyết phục ông ta, nếu chúng ta có thể tìm thấy một cách, rằng những gì ông nói là không đúng sự thật?
GLAUCON: Tất nhiên, tôi muốn.
SOCRATES: Tốt, nếu chúng ta phản đối ông ta với một bài phát biểu song song với bài phát biểu của ông, lần lượt theo phiên liệt kê những điều tốt đẹp đến từ tư cách công chính, và ông trả lời, và sau đó chúng ta trả lời, chúng ta sẽ phải đếm và đo những điều tốt đẹp đã đề cập ở mỗi bên, và chúng ta sẽ cần một ban bồi thẩm để quyết định trường hợp. Nhưng nếu mặt khác, chúng ta điều tra câu hỏi, như chúng ta đã làm, bằng cách tìm kiếm thỏa thuận với nhau, tự chúng ta có thể đồng thời vừa là bồi thẩm và những người biện hộ.
GLAUCON: Chắc chắn.
SOCRATES: Vậy bạn thích cách tiếp cận nào?
GLAUCON: Cách thứ hai.
SOCRATES: Vậy hãy tiếp tục, Thrasymachus, hãy trả lời chúng tôi từ lúc bắt đầu. Ông nói, có phải không, rằng sự hoàn toàn bất công thì có lợi ích nhiều hơn hoàn toàn công lý?
THRASYMACHUS: Tôi chắc chắn đã có nói thế. Và tôi đã nói với ông tại sao.
SOCRATES: Tốt, sau đó, ông nói gì về điều này? Có phải ông gọi một trong hai,  một là đức hạnh và một kia là một sự đồi bại?
THRASYMACHUS: Tất nhiên.
SOCRATES: Đó là nói, ông gọi công lý là một đức hạnh và bất công là một đồi bại?
THRASYMACHUS: Có phải giống như thế, điều ngọt ngào nhất, khi tôi nói rằng bất công thì có lợi ích và công lý thì không?
SOCRATES: Vậy chính xác ông nói những gì?
THRASYMACHUS: Ngược lại.
SOCRATES: Rằng công lý là một đồi bại?
THRASYMACHUS: Không, chỉ đúng là sự ngây thơ rất cao thượng [39].
SOCRATES: Vì vậy, ông gọi bất công là thủ đoạn?
THRASYMACHUS: Không, tôi gọi nó là tư cách thận trọng.
SOCRATES: Ông có xem những người không công bằng là khôn ngoan và tốt hay không, Thrasymachus?
THRASYMACHUS: Có, nếu họ làm sự bất công hoàn toàn và có thể mang những thành phố và toàn thể những quốc gia nằm dưới quyền lực của họ. Có lẽ, ông nghĩ rằng tôi muốn nói những kẻ móc túi? Không phải là những tội phạm như vậy cũng không có lợi ích, nếu như chúng đã không bị khám phá. Nhưng chúng không đáng thảo luận so với những gì tôi đã mô tả.
SOCRATES: Đúng, tôi không phải không biết những gì ông muốn nói. Nhưng điều này đã làm tôi ngạc nhiên: rằng ông gồm bất công với đức hạnh và trí tuệ khôn ngoan, và công lý với những đối nghịch của chúng.
THRASYMACHUS: Dù sao đi nữa, đó là nơi tôi đặt chúng.                   
SOCRATES: Bây giờ, đó là một vấn đề khó khăn hơn, bạn đồng chí ơi, và không phải là dễ dàng để biết phải nói gì để đáp ứng. Nếu như ông đã tuyên bố sự bất công thì có lợi ích hơn, nhưng đồng ý rằng nó là một đồi bại hay đáng xấu hổ, như một số người khác, chúng ta có thể thảo luận về vấn đề trên cơ sở những quan điểm thông thường. Nhưng bây giờ, rõ ràng, ông sẽ nói rằng sự bất công thì cao quí và mạnh mẽ và áp dụng cho nó tất cả những thuộc tính chúng ta thường dùng để áp dụng cho công lý, vì ông dám bao gồm nó với đức hạnh và trí tuệ khôn ngoan.
THRASYMACHUS: Ông đã đoán rất đúng quan điểm của tôi.
SOCRATES: Dẫu gì đi nữa, chúng ta phải đừng chùn lại trước sự theo đuổi luận chứng và thăm dò điều này, chỉ cần miễn là tôi có ông nói những gì ông thực sự suy nghĩ. Ông thấy đấy, bây giờ tôi tin rằng ông thực sự không nói đùa, Thrasymachus, nhưng nói những gì ông tin là sự thật.
THRASYMACHUS: Với ông nào nó có tạo thành khác biệt gì đâu, liệu tôi tin vào nó hay không? Chẳng phải đó là sự giải thích của tôi mà ông giả định sẽ phủ bác?
SOCRATES: Không thành vấn đề. Nhưng đây có thêm một câu hỏi nữa tôi mong ông cố gắng trả lời: ông có nghĩ rằng một người công chính muốn làm nhiều hơn [40] một người công chính khác?
THRASYMACHUS: Hoàn toàn không phải. Nếu không thế, ông ta sẽ không là con người văn minh và ngây thơ vốn ông ta thực sự là.
SOCRATES: Thế còn hành động công chính thì sao?
THRASYMACHUS: Không, không hơn thế, cũng không.
SOCRATES: Và có phải ông ta cho rằng rằng ông xứng đáng để làm nhiều hơn so với một người không công chính, và tin rằng đó là công chính cho ông ta để làm như vậy, hay không phải ông ta tin thế?
THRASYMACHUS: Ông ta muốn làm nhiều hơn người kia, và ông sẽ tuyên bố rằng mình xứng đáng để làm như vậy, nhưng ông ta sẽ không có khả năng.
SOCRATES: Đó không phải là những gì tôi đang hỏi, nhưng không biết liệu một người công chính muốn,
và tuyên bố là xứng đáng, để làm nhiều hơn so với một người không công chính, nhưng không hơn một người công chính – hay không?
THRASYMACHUS: Ông ta có.
SOCRATES: Thế còn một người không công chính thì sao? Có phải ông ta cho rằng ông xứng đáng để làm nhiều hơn một người công chính hay một hành động công chính?
THRASYMACHUS: Tất nhiên, ông cho là thế, ông ta nghĩ rằng ông xứng đáng để làm nhiều hơn tất cả mọi người.
SOCRATES: Vậy có phải một người không công chính cũng sẽ làm nhiều hơn một người không công chính hay một hành động bất công, và có phải ông sẽ gắng sức để có được nhiều nhất mà ông có thể lấy cho mình từ tất cả mọi người?
THRASYMACHUS: Ông ta sẽ.
SOCRATES: Sau đó, chúng ta hãy cùng phát biểu nó theo cách này: một người công chính không làm nhiều hơn một người nào đó như chính mình, nhưng một người nào đó không giống như mình, trong khi một người không công chính làm nhiều hơn so với những người giống như, những người không giống như ông ta.
THRASYMACHUS: Nói rất khéo.
SOCRATES: Bây giờ, một người không công chính thì vừa khôn ngoan và tốt, và một người công chính thì không cả hai?
THRASYMACHUS: Đó là nói rất khéo, nữa.
SOCRATES: Như vậy, không phải là một người không công chính cũng giống một người khôn ngoan và tốt, trong khi người công chính thì không?
THRASYMACHUS: Tất nhiên. Làm thế nào ông ta lại có thể không giống như những người có những phẩm chất như vậy, khi chính ông đã tự có chúng? Nhưng người không công chính thì không phải là như họ.
SOCRATES: Hay. Vậy sau đó, mỗi người trong số họ có những phẩm chất của những người mà ông ta giống như?
THRASYMACHUS: Còn gì khác ông ta có thể có?
SOCRATES: Tốt, Thrasymachus. Ông có gọi một người là có khiếu nhạc và một người khác là không có khiếu nhạc?
THRASYMACHUS: Tôi có.
SOCRATES: Ai trong họ là khôn ngoan trong âm nhạc và ai không?
THRASYMACHUS: Người có khiếu nhạc là khôn ngoan, giả định vậy, và người kia không khôn ngoan.
SOCRATES: Và trong những điều mà ông ta là khôn ngoan, ông ta là tốt, và trong những điều mà ông không là khôn ngoan, ông là xấu?
THRASYMACHUS: Đúng.
SOCRATES: Không phải là cũng đúng như thế với một y sĩ?
THRASYMACHUS: Phải.
SOCRATES: Ông có nghĩ, sau đó, Thrasymachus, rằng một người là một nhạc sĩ, khi ông đang so dây đàn lyre của mình, và căng và chùng những dây đàn, muốn làm nhiều hơn một nhạc sĩ khác, và có phải ông ta cho rằng đó là những gì ông xứng đáng? [41]
THRASYMACHUS: Tôi không nghĩ thê.
SOCRATES: Nhưng ông ta thực muốn làm nhiều hơn một người không-là-nhạc sĩ, phải không?
THRASYMACHUS: Nhất định thế.
SOCRATES: Thế còn những y sĩ thì sao? Khi ông quy định về thức ăn và thức uống, có phải ông ta muốn làm nhiều hơn so với một y sĩ khác hay hơn sự thực hành kỹ năng y khoa?
THRASYMACHUS: Chắc chắn không.
SOCRATES: Nhưng ông ta thực muốn làm nhiều hơn một người không-phải-là-y sĩ, phải không?
THRASYMACHUS: Đúng.
SOCRATES: Trong bất kỳ một ngành nào của kiến ​​thức hay của ngu dốt, thiếu hiểu biết; ông có nghĩ rằng một người có kiến ​​thức sẽ chủ ý cố gắng lấy nhiều hơn cho chính mình, hơn là một người hiểu biết khác, hay để làm hay nói nhiều hơn, và thà không đúng như những gì một ai giống như mình sẽ làm, trong tình cảnh tương tự?
THRASYMACHUS: Không, tôi tưởng tượng nó phải như ông nói.
SOCRATES: Và thế còn một người ngu dốt, thiếu hiểu biết thì sao? Không phải là ông ta muốn làm nhiều hơn cả hai – một người hiểu biết và là một người ngu dốt?
THRASYMACHUS: Tôi giả định là như vậy.
SOCRATES: Một người có kiến ​​thức thì khôn ngoan?
THRASYMACHUS: Tôi đồng ý.
SOCRATES: Và một một khôn ngoan thì tốt?
THRASYMACHUS: Tôi đồng ý.
SOCRATES: Như thế, một người tốt và khôn ngoan không muốn làm nhiều hơn một người nào đó như chính mình, nhưng một người nào đó vừa không giống như vừa đối nghịch với anh ta.
THRASYMACHUS: Xem ra như vậy.
SOCRATES: Nhưng là một người xấu và ngu dốt muốn làm nhiều hơn cả người giống mình và ngược lại của mình.
THRASYMACHUS: Rõ ràng.
SOCRATES: Được, Thrasymachus, chúng ta tìm thấy rằng một người không công chính cố gắng làm nhiều hơn với cả những người giống như và những người không giống như ông ta. Không phải ông đã nói thế sao?
THRASYMACHUS: Tôi đã nói.
SOCRATES: Và rằng một người công chính sẽ không làm nhiều hơn so với những người giống như, nhưng những người không giống như ông ta?
THRASYMACHUS: Đúng.
SOCRATES: Vậy sau đó, một người công chính thì giống như một người khôn ngoan và tốt, và một người không công chính thì giống như một một người ngu dốt không biết gì và xấu.
THRASYMACHUS: Có vẻ như vậy.
SOCRATES: Hơn nữa, chúng ta đã đồng ý rằng mỗi người có những phẩm chất của một người mà ông ta giống với, tương tự như.
THRASYMACHUS: Có, chúng ta đã.
SOCRATES: Một người công chính đã hóa ra là tốt và khôn ngoan, sau đó, và một người không công chính là ngu dốt và xấu.

Thrasymachus đồng ý với tất cả những điều này, không dễ dàng như tôi kể nó, nhưng miễn cưỡng, với nhọc nhằn, vất vả, khó khăn, và – vì trời đang mùa hè – toát một lượng mồ hôi đến sửng sốt để nhìn. Và sau đó tôi thấy một một gì đó tôi chưa bao giờ thấy trước đây Thrasymachus đỏ mặt. Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào, sau khi chúng ta đã đồng ý rằng công lý là đức hạnh và sự khôn ngoan, và bất công đó là đồi bại và sự thiếu hiểu biết, tôi nói:

Hay quá, chúng ta hãy cùng công nhận điều đó như đã được thiết lập xong. Nhưng chúng ta cũng nói rằng sự bất công là một điều mạnh mẽ, hay ông không nhớ điều đó, Thrasymachus?

THRASYMACHUS: Tôi nhớ. Nhưng tôi không hài lòng với những gì ông đang nói bây giờ. Tôi có thể nói một bài phát biểu về nó, nhưng nếu tôi làm, tôi biết rằng ông có thể nói tôi đã dấn vào trong một bài mị người nghe. Thế nên, hay là cho phép tôi nói nhiều đến mức như tôi muốn nói, hay nếu ông muốn tiếp tục đặt câu hỏi, hãy tiếp tục và hỏi chúng, và tôi sẽ nói với ông như một người nói với những bà già kể chuyện “Hay đấy” và gật đầu hay lắc đầu của tôi.
SOCRATES: Không, đừng làm thế, không trái với tin tưởng của riêng ông.
THRASYMACHUS: Vậy tôi sẽ trả lời để làm hài lòng ông, vì ông sẽ không để cho tôi làm một bài phát biểu. Ông muốn biết những gì khác nữa?
SOCRATES: Không có gì, có Zeus chứng giám. Nhưng nếu đó là những gì ông sắp làm, xin làm đi, và tôi sẽ hỏi những câu hỏi.
THRASYMACHUS: Vậy, hãy hỏi chúng.
SOCRATES: Được, tôi sẽ hỏi đúng như những gì tôi đã hỏi trước đây, như thế để chúng ta có thể tiến hành trong một thứ tự với lập luận của chúng ta về công lý thì thuộc loại sự-việc gì, như đối nghịch với bất công. Vì như đã tuyên bố, tôi tin rằng bất công thì bền vững hơn và quyền năng hơn công lý. Nhưng bây giờ, nếu công lý thì quả thực là khôn ngoan và đức hạnh, sẽ là điều dễ dàng để cho thấy, tôi giả định, rằng nó thì bền vững hơn bất công, vì bất công là sự thiếu hiểu biết không ai bây giờ có thể không biết điều đó. Tuy nhiên, dù mức độ nào, tôi không muốn suy xét vấn đề trong những điều kiện đơn giản như vậy, Thrasymachus, nhưng điều tra nó trong một số cách giống thế này: ông sẽ có nói rằng một thành phố có thể là bất công và cố gắng để nô lệ những thành phố khác một cách bất công, và đã thành công trong việc nô lệ hóa họ, và giữ họ trong chinh phục vốn cưỡng bức nô lệ trong quá khứ? [42]
THRASYMACHUS: Tất nhiên. Và đó là những gì mà thành phố tốt nhất sẽ đặc biệt làm, một thành phố vốn là bất công hoàn toàn nhất.
SOCRATES: Tôi hiểu rằng đó là luận chứng của ông, nhưng điểm tôi muốn xem xét là thế này: Sẽ có phải thành phố mà trở thành mạnh hơn một thành phố khác đạt được quyền lực này không cần đến công lý, hay nó sẽ cần sự giúp đỡ của công lý?
THRASYMACHUS: Nếu những gì ông nói một lúc trước đây đứng vững, và công lý là sự khôn ngoan, nó sẽ cần sự giúp đỡ của công lý, nhưng nếu mọi sự việc là như tôi đã nói, nó sẽ cần sự giúp đỡ của bất công.
SOCRATES: Tôi rất cảm kích, Thrasymachus, rằng ông không chỉ đơn thuần là gật đầu hay lắc đầu của ông, nhưng đưa ra những câu trả lời tốt đẹp này.
THRASYMACHUS: Đó là vì tôi đang cố gắng để làm hài lòng ông.
SOCRATES: Ông cũng làm điều đó rất hay. Vì vậy, xin làm vui lòng tôi thêm bằng cách trả lời câu hỏi này: ông có nghĩ rằng một thành phố, một đội quân, một đảng cướp, hay một đám trộm cắp, hay bất kỳ một nhóm khác nào với một mục đích bất công có chung, sẽ có thể có khả năng thành đạt nếu những thành viên của nó thì không công bằng với nhau?
THRASYMACHUS: Tất nhiên là không.
SOCRATES: Điều gì sẽ xảy ra nếu họ không bất công với nhau? Liệu họ đạt được nhiều hơn?
THRASYMACHUS: Chắc chắn.
SOCRATES: Vì, Thrasymachus, bất công gây ra những phe phái, hận thù, và những cãi cọ bất đồng giữa bọn họ, trong khi công lý mang lại tình bạn bè và một ý thức về mục đích chung. Không phải là như vậy sao?
THRASYMACHUS: Tôi sẽ nói nó là thế, để tránh không đồng ý với ông.
SOCRATES: Ông vẫn đương làm rất hay ở mặt đó, vốn ông rất tốt. Vậy xin cho tôi biết điều này: nếu chức năng của bất công là để sản xuất hận thù bất cứ nơi nào nó xảy ra, vậy sau đó bất cứ khi nào nó nổi lên, dù là giữa những người tự do hay những nô lệ, Không phải là nó sẽ làm cho họ ghét nhau, tạo những phe phái, và không có khả năng để đạt được bất kỳ mục đích chung nào?
THRASYMACHUS: Tất nhiên.
SOCRATES: Điều gì sẽ xảy ra nếu nó nổi lên giữa hai người? Không phải họ sẽ mâu thuẫn chống đối nhau, ghét nhau, và là những thù địch với cả hai lẫn với nhau và với những người công chính?
THRASYMACHUS: Họ sẽ.
SOCRATES: Tốt, sau đó, ông bạn đồng hành tuyệt vời của tôi ơi, nếu bất công nổi lên bên trong một cá nhân duy nhất, nó có sẽ mất đi sức mạnh của nó hay không hay nó sẽ giữ lại sức mạnh không giảm?
THRASYMACHUS: Hãy cùng nói rằng nó vẫn giữ lại, không giảm.
SOCRATES: Rõ ràng sau đó, sức mạnh của nó là giống như vậy vốn bất cứ khi nào nó đi đến hiện hữu trong một gì đó dù là trong một thành phố, một gia đình, một đội quân, hay bất cứ sự vật việc gì khác đi nữa nó làm cho sự vật việc đó, trước hết tất cả, không có khả năng của hành động trong hòa hợp với chính nó, vì phe phái và khác biệt nó tạo ra, và thứ hai tất cả, một kẻ thù với bản thân nó, và với những gì thì trong mọi cách là đối nghịch của nó: kể tên cụ thể – đó là công lý. Không phải là như vậy sao?
THRASYMACHUS: Tất nhiên.
SOCRATES: Và trong một cá nhân duy nhất, cũng thế, tôi giả định, nó sẽ sản xuất đúng cùng một tác dụng vốn nó là từ trong bản chất của nó sản xuất ra. Trước tiên, nó sẽ làm cho người ấy không có khả năng hành động vì phân rẽ phe phái nội tâm và không là một tâm trí với chính mình; thứ hai, nó sẽ làm cho ông ta thành kẻ thù của chính ông ta, cũng như kẻ thù của người công chính. Không đúng vậy sao?
THRASYMACHUS: Đúng.
SOCRATES: Nhưng, ông bạn đồng hành thân mến của tôi ơi, không phải rằng những vị gót thì cũng công chính?
THRASYMACHUS: Hãy nói rằng họ thì thế.
SOCRATES: Khi đó, một người không công chính cũng sẽ là một kẻ thù của những vị gót, Thrasymachus, trong khi một người công chính sẽ là bạn của họ?
THRASYMACHUS: Ông hãy no nê tự tin với lập luận! Đừng lo lắng, tôi sẽ không phản đối ông, như thế để không quấy lên ác cảm của những người bạn chúng ta ở đây.
[352b]
SOCRATES: Thôi nào, vậy hãy hoàn tất bữa tiệc cho tôi bằng sự tiếp tục trả lời như ông đã đang làm đến giờ. Chúng ta đã cho thấy rằng những người công chính thì khôn ngoan hơn và tốt hơn và có niều khả năng hành động hơn, trong khi những người không công chính không thể ngay cả cùng hành động. Vì bất cứ khi nào chúng ta nói về những người không công chính hành động cùng nhau để đạt được một mục tiêu chung có hiệu quả, những gì chúng ta nói là không hoàn toàn đúng sự thật. Họ sẽ không bao giờ có thể buông tha nhau nếu như họ đã hoàn toàn không công chính. Nhưng rõ ràng đã phải từng có một vài loại công lý nào đó, trong đám họ, vốn ít nhất ngăn cản họ đừng bất công với nhau, trong khi họ đồng thời làm thế với những người khác. Và nó là điều này đã khiến họ có khả năng đạt được những gì họ đã làm. Khi họ bắt đầu làm những việc bất công, họ chỉ bị hư hỏng nửa chừng bởi sự bất công của họ. Vì những người hoàn toàn xấu và hoàn toàn không công chính cũng hoàn toàn không có khả năng hành động. Tất cả điều này bây giờ tôi thấy là sự thật, và không là những gì đầu tiên ông đã chủ trương. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta phải xem xét câu hỏi, như chúng ta đã đề nghị trước đây – về không biết có phải những người công chính cũng sống tốt hơn và sung sướng hơn những người không công chính. Tôi nghĩ rằng bây giờ nó là rõ ràng ngay cả từ những gì chúng ta đã nói rằng điều này là thế, nhưng chúng ta phải xem xét nó thêm nữa. Sau cùng, luận chứng quan hệ với không chỉ chủ đề bình thường, nhưng với cách chúng ta phải sống.
THRASYMACHUS: Hãy tiếp tục và xem xét đi.
SOCRATES: Tôi sẽ. Cho tôi biết, ông có nghĩ rằng có một điều giống như là loại chức năng của một con ngựa?
THRASYMACHUS: Tôi nghĩ có.
SOCRATES: Và ông có sẽ nhận chức năng của một con ngựa hay bất cứ gì khác như là điều với nó mà một người ta chỉ có thể làm với nó, hay tốt nhất với nó?
THRASYMACHUS: Tôi không hiểu.
SOCRATES: Hãy để tôi nói theo cách này: có thể nào được cho ông để nhìn thấy với bất cứ gì trừ hai mắt?
THRASYMACHUS: Chắc chắn không.
SOCRATES: Hay để ông có thể nghe được với bất cứ gì trừ  hai tai?
THRASYMACHUS: Không
SOCRATES: Có đúng hay không, khi đó, cho chúng ta nói rằng những điều này là những chức năng của chúng?
THRASYMACHUS: Tất nhiên.
SOCRATES: Một lần nữa, có phải ông không thể dùng một con dao găm, dao khắc, hay rất nhiều những thứ khác vào việc cắt tỉa một cây nho?
THRASYMACHUS: Chắc chắn.
SOCRATES: Nhưng không gì sẽ làm một công việc tốt hơn một con dao cắt tỉa được thiết kế cho mục đích này?
THRASYMACHUS: Đúng thế.
SOCRATES: Vậy, chúng ta sẽ lấy cắt tỉa là chức năng của nó, phải không?
THRASYMACHUS: Phải.
SOCRATES: Bây giờ tôi nghĩ rằng ông sẽ hiểu rõ hơn những gì tôi đã hỏi trước đó, khi tôi hỏi có phải chức năng của mỗi sự vật là những gì chỉ một mình nó có thể làm hay có thể làm tốt hơn so với bất cứ những gì khác.
THRASYMACHUS: Tôi hiểu, và tôi nghĩ rằng đó là chức năng của bất cứ sự vật gì.
SOCRATES: Được. Có phải chỗ đó xem ra với ông cũng là một đức hạnh vì mỗi sự vật có một số chức năng được gán cho nó? Chúng ta hãy xem lại cùng một nền tảng một lần nữa. Chúng ta nói rằng đôi mắt có một số chức năng?
THRASYMACHUS: Chúng có.
SOCRATES: Như thế mắt cũng có một đức hạnh?
THRASYMACHUS: Chúng có.
SOCRATES: Và tai có chức năng?
THRASYMACHUS: Đúng.
SOCRATES: Vì vậy, chúng cũng có một đức hạnh?
THRASYMACHUS: Chúng cũng có một đức hạnh.
SOCRATES: Thế còn tất cả mọi sự vật khác thì sao?? Không phải là cũng đúng như thế?
THRASYMACHUS: Phải.
SOCRATES: Tốt, sau đó có thể nào mắt thực hiện những chức năng của chúng cho hay và nếu chúng thiếu đức tính thích đáng của chúng, nhưng thay vào đó có những tật xấu đồi bại?
THRASYMACHUS: Làm sao chúng có thể làm được? Vì không phải nếu như ông nói chúng bị mù thay vì có thị giác?
SOCRATES: Dù cho những đức hạnh của chúng là gì. Ông thấy đấy, bây giờ tôi không hỏi về điều đó, nhưng về liệu bằng những phương tiện của đức hạnh thích đáng của chúng, khiến có phải chúng thực hiện những điều chúng thực hiện được tốt đẹp hay không, và tệ hại nếu như bằng phương tiện của xấu ác hay không?
THRASYMACHUS: Những gì ông nói là đúng sự thật.
SOCRATES: Vì vậy, nếu tai bị tước mất đức hạnh của riêng chúng, chúng cũng thực hiện chức năng của chúng tệ hại?
THRASYMACHUS: Tất nhiên.
SOCRATES: Và cũng một lập luận tương tự áp dụng cho tất cả mọi thứ khác?
THRASYMACHUS: Ít nhất, xem ra có vẻ như thế với tôi.
SOCRATES: Vậy nhanh lên, và kế tiếp chúng ta hãy xem xét điều này: có phải hồn người [43] có một số chức năng mà ông không thể thực hiện với bất cứ gì khác – lấy thí dụ, chăm sóc những sự vật, cầm quyền, cân nhắc, và tất cả những sự việc khác loại giống với như thế? Có bất cứ gì khác ngoài một hồn người mà với nó ông có thể gán đúng những điều này và nói rằng chúng thì đặc biệt với nó?
THRASYMACHUS: Không, không có không có gì khác.
SOCRATES: Vậy sau đó, thế về sinh sống thì sao? Không phải chúng ta nói rằng nó là một chức năng của một hồn người?
THRASYMACHUS: Tuyệt đối thế.
SOCRATES: Và không phải chúng ta còn nói rằng một hồn người có một đức hạnh?
THRASYMACHUS: Chúng ta có nói.
SOCRATES: Một hồn người sẽ có bao giờ thực hiện chức năng của nó cho hay đẹp, sau đó, Thrasymachus, nếu nó bị tước đi mất đức hạnh thích đáng của nó, hay đó là không thể nào?
THRASYMACHUS: Nó thì không thể.
SOCRATES: Nó là tất yếu, khi đó, rằng một hồn người xấu cai trị và chăm xóc những sự vật việc một cách tệ hại, và một hồn người tốt làm tất cả những điều này một cách hay đẹp?
THRASYMACHUS: Đó là tất yếu.
SOCRATES: Bây giờ, không phải là chúng ta đồng ý rằng công lý là đức hạnh của một hồn người và bất công là xấu ác của nó?
THRASYMACHUS: Có, chúng ta đã đồng ý.
SOCRATES: Vì vậy, một hồn người công chính và một người công chính sẽ sống tốt lành và một người không công chính sống xấu xa.
THRASYMACHUS: Rõ ràng như vậy, theo như lập luận của ông.
SOCRATES: Và chắc chắn bất cứ ai sống tốt lành cũng là may mắn và sung sướng, và bất cứ ai không thế là ngược lại.
[354a]
THRASYMACHUS: Tất nhiên.
SOCRATES: Vì vậy, một người công chính thì sung sướng và một người không công chính thì khốn khổ.
THRASYMACHUS: Hãy nói thế.
SOCRATES: Nhưng chắc chắn nó là lợi ích, không chịu khốn khổ, nhưng là sung sướng.
THRASYMACHUS: Tất nhiên.
SOCRATES: Vì vậy, sau đó, Thrasymachus có phước, bất công thì không bao giờ có lợi ích nhiều hơn công lý.
THRASYMACHUS: Hãy lấy đó là bữa tiệc của ông, Socrates, trong dịp lễ gót bà Bendis.
SOCRATES: Nhờ ông đem cho, Thrasymachus, sau khi ông trở nên nhẹ nhàng với tôi, và thôi không còn khó khăn. Tuy nhiên, tôi đã chưa có một bữa tiệc ngon lành. Nhưng đó là lỗi của tôi, chứ không phải của ông. Tôi dường như đã cư xử như những kẻ tham ăn tham uống ngấu nghiến với tất cả những món ăn nào đưa đến và vội nếm hương vị trước khi đã thực thưởng thức đến đúng hương vị của món vừa trước đó. Trước khi tìm thấy điều đầu tiên chúng ta thăm dò – cụ thể là, công lý là gì – tôi đã để điều đó qua đi, và quay sang để điều tra xem không biết nó có phải là một loại xấu xa đồi bại và ngu dốt thiếu hiểu biết, hay nó là một loại trí tuệ và đức hạnh. Sau đó một luận chứng đã đến về sự bất công thì có lợi ích nhiều hơn so với công lý, và tôi đã không thể hãm lại, đã từ bỏ luận chứng trước đó và theo đuổi nó. Do đó kết quả của cuộc thảo luận, cho đến như tôi quan tâm, là rằng tôi không biết gì cả. Vì khi tôi không biết công lý là gì, tôi sẽ hầu như khó mà biết được liệu nó là một loại đức hạnh hay không, hay liệu một người là người có nó – sung sướng hay không sung sướng.

(Hết Quyển I)




Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(Oct/2010 – đọc lại May/2018)







[1] Những chú thích giữ trong ngoặc vuông [ ] lấy từ những bản dịch tiếng England, phần lớn là từ bản Reeve. Những chú thích khác, chắc chắn là có sai lầm, và còn chờ sửa đổi, là của tôi, người dịch bản tiếng Việt.  LDB.

[Hê theos: Vị gót nữ Bendis – gót của dân Thrace (gót của mặt trăng và săn bắn; tương đương với Artemis của Hellas) – có lẽ mới được đem vào thờ phụng tại cảng Piraeus. Nhưng với dân chúng Athens – vị gót bà của họ – hê theos – vẫn là Athena]. Piraeus là hải cảng của Athens, cách nhau khoảng 10 km, đều thuộc vùng Attica.
[2] cloak (himation): áo choàng ngoài, không tay của đàn ông Hellas – và sau cũng thành của phụ nữ – trong vùng đông biển Mediterranean. Nguyên thủy là chỉ một tấm vải vuông, quấn vai trái, nhưng hở vai phải, quanh người từ ngực xuống gần hay kín chân. Ở trong, phần trên thân thể, ban đầu không có áo chẽn ngắn tay (tunic) – nên hở ngực cả nam lẫn nữ; đến thế kỷ thứ 4 mới thêm áo ngắn này; phần dưới đàn ông thường đóng khố tam giác (loincloth hình tam giác).
[3] Polemarchus: con trai Cephalus. Anh của Lysias và Euthydemus. Sau bị nhóm Ba Mươi nhà Độc tài Athens giết năm 404 TCN.
[4] Plato có hai anh trai là Glaucon, Adeimantus và một người chị Potone, ngoài ra có một người em trai cùng mẹ khác cha là Antiphon; những nhân vật này xuất hiện trong những đàm thoại của ông. Glaucon, Adeimantus là hai người hỏi chuyện chính trong quyển I.
[5] city (polis) – nhắc lại ở đây –
a.
một polis Hellas là một tổ chức chính trị đặc biệt – duy nhất trong lịch sử, không có ở đâu khác ngoài Hellas – điển hình là thành Athens. Không giống như những thành phố hiện đại, nhưng nó có những đặc tính của một nhà nước độc lập hiện đại – ngoài chính phủ, quốc hội, pháp luật riêng,… còn có quân đội, cả thủy lẫn bộ, có thể gia nhập những liên minh, gây chiến, ký hòa ước, lập thuộc địa. Nhưng không giống như một quốc gia hiện đại đa chủng; polis thường là thuần chủng (dân tộc đồng nghĩa với quốc gia) chỉ những người dân gốc polis mới được gọi là công dân tự do – đặc biệt có tín ngưỡng và văn hóa đồng nhất và riêng biệt, và Tất nhiên lãnh thổ của một polis tương đối rất nhỏ, không lớn rộng như những quốc gia ngày nay. Một polis thường có một trung tâm có thành bao bọc (astu), với một chiến lũy (akropolis) và một khu chợ – thương mại (agora), mặc dù khu trung tâm chính trị và hành chính này thường được gọi là polis, nhưng polis còn gồm vùng đồng ruộng xung quanh, và dân chúng sống ở đó. Trường hợp Athens là vùng Attica. Có thể xem như nội thành và ngoại thành.
Polis là một kết hợp xã hội tự nhiên – những người dân thuộc về polis là polites – cho chúng ta khái niệm công dân; những người hiểu biết những sự việc của polis là politicos – cho chúng ta khái niệm chính khách; những gì liên quan tới vận hành polis là politika – – cho chúng ta khái niệm chính trị.
Từ politeia – nhan đề của tập sách – phần lớn được xem như đồng nghĩa với tầng lớp những công dân cai trị vì đường lối của họ tạo ảnh hưởng trên polis và là nguồn của pháp luật. Thế nên politeia là hồn của polis. politeia đối với những polites giống như thể dạng so với vật chất. (Bloom).

b.
Khi chúng ta nói về cổ Hellas, chúng ta thường nghĩ ngay đến Athens. Lúc khởi đầu, thành phổ cổ nhất thế giới này (theo lịch sử ghi chép khoảng 3400 năm) chỉ là tập hợp của một số làng nghèo thuộc vùng nay là Attica, một vùng đất cằn cỗi nhất nằm ở cực nam bán đảo chính tạo thành Hellas. Dân chúng sống rất khó khăn bằng nghề trồng nho và ô liu, và sau đó là thương mại.
Khoảng cách giữa giàu – những gia đình quý tộc giới thương gia cầm quyền – và nghèo – những người nông dân trồng trọt đất đai – ngày càng tăng đến mức xã hội của thành phố và khu vực xung quanh nó sẽ phải sụp đổ dưới mâu thuẫn trên cộng thêm sức đè nặng từ áp bức phong kiến đi kèm.
Năm 594 TCN, những nhà lãnh đạo của tầng lớp trung lưu Athens tuyển chọn một thương gia tên là Solon để chấp nhận vai trò lãnh đạo của thành phố và khôi phục lại hòa bình và thịnh vượng. Ông bắt đầu bằng cách hủy bỏ tất cả những khoản nợ và giải phóng tất cả những ai đã bị bắt làm nô lệ vì nợ nần. Sau đó, ông tiến hành soạn thảo một hiến pháp, trong đó dân số được chia thành bốn tầng lớp, dựa hoàn toàn trên giá trị kinh tế, lớp cao nhất duy trì quyền lực lớn nhất, nhưng lớp thấp nhất được miễn thuế.
Sau một quá trình chuyển đổi khó khăn, nền dân chủ đầu tiên của thế giới được thành lập dưới sự lãnh đạo của Cleisthenes năm 507 TCN, khi ông ban sắc lệnh cho tất cả những người tự do được quyền bỏ phiếu. (Điều này, tất nhiên, chưa phải là một nền dân chủ hoàn chỉnh, nhưng không phán xét họ quá khắc nghiệt: chế độ nô lệ sẽ không chính thức bị đặt ra ngoài vòng pháp luật cho đến năm 1814, khi Mexico thành quốc gia có chủ quyền đầu tiên ra lệnh cấm vĩnh viễn chế độ nô lệ. Ở nước Mỹ sẽ không có cách mạng giải phóng nô lệ của nó cho đến tận năm 1865; về phụ nữ – mãi đến tận 1893 ở New Zealand và 1919 ở US, phụ nữ mới bắt đầu được bỏ phiếu).
Thật không may, vào khoảng thời gian thử nghiệm dân chủ bắt đầu, Đế quốc BaTư ở phía đông quyết định bành trướng, đầu tiên, chiếm Ionia – lãnh thổ Hellas ở vùng Tiểu Á; nay thuộc Turkey, và sau đó là chính bán đảo Hellas. Nhưng trong năm 490 TCN, 20.000 người Hellas đã đánh bại 100.000 binh sĩ BaTư tại Marathon, phía bắc Athens. (Một sứ giả tên là Pheidippides chạy bộ 26 dặm – 42 km – về Athens để báo tin chiến thắng, do đó có môn thể thao chạy marathon!)
Năm 481, hoàng đế BaTư Xerxes đã gửi một đội quân – có nguồn cho đến hơn hai triệu người, với sự hỗ trợ bởi một hạm đội 1.200 tàu chiến, tấn công Hellas một lần nữa. Đội quân này tàn phá vùng bắc Hellas và chuẩn bị để tấn công Athens. Họ tìm thấy thành phố đã bỏ hoang. Hải quân BaTư, tuy nhiên, bị quân đội Hellas chờ đợi trong vịnh Salamis. Người Hellas đã chiến thắng quân địch, dù với tỷ lệ lực lượng chênh lệch rất lớn (Liên minh Athens gồm khoảng 320,000 quân). Năm 479, quân đội BaTư bị buộc phải rút lui về vùng Tiểu Á.
Nếu điều này xem dường như chỉ là một mảnh nhỏ của lịch sử, hãy xem xét: chiến thắng này đã cho phép cuộc phiêu lưu của Hellas tiếp tục sản xuất những loại suy nghĩ sẽ thiết lập những giai điệu – chính trị, triết lý, văn học và khoa học, cùng tín ngưỡng – cho hai thiên niên kỷ tiếp theo ở châu Âu và thế giới quanh Địa Trung Hải, và này nay cho chúng ta trên toàn thế giới!
Trong khoảng thời gian chúng ta đang xem xét trong tập sách này, Athens có khoảng 300.000 người, làm cho nó trở thành một trong những thành phố lớn nhất trên thế giới, thời ấy (500 năm TCN) Khoảng một nửa được tự do, 1 / 3 là nô lệ, 1 / 6 là những người nước ngoài (metics). Những nam công dân tự do, ở tuổi trưởng thành được tham dự những sinh hoạt chính trị – điển hình là có quyền bỏ phiếu và được tuyển chọn vào những chức vụ công quyền – hành chính, quân đội và tư pháp – là khoảng 50.000 người.

c.
Về mặt lịch sử Polis là một hiện tượng đặc biệt. Aristotle, trong Politics, là người cho chúng ta biết nhiều nhất về chủ đề này và thường là nguồn thông tin của chúng ta. Nhưng có một điều rõ ràng và khá sớm. Polis không chỉ đơn thuần là một nhà nước thành phố trong cùng một cách, chúng ta hãy nói, như những thành phố của Lưỡng Hà khoảng 3 nghìn năm TCN được. Những nơi như Ur, hay Kish, những thị trấn, mà chúng ta biết có tại đó. Những nơi đó chỉ đơn giản là nơi có một nhà vua, hay hoàng đế cai trị, nơi đặt hoàng cung, và một hay nhiều đền đài, cung điện thờ gót, nơi các quan chức của triều đình làm việc, đó là tất cả những gì các thị trấn này là, không có nhiều hơn thế. Nhưng ngay lập tức, rất sớm, chúng ta bắt đầu nghe người Hellas nói về những Polis của họ, trong những thuật ngữ khác, đòi hỏi tưởng tượng khác với thông thường

Aristotle trong Politics của ông cho biết: “vì con người là một con vật tốt nhất trong những động vật khi nó được hoàn thiện, thế nên nó là tồi tệ nhất trong tất cả khi nó bị phân tách ra khỏi luật pháp và công lý.” Tuy nhiên, ông nói với chúng ta, công lý của con người chỉ có thể được tìm thấy trong Polis, ông nói, con người tự bản chất là một politicon zoon, một con vật của Polis (thường dịch và hiểu là – con vật chính trị) và có nghĩa nếu một người mà không có một Polis, về bản chất là trên (thành gót – vốn không thể có) hay dưới các thể loại con người (tồi tệ, xấu xa với đồng loại, như con thú hoang).

d.
Một khi poleis vững mạnh, họ sẽ dành rất nhiều thời gian vào chuyện đánh lẫn nhau. Một lý do thông thường của các chiến tranh này là tranh chấp về một vùng đất đệm nào nó, ít nhiều là ranh giới giữa các polis, và đó là một khía cạnh tiêu cực của thế giới những poleis.

Polis lớn nhất, trong đó chúng ta biết, là Athens. Không giống như nhiều poleis khác, Athens đã thành công trong việc đạt được quyền kiểm soát toàn bộ khu vực mà nó thống trị, khu vực của Attica. Toàn cõi Hellas, có khoảng hơn 1000 poleis. Một số học giả đưa con số này lên đến 1500. Aristotle nói kích thước đúng nhất để polis là một nơi mà tất cả các công dân, có nghĩa là công dân nam giới đã trên tuổi trưởng thành, có thể đi đến một địa điểm trung tâm và nghe một diễn giả nào dó, và con số lý tưởng đó ông tính là 5000 người. Plato, là một nhà toán học, không như Aristotle, đã quyết định một polis hoàn hảo sẽ có 5040 công dân! (tôi chưa nghĩ và tìm xem tại sao thày trò lại khác nhau con số 40!) Như vậy Athens không phải là một polis lý tưởng, nó quá lớn. Dân số của nó khoàng 125,000 đến 300,000; như thế là một polis cực kỳ lớn, các học giả ước lượng khoảng 1000 hay nhiều hơn những poleis, nằm trong số đông – mỗi polis trong số đông này có không hơn 5000 công dân nam giới trưởng thành.

e.
Khái niệm về công lý được gắn chặt trực tiếp với một Polis. Nơi duy nhất công lý tồn tại hay có thể tồn tại là trong một polis. Cách duy nhất một người có thể sống một cuộc sống tốt đẹp là nếu người ấy sống trong một polis, và khi sống trong một Polis tất nhiên, người ấy sẽ phải cư xử một cách công bằng, sống một đời công chính, bởi vì – và điều này là rất quan trọng, hành vi của một người không ảnh hưởng chỉ đến người ấy và gia đình, nó liên quan đến toàn thể cộng đồng. Người Hellas, coi rất trọng quan niệm này và với họ – chỉ một công dân xấu có thể làm hỏng một polis.

Polis tuyên bố thực sự uốn nắn, định hình cá tính con người. Một polis tốt, có pháp luật tốt, làm cho công dân của mình tốt hơn. Nó không chỉ đánh bại sai, hư hỏng; nhưng nó tạo ra đúng, ngay thẳng và nó tạo ra những công dân là người cư xử một cách đúng đắn. ý tưởng rằng nhà nước phải làm cho con người tốt, và để có một polis tốt, những người công dân của nó phải được tốt. Nói theo chúng ta ngày nay, dân nào có thành phố đó – những người dân vô trật tự, vọng ngoại, mê tín, dơ bẩn, đối xử ích kỷ tệ hại với nhau, tạo nên một thành phố với những tính chất đó – dù thành phố đó mang nhãn hiệu mỹ miều nào; và ở mức độ lớn rộng hơn như một quốc gia cũng thế, dân nào có nhà nước đó, chính thể đó, và quốc gia đó. Tận gốc rễ, không thể thay đổi một thành phố, một quốc gia, chỉ bằng thay đổi chính thể, hay thay đổi, tệ hơn du nhập, cải cách – những hình thức của các tổ chức chính trị, nhà nước, gọi là hiến pháp, luật lệ, ... nếu cuối cùng, và tận cùng không thay đổi chính con người, hay cụ thể hơn – cá tính, trình độ của con người – trong quốc gia đó, những công dân của quốc gia đó.

f.
Cuối cùng, về từ “công dân”. Chúng ta không nên xem là tự nhiên có sẵn đấy, và là một từ tầm thường, nếu nhìn lại lịch sử, không chỉ của Hellas, nhưng của toàn nhân loại; trong tiếng Hellas, “công dân” là “politas”, xuất phát từ Polis. Politas là một người sống trong một Polis, người ấy là một công dân. Chưa bao giờ có một công dân trên thế giới trước khi có Polis. Chỉ có những đối tượng, những con người là đối tượng có thể hay với một vị gót, hay một vị vua, hay một đại diện của một vị gót, hay một thủ lĩnh, hay bất cứ ai, xưng là hoàng đế, thiên tử,...nghĩa là một ai đó trong ý nghĩa những vị cai trị có quyền tuyệt đối này, nắm giữ sinh mạng, đời sống của tất cả những ai sống trong vùng họ có quyền lực kiểm soát – cho sống được sống, bắt chết phải chết – vị này sở hữu tất cả, và tất cả là “thần dân” – như ở nước Tàu, Trung Đông, bán đảo India. Nhưng với polispolita, không ai sở hữu một công dân. Những polita điều hành polis. Đây là một gì đó hoàn toàn hết sức mới lạ trên khắp thế giới và chúng ta sẽ thấy nó xuất hiện trong các hình thức khác nhau và đã dần hình thành và chỉ thấy trong quá trình lịch sử Hellas. Và quá trình đó là quá trình của khái niệm ngày nay chúng ta thừa hưởng của Hellas – polita làm chủ polis – hiểu đơn giản – những công dân là chủ thành phố của họ; gọi là dân chủ. Chúng ta sẽ hiểu sâu xa hơn, sau khi đọc Republic này của Plato. (theo Donald Kagan).

[6] Lysias là một người nổi tiếng về viết diễn văn dùng trong những phiên tòa xử án. Trong đàm thoại Phaedrus Socrates có bàn luận một bài diễn văn được gán cho ông này. Thrasymachus là một nhà sophist – một giáo sư dạy khoa lấy tiền công – về khoa hùng biện và đạo đức. Không rõ về thân thế của Charmantides.
[7] Cephalus không phải là một công dân Athens nhưng một metic, nghĩa là một người ngoài (alien) nhưng được phép định cư ở Athens, tuy đóng thuế, nhưng không có quyền công dân. Ông gốc từ thành Syracuse. (nay là nam Ý)
[8] [Tức cái chết] trong Homer, Iliad 22.60, 24.487; Odyssey 25.246, 348, 23.212 – một người đứng ở ngưỡng cửa của Hades – của thế giới bên kia.]
[9] [Trời thường kéo những kẻ giống nhau lại gần nhau] – Homer, Odyssey 17.218]
[10] Anthropos : loài người, giống con người
[11] hoi polloi : đám đông – ngày nay chúng ta vẫn gọi là quần chúng bình dân, đi với khái niệm kẻ ngoài đường, không chuyên môn.
[12] [Một phiên bản hơi khác của câu chuyện xuất hiện trong Herodotus 8. 125.]
Một kẻ ghen tị từ đảo Seriphus bảo Themistocles rằng danh tiếng của ông không phải có nhiều từ chính ông, nhưng chẳng qua từ thành phố Athens đem lại. Themistocles đáp – có điều gì đúng trong đó, tôi đã không nổi tiếng nếu như tôi là một dân đảo Seriphus, cũng như ông cũng chẳng nổi tiếng nếu như ông có là người thành Athens. Themistocles (524–459 TCN) chính trị gia, tướng quân, nổi tiếng anh hùng vì là người tổ chức và chiến lược gia chính trong chiến thắng tại eo biển Salamis của hải quân Hellas đánh bại Persia xâm lăng.
[13] Mythos – nghĩa đầu tiên là “một câu nói, lời nói” (như trong Homer) – sau khi liên hệ với tôn giáo, hay có nội dung tôn giáo thành “một câu chuyện”. Thi sĩ là những người viết mythoi – ý nghĩa và sự đáng tin cậy của mythoi là vấn đề quan trọng với Plato. Dẫn tới quan niệm đặc biệt của Plato với những thi nhân – ở những quyển cuối của Republic.
[14] Bắt đầu dùng những từ thuộc họ dikaiosyne – công lý – đức tính có công lý là dikaion – tôi dịch là công chính; vậy công lý là danh từ, và thuộc từ của nó là công chính. Ngược lại là không công chính, hay bất công.
[15] Pindar (518-438 TCN): thi sĩ trữ tình Hellas, nổi tiếng với những bài tụng thi ca ngợi những người thắng giải trong những cuộc tranh tài Pythian và Olympic.
[16] Một ai nói một gì đó – có thể là “hay”, “đúng” hay “thật” – “ông nói hay” – nhưng còn “tế nhị” (fair) và “cao quí” (kalon- noble) – một điều gì đó đúng có thể không thực và đẹp nhưng không tế nhị hay không cao quí. Có một sự tế nhị đằng sau những lời đáp của những nhân vật trong đàm thoại. Những dịch giả tiếng England cũng đã lướt qua, có lẽ những chỗ không cần thiết. Tôi cũng không thể làm gì hơn.
[17] [Justice (dikaiosunê) – chủ đề của the Republic. Thường có nghĩa rộng rãi hơn khái niệm về công lý của chúng ta (justice) và gần như tương đương với sự ngay thẳng chính trực trong đạo đức tổng quát. Ngược lại của dikaiosunêadikia, có nghĩa tổng quát là làm sai trái.]
Không hoàn toàn đồng nghĩa với những từ “công bằng” và “công lý” (“just” và “justice”) – tính từ dikaios và danh từ dikaiosune có nghĩa rộng hơn – như một gì đó đúng (không sai) hay phải (không trái) – trong tiếng England là: right, hay correct – và righteousness.
Tôi tạm dùng dùng từ công chính (正直) – một người công chính là một người làm điều phải – làm điều đúng – như thế là công bằng với mọi người và đúng với sự việc, và ngay thẳng (公正 chính trực )với chính mình. Bất đức dĩ phải dùng những từ Tàu – nhưng một người công chính được định nghĩa ở đây – không liên hệ gì với từ “chánh nhân quân tử” – 正人君子 – của người Tàu. Ngược lại là không công chính.
[18] Từ “hiến sinh” (hy sinh – Sacrifice) – chỉ hành động dâng cúng thức ăn hay sinh mệnh – người hay động vật – (cung phẩm hay tế phẩm) với gót để cầu xin (mưa, ân huệ), xoa dịu (vì sợ hãi, hay có những dấu hiệu gót nổi giận, bất bình), hay thông thường bày tỏ cung kính, tôn thờ. Sacrifice gốc nghĩa với từ “linh thiêng” (sacred). Đây là câu nói cuối cùng của Cephalus, sau đó ông biến mất khỏi đàm thoại trong không khí “sùng kính tổ tiên” – vốn ông là đại diện và qua đó tư thế của ông trong đời này và đời sau được bảo vệ.
[19] Simonides người đảo Ceos (556-468 TCN): nhà thơ trữ tình và bi ca cổ (lyric và elegiac) Hellas. Ông nổi tiếng với những bài thơ ca ngợi anh hùng và chiến thắng của Hellas với Persia. Thơ ông mất gần hết, nay chỉ còn vài đoạn ngắn.
[20] techné kỹ năng hay ‘tài khéo’ tương đương với nội dung của từ “khoa học” ngày nay của chúng ta, nhưng không rộng và khi ấy còn chưa phân biệt khoa học (science) và kỹ thuật (technology) – hiểu như lý thuyết (biết) và ứng dụng thực hành (biết làm). Socrates – qua những thí dụ (người thợ giày, lái tàu, y sĩ,..) của chính ông ở đây – dùng techné – chỉ sự hiểu biết của người trong ngành chuyên môn, hiểu biết có ứng dụng hiệu quả trong thực hành. Với Plato, “art” và “science” thường không phân biệt. “nghệ thuật’ thường luôn là một mô hình của những gì hữu lý, lý trí và có thể hiểu được (“khoa học, kỹ thuật”).
[21] [captain (kubernêtês): đóng vai trò thuyền trưởng, cầm lái và hoa tiêu (captain, helmsman, and navigator.]
[22]koinon” có nghĩa là “chung” hay ‘công cộng” – những từ “kết hợp” – “hùn hạp” trong bài có gốc từ từ này – dđưa đến koinonia – chỉ cộng đồng chính trị. Với Polemarchus – hợp đồng là hợp đông flamf ăn buôn bán, liên hệ với tiền bạc. Socrates đem vào nghĩa rộng hơn – hợp đông ở đây có nội dung là công lý – của một cộng đồng chính trị.
[23] Plato thường dùng trò chơi draughts giống như cờ checker (mỗi bên 12 quân) – để tượng trưng cho lý luận biện chứng – những mệnh đề đượx xếp đặt – như quân cờ trên bàn cờ – rồi chúng thay đổi tùy theo những bước đi, lý luận của mỗi bên. Hai bên có thể học lẫn nhau đi đến tốt hơn – và trò chơi cũng như những luận chứng cũng có thể lập lại, đi đến đúng, tốt dần, vững chắc dần.
[24] Odyssey 19.392-8
[25] “đức hạnh” – đức tính có giá trị về đạo đức – vốn trong tiếng Tàu mà chúng ta mượn để dùng – nội dung của nó – đức  – có hai nghĩa chính: với người là con đường để lập thân, thí dụ đức hạnh, đức tính; với thiên nhiên là cái khí tốt (vượng khí) thấy trong bốn mùa. Không có từ nào tương đương để diễn ý niệm này, những từ chúng ta quen dùng, có gốc ”đức” thường mang đậm nghĩa luân lý, vốn không có ở đây; nếu chúng ta hiểu cách nói của Socrates, theo ông – một con dao có “đức hạnh” của nó là sự sắc bén của nó – để cắt, cũng như con người có “đức hạnh” của nó là sự thông minh – để suy nghĩ – vậy mỗi sự vật đều có một hay nhiều khả năng hữu dụng, tốt đẹp nào đó thích ứng của nó – gọi là đức hạnh; và điều này dẫn đến tài khéo, kỹ thuật – techné – là sự chuyên môn để làm “đức hạnh” đó phát triển. Vậy nên nhớ, ít nhất là ở đây, trong Republic – “đức hạnh” có nghĩa khác – tạm dùng để dịch từ “virtue” (arête). “Phẩm tính” có lẽ gần hơn – nhưng “đức hạnh” đã dùng quen thuộc hơn. 
Reeve giải thích: [virtue (arête): Nếu một sự vật gì đó giống như một con dao hay một người, đức hạnh của nó, của con dao hay của một người, là cái trạng thái đó hay thuộc tính đó của nó làm cho nó tốt (Charmides 161a8–9; Euthyphro 6d9–e1; Gorgias 506d2–4; Protagoras 332b4–6; Republic 353d9–354a2). Đức hạnh – aretê của một con dao có thể bao gồm trong tính chất như – có lưỡi sắc để cắt; the aretê – đức hạnh của một người có thể gồm những tính chất như – thông minh, xuất thân trong gia đình có giáo dục, công chính hay can đảm. Như thế Aretê mà chúng ta tạm dịch là đức hạnh – có nghĩa ở đây rộng rãi hơn khái niệm chúng ta có về đạo đức, luân lý, vốn nó thường có khuynh hướng áp dụng với con người , và cũng thường giới hạn vào – lĩnh vực sinh hoạt tình dục – một người có đức hạnh là một người quân bằng, tự chủ về sinh hoạt tình dục, hay về tâm lý – có những hành vi ứng xử tốt đẹp với người khác, như hay giúp đỡ, có lòng từ thiện.
Ở đây, chúng ta thấy Aretê, có nội dung ngược lại hay rộng rãi hơn, áp dụng cả với những sự vật (như con dao) – và với những gì không phải là những tác nhân đạo đức, và trong lĩnh vực tâm lý, đạo đức, với những gì không liên quan gì đến đời sống tình dục (thông minh, can đảm).]

[26] Bias: Bias người thành Priene (6 TCN) : một trong bảy hiền nhân trong truyền thuyết của Hellas. Priene là thành phố ở Ionia. – Pittacus: Pittacus người thành Mytilene (6 TCN): một trong bảy hiền nhân trong truyền thuyết của Hellas.
[27] Periander (650–570): nhà độc tài cai trị thành Corinth – Perdiccas: Có lẽ chỉ Perdiccas II, Vua xứ Macedon (c. 450–413).- Xerxes (c. 486–465) Vua nước Persia đã đánh Hellas trong trận chiến Persian thứ Nhì – Ismenias người thành Thebes (404–382): một lãnh tụ dân chủ Athens.
[28] Theo mê tín Hellas, người nào bị chó sói nhìn thấy mình trước khi mình nhìn thấy nó – thì bị chết cứng, cấm khẩu, không kêu không nói được nữa.
[29] Mỉa mai (eirôneia) không như từ mỉa mai chúng ta dùng – eirôneia chỉ dùng với trường hợp một ai có ý định lừa dối, che dấu.
[30] pancration – môn võ Olympic của Hellas – pha trộn cả đánh bốc và đô vật, cả đá và bóp cổ, bẻ chân, bẻ tay, chỉ cấm cắn và móc (bụng) mà thôi.
[31] [tục ngữ chỉ một công việc khó khăn không thể nào làm được]
[32] [nghĩa là cho những thủy thủ và những thể xác]
[33] [Thị giác là đức hạnh hay sự xuất sắc của những con mắt. Không nó, mắt không thể đạt đến những gì là thuận lợi cho chúng, cụ thể là thị giác, khả năng nhìn thấy. Nhưng xuốt trong quyển I, Socrates giả định những đức hạnh là những loại kỹ năng chuyên môn. Thế nên, ở đây Socrates có thể đi đến kết luận rằng những con mắt cần một tài khéo (techné) khác, một chuyên môn khác ngõ hầu đạt những gì là thuận lợi hay ưu thắng cho chúng].
[34] [do better (pleonektein) – làm nhiều hơn, hay đúng hơn dành nhiều hơn; một khái niệm quan trọng của Republic. Kết nối với pleonexia—ham muốn dành được nhiều hơn và hơn nữa. Pleonexia là gốc chính của bất công (359c), vì nó dẫn con người đi đến chiếm hữu nhiều hơn, dành những gì thuộc về người khác, không phải phần riêng của mình. Ngược lại, làm hay có, giữ những gì là của đúng riêng mình là nguyên nhân, gốc của công bằng, công lý (justice) (434a, 441e).]
[35] [Những ngôi đền đươc dùng như những kho bạc công cộng, do đó, một người cướp tiền giữ trong đền là tương đương với một người cướp ngân hàng ngày nay.]
[36] Một người hầu ăn là một người hầu khi chủ nhân ăn, tương tự, một người hầu tắm là người hầu khi chủ nhân tắm.
[37] Wages – nghĩa cổ là hậu quả – thí dụ “the wages of sin is death” (hậu quả của tội lỗi là cái chết)
[38] những người mạnh mẽ hơn về ý chí – không muốn tham chính – theo ý Socrates, những kẻ tài giỏi, lỗi lạc thường phải ép buộc ra tham chính, nắm quyền cai trị, nhưng vẫn có những người tìa giỏi hơn ẩn dấu, họ đóng vai thường dân, chịu bị cai trị, và thực sự họ là kẻ mạnh hơn – ít nhất về ý chí – hơn những ngời đương cai trị họ. nhưng ông cũng nói đây là một xã hội lý tưởng – một thành phố sẽ xây dựng trong những chương sau của Republic. Ông báo trước ở trên – trong thành phố đó, những công dân sẽ tranh dành nhau để không cai trị.
[39] [Euêtheia, kakoêtheia: Thrasymachus dùng euêtheia theo nghĩa xấu, có nghĩa là ngu dốt. Socrates dẫn ông ta đến định nghĩa nó trong ý hướng tốt của tư cách ngay thẳng đơn giản, và như thế tương phản với kakoêtheia – tính không thành thật, loanh quanh; tính láu cá ranh ma.]
[40] [“làm nhiều hơn” – [do better (pleonektein): Một khái niệm quan trọng trong Republic.] – xem chú thích trước.

[41] [Những gì Socrates nghĩ trong đầu được giải thích trong câu sau (350a): Tất cả những nhạc sĩ chuyên môn cố gắng để có cùng kết quả, sự hòa âm hoàn hảo, vì vậy họ căng và lỏng dây đàn của họ cho chính xác cùng một âm độ: cụ thể là mọi người sẽ tạo ra giọng đúng. Trong cùng một cách, tất cả những y sĩ là những bậc thầy của kỹ năng thuốc quy định cùng chế độ ăn uống với những người cùng bệnh: cụ thể là người sẽ khôi phục tốt nhất lại sức khỏe cho họ.]

[42] Có lẽ Socrates nhắc sự kiện Athens xâm lăng và nô lệ đảo Melos – khoảng 416 TCN.
[43] Lý thuyết của Plato về hồn người cũng sẽ dần hình thành trong Republic; đây là lần đầu tiên từ này xuất hiện – “Psychē” – những tác giả Anh ngữ đều dịch là “soul” – vậy tôi tạm dịch là “hồn người” – có lẽ “hồn” như đối nghịch với “xác” thì đúng hơn, nhưng từ hồn người đã quen dùng, vậy trong Republic khi gặp từ hồn người – hãy bỏ ý niệm “linh” mang tính chất tôn giáo vốn mãi về sau này mới thêm vào, chỉ giữ ý niệm “hồn” – khái niệm về “hồn người” đã thay đổi và biến chuyển cũng có một lịch sử dài như chính toàn bộ triết học phương Tây; vậy ghi vội vài điều khái lược nghĩ là cần thiết và đáng để người mới đọc Plato chú ý. Hứa hẹn khi đọc lại, tôi sẽ phân biệt và dịch thành – hồn người (hiểu như khác với xác), tinh thần hay tâm hồn, hiểu như phần trừu tượng, không vật chất của con người, hay tâm lý hiểu như thuần túy não thức và những hiệu quả hoạt động của nó.
Trong tư tưởng cổ Hellas – “hồn” – “ψυχή” – psychē chỉ sự sống, tinh thần và ý thức; ngược lại với “hồn” là “xác” – σῶμα (soma) – chỉ phần hữu hình thân xác, cơ thể. Trong thơ ca – vốn Plato rất coi thường – Homer cũng dùng từ “hồn” để nói về những “ma” hay “linh” (ghost – spirit) của những người đã chết. Một thi sĩ khác – Pindar – dùng “hồn” với khái niệm có ý nghĩa triết học hơn – “hồn” là bản thế vĩnh cửu và phi vật chất – tin là sẽ còn lại sau khi chúng ta chết. Đó cũng là tương tự như Socrates tin tưởng vào sự bất tử của hồn người chúng ta đã đọc qua Phaedo.
Đến Plato, ông như áp dụng sự phân đôi với con người – (như ông đã phân đôi thế giới – lĩnh vực hiện tượng vật chất; và lĩnh vực những ý tưởng, phổ quát): Chúng ta, đại cương theo cái nhìn của ông, gồm hai phần: cơ thể, đó là vật chất, bị chết, và “di chuyển”, thay đổi (như hậu quả, hay đúng hơn là nạn nhân của nhân quả). Sau đó là phần hồn người, đó là lý tưởng, bất tử, và “không di chuyển”, không thay đổi (có ý chí tự do). Điều đáng chú ý trong Plato là ông không tách biệt “hồn” và “xác” – như hai phần hoàn toàn tách biệt, và giải thích của ông về những tương quan giữa cá tính tâm lý, đức hạnh và hồn người trong con người dựa trên một lý thuyết về tâm lý của Plato – được gọi là “hồn người gồm ba phần”; ba thành phần của hồn người là: Lý trí, tinh thần và ham muốn bản năng (như ăn, uống, tình dục).

Hồn người bao gồm lý trí, tất nhiên, cũng như sự tự nhận thức và ý thức đạo đức, nói theo ngôn từ ngày nay. Plato nói rằng hồn người sẽ luôn luôn chọn làm điều tốt, nếu nó nhận ra, biết được những gì là tốt. Đây là một khái niệm tương tự về điều tốt và xấu – Thiện và Ác – giống như những người theo đạo Phật vẫn có: Thay vì sự làm sai lầm là xấu xa, – gọi là “tội lỗi” (“sin” – trong Kitô giáo) nó được coi là – thuần túy và đơn giản – là một vấn đề của sự thiếu hiểu biết – như chúng ta nghe Socrates nhắc nhiều lần – ignorance – có thể phần nào xem như tương đương, hay gần gũi với khái niệm “vô minh” trong đạo Phật. Vì vậy, một người làm điều gì đó xấu đòi hỏi giáo dục, giải pháp là trí thức, hiểu biết – chứ không phải trừng phạt. Nói theo kiến thức phổ thông – một ai đó làm điều sai trái, đạo đức – vì thiếu trí thức, thiếu hiểu biết – thế nên đạo đức liên hệ chặt chẽ với trí tuệ, giáo dục, học hỏi, không đặt trên tin tưởng tôn giáo.

Hồn người luôn luôn hướng về cái tốt, lý tưởng – ở đây cũng tương tự – hay đi gần với quan niệm – “tính bản Thiện – trong Mạnh Tử – một nhà tư tưởng người Tàu cũng bắt đầu suy nghĩ về chính trị (Psychē có thể xem như tương đương với một hay cả ba: tinh thần, não thức, và ngã thức – spirit, mind or self, như chúng ta phân biệt ngày nay – và tương đương với “tính” của Mạnh Tử – hiểu tính như đã dẫn trong câu phát biểu trên về quan niệm tâm lý, tinh thần con người của Mạnh Tử – qua câu nói – cũng là một ẩn dụ nổi tiếng – thấy một đứa trẻ sắp ngã xuống giếng, ai cũng động lòng kinh sợ, thương xót, chạy đến cứu – không vì lợi, nhưng vì tính thiện – lòng nhân ái) và do đó là đi đến gần với Toàn Hảo tối thượng mà người Tây phương hình thành rồi biểu thị qua ý niệm Gót. Chúng ta dần dần di chuyển đến gần hơn và gần gũi hơn với Toàn Hảo tối thượng, qua sự tái sinh (reincarnation) – nhiều kiếp sống – cũng như trong từng chặng đời của kiếp sống cá nhân của chúng ta. Mục tiêu đạo đức của chúng ta trong đời sống là đi đến tương đồng với sự Toàn Hảo, Toàn Thiện Toàn Mỹ tối thượng này, đến gần hơn với thế giới tinh khiết của những ý tưởng và lý tưởng, như thế sẽ giải phóng chúng ta khỏi vật chất, thời gian và không gian, và trở nên “thực” hơn trong ý nghĩa sâu xa này. Mục tiêu của chúng ta là, nói cách khác, tự thể hiện – self-realization.

Đọc lại 2017 : đã dùng ‘hồn người’ thay vì từ Kitô ‘linh hồn’ [chúng ta vẫn được cho là mỗi người có một gì đó, phi vật chất, một gì đó loại như thế, gọi là ‘hồn’, trong Plato còn có nghĩa là ‘tâm lý’ hay ‘tinh thần’; nhưng ‘hồn’ không có gì ‘linh’ thiêng cả, chỉ sau này, những người Kitô, vì cho là (a) người có ‘hồn’ và (b) nó do Gót đem cho mỗi người khi ra đời, nên nó có tính chất ‘linh thiêng’, Tất nhiên đây chỉ là những tin tưởng tôn giáo, những tưởng tượng, như tất cả những tưởng tượng - chúng đẹp, nhưng thường không thực]