Monday, June 1, 2015

Harari – Sapiens: một Lịch sử Ngắn gọn của loài Người (04)

Sapiens: A Brief History of Humankind
Yuval Noah Harari

Sapiens: một Lịch sử Ngắn gọn của loài Người





Phần Hai
Cuộc Cách mạng Nông nghiệp



Hình 11. Một bức tranh trên tường một nhà mồ Egypt, có niên đại khoảng 3.500 năm trước, mô tả những cảnh canh nông điển hình.


5
Sự Lừa đảo lớn nhất của Lịch sử

Trong 2,5 triệu năm, loài người nuôi mình ăn bằng hái lượm những thực vật và săn bắt những động vật vốn chúng sinh sống và sinh sản không có sự can thiệp của họ. Homo erectus, Homo ergaster và người Neanderthal đã hái những quả sung dại, và săn những con cừu hoang với không quyết định nơi nào sẽ trồng gốc cây sung, đồng cỏ nào nên thả một bầy cừu vào chăn trong đó, hoặc chọn con dê đực nào sẽ phối giống với con dê cái nào. Homo Sapiens vươn toả rộng từ Đông Africa sang Trung Đông, đến Europe và Asia, và cuối cùng là châu Australia và America – nhưng ở mọi nơi họ đã đến, Sapiens cũng đã vẫn tiếp tục sống bằng hái lượm những thực vật mọc hoang và săn bắt những động vật sống hoang dã. Tại sao phải làm bất cứ gì khác khi lối sống của bạn nuôi bạn no đủ thừa thãi, và hỗ trợ một thế giới phong phú những cấu trúc xã hội, những tín ngưỡng tôn giáo và những động lực chính trị?

Tất cả điều này đã thay đổi khoảng 10.000 năm trước đây, khi Sapiens bắt đầu dành hầu hết thời giờ và công sức của họ để thao túng đời sống của một số ít những loài động vật và thực vật. Từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn, con người gieo hạt giống, tưới cây, nhổ cỏ dại trên mặt đất, và dắt cừu đến những đồng cỏ ngon. Công việc này, họ đã nghĩ rằng sẽ cung cấp trái cây, hạt cho bột ăn và thịt nhiều hơn cho họ. Đó đã là một cách mạng trong cách sinh sống của con người – cuộc Cách mạng Nông nghiệp.

Chuyển sang sản xuất canh nông bắt đầu vào khoảng năm 9500-8500 TCN tại vùng đồi núi phía đông nam Turkey, phía tây Iran, và vùng bờ Đông Mediterranean. Nó bắt đầu chậm chạp, và trong một khu vực địa lý giới hạn. Lúa mì và loài dê được thuần hoá khoảng năm 9000 TCN; cây đậu peaslentils khoảng 8000 TCN; cây ôliu khoảng 5000 TCN; loài ngựa khoảng năm 4000 TCN; và cây nho khoảng năm 3500 TCN. Một số loài động vật và thực vật, chẳng hạn như loài lạc đà và cây hạt cashew, đã được thuần hóa lại còn trễ hơn, nhưng đến khoảng năm 3500 TCN, làn sóng thuần hoá chính đã qua hết. Ngay cả ngày nay, với tất cả những kỹ thuật tiến bộ của chúng ta, hơn 90 phần trăm của những calori nuôi ăn loài người đều đến từ một số ít đếm đươc trên số ngón tay mà tổ tiên chúng ta đã thuần hoá những năm giữa 9500 và 3500 TCN – lúa mì, gạo, ngô (gọi là ‘corn’ ở USA), khoai tây, kê và lúa mạch. Không có thực vật hoặc động vật đáng chú ý nào đã được thuần hóa trong khoảng 2.000 năm qua. Nếu não thức của chúng ta là những người săn bắn hái lượm, những thức ăn nấu nướng của chúng ta là của những nông dân thời cổ.

Những học giả từng tin rằng canh nông lan rộng từ một điểm xuất xứ duy nhất ở Trung Đông sang bốn phương thế giới. Ngày nay, những học giả đồng ý rằng canh nông đã dấy lên ở nhiều nơi khác trên thế giới không phải do tác động của những nhà nông ở Trung Đông đã xuất cảng cách mạng nông nghiệp của họ, nhưng chúng hoàn toàn độc lập. Người dân ở Trung America thuần hoá bắp và đậu bean (thân đặc) mà không biết bất cứ gì về lúa mì và đậu pea (thân rỗng) trồng ở Trung Đông. Người Nam America từng học biết cách nuôi giống khoai tây và loài lạc đà không bướu llamas, không biết những gì đang xảy ra cả ở Mexico lẫn vùng bờ đông biển Mediterranean. Người ở vùng ngày nay là nước Tàu làm cách mạng đầu tiên thuần hoá gạo [1], hạt kê và giống lợn. Những người làm vườn đầu tiên của Bắc America là những người đã mệt mỏi với việc đào bới tìm quả bầu ăn được và quyết định trồng bí ngô. Những người ở New Guinea thuần hóa cây mía và chuối, trong khi nông dân Tây Africa đầu tiên thực hiện sự thuần hoá kê Africa, gạo Africa, lúa miến và lúa mì phù hợp với nhu cầu của họ. Từ những điểm tập trung ban đầu này, canh nông lan ra xa và rộng. Vào thế kỷ thứ nhất đa số rất lớn dân chúng trên khắp thế giới là những người canh nông.

Tại sao cuộc Cách mạng Nông nghiệp nổ ra ở Trung Đông, Tàu và Trung America, nhưng không ở Australia, Alaska hay Nam Africa? Lý do rất đơn giản: hầu hết những loài thực vật và động vật không thể thuần hóa được. Sapiens thể đào lên những nấm truffle thơm ngon và săn hạ voi mammoth nhiều lông; nhưng thuần hoá dù chỉ lấy một trong hai vừa nói, là không bao giờ nên việc. Nấm truffle là quá khó để tìm gặp, những con thú khổng lồ quá hung dữ để kềm giữ. Trong số hàng ngàn loài tổ tiên chúng ta đã săn bắn và hái lượm được, chỉ một số ít là những ứng viên thích hợp cho trồng trọt canh tác hay nuôi chăn như gia súc. Số loài ít ỏi đó sống trong những vùng đặc biệt, và trong những vùng đó đã diễn ra những cuộc Cách mạng Nông nghiệp.

Những học giả từng tuyên bố rằng cuộc Cách mạng Nông nghiệp là một bước nhảy vọt vĩ đại cho loài người. Họ kể một câu chuyện tưởng tượng về sự tiến bộ thúc đẩy bởi sức mạnh của bộ óc con người. Tiến hoá dần dần đào tạo loài người sẽ càng thông minh hơn. Cuối cùng, loài người đã rất thông minh khiến họ có thể tháo mở được những bí mật của thiên nhiên, cho phép họ thuần hoá loài cừu và trồng giống lúa mì. Ngay sau khi điều này xảy ra, họ vui vẻ buông bỏ đời sống vất vả, nguy hiểm, và thường thường là khắc khổ của sinh hoạt săn bắn hái lượm, an ổn định cư để vui hưởng đời sống thoải mái, mãn nguyện của người nông dân.

Bản đồ 2. Địa điểm và niên đại của những cuộc Cách mạng Nông nghiệp. Những dữ liệu vẫn còn tranh cãi, và bản đồ liên tục được vẽ lại để kết hợp với những phát hiện khảo cổ mới nhất.

Câu chuyện kể đó là một tưởng tượng phóng đại. Không có bằng chứng cho thấy với thời gian con người trở nên thông minh hơn. Những người kiếm ăn bằng săn bắn hái lượm đã biết những bí mật của thiên nhiên từ lâu trước cuộc Cách mạng Nông nghiệp, vì sự sống còn của họ tuỳ thuộc vào một kiến ​​thức sâu xa về những động vật họ săn bắt và những thực vật họ thu lượm. Thay vì tưng bừng báo trước một kỷ nguyên mới của sinh sống dễ dàng, cuộc Cách mạng Nông nghiệp đã bỏ những nông dân lại với cuộc sống thông thường khó khăn hơn và ít thỏa mãn hơn là so với của những người săn bắn hái lượm. Những người chuyên săn bắn hái lượm đã dành thời gian của họ theo những cách đa dạng và sinh động thích thú hơn, và ít có nguy cơ phải chịu đói kém và bệnh tật. Cuộc Cách mạng Nông nghiệp chắc chắn nâng cao tổng số lương thực cho loài người xử dụng, nhưng số lượng thực phẩm có thêm nhiều hơn, không nên hiểu là kéo theo một tập hợp những thức ăn uống thông thường tốt hơn, hay đem lại nhiều thời giờ nhãn rỗi giải trí hơn. Thay vào đó, nó đã được hiểu là những bùng nổ về dân số [2] và tầng lớp chọn lọc được ưu đãi. Người nông dân trung bình làm việc nặng nhọc hơn so với người hái lượm kiếm ăn trung bình và được đáp trả với một tập hợp những thức ăn uống thông thường tồi tệ hơn. Cách mạng Nông nghiệp đã là một lừa đảo lớn nhất của lịch sử. [3]

Ai chịu trách nhiệm? Không phải những nhà vua, cũng chẳng phải những giáo sĩ, những thày chăn chiên, những thương nhân. Những thủ phạm đã ít chỉ đầy nắm tay gồm những loài cây cỏ, gồm lúa mì, gạo và khoai tây. Những thực vật này đúng hơn đã thuần hoá Homo Sapiens, không phải điều ngược lại.

Hãy suy nghĩ một chút về cuộc Cách mạng Nông nghiệp từ quan điểm của cây lúa mì. Mười nghìn năm trước, lúa mì đã chỉ là một loài cỏ dại, một trong nhiều loài, giới hạn trong một phạm vi nhỏ ở Trung Đông. Đột nhiên, chỉ trong vòng một vài nghìn năm ngắn, nó đã được trồng trên toàn thế giới. Theo những tiêu chuẩn tiến hóa cơ bản của sự sống và sinh sản, lúa mì đã trở thành một trong những thực vật thành công nhất trong lịch sử của quả đất. Trong những vùng như Cánh đồng Lớn (Great Plains) của Bắc America, nơi không một thân cây lúa mì từng mọc 10.000 năm trước đây, ngày nay bạn có thể đi bộ hàng trăm tiếp hàng trăm cây số mà không gặp bất kỳ một thực vật nào khác. Trên toàn thế giới, lúa mì bao phủ khoảng 2,25 triệu cây số vuông của bề mặt quả đất, gần mười lần diện tích England. Làm thế nào giống cỏ này đã chuyển từ không đáng kể đến có mặt ở khắp mọi nơi?

Lúa mì đã làm như vậy bằng cách thao túng Homo Sapiens cho sự thắng thế của nó. Loài thú thuộc họ Ape này đã sống một cuộc sống khá thoải mái săn bắn và hái lượm cho đến khoảng 10.000 năm trướcđây, nhưng sau đó bắt đầu đầu tư nỗ lực nhiều hơn và càng nhiều hơn nữa trong việc trồng lúa mì. Trong vòng một vài nghìn năm, con người ở nhiều nơi trên thế giới đã không làm gì nhiều, từ sáng đến chiều, khác hơn là chăm sóc cây lúa mì. Thật không dễ dàng. Lúa mì đòi hỏi họ rất nhiều. Lúa mì không thích đá và sỏi, do đó Sapiens đã dọn sạch những cánh đồng đến gãy lưng. Lúa mì không thích chia sẻ không gian, nước và những chất dinh dưỡng của nó với những cây cỏ giống khác, do đó con người nam và nữ lao động suốt ngày dài, dọn cỏ dưới ánh mặt trời thiêu đốt. Lúa mì bị bệnh, vì vậy Sapiens đã phải không rời mắt trông chừng những giống sâu và bệnh bạc lá. Lúa mì không có khả năng tự vệ chống lại những sinh vật khác thích ăn nó, từ loài thỏ đến những bầy châu chấu, vì vậy nông dân phải canh gác và bảo vệ nó. Lúa mì khát, nên con người kéo nước từ những sông hay suối để tưới nước cho nó. Đói của lúa mì lại còn thúc đẩy Sapiens hứng nhặt những phân động vật để nuôi dưỡng nền đất, trên đó lúa mì mọc lớn.

Cơ thể con người Homo Sapiens đã không tiến hóa cho những công việc loại như thế. Nó đã được điều chỉnh để trèo hái những cây táo và chạy đuổi theo những con nai gazelles, không phải để bới đất nhặt sạch đá sỏi, và gánh những xô nặng đầy nước. Xương sống, đầu gối, cổ và những bắp thịt nhức mỏi là giá phải trả. Những nghiên cứu về những bộ xương thời cổ chỉ ra rằng việc chuyển đổi sang sản xuất canh nông là nguyên nhân mang lại một loạt những bệnh tật, chẳng hạn như trệch ống xương sống lưng, viêm khớp xương, và chứng sưng phù, sa ruột. Thêm nữa, những công việc canh nông mới đòi hỏi rất nhiều thời giờ khiến mọi người đã buộc phải định cư vĩnh viễn bên cạnh những cánh đồng lúa mì của họ. Điều này hoàn toàn thay đổi cách sống của họ. Chúng ta đã không thuần hoá lúa mì. Nó thuần hoá chúng ta. Từ ‘thuần hoá’ đến từ Latin, “domus”, có nghĩa là “ngôi nhà/ nhà ở “. Ai sống trong một nhà ở? Không phải cây lúa mì. Đó là những Sapiens.

Lúa mì đã làm thế nào thuyết phục được Homo Sapiens để đổi một cuộc sống tương đối khá tốt, nhàn nhã an lành, cho một cuộc sống vất vả đau khổ hơn? Nó đã đem cho những gì để đáp lại? Nó không đem cho một tập hợp những thức ăn uống bổ dưỡng hơn. Hãy nhớ rằng, con người là những con ape ăn tạp, họ phát triển mạnh trên nhiều loại thức ăn khác biệt. Hạt cho bột ăn chỉ chiếm một phần nhỏ trong ăn uống dinh dưỡng của con người trước cuộc Cách mạng Nông nghiệp. Một tập hợp những thức ăn uống thông thường dựa vào hạt cho bột ăn thì nghèo về những khoáng chất và vitamin, khó tiêu hóa, và thực sự không tốt cho răng và nướu của bạn.

Lúa mì đã không đem cho người ta bảo đảm an toàn về kinh tế. Cuộc sống của một người trồng tỉa thì kém an toàn hơn so với một người săn bắn hái lượm. Những người kể sau đã dựa trên hàng chục những loài động thực vật khác biệt để sinh sống, và do đó có thể vượt qua những năm dài khó khăn, ngay cả không cần phải có thức ăn khô để dành hay chất đống dự trữ. Nếu một loài nào đó thiếu vắng hay không có nữa, họ có thể hái lượm và săn bắt những loài khác nhiều hơn. Trong những xã hội canh nông, cho đến rất gần đây, một khối lượng lớn calori từ thực phẩm ăn uống của họ đều dựa trên một loạt nhỏ những cây cỏ được thuần hoá. Trong nhiều khu vực, họ chỉ dựa trên duy nhất một làm thức ăn chủ yếu hàng ngày, chẳng hạn như lúa mì, khoai tây, hay gạo. Nếu thiếu những cơn mưa; hoặc những đám châu chấu đột nhiên bay đến nhiều như mây; hoặc nếu một loại mốc độc dại nào đó đã học được cách để lan nhiễm giống cỏ thuần hoá duy nhất đó, những nông dân sẽ chết hàng ngàn và hàng triệu người vì mất mùa.

Lúa mì cũng không đem cho bảo đảm an ninh chống lại bạo động của con người. Những nhà nông đầu tiên ít nhất là cũng bạo động như tổ tiên kiếm ăn hái lượm của họ, nếu không là còn nhiều hơn như vậy. Nông dân có nhiều sở hữu hơn, và cần đất để trồng trọt. Những cánh đồng trồng trọt bị mất vì những hàng xóm cướp bóc, có thể có nghĩa là sự khác biệt giữa sinh kế và chết đói, nên đã không có nhiều ngõ thoát để nhân nhượng, hay khoảng trống để thỏa hiệp. Khi một bầy đoàn săn bắn hái lượm tìm kiếm thức ăn bị một đối thủ mạnh hơn thúc ép, nó thường có thể tiếp tục chuyển đi xa hơn. Điều đó thì khó khăn và nguy hiểm, nhưng vẫn là có thể làm được. Khi một kẻ thù mạnh đe dọa một làng canh nông, rút ​​lui có nghĩa là từ bỏ ruộng đồng, nhà ở và kho thóc lúa. Trong nhiều trường hợp, điều này đẩy những người chạy nạn phải chịu số phận chết đói. Những nông dân, do đó, có khuynh hướng ở lại và chiến đấu cho đến kết thúc cay đắng.

Hình 12. chiến tranh bộ lạc ở New Guinea giữa hai cộng đồng nông dân (1960). Những cảnh như vậy có lẽ là phổ biến rộng rãi trong hàng nghìn năm sau cuộc Cách mạng Nông nghiệp.

Nhiều nghiên cứu nhân chủng học và khảo cổ học cho thấy rằng trong những xã hội canh nông đơn giản không có những khuôn khổ chính trị ngoài thể chế làng và bộ lạc, bạo lực của con người chịu trách nhiệm cho khoảng 15 % tử vong, trong đó có 25% tử vong của phái nam. Trong New Guinea ngày nay, bạo lực chiếm 30 % những trường hợp tử vong của phái nam trong một xã hội bộ lạc canh nông, bộ lạc của người Dani, và 35% trong một bộ lạc khác của người Enga. Ở Ecuador, có lẽ 50% những người Waoranis trưởng thành gặp một cái chết vì bạo động trong tay của người khác [4]. Theo thời gian, bạo lực của con người đã được đặt dưới sự kiểm soát qua sự phát triển của những khuôn khổ xã hội lớn hơn – những thành phố, những vương quốc và những nhà nước. Nhưng phải mất hàng nghìn năm để xây dựng những cấu trúc chính trị rất lớn và có hiệu quả như vậy.

Cuộc sống ở làng quê chắc chắn mang lại cho những nông dân đầu tiên một số lợi ích trước mắt, chẳng hạn như được bảo vệ tốt hơn chống lại những loài thú hoang, mưa và lạnh. Tuy nhiên, với một cá nhân trung bình, những thua thiệt có thể lớn hơn những lợi thế. Đây là điều khó khăn cho người dân trong những xã hội phồn thịnh ngày nay đánh có thể thấu hiểu. Do chúng ta được hưởng sự sung túc và an ninh, và do sự thịnh vượng và an ninh của chúng ta được xây dựng trên những cơ sở đã được Cách mạng Nông nghiệp đặt nền tảng, chúng ta giả định rằng cuộc Cách mạng Nông nghiệp là một cải tiến tuyệt vời. Tuy nhiên, đó là sai để phán xét hàng nghìn năm lịch sử từ góc nhìn của ngày nay. Một quan điểm đại diện nhiều hơn là của một em bé gái 3 tuổi chết vì thiếu dinh dưỡng ở nước Tàu thế kỷ thứ nhất, vì mùa thu gặt của cha em đã thất bại. Em ấy có sẽ nói “Tôi đang chết vì thiếu ăn, nhưng trong 2000 nữa, mọi người sẽ có rất nhiều lúa mì để ăn, và sống trong những nhà lớn có gắn máy lạnh, nên đau khổ của tôi là một sự hy sinh đáng giá”?

Sau đó, lúa mì đã đem cho những người canh nông những gì, kể cả em bé gái Tàu bị thiếu dinh dưỡng? Nó đã không đem cho người ta gì cả, như những cá nhân. Tuy nhiên, nó đã ban một gì đó cho Homo Sapiens như một loài động vật. Trồng lúa mì cung cấp nhiều thức ăn hơn trên một đơn vị lãnh thổ, và do đó Homo Sapiens có khả năng nhân lên đông đảo theo cấp số nhân. Khoảng năm 13.000 TCN, khi người ta nuôi sống mình bằng cách thu lượm thực vật mọc hoang và săn bắt động vật sống hoang dã, khu vực xung quanh ốc đảo Jericho, ở Palestine, có thể hỗ trợ nhiều nhất một bầy đoàn du mục gồm khoảng 100 người tương đối khỏe mạnh và đầy đủ dinh dưỡng. Khoảng năm 8500 TCN, khi thực vật hoang dã đã nhường chỗ cho những cánh đồng lúa mì, ốc đảo hỗ trợ được một làng lớn nhưng chật chội của 1.000 người định cư, những người chịu điêu đứng nhiều hơn vì bệnh tật và thiếu dinh dưỡng.

Giá trị lưu hành của sự tiến hóa không phải là cái đói cũng không phải là cái đau, nhưng đúng hơn là những bản sao những vòng xoắn DNA. Cũng như sự thành công kinh tế của một công ty chỉ được đo bằng số lượng đôla trong trương mục nhà băng của nó, không phải bằng hạnh phúc của nhân viên của nó, vì vậy sự thành công của tiến hóa của một loài được đo bằng số lượng những bản sao DNA của nó. Nếu không có những bản sao DNA tồn tại, loài sinh vật bị tuyệt chủng, cũng đúng như một công ty nếu không có tiền thì bị phá sản. Nếu một loài sinh vật tự hào có nhiều bản sao DNA, đó là một thành công, và loài sinh vật ấy hưng thịnh. Từ một quan điểm như vậy, 1.000 bản sao thì luôn luôn tốt hơn so với 100 bản sao. Đây là bản chất của cuộc Cách mạng Nông nghiệp: khả năng để giữ cho nhiều người sống trong những điều kiện tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, tại sao những cá nhân phải bận tâm về phép tính calculus tiến hóa này? Tại sao một người bình thường có đầu óc lành mạnh nên hạ thấp tiêu chuẩn mức sống của mình cốt chỉ để cho số lượng những bản sao của gennome Homo Sapiens được nhân lên nhiều hơn? Không ai đã đồng ý với thỏa thuận này: cuộc Cách mạng Nông nghiệp đã là một cái bẫy.

Cái bẫy Xa hoa

Sự nổi lên của hoạt động chăn nuôi trồng trọt đã là một công việc lan truyền rất từ ​​từ, qua nhiều trăm năm và nhiều nghìn năm. Một bầy của những Homo Sapien thu lượm những giống nấm và những giống hạt, và săn nai và thỏ đã hoàn toàn không đột ngột bỏ tất cả để sống định cư lâu dài trong một làng, rồi cày ruộng, gieo lúa mì và gánh nước sông. Sự thay đổi đã tiến hành theo những giai đoạn, mỗi giai đoạn đã liên quan đến chỉ một sửa đổi nhỏ trong cuộc sống hàng ngày.

Homo Sapiens đã đến được Trung Đông khoảng 70.000 năm trước đây. Trong 50.000 năm kế tiếp, tổ tiên chúng ta đã phát triển rực rỡ ở đó mà không có canh nông. Những nguồn tài nguyên thiên nhiên của khu vực đã đủ để hỗ trợ cho dân cư của nó. Trong những thời sung túc, mọi người đã có thêm một ít con trẻ, và trong những thời thiếu thốn, đã giảm bớt một số ít đi. Con người, giống như nhiều động vật lớp có vú, có những cơ chế hormone và di truyền vốn chúng giúp kiểm soát sự sinh sản. Trong những thời no đủ, người nữ đến tuổi dậy thì sớm hơn, và cơ may có thai của họ là cao hơn một chút. Trong những thời thiếu thốn, tuổi dậy thì sẽ muộn và khả năng sinh nở giảm sút.

Những cơ chế văn hoá đã được thêm vào những sự điều khiển tự nhiên về dân số này. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, những người di chuyển chậm và đòi hỏi nhiều sự chú ý, đã là một gánh nặng trong đời sống kiếm ăn du mục. Mọi người đã cố gắng để có con của họ sinh cách quãng khoảng 3 đến 4 năm. Phụ nữ đã làm như thế, bằng cách nuôi con xuốt ngày, và đến một độ tuổi muộn (cho con bú xuốt ngày làm giảm bớt đáng kể cơ hội mang thai). Những phương pháp khác gồm kiêng cữ tình dục, một phần hoặc toàn phần(có lẽ được những tabu văn hoá hỗ trợ), phá thai và đôi khi thực hành tục giết trẻ sơ sinh. [5]

Trong suốt những nghìn năm dài này, đôi khi người ta cũng ăn hạt lúa mì, nhưng đây đã là một phần phụ, nằm ngoài tập hợp những thức ăn uống thông thường của họ. Khoảng 18.000 năm trước đây, kỷ băng hà cuối cùng đã dẫn tới một kỳ của hiện tượng quả đất ấm lên. Khi nhiệt độ tăng lên, nên mưa cũng tăng lên. Khí hậu mới đã là lý tưởng cho giống lúa mì và những giống cỏ có hạt cho bột ăn khác (giống cereal) ở Trung Đông [6], chúng tăng lên nhiều và lan xa rộng. Mọi người bắt đầu ăn bột lúa mì nhiều hơn, và đổi lại họ đã vô tình àm sự trồng trọt giống lúa này lan rộng hơn. Vì không thể ăn những giống cỏ có hạt cho bột mọc hoang nếu trước tiên không sàng quạt, xay và nấu chúng trước đã, nên những người thu thập những hạt này đã mang chúng về những địa điểm dựng trại ở lại liên tục tạm thời của họ để gia công chế biến. Hạt lúa mì nhỏ và rất nhiều, vì vậy một số chúng không tránh khỏi rơi trên đường về địa điểm dựng trại và đã bị vương vãi mất. Theo thời gian, ngày càng có nhiều lúa mì đã mọc hơn, dọc theo những đường mòn ưa chuộng của con người, và gần những địa điểm dựng trại.

Khi con người đốt những khu rừng và những bụi cây rậm, điều này cũng giúp lúa mì. Lửa làm trống sạch những cây cao và những bụi cây thấp, cho phép lúa mì và những loại cỏ khác được độc chiếm ánh sáng mặt trời, nước và những chất dinh dưỡng. Chỗ nào lúa mì trở nên đặc biệt thừa thãi, và những thú săn và những nguồn thực phẩm khác cũng dồi dào, những đoàn người có thể dần dần từ bỏ lối sống du mục của họ, và quyết định thiết lập chỗ ở trong những trại định cư tạm thời theo mùa, và ngay cả thường xuyên.

Lúc đầu, họ có thể đã ở lại liên tục một chỗ trong bốn tuần của thời gian gặt hái. Một thế hệ sau, khi những cỏ lúa mì nhân lên nhiều và lan lớn rộng, trại định cư gặt hái có thể kéo dài trong năm tuần, sau đó thành sáu tuần, và cuối cùng nó đã trở thành một ngôi làng ngụ cư thường xuyên. Bằng chứng về những khu định cư như vậy đã tìm được trên khắp vùng Trung Đông, đặc biệt là ở vùng Cận Đông, nơi nền văn hóa Natufian [7] phát triển rực rỡ từ những năm 12.500 TCN đến 9500 TCN. Những người thuộc văn hoá Natufian là những người săn bắn hái lượm, họ sinh sống bằng hàng chục những loài hoang dã, nhưng họ đã sống trong những làng thường xuyên, và dành nhiều thời giờ của họ để năng thu nhặt và gia công chế biến những loại hạt cho bột ăn mọc hoang. Họ xây những nhà bằng đá và những kho chứa những loại hạt cho bột ăn. Họ trữ những hạt cho bột ăn cho những khi cần. Họ phát minh dụng cụ mới như liềm đá để thu gặt lúa mì hoang, và chày và cối đá để nghiền bột.

Trong những năm sau 9500 TCN, những con truyền cháu nối của những Natufian tiếp tục thu nhặt và gia công chế biến những loại hạt cho bột, nhưng họ cũng bắt đầu trồng chúng theo nhiều cách hơn và phức tạp hơn. Khi thu nhặt hạt mọc hoang, họ đã cẩn thận để dành một phần thu hoạch để gieo trên đồng mùa tới. Họ tìm ra rằng họ có thể đạt được kết quả tốt hơn nhiều bằng cách gieo hạt sâu trong lòng đất chứ không phải là tung ném chúng vung vãi trên mặt đất. Vì vậy, họ bắt đầu cuốc và cày. Dần dần, họ cũng bắt đầu nhổ bỏ những cỏ dại, để bảo vệ chúng chống lại những loài ký sinh trùng, và tưới nước và bón phân cho chúng. Khi nỗ lực nhiều hơn được hướng tới trồng những giống hạt cho bột, đã có ít thời gian hơn trong việc thu lượm và săn những loài (động và thực vật) hoang. Những người chuyên kiếm ăn bằng săn bắn hái lượm đã trở thành những nhà nông.

Không có bước độc nhất tách biệt người phụ nữ thu thập lúa mì mọc hoang với người phụ nữ trồng lúa mì đã thuần hoá, vì vậy thật khó để nói chính xác khi nào đã diễn ra sự chuyển đổi dứt khoát sang canh nông. Nhưng, khoảng 8500 TCN, Trung Đông đã rải rác những làng thường trực như Jericho, cư dân ở đó đã dành phần lớn thời giờ của họ để trồng một vài loài đã được thuần hóa.

Với việc chuyển đổi sang những làng thường trực và sự tăng thêm trong việc cung cấp thức ăn, dân số bắt đầu phát triển. Từ bỏ lối sống du mục cho phép người nữ có một đứa con mỗi năm. Trẻ được cai sữa ở độ tuổi sớm hơn – chúng có thể được cho ăn cháo và bột nấu lỏng. Những cánh tay phụ thêm đã khẩn thiết cần đến trong những cánh đồng. Nhưng những miệng ăn thêm nhanh chóng xóa đi những thặng dư thực phẩm, vì vậy lại càng phải trồng thêm nhiều những cánh đồng hơn. Khi mọi người đã bắt đầu sống trong những khu định cư đầy bệnh tật, khi trẻ em được cho ăn nhiều hạt cho bột và ít sữa mẹ hơn, và khi mỗi đứa trẻ tranh dành cháo của mình với càng nhiều anh chị em, tỉ lệ tử vong trẻ em tăng vọt. Trong hầu hết những xã hội canh nông, ít nhất một trong số ba trẻ con đã chết trước khi đến tuổi 20 [8] .Tuy nhiên sự gia tăng số sinh vẫn vượt trên mức tăng những tử vong; loài người tiếp tục có số trẻ em lớn hơn.

Với thời gian, ‘mối hời lúa mì’ ngày càng trở nên nhiều gánh nặng hơn. Trẻ em chết lũ lượt, và người lớn ăn bánh mì bằng sự “đổ mồ hôi sôi nước mắt” của họ. Những người trung bình ở Jericho của năm 8500 TCN đã sống một cuộc sống khó khăn hơn so với những người trung bình ở Jericho của năm 9500 TCN hoặc 13.000 TCN. Nhưng không ai đã nhận ra những gì đang xảy ra. Mỗi thế hệ sau tiếp tục sống như thế hệ trước, làm chỉ những cải tiến nhỏ ở chỗ này và ở chỗ kia, trong cách những sự vật việc đã được làm. Nghịch lý thay, một loạt những “cải tạo”, mỗi trong số đó đã có nghĩa là để làm cho cuộc sống dễ dàng hơn, đã cộng thành một cối đá đeo quanh cổ của những nhà nông này.

Tại sao người ta làm một tính toán sai lầm định mệnh như vậy? Vì cùng một lý do mà mọi người trong suốt lịch sử đã tính toán sai lầm. Mọi người đã không có khả năng thấu hiểu đến đáy sâu của đầy đủ những hậu quả của những quyết định của họ. Bất cứ khi nào họ quyết định làm thêm một chút công việc – hãy nói thí dụ, để cuốc rãy những cánh đồng thay vì phân tán hạt giống trên mặt – mọi người đã nghĩ, “Phải, chúng ta sẽ phải làm việc khó nhọc hơn. Nhưng mùa gặt lúa sẽ thật tràn đầy! Chúng ta sẽ không phải lo lắng nữa về những năm kém thu. Con cái chúng ta sẽ không bao giờ đi ngủ bụng đói”. Điều đó có nghĩa lý. Nếu bạn đã làm việc khó nhọc hơn, bạn ắt sẽ có một cuộc sống tốt hơn. Đó đã là kế hoạch.

Phần đầu tiên của kế hoạch diễn ra suông sẻ. Người ta quả thực đã làm việc khó nhọc hơn. Nhưng mọi người đã không thấy trước được rằng số lượng trẻ em sẽ tăng lên, nghĩa là lúa mì tăng thêm này sẽ phải chia sẻ giữa đám con cái đông hơn. Những nhà nông đầu tiên cũng chẳng hiểu rằng nuôi con bằng nhiều cháo và ít sữa mẹ sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của chúng, và rằng những khu định cư vĩnh viễn sẽ là môi trường sinh sản nhanh chóng của những bệnh truyền nhiễm. Họ đã không lường trước được rằng bằng cách tăng sự tuỳ thuộc vào một nguồn thực phẩm duy nhất, họ đã thực sự phơi chính họ ra nhiều hơn trước sự cướp phá của hạn hán. Những nhà nông cũng không lường trước được rằng trong những năm tốt mùa, những kho thóc phình lớn của họ sẽ mời gọi những kẻ trộm và những kẻ địch, buộc họ phải bắt đầu xây tường và làm nhiệm vụ canh gác.

Vậy tại sao con người không từ bỏ trồng trọt chăn nuôi khi kế hoạch phản ứng ngược thành ra bất lợi? Một phần vì nó đã cần đến hàng thế hệ cho những thay đổi nhỏ để tích lũy và biến đổi xã hội, và do đó, không ai còn nhớ rằng họ đã từng sống trong khác biệt. Và một phần là do sự gia tăng dân số đã đốt những con thuyền rút lui của loài người. Nếu sự chấp nhận cày xới đất đã khiến dân số của một làng tăng từ 100 đến 110, nghĩa là 10 người sẽ phải tình nguyện chịu chết đói để những người khác có thể quay trở lại thời tốt đẹp xưa? Không có sự quay ngược trở lại. Cái bẫy chụp xuống đã đóng chặt.

Sự theo đuổi một cuộc sống dễ dàng hơn kết quả là đã dẫn đến nhiều khó khăn, và đây không phải là lần cuối cùng. Điều này xảy ra cho chúng ta ngày nay. Có bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp đại học trẻ tuổi đã nhận những việc làm khó khăn kỳ vọng rất cao, trong những công ty rất năng động cạnh tranh, thề rằng họ sẽ làm việc khó nhọc để kiếm nhanh một món tiền lớn, khiến cho phép họ sẽ nghỉ việc sớm, và theo đuổi lợi ích thực sự của họ khi họ khoảng 35 tuổi? Nhưng vào thời điểm họ đến tuổi đó, họ mang món nợ lớn về tiền mua nhà, có trẻ em đang tuổi đi học, nhà ở ngoại ô vốn đòi ít nhất hai chiếc xe cho mỗi gia đình, và một cảm giác rằng cuộc sống không đáng sống nếu không có rượu vang ngon thực sự và những ngày nghỉ du lịch đắt tiền ở nước ngoài. Họ phải làm gì đây, quay trở lại trồng trọt, đào rễ cây? Không, họ tăng gấp đôi nỗ lực nhọc nhằn của họ và tiếp tục nô lệ đến cùng.

Một trong số ít luật sắt lịch sử là những xa xỉ có khuynh hướng trở thành những nhu cầu cần thiết và nảy sinh, đẻ trứng ra những bổn phận mới. Một khi người ta đã quen với một sang trọng nào đó, họ nhận lấy nó như có đó được ban sẵn. Sau đó họ bắt đầu dựa vào nó. Cuối cùng họ đạt đến một điểm mà họ không thể sống mà không có nó. Hãy lấy một thí dụ quen thuộc khác trong thời đại chúng ta. Trong vài chục năm qua, chúng ta đã phát minh vô số những thiết bị tiết kiệm thời gian, được cho là sẽ làm cho cuộc sống thoải mái hơn – máy giặt, máy hút bụi, máy rửa bát, máy điện thoại, điện thoại di động, cômputơ, email. Trước đây, đã tốn rất nhiều công việc để viết một lá thư, ghi địa chỉ và dán tem một phong bì, và đem nó tìm bỏ vào hộp thư. Phải mất nhiều ngày hoặc nhiều tuần, có thể ngay cả hàng tháng, để có được một trả lời. Hiện nay, tôi có thể thoắt ra một email, gửi nó đi nửa vòng quả đất, và (nếu địa chỉ của tôi là online) nhận được trả lời một phút sau đó. Tôi đã thoát được tất cả những rắc rối và thì giờ, nhưng tôi có sống một cuộc sống thoải mái hơn không?

Đáng buồn là không. Quay trở lại những kỷ nguyên gửi thư chậm như rùa, người ta thường chỉ viết những lá thư khi họ đã có một gì đó quan trọng để nói đến. Thay vì viết xuống ngay những điều đầu tiên đến trong đầu của họ, họ cẩn thận cân nhắc xem họ muốn nói gì, và làm thế nào để diễn đạt nó. Họ mong đợi cũng ​​sẽ nhận được một trả lời cân nhắc tương tự. Hầu hết mọi người đã viết và nhận không nhiều hơn một nắm tay những thư từ một tháng, và hiếm khi cảm thấy bắt buộc phải trả lời ngay lập tức. Hôm nay tôi nhận được hàng chục email mỗi ngày, tất cả từ những người mong đợi một trả lời không chậm trễ. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã tiết kiệm thời gian; thay vào đó, chúng ta rồ lên máy chạy bộ của cuộc sống đến mười lần tốc độ trước đây của nó, và làm cho những ngày sống của chúng ta xáo động lo lắng và nóng nảy bồn chồn.

Đó và đây, có một người quá bảo thủ quyết cầm cự đến cùng, từ chối để mở một email, cũng giống như hàng nghìn năm trước, một số bầy người đã từ chối, không để bị lôi cuốn vào việc trồng tỉa chăn nuôi, và do đó đã thoát khỏi cái bẫy sang trọng. Nhưng cuộc Cách mạng Nông nghiệp đã không cần mọi bầy trong một khu vực nhất định cùng tất cả tham gia. Nó chỉ cần có một bầy. Một khi một bầy định cư và bắt đầu cày bừa, dù ở Trung Đông hoặc Trung America, canh nông đã là không thể cưỡng lại. Vì chăn nuôi trồng tỉa đã tạo ra những điều kiện cho dân số tăng trưởng nhanh chóng, những nông dân thường có thể vượt qua những người kiếm ăn săn bắn hái lượm với sức nặng tuyệt đối của những con số. Những người kiếm ăn săn bắn hái lượm, hoặc có thể chạy đi xa, bỏ lại những căn cứ săn bắn của họ cho đồng lúa và và đồng cỏ, hoặc cầm lên lưỡi cày của chính mình. Dù bằng cách nào, lối sinh sống cũ đã bị tiêu diệt.

Câu chuyện về cái bẫy của sự xa hoa mang theo với nó một bài học quan trọng. Sự tìm kiếm một cuộc sống dễ dàng hơn của loài người đã phóng thích những sức mạnh bao la của vô thường [9], khiến đã biến đổi thế giới theo những cách không ai có thể nhìn thấy trước, hoặc mong muốn. Không ai đã âm mưu gây nên cuộc Cách mạng Nông nghiệp, hoặc tìm kiếm sự tuỳ thuộc của con người vào sự trồng trọt những giống cỏ cho hạt ăn bột. Một loạt những quyết định tầm thường chủ yếu nhắm vào sự làm đầy một vài những dạ dày, và tranh lấy được một chút an toàn, đã có tác động tích lũy của sự thúc ép, buộc những người kiếm ăn bằng săn bắn hái lượm phải tiêu trọn ngày của họ để gánh những xô nước đầy dưới một mặt trời thiêu đốt.

Sự Can thiệp Thần linh

Màn kịch giả định trên giải thích cuộc Cách mạng Nông nghiệp như là một sự tính toán sai lầm. Nó rất có thể đã hữu lý xảy ra. Lịch sử thì đầy những tính toán sai lầm còn ngu ngốc hơn nhiều. Nhưng có một có thể đã xảy ra khác. Có lẽ đã không là tìm kiếm một cuộc sống dễ dàng hơn, vốn đã mang đến sự chuyển đổi. Có lẽ Sapiens đã có những nguyện vọng khác, và đã ý thức sẵn sàng để làm cuộc sống của họ khó khăn hơn nhằm mục đích đạt được những nguyện vọng đó.

Những nhà khoa học thường tìm để gán những nguyên nhân của những phát triển lịch sử vào những yếu tố kinh tế học và cấu trúc dân số học lạnh lẽo. Nó thuận hợp tốt hơn với những phương pháp của lý trí và toán học của họ. Trong trường hợp của lịch sử thời nay, những học giả không thể tránh tính đến những yếu tố phi vật chất như hệ ý thức và văn hóa. Bằng chứng ghi chép thúc ép tay họ. Chúng ta có đầy đủ những bản văn, thư tín và hồi ký để chứng minh rằng Thế chiến II đã không gây ra bởi tình trạng thiếu thức ăn hoặc áp lực về dân số học. Nhưng chúng ta không có những tài liệu từ những nền văn hóa Natufian, vì vậy khi đối phó với những thời kỳ thời cổ, trường phái duy vật ngự trị tối cao. Điều là khó khăn để chứng minh rằng những người trước thời có viết chữ đã được thúc đẩy bởi tin tưởng tôn giáo chứ không phải nhu cầu kinh tế.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm hoi, chúng ta có đủ may mắn để tìm được những manh mối tiết lộ. Năm 1995 những nhà khảo cổ bắt đầu khai quật một địa điểm ở đông nam Turkey gọi là Göbekli Tepe. Trong những tầng lâu đời nhất, họ đã không tìm thấy có những dấu hiệu của một khu định cư, những nhà ở, hay những hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên, họ đã tìm được những cột đá như những công trình kiến trúc nguy nga được trang trí bằng những trạm trổ ngoạn mục. Mỗi trụ cột đá nặng tới bảy tấn và đạt độ cao năm mét. Trong một mỏ đá gần đó, họ tìm thấy một cây cột đá cắt đẽo dở dang, được một nửa, nặng năm mươi tấn. Tổng cộng, họ đã tìm ra hơn mười công trình kiến trúc vĩ đại, cái lớn nhất của chúng có bề ngang gần ba mươi mét.

Những nhà khảo cổ đã quen thuộc với công trình kiến trúc nguy nga như vậy từ những địa điểm trên toàn thế giới – thí dụ nổi tiếng nhất là Stonehenge ở England. Tuy nhiên, khi họ nghiên cứu Göbekli Tepe, họ tìm ra một sự thật hết sức kinh ngạc. Stonehenge có niên đại 2500 TCN, và đã được một xã hội canh nông phát triển xây dựng. Những cấu trúc tại Göbekli Tepe là vào khoảng năm 9500 TCN, và tất cả những bằng chứng sẵn có cho thấy rằng chúng đã được những người săn bắn hái lượm xây dựng. Cộng đồng những nhà khảo cổ, đầu tiên tìm thấy khó khăn để ghi nhận công lao của những khám phá này, nhưng kiểm chứng này sau kiểm chứng khác đều xác nhận cả hai, niên đại sớm sủa của những cấu trúc và xã hội canh nông của những người xây dựng chúng. Những khả năng của những người săn bắn hái lượm sơ khai, và sự phức tạp của những nền văn hóa của họ, xem dường đáng thán phục hơn nhiều so với dự đoán trước đây.

Hình 13. Những gì còn lại của một công trình kiến trúc nguy nga ở Göbekli Tepe.














Bên mặt : Một trong những cột đá trang trí (cao khoảng năm mét).






Tại sao một xã hội săn bắn hái lượm xây dựng những cấu trúc như vậy? Chúng rõ ràng không có mục đích thực dụng. Chúng không phải là những lò mổ mammoth, cũng không phải là những nơi trú mưa bão, hay nơi náu trốn những con sư tử. Điều đó để lại cho chúng ta với giả thuyết rằng chúng đã được xây dựng cho một vài mục đích văn hóa bí ẩn mà những nhà khảo cổ phải rất gian nan khó khăn để tìm giải đoán. Dù chúng đã là gì, những người chuyên săn bắn hái lượm kiếm ăn đã nghĩ nó đáng với một số lượng khổng lồ của nỗ lực và thời gian. Cách duy nhất để xây dựng Göbekli Tepe đã là hàng ngàn những người săn bắn hái lượm thuộc những bầy đoàn và những bộ lạc khác nhau để hợp tác trong một thời gian dài. Chỉ có một tôn giáo tinh vi hay hệ thống hệ ý thức phức tạp mới có thể duy trì những nỗ lực như vậy.

Göbekli Tepe giữ một bí mật kích động thích thú khác nữa. Trong nhiều năm, những nhà di truyền học đã từng truy tìm nguồn gốc của lúa mì đã được thuần hoá. Những khám phá gần đây cho thấy ít nhất một biến thể của lúa mì thuần hóa, lúa mì hoang Eikorn, [10] có nguồn gốc ở Karaçadag Hills – cách Göbekli Tepe khoảng ba mươi cây số [11].

Điều này khó có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Điều rất có thể đã xảy ra rằng trung tâm văn hóa của Göbekli Tepe đã kết nối cách nào đó với sự thuần hoá ban đầu của lúa mì với loài người, và của loài người với lúa mì. Ngõ hầu để nuôi ăn những người đã xây dựng và đã dùng những kiến trúc đồ sộ nguy nga, đã cần những khối lượng thực phẩm đặc biệt rất lớn. Điều cũng rất có thể là những người hái lượm săn bắn kiếm ăn đã chuyển từ thu lượm lúa mì hoang sang cật lực trồng lấy lúa mì, không phải để tăng nguồn cung cấp thực phẩm bình thường của họ, nhưng là để hỗ trợ cho việc xây dựng và hoạt động của một ngôi đền. Trong hình ảnh qui ước thông thường, những người tiên phong đầu tiên dựng một làng, và khi nó phát triển thịnh vượng, họ lập một ngôi đền ở giữa. Nhưng Göbekli Tepe khiến người ta nghĩ rằng ngôi đền có thể đã được xây dựng trước tiên, và rằng một làng sau đó đã mọc lên quanh nó.

Những Nạn nhân của Cách mạng

Cuộc đổi chác sẵn sàng hy sinh bất cứ gì quan trọng cá nhân kể cả hồn mình hay những giá trị tinh thần cao thượng để mong có được tri thức hay quyền lực vô hạn [12] giữa loài người và những loài hạt cho bột ăn không phải là thỏa thuận duy nhất vốn loài người chúng ta đã thực hiện. Một thỏa thuận khác đã giáng xuống liên quan đến số phận của những loài động vật như cừu, dê, lợn và gà. Những bầy đoàn du mục vốn lén lút rình rập hay im lặng đuổi theo đám cừu hoang dần dần đã thay đổi thể chất của đàn thú mà họ săn. Quá trình này có thể đã bắt đầu với việc săn bắn có chọn lọc. Con người học được rằng đó là lợi thế của họ để săn chỉ những con cừu đực chưa bị thiến, hay những con cừu già, hay những con cừu đau ốm. Họ chừa lại những con cừu cái có thể có con, và những con cừu non, để bảo vệ sức sống bền bỉ và lâu dài của đàn thú ở địa phương. Bước thứ hai có thể là tích cực bảo vệ đàn thú chống lại những kẻ thù, xua đuổi sư tử, chó sói và những đoàn người đối thủ. Sau đó, đoàn người có thể đã dồn một bầy thú vào một hẻm núi hẹp để kiểm soát và bảo vệ nó tốt hơn. Cuối cùng, người ta bắt đầu để làm một lựa chọn cẩn thận hơn trong đám những con cừu, ngõ hầu chúng vừa vặn với những nhu cầu con người. Những con cừu đực hung hăng nhất, những con đã cho thấy sự kháng cự lớn nhất với sự kiểm soát con người, đã bị giết đầu tiên. Cũng thế là những con cừu cái gầy gò nhất và tò mò dọ dẫm không yên nhất. (Những người chăn cừu không thích những con cừu có óc tò mò, tính dọ dẫm đưa chúng đi xa lạc bầy.) Với mỗi thế hệ trôi qua, những con cừu đã trở thành béo hơn, ngoan ngoãn hơn và ít tò mò dò dẫm. Thì đấy! Mary có một con cừu non con, và khắp nơi nào mà Mary đi, con cừu non con chắc chắn đều đi theo. [13]

Hay một thay thế, chọn lựa khác, những người đi săn có thể đã bắt và nuôi “một con cừu non con”, nuôi cho nó béo tốt trong những tháng thức ăn kiếm được thừa thãi, và giết nó trong những tháng thức ăn kiếm được ít hơn. Đến một giai đoạn nào đó, họ bắt đầu bắt giữ một số lượng lớn những con cừu non con như vậy. Một số những con này đến tuổi dậy thì, và bắt đầu sinh sản. Những con cừu non hung dữ nhất và ngang bướng là đem làm thịt trước tiên. Những con phục tùng nhất, những con cừu trông béo bổ nhất được phép sống lâu hơn và để cho sinh sản. Kết quả là một bầy cừu được thuần hóa và phục tùng.

Những động vật được nuôi thuần hoá như vậy – cừu, gà, lừa và những giống khác – cung ứng thực phẩm (thịt, sữa, trứng), nguyên liệu (da, len), và sức lao động của bắp thịt. Chuyên chở, cày bừa, xay nghiền và những công tác khác, từ trước đến nay được gân sức con người thực hiện, đã ngày càng được những loài gia súc thực hiện. Trong hầu hết những xã hội canh nông trông tỉa, người ta tập trung vào trồng cây; chăn nuôi là một hoạt động kém quan trọng hơn. Nhưng một loại mới của xã hội cũng xuất hiện ở một số nơi, chủ yếu dựa vào khai thác những động vật: những bộ lạc của những người chăn nuôi bò, ngựa, dê, cừu, nai ... du mục trên những đồng cỏ.

Khi con người lan rộng trên khắp địa cầu, cũng thế đã là những động vật được họ thuần hoá chăn nuôi, những gia súc của họ. Mười nghìn năm trước đây, không có nhiều hơn một vài triệu con cừu, trâu, bò, dê, lợn và gà sống trong những khoanh vùng giới hạn ở Asia-Africa. Ngày nay trên thế giới có khoảng một tỉ con cừu, một tỉ con lợn, hơn một tỉ trâu bò, và hơn 25 tỉ con gà. Và chúng có mặt trên khắp thế giới. Con gà nuôi là giống gà phổ thông nhất hơn bao giờ hết. Sau Homo Sapiens, trâu bò, lợn và cừu do con người nuôi là những động vật lớp có vú lớn phổ thông hơn cả, vào hàng thứ hai, thứ ba và thứ tư trên thế giới. Từ một viễn cảnh tiến hóa hạn hẹp, nếu đo lường sự thành công bằng số lượng những bản sao chép DNA, cuộc Cách mạng Nông nghiệp đã là một quà tặng tuyệt vời cho những loài gà, trâu, bò, lợn và cừu.

Thật không may, viễn cảnh tiến hóa là một đo lường không trọn vẹn của sự thành công. Nó phán xét tất cả mọi sự vật việc theo những tiêu chuẩn của sinh tồn và và sinh sản, không quan tâm tới đau khổ và hạnh phúc cá nhân. Gà và gia súc thuần hóa cũng có thể là một câu chuyện tiến hóa thành công, nhưng chúng cũng là những sinh vật khốn khổ khốn nạn nhất đã từng sống. Sự thuần hoá động vật được thành lập trên một loạt những hoạt động tàn nhẫn vốn trải qua nhiều thế kỷ đã chỉ thành thêm ác nghiệt hơn.

Tuổi thọ tự nhiên của gà hoang là khoảng 7-12 năm, và trâu bò khoảng 20-25 năm. Trong tự nhiên, hầu hết gà và trâu bò đã chết trước đó rất lâu, nhưng chúng vẫn khá có một cơ hội để sống trong một số lượng năm xứng đáng với đời súc vật của chúng. Ngược lại, phần lớn gà và gia súc thuần hóa bị mổ giết ở tuổi giữa một vài tuần và vài tháng, vì đây luôn luôn là tuổi giết làm thịt có lợi nhiều nhất nhìn từ góc độ kinh tế. (Tại sao giữ nuôi cho ăn một con gà giò đến ba năm nếu nó đã đạt được trọng lượng tối đa của nó sau ba tháng?)

Gà mái đẻ trứng, bò sữa và súc vật kéo xe đều đôi khi được để cho sống lâu trong nhiều năm. Nhưng cái giá phải trả để sống lâu như thế là sự nô lệ cho một lối sống hoàn toàn xa lạ với những nhu cầu và mong muốn của chúng. Đó là hợp lý để giả định, lấy thí dụ, rằng con bò đực thích dành cả ngày để lang thang trên đồng cỏ rộng với những con bò đực và bò cái khác, hơn là kéo xe và lưỡi cày dưới ách thống trị của một con ape tay quất roi.

Để biến những con bò, ngựa, lừa, lạc đà vào thành những thú vật làm việc nặng nhọc biết vâng lời, những bản năng tự nhiên và những quan hệ xã hội của chúng đã phải bị phá vỡ, bản năng gây hấn và bản năng tình dục của chúng phải bị kiềm chế, và tự do chuyển động di dịch của chúng phải bị cắt bớt. Những nông dân phát triển những kỹ thuật như nhốt những động vật bên trong chuồng hay lồng, đóng yên cương và trói chúng bằng dây xích, huấn luyện chúng với đòn roi và những chiếc dùi cui điện, và thiến hoạn, hay cắt mổ thân thể chúng đến thương tích, hay tật nguyền vĩnh viễn. Quá trình thuần hóa hầu như luôn luôn liên quan đến việc thiến con đực. Điều này sẽ giới hạn sự hung hăng nam tính, và cho con người khả năng chọn lựa để kiểm soát sự sinh sản của đàn thú vật.


14. Một tranh vẽ (trên tường) từ một ngôi mộ cổ Egypt, khoảng 1200 TCN: Một cặp bò cày ruộng. Trong tự nhiên, trâu bò theo bầy sống lang thang tuỳ thích, với một cấu trúc xã hội phức tạp. Những con bò bị thiến và thuần giống phí hết đời chúng dưới roi đòn và trong chuồng hẹp, lao động một mình hoặc theo cặp, theo cách phù hợp không phải với cơ thể của chúng, cũng không phải với nhu cầu của xã hội và tình cảm của chúng. Khi một con bò không còn có thể kéo cày, nó bị đem giết. (Lưu ý tư thế còng lưng của người nông dân Egypt, rất giống như con bò của anh ta, đã tiêu phí cuộc đời mình trong lao động khổ cực, cơ thể, não thức và những quan hệ xã hội của anh ta đều chịu đè nén, bị áp bức.

Trong nhiều xã hội ở New Guinea, sự giàu có của một người được xác định theo truyền thống bằng số những con lợn người ấy có. Để bảo đảm rằng những con lợn không thể bỏ chạy trốn, nông dân ở miền bắc New Guinea xẻo bỏ một khúc mũi của mỗi con lợn. Điều này gây đau đớn rất nhiều, bất cứ khi nào con lợn cố gắng để đánh hơi. Vì những con lợn không thể tìm thức ăn, hoặc ngay cả tìm lối đi quanh của chúng mà không đánh hơi, sự cắt xén mũi này làm cho chúng hoàn toàn tuỳ thuộc vào người chủ của chúng. Trong một khu vực khác của New Guinea, đã là phong tục lấy dao khoét bỏ mắt lợn, do đó chúng không thể nhìn thấy ngay cả chúng đang đi đâu. [14]

Ngành kỹ nghệ nuôi gia súc lấy sữa có cách riêng của nó để buộc động vật phải làm theo ý muốn của nó. Bò, dê và cừu chỉ cho sữa sau khi sinh con, những con bê, dê con và những con chiên, và chỉ trong thời gian chừng nào bầy con này còn đòi bú vú mẹ chúng. Để tiếp tục một nguồn cung cấp sữa động vật, một nông dân cần phải có những con bê, con dê con hoặc con chiên để bú vú mẹ chúng, nhưng phải ngăn chặn chúng không độc quyền bú hết sữa. Một phương pháp phổ biến trong suốt lịch sử đã là đơn giản giết những con thú con ngay sau khi chúng sinh ra, vắt sữa con thú mẹ lấy hết tất cả những gì của cữ sinh nở đó, và sau đó cho con thú mẹ lại mang thai nữa. Đây vẫn còn là một kỹ thuật rất phổ biến. Trong nhiều trại bò sữa thời nay, một con bò sữa thường sống trong khoảng 5 năm trước khi bị giết. Trong 5 năm này, nó gần như phải liên tục mang thai, và được thụ tinh trong vòng 60 đến 120 ngày sau khi sinh, để giữ mức sản xuất sữa cao nhất. Những con thú con bị tách ngay ra khỏi mẹ của chúng chỉ một thời gian ngắn sau khi sinh. Những con giống cái được nuôi để trở thành thế hệ bò sữa tiếp theo, trong khi những con giống đực giao cho kỹ nghệ thịt chăm sóc [15]

Một phương pháp khác là giữ những con bê, chiên và dê con gần mẹ chúng, nhưng ngăn chặn chúng bằng những mưu chước khác biệt để chúng không bú quá nhiều sữa. Cách đơn giản nhất để làm điều đó là để cho những con thú con bắt đầu bú mẹ, nhưng kéo chúng ra một khi sữa mẹ chúng bắt đầu chảy. Phương pháp này thường gặp sự kháng cự của cả thú con lẫn thú mẹ. Một số bộ lạc chăn nuôi đã thường giết những thú con, lấy thịt chúng ăn, và sau lấy da chúng nhồi thành những con thú con giả. Những con thú nhồi da này sau đó đã được đem cho những thú mẹ thấy để sự hiện diện của chúng sẽ khuyến khích sự sản xuất sữa của thú mẹ. Những bộ lạc Nuer ở Sudan đã đi xa hơn thế, bôi những con thú nhồi với nước tiểu của mẹ chúng, để mang lại cho những con thú con giả mùi hương sống thực, quen thuộc. Một kỹ thuật khác của người Nuer là đã buộc một vòng gai xung quanh miệng của một con bê, để nó bú vú mẹ nó, và khiến mẹ nó chống lại không cho bú. [16] Những người gây giống lạc đà Tuareg trong sa mạc Sahara đã thường đâm thủng, hoặc cắt những phần của mũi và môi trên của những lạc đà con, ngõ hầu việc chúng bú sữa mẹ chúng thành đau đớn, như thế cản trở chúng, làm chúng nản lòng không bú tốn quá nhiều sữa mẹ. [17]

Không phải tất cả những xã hội canh nông đều đã độc ác như thế với những động vật nuôi trong trang trại của họ. Cuộc sống của một số loài động vật được thuần hoá có thể là khá tốt đẹp. Cừu được nuôi để lấy len, chó và mèo như những con thú cưng, ngựa chiến và ngựa đua thường được hưởng những điều kiện thoải mái. Hoàng đế Rome là Caligula được cho là đã có kế hoạch bổ nhiệm con ngựa yêu quí của ông, Incitatus, vào hàng Tổng tài [18]. Những người nuôi cừu và những nông dân trong suốt lịch sử cho thấy tình cảm của họ đối với động vật và đã chăm sóc chúng cẩn thận tử tế, cũng giống như nhiều chủ nô cảm thấy có tình cảm và quan tâm với những nô lệ của họ. Đó là không phải ngẫu nhiên mà những vị vua và những tiên tri tự tô vẽ chính mình như những người chăn chiên, và so sánh cách họ và những gót chăm sóc cho dân chúng của họ thì giống như cánh người chăn cừu chăm sóc cho đàn cừu của mình.


15. Một con bê thời nay trong một trang trại thịt kỹ nghệ. Ngay lập tức sau khi sinh, bê con được tách khỏi mẹ của nó và nhốt bên trong một cái chuồng nhỏ, không lớn hơn nhiều so với cơ thể của chính con bê. Ở đó, con bê trải qua tất cả đời sống của nó – trung bình vào khoảng 4 tháng. Nó không bao giờ rời khỏi cái chuồng của nó, cũng không được phép chơi với những con bê khác, hoặc ngay cả không được bước đi – tất cả như thế để những bắp thịt của nó sẽ không phát triển mạnh. Những bắp thịt mềm có nghĩa là một miếng thịt bò steak mềm và ngon ngọt. Lần đầu tiên, con bê có một cơ hội để bước đi, căng dãn bắp thịt của nó và chạm vào những con bê khác là đang trên đường của nó đến lò mổ. Trong những thuật ngữ của thuyết tiến hóa, gia súc như trâu bò đại diện cho một trong những loài động vật thành công nhất từng hiện hữu. Đồng thời, chúng là một số trong những loài vật khốn khổ nhất trên hành tinh.


Tuy nhiên, từ quan điểm của đàn thú, chứ không phải của người chăn thú, thật khó để tránh được ấn tượng rằng với số lớn đông đảo những loài động vật được thuần hóa, cuộc Cách mạng Nông nghiệp là một thảm họa khủng khiếp. Sự ‘thành công’ về tiến hoá của chúng là vô nghĩa. Một con tê giác hiếm hoi sống trong hoang dã, dù đang trên bờ vực của tuyệt chủng, có lẽ hài lòng hơn một con bê, dành trọn cuộc đời ngắn ngủi của nó bên trong một chuồng nhỏ, được nuôi cho béo để sản xuất những miếng steak ngon ngọt. Con tê giác hài lòng cũng không kém mãn nguyện vì là một trong số những con cuối cùng giống thú này. Sự thành công về số lượng của loài bò con thì ít an ủi cho những đau khổ chịu đựng kéo dài cá nhân.

Sự khác biệt này giữa thành công trong tiến hóa và sự đau khổ cá nhân có lẽ là bài học quan trọng nhất mà chúng ta có thể rút ra từ cuộc Cách mạng Nông nghiệp. Khi chúng ta nghiên cứu những trường hợp kể về những cây trồng như lúa mì và ngô, có lẽ viễn tưởng tiến hóa thuần tuý hoàn toàn có ý nghĩa. Tuy nhiên, trong trường hợp của động vật như bò, cừu và Sapiens, mỗi một chúng là một thế giới phức tạp của cảm giác và tình cảm, chúng ta phải xem xét sự thành công tiến hóa chuyển dịch ý nghĩa thế nào vào kinh nghiệm cá nhân. Trong những chương tiếp theo chúng ta sẽ thấy, lập đi lập lại, một sự gia tăng náo động đầy kịch tính bất ngờ của sức mạnh tập thể và sự thành công xem thấy bề ngoài của loài người chúng ta đã đi sóng đôi với nhiều đau khổ cá nhân như thế nào. [19]




6
Xây những tổ chức xã hội theo hình Pyramid

Cách mạng Nông nghiệp là một trong những biến cố gây bất đồng ý kiến gay gắt nhất trong lịch sử. Một số người thuộc phái ủng hộ mạnh mẽ tuyên bố rằng nó đã đặt loài người trên con đường dẫn tới sự thịnh vượng và tiến bộ. Những người khác nhấn mạnh rằng nó dẫn đến đoạ đày trầm luân. Đây là bước ngoặt, họ nói, nơi Sapiens dứt bỏ sự cộng sinh mật thiết của nó với thiên nhiên và chạy hết tốc lực về phía tham lam ích kỷ và sự tha hóa.


Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất

(Apr/2015 – đọc lại Oct/2018)
(còn tiếp ...)

http://chuyendaudau.blogspot.com/

http://chuyendaudau.wordpress.com





[1] Loài cỏ chúng ta gọi là cây lúa đã được tìm thấy ở những địa điểm khảo cổ có niên đại 8000 TCN. Tuy nhiên, con người thuần hoá loài cỏ dại này thành cây trồng thực phẩm ở thời điểm nào và ở đâu, vẫn là một vấn đề còn tranh luận. Hiện nay, có hai loài lúa thuần hoá, Oryza sativa (Asia) và Oryza glaberrima (Africa) được trồng trên toàn thế giới.
Một lý thuyết cũ, đã đề xuất rằng lúa Oryza sativa được thuần hóa ít nhất hai lần – indica ở miền Đông vùng nay là India, Myanmar và Thailand; và japonica ở miền Nam của vùng nay là Tàu và Việt Nam – mặc dù cũng thừa nhận rằng có bằng chứng khảo cổ học và di truyền về sự thuần hoá một giống lúa độc nhất ở những vùng đất thấp, nay thuộc nước Tàu.
Đã có rất nhiều tranh luận về nguồn gốc của lúa thuần hoá. Trong năm 2011, bằng chứng di truyền được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học của Hoa Kỳ (PNAS) cho thấy rằng tất cả những hình thức của gạo Asia, cả indicajaponica, đều nảy sinh từ một giống lúa hoang Oryza rufipogon được thuần hoá, xảy ra khoảng 8,200-13,500 năm trước ở vùng nay là nước Tàu. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature năm 2012, dựa trên một genome của sự biến đổi gene của lúa, chỉ ra rằng việc thuần hóa lúa xảy ra tại vùng thung lũng (nay là) sông Pearl (tỉnh Guangdong, cũng gọi là sông Guangdong) của nước Tàu. Từ Đông Asia, cây lúa cấy trồng được đã lan truyền xuống Nam Asia và Đông Nam Asia.
Cây lúa chuyển về phía bắc đến vùng nay là lưu vực sông Yellow, nước Tàu, bắt đầu từ năm 3000-2000 TCN. Về vùng phía nam sông Yangzi, những khảo cứu tại Taiwan và Việt Nam đã định năm tháng sớm nhất cho giống lúa tìm thấy ở đây vào khoảng cùng thời gian, 2500-2000 TCN.
[2] nạn nhân mãn
[3] [Jared Diamond, Guns, Germs, and Steel: The Fates of Human Societies (New York: W. W. Norton, 1997).]
[4] [Gat, War in Human Civilization, 130–1; Robert S. Walker and Drew H. Bailey, ‘Body Counts in Lowland South American Violence’, Evolution and Human Behavior 34 (2013), 29–34.]
[5] [Katherine A. Spielmann, ‘A Review: Dietary Restriction on Hunter-Gatherer Women and the Implications for Fertility and Infant Mortality’, Human Ecology 17:3 (1989), 321–45. See also: Bruce Winterhalder and Eric Alder Smith, ‘Analyzing Adaptive Strategies: Human Behavioral Ecology at Twenty-Five’, Evolutionary Anthropology 9:2 (2000), 51–72.]
[6] cereal là hạt cho bột ăn; có từ những loài cỏ, thuộc nhóm monocot họ Poaceae, trồng để lấy hạt ăn được của nó, như lúa mì, oats, barley, millet, hay bắp, tạm dịch chung là hạt cho bột ăn (ngũ cốc: không rõ nghĩa)
[7] Nay là vùng Palestine and nam Syria.
[8] [Alain Bideau, Bertrand Desjardins and Hector Perez-Brignoli (eds.), Infant and Child Mortality in the Past (Oxford: Clarendon Press, 1997); Edward Anthony Wrigley et al., English Population History from Family Reconstitution, 1580–1837 (Cambridge: Cambridge University Press, 1997), 295–6, 303.]
[9] nguyên văn “immense forces of change”: chúng ta có thể hiểu là luật vô thường, vốn có thể xem bao trùm cả luật tiến hoá (sinh/vật lý) – tất cả những sự vật việc quanh chúng ta sẽ thay đổi, không một nào giữ nguyên hiện trạng mãi mãi, đó chính là là luật vô thường, hiểu theo nghĩa của triết học đạo Phật.
[10] Einkorn wheat was one of the first plants to be domesticated and cultivated. The earliest clear evidence of the domestication of Einkorn dates from 10,600 to 9,900 years before present (8,650 -7,950 TCN) from two archaeological sites in southern Turkey
[11] [Manfred Heun et al., ‘Site of Einkorn Wheat Domestication Identified by DNA Fingerprints’, Science 278:5341 (1997), 1,312–14.]
[12] Faustian
[13] Tác giả nhắc bài trẻ em quen thuộc tiếng England: “Mary had a little lamb, His fleece was white as snow, And everywhere that Mary went, The lamb was sure to go.”
[14] [Charles Patterson, Eternal Treblinka: Our Treatment of Animals and the Holocaust (New York: Lantern Books, 2002), 9–10; Peter J. Ucko and G. W. Dimbleby (eds.), The Domestication and Exploitation of Plants and Animals (London: Duckworth, 1969), 259.]
[15] [“Avi Pinkas (ed.), Farmyard Animals in Israel – Research, Humanism and Activity (Rishon Le-Ziyyon: The Association for Farmyard Animals, 2009 [Hebrew]), 169–99; “Milk Production – the Cow’ [Hebrew], The Dairy Council, accessed 22 March 2012,
lang=he&ID=645657_milk&act=show&dbid=katavot&dataid=cow.htm.]
[16] [Edward Evan Evans-Pritchard, The Nuer: A Description of the Modes of Livelihood and Political Institutions of a Nilotic People (Oxford: Oxford University Press, 1969); E. C. Amoroso and P. A. Jewell, ‘The Exploitation of the Milk-Ejection Reflex by Primitive People’, trong Man and Cattle: Proceedings of the Symposium on Domestication at the Royal Anthropological Institute, 24–26 May 1960, ed. A. E. Mourant and F. E. Zeuner (London: The Royal Anthropological Institute, 1963), 129–34.]
[17] [Johannes Nicolaisen, Ecology and Culture of the Pastoral Tuareg (Copenhagen: National Museum, 1963), 63.]
[18] consulship
[19] Điển hình, những cách mạng thuộc mọi loại (giữ sống còn, đem lại thành công cho tập thể), cả đổ máu và không đổ máu, đều tất yếu kèm theo những hi sinh lớn lao, những mất mát, thương tổn, chết chóc thống khổ, đầy đau thương của những cá nhân, và khi nhìn từ những quan điểm cá nhân, cả hai bên, bên thua và bên thắng cuộc, mọi đau thương đều như nhau, vì đều chung một vị mặn của nước mắt hay máu người đã đổ xuống.