Saturday, August 9, 2014

Plato – The Symposium (03)

Tiệc Rượu

The Symposium (Συμποσίον)
Plato (Πλάτων, Plátōn, 428/427– 348/347 TCN)



(194a)
Sau đó Socrates nói, “Đó là vì bạn đã giỏi trội trong tranh tài ăn nói, Eryximachus. Nhưng nếu bạn từng bao giờ ở vị trí của tôi, hay đúng hơn ở vị trí của tôi sau bài nói cũng sẽ rất hay của Agathon, khi đó bạn sẽ thực sự lo sợ. Bạn sẽ cụt ý hết đường, không còn biết nói gì, như tôi bây giờ”.

“Ông đang cố bỏ bùa cho tôi mê mẩn, Socrates” Agathon nói, “bằng cách làm tôi nghĩ rằng người nghe mong đợi những điều tuyệt vời trong bài nói của tôi, khiến tôi sẽ bối rối”.

“Agathon”. Socrates nói, “Sao bạn lại nghĩ rằng tôi dễ quên đến thế? Tôi thấy bạn đã can trường và đĩnh đạc biết chừng nào, khi bạn bước thẳng lên thềm sân khấu cùng những diễn viên, đã nhìn thẳng ra khối khán giả đông đảo khổng lồ đó. Bạn đã sắp sửa đưa thơ kịch bạn viết ra trình diễn, và bạn đã không một mảy may luống cuống nào. Sau khi thấy thế, sao tôi lại có thể chờ đợi bạn sẽ bối rối vì chúng tôi, khi chúng tôi thật quá ít?”

“Tại sao, Socrates”, Agathon nói. “Ông phải nghĩ rằng tôi không có gì ngoài những khán giả xem kịch trong trí não của tôi! Thế ông giả định tôi không nhận ra điều đó sao, nếu ông thông minh, ông đã tìm thấy rằng một ít người nhạy cảm khôn ngoan gây khiếp sợ hơn nhiều so với một đám đông vô cảm ngu dại?”

“Không”, ông nói, “Không phải là rất thanh nhã nếu như tôi có nghĩ về bạn thiếu lịch lãm dù trong bất kỳ cách nào, Agathon. Tôi chắc chắn rằng nếu bạn từng gặp phải những người bạn xem là khôn ngoan [1] , bạn sẽ chú ý với họ hơn là với những người của đám đông bình thường. Nhưng bạn không thể giả định chúng tôi thuộc lớp đó; chúng tôi cũng đã có mặt tại chỗ xem kịch nữa [2], bạn biết đấy, là phần của đám đông bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn đã gặp phải bất kỳ những người khôn ngoan nào, khác hơn chính bạn, bạn chắc chắn sẽ xấu hổ với ý tưởng đương làm bất cứ gì đó xấu tệ trước mặt họ. Có phải đó là ý bạn muốn nói?”
“Đúng thế”, ông nói.
“Mặt khác, bạn sẽ không thấy xấu hổ khi làm điều gì đó xấu tệ trước mặt những người bình thường, phải vậy không?”

Đến điểm đó, Phaedrus cắt lời: “Agathon, bạn của tôi, nếu bạn trả lời Socrates, ông ta sẽ không còn màng gì đến việc chúng ta có đi đến đâu nữa hay không, với những gì chúng ta đang làm đây, miễn là ông có một đồng bạn để thảo luận. Đặc biệt là nếu người ấy đẹp trai. Bây giờ, giống như bạn, tôi cũng thích nghe Socrates thảo luận, nhưng đó là nhiệm vụ của tôi để thấy sự ca ngợi gót Ái tình được thực hiện, và đúng mỗi người một bài phát biểu từ trong nhóm đây. Khi cả hai bạn ai nấy đều đã có lời ngợi ca dâng lên gót, sau đó các bạn có thể có thảo luận của các bạn”.

“Bạn đang làm một việc thật đúng đẹp, Phaedrus” Agathon nói. “Không có gì để giữ tôi đừng nói bài phát biểu của tôi. Socrates sẽ có nhiều cơ hội sau đó để thảo luận”.


(Bài ngợi ca Ái tình thứ năm, của Agathon)
 (195a –)

Tôi mong trước tiên để nói về tôi phải nói thế nào, và chỉ sau đó mới nói bài nói. Theo cái nhìn của tôi, các bạn thấy, tất cả những người nói trước tôi đã không xưng tụng vị gót nhiều như chúc mừng con người về những sự vật việc tốt đẹp vốn đến với họ từ vị gót. Nhưng ai đây là người đã cho những quà tặng này, người ấy thì ra sao – không ai đã nói về điều đó. Bây giờ, chỉ một phương pháp là đúng với mỗi khen ngợi, bất kể của ai: bạn phải giải thích những phẩm chất nào trong chủ thể của bài nói của bạn vốn chúng làm người ấy có khả năng đem cho những phúc lợi vì đó chúng ta ca ngợi ông. Thế nên bây giờ, trong trường hợp của Erôs, điều là đúng để chúng ta ca ngợi ông trước hết vì những gì ông là, và rồi sau đó vì những quà tặng của ông.

Tôi chủ trương, sau đó, rằng trong khi tất cả những vị gót thì đều hạnh phúc, Erôs – nếu tôi có thể nói thế mà không gây xúc phạm – là vị hạnh phúc nhất trong tất cả, vì ông là vị đẹp nhất và tốt nhất. Vẻ đẹp tuyệt vời của ông là ở chỗ này: Trước hết, bạn Phaedrus ơi, ông là gót trẻ nhất trong những vị gót [3]. Ông chứng minh điểm tôi nói, bằng sự chính ông chạy trốn tuổi già trong bay hết sức nhanh, tuy rằng nó di chuyển nhanh như biến (đó là hiển nhiên – nó đuổi theo chúng ta nhanh hơn là nó nên nhanh thế). Erôs được sinh ra để ghét tuổi già, và sẽ không bao giờ đi đến gần nó. Erôs luôn luôn sống với những người trẻ tuổi, và là một trong số họ: chuyện xưa nói đúng, giống nhau thì luôn luôn kéo nhau gần với nhau. Và mặc dù tôi đồng ý với Phaedrus trong nhiều điểm khác, tôi không đồng ý với điểm này: rằng Erôs thì cổ xưa hơn Cronus và Iapetus [4]. Không, tôi nói rằng ông là người trẻ nhất trong những vị gót, và giữ vẫn là trẻ mãi mãi. [5]

Những truyện cổ, Hesiod và Parmenides kể về những vị gót – những điều đó đã xảy ra dưới Tất yếu [6], không phải gót Ái tình Erôs, nếu như những gì họ nói là đúng thực. Vì không một nào trong những tác hành bạo động kể đó đã xảy ra – không sự thiến hoạn, không sự giam cầm – nếu Erôs đã có mặt trong số họ. Thay vào đó, đã có hòa bình và thân hữu như đã có hiện nay, miễn chừng nào Erôs là vua của những vị gót.

Thế nên, ông còn trẻ. Và bên cạnh sự trẻ tuổi, ông thì tinh tế khéo léo. Phải đòi đến một nhà thơ, giỏi như Homer, để cho thấy vị gót này tinh tế khéo léo thế nào. Vì Homer nói rằng Ate là một gót nữ [7], và rằng nàng thì dịu dàng – vâng, rằng chân của nàng thì tinh tế khéo léo, dù sao đi nữa! Homer nói:

. . . của nàng là những bàn chân tinh tế khéo léo: không trên mặt đất
nàng đến gần; nhưng kìa, nàng bước trên đầu của những người nam. [8]

Một bằng chứng đáng yêu, tôi nghĩ, để cho thấy nàng tinh tế khéo léo ra sao: nàng không bước trên bất cứ gì cứng; nàng chỉ bước trên những gì là mềm. Chúng ta sẽ cũng dùng bằng chứng tương tự với Erôs, sau đó, để cho thấy rằng ông thì tinh tế khéo léo. Vì ông không bước đi trên mặt đất, thậm chí không trên xương sọ của người ta, chúng vốn thực không mềm mại gì tất cả, nhưng trên sự mềm mại nhất của tất cả những sự vật việc vốn mềm mại, ở đó ông bước, ở đó ông có chỗ ở của ông. Vì ông lập chỗ ở của mình trong những cá tính nhân cách, trong những hồn, của gót và người – và thậm chí không trong mỗi hồn đến gặp: khi ông tiếp xúc một hồn nào có một cá tính khắc nghiệt, ông quay lưng bỏ đi; nhưng khi ông tìm thấy một cá tính mềm mỏng và quí phái, ông yên ổn ở lại đấy. Luôn luôn, khi đó, ông đặt chân mình, và trọn bản thân ông, vào những gì là dịu dàng nhất trong những nơi dịu dàng nhất. Do đó ông phải là vị gót dịu dàng, tinh tế, khéo léo nhất.

Ông là người trẻ nhất, sau đó, và tinh tế khéo léo nhất; ngoài ra ông có một vóc dáng mềm mại uyển chuyển. Vì nếu ông đã là khô cứng, ông đã không có khả năng hoàn toàn ôm bọc trọn hết một hồn người, hoặc tránh không bị ghi nhận khi lần đầu tiên vào trong nó, hay ra khỏi nó. Bên cạnh đó, dáng nhìn phong nhã duyên dáng của ông chứng tỏ rằng ông thì cân bằng và uyển chuyển trong bản chất của ông. Mọi người đều biết rằng Erôs nhìn cực kỳ tuấn tú, đẹp đẽ khác thường, và có chiến tranh không ngừng giữa Erôs và sự xấu xí.

Và màu da của ông mới thanh tú tuyệt vời làm sao! Cách thức hoà hợp quấn quanh vị gót với những ôm đầy hoa cho thấy điều đó. Bởi ông không bao giờ yên chỗ trong bất cứ gì, dù cho là một thân xác hay một hồn ai, mà không thể nở hoa hay đã mãn khai. Chỗ của ông là bất cứ nơi nào có hoa khoe sắc và toả hương thơm; chỗ đó ông chọn, chỗ đó ông ở.

Bây giờ đã tạm đủ về vẻ đẹp của Erôs, dù vẫn còn nhiều để nói. Sau điều này, chúng ta nên nói về phẩm cách đạo đức [9] của Erôs. Điểm chính là Erôs không là nguyên nhân cũng không là nạn nhân, của bất kỳ bất công nào; ông không làm sai trái nào với gót lẫn người. mà họ cũng không làm gì với ông ta. Nếu bất cứ gì có một tác động đến ông, nó thì không bao giờ bằng bạo lực, vì bạo lực không bao giờ chạm đến Erôs. Và những tác động ông gây trên người khác là không ép buộc, vì tất cả mọi cung phụng chúng ta đem cho ái tình, chúng ta đều tự ý đem dâng cho. Và bất cứ gì một người này đồng ý với cùng một người khác, khi cả hai đều tự ý sẵn sàng, đó là đúng và công bằng; cho nên có nói “pháp luật là những vị vua của thành phố”. [10]

Và bên cạnh công lý, ông có phần chia lớn nhất của sự ôn hoà chừng mực [11]. Vì sự ôn hoà chừng mực, theo đồng ý chung, là sức mạnh trên những lạc thú và đam mê, và không có lạc thú nào mạnh mẽ hơn Erôs! Nhưng nếu chúng yếu hơn, chúng là dưới sức mạnh của Erôs, và ông có sức mạnh; và vì ông có quyền năng trên những lạc thú và đam mê, Erôs thì ôn hoà chừng mực khác thường hiếm có.

Và cho sự can trường nam tính, “Dẫu ngay cả Ares cũng không thể đọ với Erôs!” [12] Vì Ares không thể bắt giữ được Erôs, nhưng Erôs có thể bắt giữ được Ares – Erôs của Aphrodite, như câu chuyện đã kể [13]. Nhưng ai là người nắm bắt người bị bắt thì nhiều quyền năng hơn người bị bắt; và như vậy, vì Erôs có quyền năng hơn vị gót can trường nhất của những gót khác, ông phải là can trường nhất của tất cả những vị gót.

Bây giờ, tôi đã nói về công lý, ôn hoà chừng mực và can trường; vẫn còn sự khôn ngoan của ông nữa. [14] tôi phải gắng đừng chừa lại bất cứ gì có thể nói về điểm này. Đầu tiên – để tôn vinh nghề nghiệp của chúng ta, như Eryximachus đã làm phần của bạn [15]Erôs thực là một nhà thơ quá tài ba, đến nỗi ông có thể làm những người khác thành những nhà thơ: một lần Erôs chạm đến mình, bất cứ ai cũng trở thành một nhà thơ,

. . . cho dù không văn hoá đến đâu, người ấy đã là, trước đó. [16]

Điều này, chúng ta có thể quan sát vừa vặn, làm chứng rằng Erôs là một nhà thơ hay giỏi, tóm lại, hay và giỏi trong tất cả mọi loại của sáng tạo nghệ thuật. Vì bạn không thể cho người khác những gì chính bạn không có, và bạn không thể dạy những gì bạn không biết.

Và đối với sự sinh sản của những động vật – ai là người sẽ phủ nhận rằng chúng tất cả đều ra đời và sinh sản qua tài khéo của Erôs?

Và đối với những nghệ nhân và những nhà chuyên môn – không phải chúng ta biết rằng bất cứ ai có vị gót này như một thày dạy, sau cùng đều trong ánh sáng của thành danh lừng lẫy, trong khi một người không được Erôs chạm tới, đều kết thúc trong tối tăm vô danh? Apollo, là một, đã phát minh thuật bắn cung, y học, và thuật tiên tri, khi ham muốn và ái tình đã chỉ đường dẫn lối. Ngay đến cả ông, do đó, cũng là một học trò của Erôs, và những nàng Muses cũng thế, trong âm nhạc; Hephaestus trong thuật đúc đồng, Athena trong dệt vải, và Zeus trong thuật “quản trị về những gót và người”.

Đó cũng vậy, là những cãi vã của những vị gót đã được dàn xếp như thế nào, một khi Erôs đã đến giữa đám họ – yêu cái đẹp, hiển nhiên, vì ái tình không thể bị lôi kéo đến sự xấu xí. Trước đó, như tôi đã nói ở phần đầu, và như những nhà thơ nói, nhiều những điều khủng khiếp đã xảy ra giữa những vị gót, vì Tất yếu đã là vua. Nhưng một khi vị gót Erôs này được sinh ra, tất cả những tốt lành đến với những gót cũng như người, qua sự yêu đương với vẻ đẹp.

Phaedrus, đây là tôi nghĩ về Erôs như thế nào: thứ nhất, bản thân ông là đẹp nhất và tốt nhất; sau đó, bất cứ ai khác nếu tất cả có là như thế, Erôs là nguyên nhân. Thình lình, tôi cảm thấy một cần thiết để nói một gì đó bằng vần thơ, rằng đó chính là ông, là vị gót –

Đem yên bình đến người, và tĩnh lặng đến biển
Đưa gió nằm nghỉ, và những người nhọc nhằn vào giấc ngủ.

Erôs rót đầy chúng ta với sự gần-gũi-nhau, và làm cạn tất cả sự phân-rẽ-nhau của chúng ta. Erôs gọi những tụ tập giống thế này vào nhau. Trong những đám tiệc, trong những nhảy múa, và trong những đám rước lễ, ông cho gương mẫu dẫn đầu. Erôs chuyển chúng ta đến sự ôn hoà, đấy chúng ta xa khỏi sự hoang dại. Ông là vị ban phát của sự tử tế, không bao giờ của sự hung ác. Thanh nhã lịch sự, tốt bụng tử tế – hãy để những người khôn ngoan nhìn thấy và những vị gót ngưỡng phục! Với những người tình là kho báu, với những những người khác là ganh tị, người cha của sự thanh lịch, sang trọng, tinh tế, duyên dáng, khao khát, ham muốn. Erôs chăm sóc khéo cho những người tốt, không bận tâm với những người xấu. Trong đau đớn, trong sợ hãi, trong ham muốn, hay trong nói năng, Erôs là hướng dẫn và bảo vệ tốt nhất của chúng ta; ông là đồng chí của chúng ta, và vị cứu tinh của chúng ta. Một vị gót đem thêm đẹp, thêm nhã, thêm vinh dự vào với tất cả những gót và người, nhà lãnh đạo tuấn tú nhất và tốt lành nhất! Mỗi người nên đi theo Erôs, hát cho hay những bài tụng ca ông, và cùng hát với ông trong bài hát ông hát, làm ngây ngất tâm thần của cả gót lẫn người.

Đây, Phaedrus, là bài nói chuyện tôi phải đem tới. Hãy để nó riêng tặng cho vị gót, một phần của nó trong hoan hỉ, một phần của nó nghiêm trọng vừa phải, như mức tốt nhất tôi có thể cáng đáng.

Khi Agathon nói xong, Aristodemus cho biết, tất cả mọi người ở đó đều ào ào vỗ tay, và tất cả mọi người nghĩ bài phát biểu đã nói với tư cách xứng đáng với vị gót, và với chính chàng trai trẻ.

Khi đó, Socrates nhìn liếc Eryximachus và nói: “Bây giờ, bạn có nghĩ rằng tôi đã ngu ngốc để cảm thấy sợ hãi tôi đã cảm nhận lúc trước không? Không phải là tôi đã nói như một tiên tri một chút trước đây, khi tôi nói rằng Agathon sẽ cho một bài phát biểu làm sửng sốt, và tôi sẽ bị cứng lưỡi?”

“Ông đã là tiên tri về một điều, tôi nghĩ” Eryximachus nói, “rằng Agathon sẽ nói hay. Nhưng còn ông, bị cứng lưỡi? Không, tôi không tin điều đó”.

“Cảm ơn bạn” Socrates nói. “Làm sao tôi sẽ không bị lặng người nói không nên lời, tôi hay bất kỳ ai khác, sau một bài nói chuyện đã được đọc lên với đẹp đẽ và muôn màu muôn vẻ dường vậy? Những phần khác có thể đã không tuyệt diệu thế, nhưng ở phần cuối đó! Ai mà không bị lặng đi không nói nên lời, khi nghe những chữ và lời đẹp đẽ dường thế? Dù sao đi nữa, tôi đã lo lắng rằng tôi không đủ khả năng để nói được bất cứ gì đến gần được chúng với sự đẹp đẽ, và vì vậy tôi gần như đã phải chạy và trốn cho xa, nếu như đã có một nơi để trốn. Và, như các bạn thấy, bài phát biểu đã nhắc tôi về Gorgias [17], vì vậy tôi thực sự đã kinh nghiệm những gì Homer mô tả: Tôi sợ rằng Agathon sẽ kết thúc bằng gửi đến một đầu người như của Gorgon [18], tuyệt vời đến kinh hoàng khi nói trong một phát biểu, tương phản với phát biểu của tôi, và điều này sẽ biến tôi hoá đá, bằng cách làm tôi lặng đi không nói nên lời. Khi đó, tôi nhận ra tôi đã là lố bịch ngớ ngẩn ra sao, khi đã đồng ý gia nhập với các bạn trong sự ca ngợi Erôs, và đã nói rằng tôi là một bậc thầy của nghệ thuật của ái tình, trong khi tôi không biết bất cứ gì của công chuyện này, của bất cứ dẫu gì đi nữa nên được ca ngợi như thế nào. Với sự ngu dại của tôi, tôi nghĩ bạn nên nói sự thật về bất cứ gì bạn khen ngợi, rằng điều này nên là cơ sở của bạn, và từ điều này một người nói nên chọn những sự thật đẹp nhất, và sắp xếp chúng cho thích hợp nhất. Tôi đã là hầu như vô vọng, khi nghĩ rằng tôi sẽ nói hay, và rằng tôi đã biết sự thật về sự ca ngợi bất cứ gì dẫu là gì đi nữa. Nhưng bây giờ, điều xem ra rằng đây không là để ca ngợi gì,  bất cứ gì dẫu gì đi nữa; đúng hơn, nó là để áp dụng vào đối tượng những phẩm chất vĩ đại nhất và đẹp nhất, dù không biết ông thực sự có chúng hay không. Và nếu chúng là sai, điều đó thì không bị phản đối; vì đề nghị ban đầu bây giờ xem ra đã không phải rằng mỗi người chúng ta nên thực sự ca ngợi Erôs, nhưng rằng chúng ta nên cho bên ngoài [19] – (những người còn lại) xem thấy rằng người ấy ca ngợi vị gót – Tôi nghĩ đó là lý do tại sao các bạn khuấy đảo mọi từ ngữ lên, và áp dụng nó vào Erôs; Mô tả của bạn về ông ta, và về quà tặng của ông ta được tạo dựng để làm ông trông tốt hơn và đẹp hơn bất cứ gì khác – với những người nghe không biết gì, rõ ràng, vì dĩ nhiên, ông đã không được nhìn theo cách đó, với những người hiểu biết. Và khen ngợi của các bạn xem dường đã đẹp đẽ và tôn kính. Nhưng tôi thậm chí đã không biết đến cả phương pháp để đưa ra lời ca ngợi; và điều đã là trong sự thiếu hiểu biết mà tôi đã đồng ý tham dự vào việc này. Vì vậy, “lưỡi” đã hứa, và “trí” đã không. [20] Xin chào khiếu điều đó! Tôi sẽ không đem cho một bài tụng ca khác, sử dụng phương pháp đó, hoàn toàn tất cả không thế  – Tôi sẽ không có khả năng làm điều đó! – Nhưng, nếu các bạn muốn, tôi thích được nói sự thật theo cách của tôi. Tôi muốn tránh bất kỳ so sánh nào với những phát biểu của các bạn, như thế không cho các bạn một lý do để cười nhạo tôi. Vì vậy, hãy nhìn xem, Phaedrus một bài phát biểu như thế sẽ đáp ứng đòi hỏi của các bạn không? Bạn sẽ nghe sự thật về Erôs, và những lời và câu nói sẽ tự chúng chăm sóc lấy điều đó”. [21]

Sau đó Aristodemus nói rằng Phaedrus và những người khác dục ông nói theo cách ông nghĩ đã đòi hỏi, dù nó là bất cứ gì đi nữa.
“Vậy thì, Phaedrus”, Socrates nói, “cho phép tôi hỏi Agathon một vài câu hỏi nhỏ, như thế, một khi tôi có sự thoả thuận của người bạn chúng ta, tôi có thể nói trên cơ sở đó”
“Ông được phép tôi”, Phaedrus nói. “Hỏi đi”.

Sau đó, Aristodemus cho biết, Socrates bắt đầu: “Quả thực, Agathon, bạn tôi ơi, tôi nghĩ bạn đã xuất sắc dẫn nhập bài phát biểu của bạn, khi bạn nói rằng trước tiên người ta nên cho thấy những phẩm tính của chính Erôs, và chỉ sau đó mới đến những tác hành của ông. Tôi phải ngưỡng phục sự bắt đầu như thế. Sau đó, vì bạn đã đi đến phân giải xuất sắc và tuyệt khéo những phẩm tính của ông theo những cách khác, hãy cho tôi biết điều này, cũng về Erôs nữa. Có phải Erôs là loại giống như một yêu đương với một-gì đó, hay là với không-gì cả? Tôi không hỏi nếu ông được sinh ra từ một mẹ hay cha nào đó, (vì với câu hỏi có phải Erôs là ái tình của người mẹ hay người cha, thực sự sẽ là lố bịch vô lý), nhưng đó thì giống như nếu tôi đang hỏi điều này về một người cha – không biết có phải một người cha là cha của một gì đó, hay không phải là cha của một gì đó, hay không. Bạn sẽ bảo tôi, tất nhiên, nếu bạn muốn cho tôi một câu trả lời tốt, rằng đó là (cha) của một người con trai, hay của một người con gái, mà một người cha là người làm-cha. Phải không? ”. 
“Chắc chắn thế”, Agathon nói.
“Sau đó, cũng là như thế với người mẹ?”
Ông cũng đồng ý với thế.

“Tốt, sau đó”, Socrates nói, “hãy trả lời cho đủ hơn một chút, và bạn sẽ hiểu rõ hơn tôi muốn gì. Nếu như tôi hỏi, “Điều này thì sao: một người anh em, đúng chỉ như chừng nào người ấy là một người anh em, là anh em của một gì đó, phải không? ”
Ông nói rằng người ấy là như thế.
“Và người ấy là người anh em của một người, hay chị em của một người, anh chị em khác, phải không?”
Ông đồng ý.
“Bây giờ cố gắng thử nói với tôi về Erôs”, ông nói. “Erôs là yêu đương không gì hay một-gì đó?”
 “Yêu một gì đó, chắc chắn!”
Vậy đó, hãy giữ đối tượng này của Erôs trong não thức, và đừng quên nó là gì. Nhưng cho tôi biết nhiều đến mức này: Có phải Erôs mong muốn gì đó vốn nó là yêu đương, hay không?” 
“Chắc chắn”, ông nói.
“Ở thời điểm ông mong muốn và yêu đương một gì đó, có phải ông thực sự có những gì ông mong muốn và yêu đương ở thời điểm đó, hay là ông không có?”
“Ông không có. Ít nhất thế, vì điều đó xem chừng khó có-thể xảy ra”, Agathon nói.
“Thay vì về những gì là có thể”, Socrates nói, “hãy tự hỏi bạn, không biết có phải đó là tất yếu rằng này là như thế: một sự vật việc mà nó mong muốn, nó mong muốn một gì đó mà nó có nhu cầu về sự vật việc đó; nếu không thế, nếu như nó đã không có nhu cầu, nó đã không mong muốn sự vật việc đó. Tôi không thể nói cho bạn biết, Agathon, điều này đập vào tôi, mạnh mẽ đến thế nào, rằng đây là sự tất yếu. Nhưng còn bạn thì sao? ”
“Tôi cũng nghĩ vậy”.
“Tốt. Bây giờ dẫn đến, một người nào đó là người cao, có muốn được là cao? Hay một ai đó là người mạnh mẽ muốn được là mạnh mẽ?”
“Không thể như thế được, trên cơ sở của những gì chúng ta đã đồng ý”.
“Vì đã giả định là không ai lại cần những gì người ấy đã có rồi”.
“Đúng”.
“Nhưng có lẽ một người mạnh mẽ có thể muốn mạnh mẽ”, Socrates nói, “hay một người nhanh muốn nhanh, hay một người khỏe mạnh muốn khỏe mạnh: trong những trường hợp như thế này, bạn có thể nghĩ rằng mọi người thực sự muốn có những điều họ đã có rồi, và thực muốn có những phẩm chất họ đã có rồi – Tôi nêu lên những trường hợp này để chúng sẽ không lường gạt chúng ta. Nhưng trong những trường hợp này, Agathon, nếu bạn dừng lại để suy nghĩ về chúng, bạn sẽ thấy rằng những người này là những gì họ đang ở thời điểm hiện tại, cho dù họ muốn là thế hay không, bởi một tất yếu lôgích. Và ai là người, tôi xin hỏi, lại mất công để mong muốn những gì là tất yếu trong dẫu trường hợp nào? Nhưng khi có ai đó nói: “Tôi khỏe mạnh, nhưng đó đúng là những gì tôi muốn”, hay “Tôi giàu có, nhưng đó đúng là những gì tôi muốn”, hay “Tôi mong muốn chính điều mà tôi đã có ”, chúng ta hãy nói : bạn đã có giàu có, và khỏe mạnh, và sức lực trong những gì bạn có, bạn này, những gì bạn muốn là có những điều này trong thời gian tới, vì trong hiện tại, cho dù bạn muốn hay không, bạn đã có chúng. Bất cứ khi nào bạn nói, tôi mong muốn những gì tôi đã có, hãy tự hỏi liệu bạn không có ý muốn nói thế này: tôi muốn những điều tôi có bây giờ cũng là của tôi trong tương lai nữa. Bạn sẽ không đồng ý thế sao? ”
Theo Aristodemus, Agathon nói ông sẽ đồng ý.
Vì vậy, Socrates nói, “Sau đó, đây là những gì là điều để yêu đương một gì đó vốn không có nó trong tay, vốn người tình không có: đó là mong muốn gìn giữ những gì người ấy bây giờ có, nhưng đến thời sẽ tới, như thế để người ấy khi đó sẽ có nó.
“Hầu hết là thế”, ông nói.
“Thế nên, một người loại giống như vậy, hay một bất kỳ ai khác, là người có một mong muốn, là mong muốn những gì không có nó trong tay, và không có trong hiện tại, những gì người ấy không có, và những gì người ấy không là, và đó là thuộc về những gì người ấy cần có; vì giống như thế là những đối tượng của ham muốn và của Erôs ”.
“Chắc chắn”, ông nói.
“Nào, sau đó”, Socrates nói. “Chúng ta hãy xem lại trên những điểm chúng ta đã đồng ý. Không phải là chúng, thứ nhất, rằng Erôsyêu đương một gì đó, và, thứ nhì, rằng ông yêu những sự vật việc mà trong hiện tại ông ấy có một nhu cầu? ”.
“Đúng”, ông nói.
“Bây giờ, hãy nhớ, ngoài những điểm này, những gì bạn nói trong bài phát biểu của bạn về những gì đó là Erôs yêu thích. Nếu bạn muốn, tôi sẽ nhắc bạn. Tôi nghĩ rằng bạn đã nói một gì đó như thế này: rằng những tranh cãi của những vị gót đã được giải quyết bằng tình yêu của những điều tốt đẹp, vì không có tình yêu với những điều xấu xa. Không phải bạn đã nói như thế sao?”
“Tôi có nói thế”, Agathon nói.
“Và đó là một điều thích đáng để nói, bạn tôi ơi”, Socrates nói. “Nhưng nếu điều này là như vậy, sẽ không phải Erôs phải là một mong muốn với sự đẹp đẽ, và không bao giờ với sự xấu xí?”
Ông đồng ý.
“Và chúng ta cũng đồng ý rằng ông yêu chỉ là những gì ông cần và không có”.
“Phải”, ông nói.
“Vì vậy, Erôs cần cái đẹp, sau đó, và không có nó”.
“Đã hẳn phải thế”, ông nói.
“Vì vậy! Nếu một gì dó cần cái đẹp và đã có không có cái đẹp nào tất cả, bạn có sẽ vẫn nói rằng nó thì đẹp hay không?”
“Chắc chắn là không”.
“Sau đó, bạn vẫn đồng ý rằng Erôs là đẹp, nếu những điều đó là như vậy?”
Khi đó Agathon nói: “Hóa ra, Socrates, tôi đã không hiểu những gì tôi đã nói trong bài phát biểu đó”.
“Đó là một bài phát biểu đẹp, dù sao đi nữa, Agathon”, Socrates nói. “Bây giờ mang nó xa thêm một chút nữa. Bạn không nghĩ rằng những điều tốt lành luôn cũng là xinh đẹp không?”
“Tôi nghĩ thế”.
“Sau đó, nếu Erôs cần những sự vật việc xinh đẹp, và nếu tất cả những sự vật việc tốt lành là đẹp đẽ, ông sẽ cần những điều tốt lành nữa”.
“Về phần tôi, Socrates”, ông nói, “Tôi không thể mâu thuẫn với ông. Hãy để điều được như là ông nói”.
“Trong trường hợp này, đó là sự thật, Agathon yêu quí của tôi, mà bạn không thể mâu thuẫn”, ông nói. “Không có gì là khó khăn tất cả, nếu để mâu thuẫn với Socrates”.


(Bài ngợi ca Ái tình thứ sáu, của Socrates)
(201d)

Bây giờ tôi đã xong với bạn. Tôi sẽ cố gắng kể lại kỹ lưỡng cho các bạn bài nói chuyện về Erôs, tôi đã một lần nghe từ Diotima, người thành Mantinea, – một phụ nữ là người khôn ngoan [22] về nhiều sự việc,

Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(Jul/2014)
http://chuyendaudau.wordpress.com




[1] sophos
[2] Theatron: kiến trúc sân khấu ngoài trời của cổ Greece; cũng gọi là “chỗ xem diễn kịch”. Khán giả ngồi trên những băng gỗ, hay đá, xếp dãy hình bán nguyệt, xây theo bậc lên cao dần (thường trên những sườn đồi dốc thoải của địa điểm tự nhiên đã chọn), vòng quanh một sân khấu ở giữa, thấp nhất. Những “chỗ xem diễn kịch”, tôi dài dòng vì mà nếu chúng ta dịch là “rạp hát” sẽ không rõ nghĩa, này rất lớn, có thể chứa hàng chục nghìn người, nhưng khán giả đều nghe và hầu hết xem rõ, do cấu trúc đặc biệt của loại sân khấu này.
[3] Contrast, 178b
[4] Cronus là cha của Zeus, Iapetus là anh em. Zeus đã thiến cha, truất ngôi, và nhốt tù Cronus.
[5] Erôs: Để hiểu, đặc biệt trong đoạn này, chúng ta phải phân biệt, trong truyền thống Greek, có thể kể có 3 Erôs, hay ba cách nhận hiểu Erôs:
(a) Erôs trong những nội dung liên quan đến nguồn gốc vũ trụ (như trong lời kể của Phaedrus, ở bài nói chyện đầu tiên, ông đã thuật theo Hesiod), Erôs này ra đời chỉ sau Chaos, Gaia (Hỗn độn và Đất). Erôs, theo đó, là gót không rõ cha mẹ, nhưng đã có mặt cùng trời đất, ngay trong buổi đầu sáng tạo, khai thiên lập địa; nên lâu đời, cổ xưa vào bậc nhất, đặc biệt là đẹp nhất, mạnh mẽ nhất, hơn tất cả những gót có mặt về sau, quyền năng của ông chế ngự cả thế giới của gót lẫn người.
(b) Erôs của những triết gia, cũng tương tự như (a), nhưng các triết gia xem Erôs là một trong những nguyên nhân cơ bản trong sự hình thành thế giới, bởi ông là sức mạnh kết hợp có trong ái tình, sức mạnh này đem lại hoà đồng, “hài hoà” giữa yếu tố đối kháng vốn có từ Chaos ban đầu.
(c) Erôs của những nhà thơ. Những thi sĩ trong truyền thống Orphic (một tín ngưỡng cổ Greek, đã mất từ lâu) mô tả Erôs, là con của Cronus, là một trong những gót trẻ nhất trong số những gót của Greece. Như nhà thơ Agathon nói trên đây.
[6] Necessity: Ananke, trong văn chương Greek, Tất yếu hay Số phận được nhân cách hoá.
[7] Ant: có nghĩa là mê cuồng, rồ dại, là ảo tưởng hiện thân, hay được nhân cách hoá, như một gót nữ, đi vào đầu óc con người như một sự trừng phạt của những gót khác, khiến họ có những quyết định tai hại.
[8] Illiad , xix 92-93
[9] areté (ἀρετή): thường dịch là “đức hạnh”, hay “xuất sắc”. Đức hạnh ở đây không thuần chỉ có nghĩa là luân lý, đạo đức, theo Plato, đức hạnh của một gì đó là trạng thái phẩm chất cao nhất nó có thể đạt tới. Như thế, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu Socrates, khi ông nói về một người thợ thủ công, một nhà thơ, có areté, đó là họ có xuất sắc trong tài khéo chuyên môn nghề nghiệp của họ (làm thơ, đóng giày).
[10] Một ngạn ngữ Aristotle (trong Rhetoric 140a 17-23) gán cho nhà tư tư tưởng tự do và tu từ học Alcidamas, thế kỷ 4 TCN.
[11] Chú ý quan điểm trong phát biểu này – ái tình cho đam mê những cơ hội bùng dậy, nhưng đam mê khác với, không là, và ở ngoài ái tình.
Sôphrosunê (σωφροσύνη): sự chừng mực, vừa phải, điều độ, hay ôn hoà. Plato (trong Charmides) và Aristotle thường nhấn mạnh sôphrosunê cũng tương đương, hiểu như khả năng tự kềm chế, kiểm soát tình cảm và ham muốn trong mỗi người, đặc biệt trong những hoàn cảnh khó khăn. Một người chừng mực, ôn hoà tự nhiên không phải tự kềm chế, kiểm soát chính mình, vì biết vị trí của mình, do đó biết ứng xử thuận hợp với vị trí tương ứng của mình. Ở đây, Sôphrosunê là một areté,
[12] Sophocles – Ares là gót chiến tranh.
[13] Odyssey Vii. 266-366. Hephaestus, chồng Aphrodite, đã làm một cái lưới kiểu để bẫy chim, bắt quả tang vợ mình ngoại tình với Ares, khi cả hai trần truồng trên giường tình.
[14] Agathon xem “khôn ngoan” (sophia) và kỹ thuật, tài khéo chuyên môn (technê) có nhiều tương đương.
[15] xem lại 186b
[16] Đã hơn hai nghìn năm trước, nhưng nếu này mai, một ai đó nói điều này, vẫn như mới, vì vẫn hoàn toàn không sai, vẫn có người muốn nghe, và thấy cần thiết phải nhắc nhở.
Điểm đáng ghi nhận ở đây, là nhắc nhở chúng ta về quan điểm của Plato với thi ca, và ông nhìn những nhà thơ như thế nào, điển hình ngay trong đoạn sau, khi ông phê bình Agathon, khéo léo tế nhị nhưng không phải không gay gắt phũ phàng. Tất cả như dội lên đầu chủ nhân tiệc rượu, không phải “một gáo nước lạnh”, nhưng cõ lẽ cả một cốc lớn rượu, không nhiều nhưng đủ để khiến Agathon tỉnh người, thú nhận: “Hóa ra, Socrates, tôi đã không biết về những gì tôi đã nói trong bài phát biểu đó (của tôi)”. (201c)
[17] Gorgias người thành Leontini (485–380 TCN), là một nhà hùng biện và sô-phít quan trọng, nổi tiếng vì phong cách đặc biệt của ông.
[18] nói khôi hài, dựa trên những chữ đồng âm khác nghĩa. Agathon đã nói chuyện theo phong cách hùng biện của Georgias. “Đầu thuộc kiểu Georgia” là cách nói khôi hài, dùng những chữ đồng âm, dị nghĩa, của “đầu của Gorgon”. Gordons là những phụ nữ gớm ghiếc như quái vật (Medusa là một) có tóc là những con rắn. Mặt họ xấu đến nỗi ai trông thấy đều hoá đá, chết ngay.  
[19] Doxa: (δόξα): ý kiến, quan điểm, hay dư luận: những gì người ta nghĩ, một tin tưởng dựa trên cảm nhận hay những gì nhìn thấy từ bên ngoài của đối tượng. Plato thường dùng để tương phản với kiến thức, hiểu biết (epistasthai); doxa cũng còn có nghĩa là có tiếng tăm, nổi danh.
Câu phê bình trên của Socrates là một câu quan trọng, các bản tôi có, khi dịch sang tiếng Việt đều xem ra khó hiểu. Tôi dựa trên bản của Cambridge: “It now seems that the original proposal was not that each of us should really praise Love but that we should give the appearance of doing so”. Dùng ý đó, bản dịch thành rõ nghĩa, dễ hiểu hơn khi dịch sang tiếng Việt..
[20] Euripides, Hippolytus
[21] bản Cambridge, đoạn này rõ ràng hơn nhiều, tôi dịch theo M. C. Howatson, để rõ ý trọng đoạn dịch trên :
Giờ đây, dường như đề nghị ban đầu đã không phải là mỗi người chúng ta nên thực sự ca ngợi Erôs, nhưng rằng chúng ta nên đem cho biểu hiện bên ngoài là làm như vậy. Đây là lý do, tôi tin rằng khi các bạn gán những phẩm tính khác nhau với Erôs, các bạn đã duyệt qua tất cả những chuyện đã kể về ông, và sau đó tuyên bố rằng ông là như thế này hay thế kia, và là nguồn gốc của điều tốt này hay điều tốt nọ, ngõ hầu làm ông xuất hiện như một mẫu mực của đẹp và tốt lành. Điều này rõ ràng là có hiệu quả trong trường hợp của kẻ không biết gì, nhưng chắc chắn không phải cho ai là người hiểu biết. Và khen ngợi của bạn chắc chắn nghe hay và gây thán phục. Tuy nhiên, có vẻ như tôi đã không biết làm thế nào để nói một bài ca ngợi, và đã trong thiếu hiểu biết mà tôi đã đồng ý nhận đến lượt tôi nói bài ca ngợi. “Lưỡi tôi thì đã buông lời thề thốt, nhưng não thức tôi thì không uốn mình nhận chịu theo thề thốt đó”. Giã biệt lời hứa của tôi! Tôi không có ý định nói bài ca ngợi theo cách đó (vì tôi không thể làm điều đó); nhưng nếu các bạn thích, tôi sẵn sàng nói sự thật về tình yêu theo cách của riêng tôi, mặc dù không phải để tranh đua với những bài phát biểu của các bạn; Tôi không muốn trở thành một trò cười. Phaedrus, bạn có thể hỏi xem có bất kỳ kêu gọi nào cho một bài phát biểu mà đưa đến phải lắng nghe sự thật về Erôs, nói trong bất cứ lời và câu nào dẫu là gì, nếu xảy ra là đi vào đầu óc tôi lúc đó.
Theo Aristodemus, Phaedrus và những người khác nói với Socrates hãy nói chính xác như ông nghĩ rằng ông nên nói”.