Friday, March 1, 2013

Phản-kitô - The Antichrist (3b)

Phản-kitô
Lời nguyền rủa đạo Kitô
Friedrich Nietzsche (1844 – 1900)
Der Antichrist (1895)
Fluch auf das Christenthum.





40.
 – Kết thúc thê thảm của kẻ rao giảng Tin Mừng đã được quyết định với cái chết – nó được gắn với “thập giá”. Chỉ cái chết, đột ngột và nhục nhã này, chỉ câu rút thường dành xử tử lớp thấp hèn, tiện dân – chỉ nghịch lý kinh hoàng này đặt trước mặt đám học trò điều bí ẩn khó hiểu thực sự: “là Ai đây? là Gì đây?” – những xúc cảm buồn bực xáo trộn và tổn thương sâu xa của họ, và sự nghi ngờ của họ rằng một cái chết như thế có thể tương ứng với sự phủ nhận động cơ của họ, cái dấu hỏi khủng khiếp, “Tại sao trong cách thế này” –  trạng thái này chỉ là quá dễ hiểu. Ở đây tất cả mọi việc phải là tất yếu, phải có ý nghĩa, lý do, lý do cao nhất; một thương yêu của học trò không biết tới tai ương hay hoạn nạn [1]. Chỉ bây giờ kẽ nứt sâu mới mở lên: “Kẻ nào đã giết ông? Ai đã là kẻ thù tự nhiên của ông?”- Câu hỏi này bắn nhanh tới phía trước như chớp sáng. Trả lời: bọn Dothái cai trị, giai cấp cao nhất của nó. Từ khoảnh khắc này, người ta cảm thấy chính mình trong sự nổi dậy chống lại trật tự đương có, và trong chiêm nghiệm, người ta đã hiểu Jesus đã từng trong sự nổi dậy chống lại trật tự hiện hữu. Cho đến sau khi đó, nét hiếu chiến này, nói-Không này, làm-Không-gì này đã vẫn là thiếu vắng trong hình ảnh của ông; còn hơn thế, ông đã từng là đối nghịch của nó.

Rõ ràng là cái cộng đồng nhỏ nhoi đã không hiểu điểm chính yếu, nhân cách đặc biệt gương mẫu của cái chết thuộc loại này, sự tự do tự tại, sự ưu việt trên bất kỳ cảm xúc nào của ressentiment – một bằng chứng của ít ỏi đến chừng nào nói chung họ đã hiểu ông! Sau cùng, Jesus đã không thể chủ định bất cứ gì với cái chết của ông, ngoại trừ đem cho thấy công khai bằng chứng của giáo lý của ông, Nhưng những học trò ông đã còn xa mới hiểu được sự tha thứ cho cái chết này – vốn nó đã là tính phúc âm trong ý hướng cao nhất – hoặc ngay cả xa với sự đem cho chính bản thân họ, một cái chết dường thế trong an nghỉ dịu dàng và khả ái của con tim. Nhưng cảm xúc phản-phúc-âm nhất, báo thù, đã lại đích xác cho thấy ra mặt hành động. Nội dung đã không thể nào có thể là chấm dứt với cái chết của ông: “báo thù đích đáng” đã là cần thiết, “sự phán xét” (và ấy thế, điều gì đã có thể có được là phản Phúc âm hơn là “báo thù”, “trừng phạt”, “ngồi trong phán xét”!). Một khi mong đợi phổ thông nhiều hơn về một Messiah đã đi đến chiếm địa vị nổi bật; một thời điểm lịch sử đã được trù tính vẽ ra: “vương quốc của Gót” xảy đến như một phán xử trên những kẻ thù của ông.

Nhưng trong cách này tất cả mọi việc thì bị hiểu sai: (nếu hiểu) “vương quốc của Gót” như một màn kịch cuối cùng, như là một hứa hẹn! Sau cùng, rao giảng tin mừng đã từng chính xác là sự có mặt, sự đáp ứng, là thực tại của “vương quốc” này. Đúng chỉ một cái chết như thế đã đích thị là “vương quốc của Gót”. Giờ đây, lần đầu tiên, tất cả khinh miệt và cay đắng đối với những người Pharisee và những nhà thần học đã được bê vào trong cái mẫu hình người Thầy – và trong cách này chính ông, ông đã được làm thành vào trong một người Pharisee và nhà thần học! Về mặt khác, sự sùng kính mê loạn của những linh hồn hoàn toàn rối trí lạc hướng bất cân bằng này thôi không còn có thể chịu được khái niệm tin mừng về quyền bình đẳng của mỗi người là một đứa con thơ của Gót, như Jesus đã dạy; đó đã là sự báo thù của họ để nâng Jesus lên cao quá mức ngông cuồng, để đem dùng ông cho chính họ –  đúng y như người Do thái đã trước đây, từ sự  báo thù chống lại những địch thù của họ, đã tách Gót của họ ra khỏi chinh họ, và nâng ông lên cao. Cái ông Gót-một (trước đó) và cái ông Gót-con (bây giờ): cả hai đều là những sản phẩm của lòng phẫn hậnressentiment. [2]


41.
Và từ giờ trở đi, một vấn đề phi lý đã trồi lên: “làm sao Gót có thể cho phép sự việc này?” Với nó, lý trí lệch lạc của cộng đồng nhỏ đã kiếm được một câu trả lời phi lý hoàn toàn kinh hoàng: Gót đã cho con trai mình cho sự miễn thứ những tội lỗi, như một hiến sinh. Ngay lập tức, nó đã tất cả xong xuôi đâu vào đó với rao giảng Tin Mừng! Sự hiến sinh tội phạm –  trong hình thức ghê tởm nhất, man rợ nhất dù nói sao đi nữa, sự hiến sinh của sự vô-tội cho những tội lỗi của kẻ có-tội! Thật là một thứ-tà-đạo [3] ghê tởm!

Jesus đã hủy bó chính khái niệm của “có-tội”, – ông đã phủ nhận bất kỳ ngăn cách nào giữa Gót và người; ông đã sống sự hiệp nhất này giữa Gót và người như “loan báo tin mừng” của ông. Và không phải như một đặc ân! – Từ nay trở đi, ở đó đi vào trong mẫu thức của đấng Cứu chuộc [4], từng bước một, học thuyết về sự phán xét và báo đáp, học thuyết về cái chết như một cái chết hy sinh, học thuyết về sự sống lại, với nó toàn bộ khái niệm của “được ban ân phước”, toàn bộ và duy nhất thực tại của rao giảng tin mừng, thì bị trò ảo thuật lấy đi mất –  trong ưa chuộng của một “nhà nước thiên đàng” sau cái chết.

Paul, với trâng tráo vô sỉ có tính ráp-bai [5] đó làm nổi bật ông khác biệt trong mọi sự việc, đã lôgích hóa khái niệm này, sự tục tĩu này của một khái niệm, trong cách này: “Nếu Christ đã không sống lại từ cõi chết, sau đó lòng tin của chúng ta là vô ích!” [6] –  Và tất cả ngay lập tức rao giảng Tin Mừng đã trở thành đáng khinh miệt nhất của tất cả những hứa hẹn không thể đáp ứng, học thuyết láo xược vô lý về sự bất tử cá nhân. Paul chính ông ta, đã vẫn dạy nó như một phần thưởng.


42.
Rõ ràng những gì đã chấm dứt với cái chết trên câu rút: một cơ sở mới, hoàn toàn nguyên thủy cho một vận động hòa bình mang tính đạo Phật, cho một hạnh phúc trên trần gian thực sự, không chỉ thuần hứa hẹn. Đối với điều này – như tôi đã nhấn mạnh rồi, vẫn tồn tại là khác biệt nền tảng giữa hai tôn giáo của suy đồi  [7]: đạo Phật không hứa hẹn nhưng đáp ứng; đạo Kitô hứa hẹn tất cả mọi thứ, nhưng không đáp ứng gì cả. – Theo gót của kẻ “loan báo Tin Mừng”, đến ngay điều tệ hại nhất: những thứ của Paul. Trong Paul đã hiện thân mẫu thức đối nghịch với (mẫu thức) của “người loan báo những tin mừng”: kẻ thiên tài trong thù hận, trong tầm nhìn của thù hận, trong lôgích bất di dịch của thù hận. Nhiều đến chừng nào kẻ loan-báo-tin-dữ này [8] đã đem hy sinh cho thù hận! Trên tất cả, đấng Cứu chuộc: kẻ này đã đóng đinh ông trên thập tự giá của chính hắn ta. Cuộc đời, gương mẫu, học thuyết, cái chết, ý nghĩa và thực trạng của toàn thể vị rao giảng tin mừng  – không gì còn được giữ lại, một khi kẻ khởi hứng từ căm ghét, làm-bạc-giả này, đã nhận thức được những gì chỉ mình hắn có thể đem dùng. Không phải thực tại, không phải sự thật lịch sử! Và một lần nữa bản năng giáo sĩ của Dothái đã phạm vào cùng một tội ác vĩ đại chống lại lịch sử – hắn đã sổ toẹt sạch cái quá khứ hôm qua của đạo Kitô, và những ngày của nó trước ngày hôm qua; hắn đã phát minh ra lịch sử của riêng hắn cho đạo Kitô sớm nhất buổi đầu.. Lại còn hơn thế nữa, hắn đã làm giả mạo lịch sử của Israel thêm một lần nữa, như thế để nó có thể xuất hiện như một lịch sử mở đầu của hành vi của hắn: tất cả những tiên tri (Israel) đều đã nói về “đấng Cứu chuộc.” của hắn. Về sau, hội nhà thờ thậm chí đã giả mạo lịch sử của loài người vào trong thời tiền sử của đạo Kitô.

Mẫu thức đấng Cứu chuộc, học thuyết, thực hành, cái chết, ý nghĩa của cái chết, ngay cả những gì đã đến sau cái chết – không gì còn được giữ lại mà không bị mó tay vào, không gì còn được giữ lại dẫu ngay cả chỉ tương tự như thực tại. Paul đơn thuần chỉ chuyển vị trung tâm lực hấp dẫn của toàn bộ hiện sinh sau sự hiện sinh này – trong sự nói dối của chuyện gặp Jesus “sống lại”. Rốt ráo sau cùng, ông hoàn toàn đã không dùng cuộc đời của đấng Cứu chuộc vào được việc gì tất cả – ông đã cần cái chết trên câu rút thêm một chút nữa.

Nếu cân nhắc một Paul là thành thực, quê hương của ông ta đã là trung tâm chính của phái Stoic giác ngộ [9],  khi ông đã vẽ vời chưng diện lên một ảo giác như bằng chứng rằng đấng Cứu chuộc vẫn còn sống, hoặc thậm chí để tin vào câu chuyện của ông rằng ông đã có ảo giác này – (nếu tin thế) sẽ là một kẻ ngu dại như con lừa [10] chính cống cho một nhà tâm lý học (đem nghiên cứu). Paul cần đã chỉ cứu cánh, nhưng đưa đến hệ quả là ông cũng (phải) đã cần cả phương tiện. Những gì chính bản thân ông không tin, những kẻ ngốc trong đám đông khi ông ném học thuyết của mình vào đấy, thì lại đâm ra tin tưởng. Nhu cầu của ông đã là quyền lực; trong Paul, nhà tu đã muốn quyền lực lại một lần nữa – ông đã có thể sử dụng chỉ những khái niệm, những học thuyết, những biểu tượng mà với chúng, người ta bức chế hành hạ đám đông dân chúng, và thành hình những bầy đàn (gồm những con người chỉ có tâm lý bắt chước, tùng phục). Điều gì đã là điều duy nhất Mohammed về sau đã vay mượn từ đạo Kitô? Là sáng chế của Paul, những cách thức đến chế độ độc tài cho đám chăn chiên của ông, đến sự hình thành bầy đàn:  lòng tin vào bất tử linh hồn – đó là, học thuyết của “sự phán tội”. [11]



43.
Khi người ta đặt trọng tâm lực hấp dẫn của đời sống không trong đời sống, nhưng trong cái “ở bên kia” đời sống – trong hư vô – người ta đã tước đời sống khỏi trọng tâm lực hấp dẫn của nó cùng với tất cả. Lời nói dối to lớn về bất tử cá nhân phá hủy tất cả lý trí, tất cả mọi thứ tự nhiên trong những bản năng – bất kỳ gì mà trong bản năng vốn có lợi, vốn thúc đẩy sự sống hay những bảo đảm cho một tương lai, bây giờ quấy động gây mất tin tưởng. Để sống như thế, đó là thôi không còn bất kỳ ý nghĩa nào nữa trong sinh sống, điều đó giờ trở nên “ý nghĩa” của đời sống. Tại sao cần ý nghĩa cộng đồng, tại sao cần bất kỳ biết ơn nào thêm nữa với nguồn gốc và tổ tiên? Tại sao hợp tác, tin cậy, xúc tiến, và dự tính bất kỳ phúc lợi chung nào? Đúng là chỉ nhiều “những cám dỗ”, đúng là chỉ nhiều những đãng trí lệch khỏi “con đường đúng” – “chỉ một điều là cần có”.

Rằng mỗi người như một “linh hồn bất tử” có thứ bậc ngang bằng với tất cả mọi người khác, rằng trong tổng số toàn bộ những sinh linh, sự “cứu rỗi” của từng cá nhân có thể tuyên xưng ý nghĩa quan trọng vĩnh củu, kẻ hợm hĩnh ti tiện đó và những kẻ rồ-dại còn-thiếu-phần-tư-nữa-mới-ra-người đó có thể tự cao tự đại rằng những luật thiên nhiên đã bị liên tục phá vỡ vì mục đích ích lợi cho họ – một sự tăng cường mãnh liệt đến dường thế của mọi loại của sự ích kỷ vào trong vĩnh cửu, vào trong láo xược, không thể dán nhãn hiệu bêu xấu (cho xứng) với quá nhiều khinh miệt. Và đã vậy nhưng đạo Kitô nợ chiến thắng của nó nhờ vào sự tâng bốc hợm hĩnh tự cao tự đại cá nhân khốn khổ khốn nạn này:  đã chính xác là tất cả những thất bại, tất cả những đầu-óc-bạo-loạn, tất cả những kém-được-ưu-đãi, toàn bộ cặn bã và rác rưởi vứt đi của nhân loại là kẻ như thế đã thắng với nó. “Sự cứu rỗi của linh hồn” – trong ngôn ngữ trơn tuột là: “Thế giới xoay xung quanh ta.”

Thuốc độc của học thuyết “quyền bình đẳng cho tất cả” – nó đã là do đạo Kitô lan truyền nền tảng nhất. Ra khỏi những ngóc ngách bí mật nhất của những bản năng xấu, đạo Kitô đã tiến hành một cuộc chiến chí tử mới thôi chống lại tất cả những ý hướng của tôn kính và cảm thức của khoảng cách giữa người và người, đó là nói rằng, chống lại tiền giả định của mỗi sự nâng cao phẩm cách, của mọi tăng trưởng của văn hóa [12]; thoát ra từ tâm lý phẫn hận của quần chúng, nó đã rèn vũ khí chính của nó chống lại chúng ta, chống lại tất cả những gì cao quý, tươi vui, và cao-tinh thần trên trần gian, chống lại hạnh phúc của chúng ta trên mặt đất. “Linh hồn bất tử” đã thừa nhận cho mọi Peter và Paul, đến nay đã từng là lòng gian dạ ác hiểm độc nhất, lớn nhất, cố gắng mưu hại để ám sát loài người cao quí.

Và chúng ta hãy đừng xem thường tai họa đã trườn từ đạo Kitô vào trong chính trị! Ngày nay thôi không ai còn can đảm nữa để đòi lấy những đặc quyền, những quyền của những bậc chủ nhân, lấy một ý  hướng của kính trọng với chính mình và với đồng đẳng của mình – cho một cảm tình về cách biệt [13]. Chính trị của chúng ta thì bị ốm đau vì thiếu can đảm này!

Nhân sinh quan quý tộc đã bị tầng lớp sâu dày vô lại cặn bã nhất của xã hội xói mòn, qua lời dối trá về sự bình đẳng của những linh hồn, và nếu niềm tin vào “đặc quyền của đa số” đã gây và sẽ tạo những cách mạng – nó là đạo Kitô, không còn nghi ngờ gì, nó là những phán đoán giá trị Kitô, mà mỗi cách mạng đơn giản chuyển dịch (chúng) vào trong máu và tội ác. Đạo Kitô là một nổi loạn của tất cả những gì mà chúng bò trên nền đất chống lại những-gì có chiều cao: Phúc âm của “khiêm nhượng” làm thành thấp hèn [14].


44.
Bộ sách Phúc âm có nhiều giá trị như chứng cớ cho sự sửa đổi sai lạc không thể cưỡng được bên trong cộng đồng đầu tiên. Những gì Paul, với lôgích hoài nghi cay độc của một thày-giảng Dothái, về sau đã lôi đến chung kết của nó, tuy nhiên đã không là gì khác hơn quá trình đó của phân rã, vốn đã bắt đầu với cái chết của đấng Cứu chuộc.

Người ta không thể đọc những Phúc âm này mà lại ngại quá cẩn thận cho đủ: mỗi từ ngữ đưa ra những khó khăn. Tôi thú nhận – người ta sẽ tha lỗi cho tôi – rằng chính ngay trên lý do này, chúng là một thích thú hạng-nhất cho một nhà tâm lý học – như sự đối nghịch của tất cả những sửa đổi sai lạc ngây thơ, như sự tinh tế thượng hảo hạng, như công tác nghệ thuật trong tâm lý khi thực hiện sửa đổi cho sai lạc. Bộ sách Phúc âm nổi bật, đứng riêng. Kinh Thánh trong tổng quát không phải chịu so sánh (như thế). Người ta thì ở giữa đám dân Dothái: lưu ý thứ nhất để giữ đừng lạc hoàn toàn mất mối chỉ. Sự “mô phỏng” về “tính thần linh” vốn đã thực sự trở thành tài năng trời phú ở đây, không bao giờ, dẫu chỉ xấp xỉ, thấy ở bất cứ chỗ nào trong đám sách vở, hay giữa đám người, sự giả mạo trong từ ngữ và trong hành vi như một nghệ thuật, không phải là xảy ra ngẫu nhiên từ một vài cá nhân tài năng, hay cơ hội, hay từ một vài nhân vật xuất chúng. Điều này đòi hỏi cả một chủng tộc. Trong đạo Kitô là tất cả của đạo Dothái, một sự sửa soạn lâu-đời-nhiều-thế kỷ Dothái về huấn luyện và kỹ thuật thuộc loại nghiêm trọng khe khắt nhất, đạt dến được sự tinh thông tối thượng về nghệ thuật của ăn gian nói dối trong một phương cách thần linh. Người Kitô, cái tỉ lệ tối thượng này của gian dối, thì lại là một lần nữa của Dothái – nhưng lại còn gấp ba lần hơn.

Để là quyết tâm, như một vấn đề của nguyên tắc, để áp dụng chỉ những khái khái niệm, những biểu tượng, những thái độ, vốn đã được chứng minh bằng thực hành của thày tu; một cách bản năng để ném bỏ tất cả mọi thực hành khác, mọi quan điểm viễn cảnh khác về giá trị và sự hữu dụng –   đó thì không đơn thuần chỉ là truyền thống, đó là thừa kế di sản: chỉ như di sản nó đã làm nó được nhìn xem giống như tự nhiên chính nó. Toàn nhân loại, ngay cả những cái đầu hạng nhất của những thời tốt nhất (với một ngoại lệ, là người có lẽ đơn thuần không là người thông thường), đã cho phép chính họ bị lừa gạt. Bộ sách Phúc âm đã được đọc như một cuốn sách của trong trắng vô tội –  không có dấu hiệu nhỏ của kỹ năng bậc thày ở đây đã đạt được trong những trò đóng kịch đạo đức giả – Dĩ nhiên, nếu như chúng ta có thấy chúng, ngay cả chỉ trong thoáng qua, tất cả những bọn đồng tính nhưng mặt trơ mày dạn đầy bộ tịch đạo đức này và đám thánh chiên giả tạo do pha chế tổng hợp này, đó sẽ là sự kết thúc, xong hết tất cả – và nó là đúng bởi tôi không đọc những từ mà không thấy điệu bộ, tôi làm một kết thúc về bộ sách này  .... Tôi không thể chịu đựng được một cách thức nào đó họ có khi ngưỡng mắt họ lên (hướng Thiên đàng) [15]. May mắn, với phần lớn những tập sách chỉ đơn thuần là văn chương.

Người ta phải đừng để mình bị đưa đi đi lạc: “đừng phán xét”, họ nói, nhưng họ tống vào hỏa ngục tất cả mọi thứ đứng cản trên đường của ho. Bằng cách để cho Gót phán xét, chính bản thân họ phán xét; bằng tôn vinh Gót, họ tôn vinh chính bản thân họ, bằng đòi hỏi những phẩm hạnh của những gì mà họ ngẫu nhiên là có thể có được – lại còn hơn nữa, những gì họ đòi hỏi ngõ hầu để đứng trên đầu trên cổ tất cả  –họ đem cho chính bản thân họ cái dạng xuất hiện bên ngoài lộng lẫy nguy nga của một sự gắng gỏi cho đức hạnh, của một sự chiến đấu cho sự thống trị của đức hạnh.. “Chúng ta sống, chúng ta chết, chúng ta hy sinh bản thân mình cho cái Thiện” (- “sự thật”, “ánh sáng”, “vương quốc của Gót”): trong sự thực, họ làm những gì họ không thể không làm. Khi lẩn lút loanh quanh như những phường kẻ cắp vụng trộm điển hình, khi ngồi trốn nhủi trong góc, khi kéo lê một hiện hữu âm thầm trong bóng tối, họ làm thành một nhiệm vụ từ tất cả những thứ này: đời sống trong khiêm nhượng xuất hiện như một bổn phận; vì khiêm nhượng nó là một lần nữa bằng chứng cho lòng thương xót. Ôi, đủ giống mọi loại khiêm tốn, khiết tịnh, thương xót này của điêu ngoa xuyên tạc! “Đức hạnh chính nó sẽ làm chứng cho chúng ta.” Người ta nên đọc những sách Phúc âm như những quyển sách của cám dỗ bằng những phương tiện của đạo đức: những con người ti tiện này dành riêng đạo đức cho chính họ –  làm như họ biết tất cả về đạo đức! Với đạo đức, nó là dễ dàng nhất để dắt loài người bằng xỏ mũi.

Những gì thực sự xảy ra ở đây là tự cao tự đại của tư cách được gót lựa chọn tỉnh táo ý thức nhất đóng kịch khiêm tốn: quyết định sau rốt là người ta đã đặt chính mình, “cộng đồng”, “tốt lành và công chính” về một bên, về bên của “sự thật” – và tất cả phần còn lại, “thế giới”, sang một bên khác. Đây đã là thứ bất hạnh thảm khốc nhất của cuồng vọng hoang tưởng tự đại đã từng hiện hữu tên mặt đất: những xẩy thai ti tiện của những kẻ cắp hợm mình và đám ăn gian nói dối đã bắt đầu tuyên xưng cho họ những khái niệm về Gót, sự thật, ánh sáng, tinh thần, thương yêu, khôn ngoan, đời sống –   như những từ đồng nghĩa với chính bản thân họ, như nó đã là, ngõ hầu để định nghĩa bản thân họ ngược lại  với“thế giới”: những người Do thái nhỏ bé tuột bực, chín mùi cho tất cả mọi loại nhà thương điên, đã xoay tất cả những giá trị quanh hình ảnh của riêng họ, cũng y như nếu “người Kitô” một mình đã là ý nghĩa, là muối, là cân đo, cũng là Sự Phán Tội cuối cùng, cho tất cả còn lại. Toàn bộ thảm họa đã trở thành khả hữu chỉ vì một có-liên hệ, có-liên hệ về chủng tộc, loại của hoang tưởng đã hiện hữu rồi trong thế giới này: thứ hoang tưởng Dothái: Ngay sau khi đã mở ra sự nứt rạn giữa người Dothái và người người Kitô Dothái, không có chọn lựa dẫu thế nào đã còn lại nữa cho những người sau, nhưng chỉ còn cách áp dụng chống lại những người Do thái chính họ cùng những biện pháp của tự-bảo-toàn mà bản năng Dothái đã đề nghị, trong khi trước đó cho đến đấy, những người Dothái đã áp dụng chúng chỉ chống lại tất cả mọi sự không-Dothái. Người Kitô chỉ đơn giản là một người Dothái của giáo phái “cởi mở hơn”. [16]


45.
 – Tôi dẫn ra một vài thí dụ của những gì những người nhỏ mọn này đặt vào đầu của họ, những gì họ đặt vào miệng người thày của họ: không bỏ ra ngoài, những tự thú của “những linh hồn đẹp đẽ”:

“Và bất cứ ai là người sẽ không đón nhận các ngươi, không nghe các ngươi, khi các ngươi rời khỏi chỗ đó, phủi bụi dưới chân ngươi như một chứng cớ chống lại họ. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, sẽ là có thể tha thứ được nhiều cho thành SodomGomorrah trong ngày phán xét cuối cùng, hơn là cho thị trấn đó” (Mark 7: 11) – tin lành biết chừng nào!

“Và bất cứ ai là người sẽ xúc phạm một trong những kẻ bé mọn nhưng tin ta, nó là tốt hơn cho hắn rằng một cối xay được treo quanh cổ hắn, và hắn bị ném xuống biển” (Mark 9:42). – tin lành biết chừng nào!

“Và nếu mắt ngươi xúc phạm ngươi, móc nó ra: nó là tốt hơn cho ngươi nhập vào vương quốc của Gót với một mắt, hơn là có hai mắt mà bị quăng vào lửa hỏa ngục, nơi ấy sâu bọ không chết, và lửa thì không dập tắt “(Mark 9: 47) – Ở đây, không đúng thực là chỉ nói về chuyện con mắt! [17]

 “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, rằng có một số trong số trong bọn họ đứng ở đây, sẽ không nếm vị của cái chết, trước khi họ đã nhìn thấy vương quốc của Gót đến với quyền lực.” (Mark 9:1.) –  nói láo khéo lắm, con sư tử! [18]

“Bất cứ ai là người sẽ theo ta, hãy bỏ chính mình đi, và vác thập giá của mình và theo ta. Vì –”
(Ghi chú của một nhà tâm lý học. Đạo đức đạo Kitô thì bị bác bỏ vì những chữ Vì của nó. “Những lý do” của nó phản bác – như thế là nó thành người Kitô)  (Mark 8:34) [19]

“Đừng phán xét, để ngươi không bị phán xét. ... Với những gì ngươi đem đo, nó sẽ lại đem đo nhà ngươi nữa” (Matt 7:1) – Thật là một khái niệm về công lý, và về một quan tòa “công chính”! [20]

“Vì nếu các ngươi chỉ thương người thương mình, các ngươi sẽ được thưởng gì? Những người thu thuế há chẳng làm như thế sao? Nếu các ngươi chỉ chào hỏi anh chị em mình, các ngươi có gì hơn ai? Những người thu thuế chẳng làm như thế sao?” (Matt 7:46.) – Nguyên lý của” thương yêu trong đạo Kitô”: trong cứu cánh, cuối cùng nó muốn được trả giá rất hời !

“Nhưng nếu các ngươi không tha thứ cho những tội lỗi của họ, thì Cha các ngươi cũng sẽ chẳng tha thứ cho tội lỗi của các ngươi.” (Matt 6: 15) – Rất dàn xếp thỏa hiệp khi gọi đến “Cha các ngươi”!

“Nhưng trước hết, nhà ngươi hãy tìm kiếm vương quốc của Gót, và sự chính trực của ông ta, và tất cả những điều này sẽ được thêm vào trong nhà ngươi. (Matt 6: 33) – Tất cả những điều này: cụ thể là, thực phẩm, quần áo, tất cả những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Một lỗi lầm, để nói cho khiêm tốn. Không lâu trước đó, Gót xuất hiện như là một thợ may, ít nhất là trong một số trường hợp nhất định 

“Các ngươi hãy vui mừng trong ngày đó, và nhảy lên vì vui: vì, nhìn này, phần thưởng của các ngươi là to lớn ở trên thiên đàng: theo cách thức giống như tổ phụ họ đã đối đãi các đấng tiên tri.” (Luke 6: 23.) – Bọn tiện dân thấp hèn mà xấc láo! Chúng đem so sánh chúng với với những tiên tri, không kém!

“Các ngươi há chẳng biết mình là đền thờ của Gót, và và Tinh thần của Gót ở trong anh em sao? Nếu có  người nào làm ô uế đền thờ của Gót, Gót sẽ hủy diệt hắn; vì đền thờ của Gót là linh thiêng, mà chính các ngươi là đền thờ”. (Paul, 1 Cor. 3:16.) – Những điều loại như thế này, người ta không thể nào khinh miệt cho đủ.

“Các ngươi há chẳng biết rằng các thánh sẽ phán xét thế giới? Và nếu thế giới sẽ được phán xét bởi các ngươi, các ngươi không xứng đáng để phán xét dù những vấn đề nhỏ nhất”. (Paul, 1 Cor. 6:12.) – Thật không may, không chỉ đơn thuần là lời nói của một người mất trí .... Kẻ lừa đảo bịp bợm  khủng khiếp này sau đó tiếp tục, nói trắng bằng nghĩa đen: “Các ngươi há chẳng biết rằng chúng ta sẽ xét đoán các thiên sứ hay sao? Huống chi những sự việc thuộc về đời nầy![21]

“Không phải là Gót đã làm khôn ngoan của thế gian thành rồ dại hay sao? Vì lý do rằng thế gian cậy khôn ngoan của nó đã không biết đến Gót trong khôn ngoan của ông ta, (nên) Gót đã vui lòng khi giảng dạy rồ dại để làm chúng có được ơn phước, là những kẻ tin vào (rồ dại) đấy.
Không có nhiều kẻ khôn ngoan chạy theo xác thịt, không có nhiều kẻ vĩ đại, không nhiều kẻ cao quí đã được gọi (đến theo Gót).
Nhưng Gót đã chọn những sự rồ dại của thế gian để làm hư hoại kẻ khôn ngoan: và Gót đã chọn những sự vật yếu hèn để làm hư hoại những gì là mạnh mẽ; Và những sự vật hèn hạ của thế gian, và những sự vật vốn chúng bị khinh miệt, Gót đã chọn, đúng vậy, và những gì là không-gì, để đem từ không-gì thành những gì là một-gì: Đó là không có xác thịt nào nên hãnh diện trong sự hiện diện của Gót”. (Paul, 1 Corinthians 1:20 ff.)  –  [22]

Để hiểu đoạn văn này, một tài liệu thượng hạng cho tâm lý học của tất cả mọi đạo đức tiện dân chandala, người ta nên đọc nghiên cứu đầu tiên trong “Về Lai lịch của Đạo đức[23] của tôi: trong đó sự tương phản, đối kháng giữa một đạo đức quí phái cao thượng và đạo đức nô lệ tiện dân chandala, sinh ra từ tâm trạng phẫn hận ressentiment và sự trả thù trong khổ-nhục-bất lực, đã được đưa ra ánh sáng lần đầu tiên. Paul là ông thánh chiên tông đồ vĩ đại nhất của sự báo thù trong đám những thánh chiên tông đồ.


46.

Những gì theo đến sau việc này? Rằng người ta mang găng tay khi đọc Tân Ước

Lê Dọn Bàn tạm dịch  bản nháp thứ nhất
(Jan/2010)






[1] Dưới mắt những học trò của ông, Jessus là thần, là thánh, là con Gót, nên khi ông bị giết lúc 30 tuổi  –  đơn giản như một kẻ kích động chính trị bị thất bại –   nhưng với họ, những người đánh cá thất học, mê tín (trừ Paul) –  không thể xem là “tai nạn”!

[2] Đối với việc tạo ra và phổ biến những quan niệm sai lầm này, Nietzsche đổ lỗi cho Paul. Ông cũng chê trách lớp tín đồ đầu tiên và tín đồ trực tiếp của Jesus. Theo Nietzsche, ngay sau khi Jesus bị giết, những tín đồ này không thể đương đầu nổi sự chấn động mãnh liệt đến từ mất mát lớn lao và đột ngột này. Đầy thù hận, khát khao muốn báo thù, họ muốn biết ai đã giết Jesus và tại sao. Họ xác định rằng những nhà lãnh đạo của trật tự Dothái hiện có đã giết Jesus vì những ý tưởng của ông đi ngược lại trật tự đó. Không muốn cái chết của ông thành vô ích, họ thấy ông ta là một kẻ nổi loạn chống lại status quo của người Dothái, và theo cùng một cách họ cũng nhìn thấy chính họ như vậy. Bằng cách này, Nietzsche lập luận, lớp tín đồ theo Jesus đã hoàn toàn hiểu lầm Jesus. Điều thực sự đúng nghĩa theo “rao giảng phúc âm”, thay vào đó nên làm, ông nói, là phải tha thứ trước cái chết, hoặc là chết theo cách như không có phán xét tội lỗi một ai hoặc cần báo phục lớp người nào. Tuy nhiên, lớp tín đồ theo Jesus, thù hận về sự mất mát của mình, muốn trả thù với những gì trong trật tự của xã hội Dothái hiện có. Cách mà họ thực hiện điều trả thù này giống hệt như như cách qua đó những người Dothái đã trả trả thù những kẻ áp bức Lamã của họ trước đây.
Họ coi Jesus là vị Cứu Thế Messiah đã được báo trước trong Kinh Thánh Cũ của người Dothái, và bằng cách này họ nâng ông lên địa vị một thần linh, Gót-con  (bởi vì chính Jesus đã tự gọi mình, nhưng bằng nghĩa tượng trưng, như một “đứa con của Gót”). Sau đó, đối mặt với câu hỏi – nếu Jesus là con của Gót – tại sao Gót với đầy quyền năng lại đề cho con mình phải chết thảm thương trên câu rút và nhục nhã giữa hai tên ăn trộm như thế –  Họ đã đưa ra ý tưởng rằng Gót đã sai con trai của mình xuống trần, chịu chết như là một sự hy sinh cho tội lỗi của họ, như là một sự hiến sinh vô tội cho tội lỗi của những kẻ phạm tội, mặc dù chính Jesus đã phủ nhận những cảm xúc tội lỗi (đau quá ông quằn quại kêu Trời – “cha ơi cha sao cho bỏ con!” – nghĩa là chuyện hy sinh, tội lỗi là chuyện Paul bịa ra để mị dân ngu dốt), đó là lý do ra đời lý thuyết về tội lỗicứu chuộc; Ai cũng có tội cả (tội tổ tông) và do đó phải tìm cứu chuộc, và Jessus được đưa ra như kẻ chịu tội thay cho nhân loại, miễn phí, chỉ phải trả giá tượng trưng, chỉ mang nợ tinh thần là phải tuyệt đối tin theo những gì hội nhà thờ chủ trương, và giới thày chăn chiên với vua chiên đại diện cho Jesus ở thế gian! Sau đó, họ sử dụng hình ảnh nhân vật Jesus và sự hiểu lầm của họ về học thuyết của ông khi ông nói về "vương quốc của Gót" để làm thành những phán đoán xét tội, những bản án chống lại kẻ thù của họ trong trật tự xã hội của Dothái hiện có, cũng giống như những người Dothái trước đó đã biến Gót Yahweh của họ thành một-gì đó phổ quát – thành Gót của toàn đế quốc Lamã –   với mục đích lên án và phán xét những người Lamã.

[3] Paganism:  thực chỉ có nghĩa những lý thuyết tôn giáo không-Kitô, hay không-Juda, nhưng ở đây tác giả dùng với ý –  của những người Kitô –  là tà đạo, vô đạo, tôn giáo thấp hèn – để mỉa mai chính những người Kitô (chê người khác mình, nhưng chính mình cũng làm những gì tương tự, và lại còn xấu xa tệ hại hơn!).
[4] the Redeemer
[5] Rabbi: giáo sĩ đạo Juda.
[6] Lời Paul trong 1 Corinthians 15:14: “Nếu Christ đã chẳng sống lại, thì sự giảng dạy của chúng ta ra luống công, và lòng tin anh em cũng vô ích”. Nghĩa là Paul phải “bịa” ra chuyện Jesus sống lại, để làm tiền đề hợp lý cho giáo lý Kitô. Nghĩa là tất cả tôn giáo đó đã xây dựng trên một ác tâm lừa dối, trắng trợn và vĩ đại, ngay từ khởi đầu –  nói dối về thiêng liêng (tạo thần, buôn thánh), biết không hề có nhưng vẫn đưa ra để mê hoặc lòng người, những kẻ nhẹ dạ, khốn khổ, chân thực, ở thân phận không-có-gì nên sẵn sàng tin mình-sẽ-có-gì.
[7] decadence
[8] dysangelist: kẻ loan báo tin dữ –  Nietzsche xem Paul như “the dysangelist”, hay “bringer of ill tidings” – kẻ mang lại, loan truyền tin-dữ, họa-âm – đối lại với Jesus là kẻ  kẻ mang lại, loan truyền tin-lành, phúc-âm
[9] Saul người thành Tarsus hay Paul (5 – 67 CN ?)  Sinh trưởng trong một gia đình sùng đạo Dothái ở thành phố Tarsus, thủ phủ của tỉnh vùng Cilicia ở Tiểu Á, thuộc đế quốc Lamã (nay là Turkey). Trong thời của Alexander Đại đế, Tarsus là thành phố có ảnh hưởng nhất ở Tiểu Á. Nó đã nổi tiếng với trường đại học của nó, trong đó sinh viên có thể nhận được một nền giáo dục cao cấp, Stoics là trường phái triết học chi phối ở đó. Trong những lá thư của mình, Paul đã phản ánh rất nhiều từ kiến thức của mình về triết học Stoic, qua cách sử dụng những thuật ngữ và ẩn dụ Stoic.
[10] niaiserie
[11] Nhân vật Paul, theo Nietzsche, đã làm hiểu sai lầm về giảng dạy này của Jesus thêm trầm trọng hơn nữa. Trong thực tế, đó vẫn còn là phê phán quá nhẹ. Nhân vật quan trọng này, khi nâng Jessus bị chết trên câu rút lên địa vị một Gót mới, Gót con.  Paul, với bản năng thày tu (ráp-bai) Dothái của mình, đã nhìn thấy một cách xử dụng cái chết đó, để có được sức mạnh cho mình, bằng cách hình thành “bầy đàn”, như lối nói của Nietzsche khi ông chỉ đám đông quần chúng mê tín, thất học, làm theo, không suy nghĩ – (tâm lý mouton de Panurge  đàn cừu của Panurque trong truyện của Rabelais) là nội dung những giáo đoàn Kitô ban đầu. Paul còn viết lại hoàn toàn lịch sử của đời Jesus và Kitô giáo để phục vụ cho mục đích riêng của mình, đưa thêm ra những lý thuyết về sự phục sinh, thụ thai vô nhiễm, và đặc biệt xảo trá là ý tưởng về sự bất tử cá nhân như là một phần thưởng cho kẻ ngoan đạo. Tất cả mọi thứ mà đến nay đã bị lên án là phản khoa học, phản lý trí, phản triết lý, phản đạo đức, nghĩa là phản chính con người. Một trong những phản ứng của những người Kitô ngày nay trước những phê bình này về tôn giáo của mình, cũng đã gọi những giáo lý của Catô Vatican là Paulism – đạo Paul, nghĩa là không phải đạo của Jesus.

Nietzsche cho rằng Paul đã bóp méo và biến cải cuộc đời Jesus thành một cái gì đó hoàn toàn xa lạ và trái ngược với những gì thực sự đã xảy ra. Một lần nữa, nhận định này dựa trên vài giả định của Nietzsche:
(a) Về ý dục quyền lực: theo đó là con người, trong bản chất đều thúc đẩy bởi một ý dục quyền lực. Paul ở đây có ý dục quyền lực là thiết lập một bầy đàn những con cừu mê tín, để ông và đồng bọn đóng vai chăn chiên, ăn trên ngồi chốc, nắm quyền lực tinh thần – điển hình vua chiên, cũng như hoàng đế La mã, là vua của hội nhà thờ và cũng là vua của những vị vua thế gian –  thiết lập chế độ độc tài (tư tưởng) của giới tu sĩ chăn chiên, nắm vai lãnh đạo tinh thần, sống vàng son ăn bám, mặc áo tím áo đỏ đẹp đẽ, ở nhà thờ cao lộng lẫy; tay đeo nhẫn vàng, đầu đội mão kim cương long lánh.
(b) Về mặt lịch sử, về những gì thực sự đã xảy ra: những bằng chứng lịch sử khách quan về đời của nhân vật Jesus – một Jesus lịch sử – là hoàn toàn không có, cho đến tận nay cũng như trong thời Nietzsche. Câu hỏi về  một Jesus lịch sử là câu hỏi bỏ ngỏ (do những học giả Đức làm mới lại đầu tiên, hai thế kỷ trước), có lẽ không bao giờ đi đến phân định ngã ngũ. Nietzsche đã dựa trên một hồ sơ tâm lý giả tưởng và không khách quan, hay chỉ từ những gì có được, nhưng một chiều, của giáo hội hay những người phục vụ hội nhà thờ. Tôi muốn nói  - khi Nietzsche nói về tâm lý của Jesus, trong khi chúng ta còn không chắc có thực một nhân vật Jesus như đã kể nhiều với chi tiết mâu thuẫn trong Tân ước hay không – Tân ước không đem lại sử tính cho nhân vật Jesus – một màn huyền thoại dày đặc bao quanh chân dung này. Cho nên, tôi nghĩ rằng Nietzsche so sánh Jesus với Phật, hay gán cho Jesus một hai yếu tố Phật giáo (như đoạn trên), đã giả định rất nhiều – nghĩa là tất cả đều là đã đi quá xa. Nietzsche hoàn toàn đưa những nhận xét dựa trên giả định chủ quan, phỏng đoán thiếu chứng cớ lịch sử. Ông đã không thoát khỏi cám dỗ, theo thói quen của những người viết về tôn giáo, dẫm chân vào sai lạc khi so sánh hai giáo chủ. Mặc dù những nhận xét táo bạo, những phê bình sắc bén của ông thâm thúy, giá trị, gây suy nghĩ; nhưng tự thân so sánh của ông không đứng vững; ông đã so sánh một huyền thoại (Jesus) với một lịch sử (Buddha).

[12] Nếu mọi người đều đã ngang bằng nhau –  như vậy không còn chỗ, không có gì thêm, không có thể nâng cao, phát triển nữa, vì mỗi người đều đã đến cùng đích – đều có cùng có cùng địa vị giá trị đạo đức tư cách! Trong xã hội, khi chúng ta cố gắng nâng cao văn hóa – nghĩa là có giả định văn hóa con người còn có chỗ thấp đôi chỗ cao, khi có khuyến khích trau dồi đạo đức, nâng cao phẩm cách – nghĩa là có giả định phẩm cách con người khác biệt – có hơn có kém, không ngang bằng nhau!
[13] Pathos: Pathos of Distance = Sense for difference vis-à-vis others. This pathos allegedly emerges out of the "incarnated difference of classes" that are being transfered from generations to generations.

[14] Latin humus, có nghĩa "đất, nền đất." Từ humus cho thuộc từ humilis, có nghĩa "thấp, khiêm tốn," vốn sau đó cho động từ humiliare, có nghĩa “làm cho thấp hay khiêm tốn” – Nietzsche là nhà ngữ văn, ông chơi chữ rất thâm thúy và phức tạp. – Tất cả cô đọng trong câu: “Das Christenthum ist ein Aufstand alles Am-Boden-Kriechenden gegen das, was Höhe hat: das Evangelium der „Niedrigen“ macht niedrig…”

Dịch sao cũng không trọn ý, phải dựa vào hình ảnh – đạo Kitô là sự nổi dậy, cuộc bạo loạn (Aufstand) của tất cả những gì – có thể cũng là hay từng là sinh vật – nhưng thấp lè tè, chỉ bò lổm ngổm, (ngang như cua?) sát dí trên mặt đất (Am-Boden-Kriechenden) – chúng chống lại tất cả những gì có chiều cao (was Höhe hat); đây là hình ảnh cay độc của Nietzsche – dù chúng là sinh vật, hay con-vật-người, nhưng ở tư thế thấp kém, tự làm mình hèn mọn, bẹp dí sát nền đất như thế, nên khi nhìn chúng ta (câu trên, Nietzsche gọi những người đọc ông – bạn và tôi – chúng ta, loài người cao quí) chúng đều phải và chỉ có thể ngước lên, và dĩ nhiên chỉ thấy những gì không đẹp, không thơm cho lắm của chúng ta mà thôi (mông, đít, chỗ kín, lông che chỗ kín), và không thấy được ngực cao, vai rộng, mắt sáng, trán mông mênh với tóc bồng bềnh của bạn!
Chúng (Paul – kẻ loan tin-dữ) đã làm Phúc âm thành Phúc âm của chúng – thành thấp kém như chúng thấp kém - das Evangelium der „Niedrigen“ macht niedrig.

[15] Hãy nhìn quanh, bạn có thể sẽ không phải khó khăn nhận ra ngay lập tức một tín đồ Kitô nào đó (đặc biệt là trong giới người Việt – đám con trái chứng của Kitô Trung cổ và hội thừa sai thực dân Pháp), vì giữa đám đông, họ có những cử chỉ, nhất là ánh mắt rất khác biệt  – mắt la mày lén, luôn luôn có giáng điệu của một nhân dạng đang vụng trộm, dấm dúi đè nén môt-gì như sợ một ai đó bắt gặp, nếu không thế là ngược lại, có-gì đó chỉ là sự phô trương của kiêu hãnh tự đắc ngầm, muốn trưng bày, cho một ai đó vô hình thấy được mình đang làm điều tốt, những gì mình đang theo, đang hành động phải là thiện, mang thái độ chứng tỏ, ta-đây, Nietzsche gọi là “mặt trơ mày dạn đầy bộ tịch đạo đức”. Họ là những kẻ ở đáy cùng tâm lý đã có đôi lần tự thấy không thể làm ngơ trước những bản năng tự nhiên của con người trong chính họ (và cũng như mọi người, gồm cả chúng ta, vì không thể cưỡng được tự nhiên, không thể làm ngơ) – nhưng có khác biệt là sự thèm thuồng những lạc thú trần gian bị chính họ tự lừa mình, hay hết sức che dấu, không dám nhìn nhận. Sau những năm tháng quì mòn ghế cầu nguyện, đấm ngực kêu “Mea culpa” như bị ma ám, trong những xó tối nhà thờ, nhất là bị nhồi sọ từ ấu thơ trong những cộng đồng với tinh thần tách biệt, hết sức tự cô lập với đồng bào xung quanh, ở Việtnam gọi là “xóm đạo” – họ đã thành công đi đến thiết lập cho mình được nhiều tập quán đặc biệt, gần như những bản năng thứ hai, trong đó nổi bật là thái độ không bao giờ có thể tự nhiên ngay thẳng bày tỏ, hay hành xử thẳng thắn, hay điềm tĩnh điều khiển, thản nhiên kìm hãm những nhu cầu, những  xung lực bên trong mỗi con người (nhất là những gì có liên quan đến xác thịt, tình dục, luôn luôn thái quá, hay bất cập, đi từ quá e dè, dễ đỏ mặt đến hêt sức lụp chụp, ham hố, tím mặt!). Hãy nhìn quanh, chúng ta nhận thấy những thái độ, cử chỉ, giáng điệu giả đạo đức thuộc loại như thế  – điển hình nhất là vì mê tín, tin vào chuyện thiên đường, hỏa ngục, chân thực tuân theo một luân lý dễ hiểu vì đơn giản ấu trĩ, hoàn toàn dựa trên chuyện thưởng phạt, nên lúc nào họ cũng tự biểu hiện mình như một kẻ luôn thấp thỏm, sự bị phạt! hay trâng tráo, xấc xược đoan chắc mình-là-đúng, bất chấp thế gian, nhơn nhơn tự đắc vì vượt, hay đương tuân theo “lời hằng sống của một-đấng hằng sống”, – tin là có một Gót trên cao kia, ông ngáo-ộp này lúc nào cũng như lúc này, đương nhìn chăm chúi xoi mói xuống trần, “ngài biết hết, thấy hết!”.
Khi nhìn quanh, chúng ta thấy ngay những nét đó hiện rõ, vì đó là những gì bất thường giữa bình thường – chúng có gì đó đáng thương, nhưng cũng có gì đó giả dối, cũng có gì đó đáng tởm, đáng lợm giọng đó – Như thế, chúng ta dù cách xa thời gian và văn hóa, nhưng không lấy làm lạ với những gì Nietzsche chân thực nói trên: “Tôi không thể chịu đựng được một cách thức nào đó họ có khi ngướng mắt họ lên...”

[16]Ban đầu – đạo Kitô được xem như một giáo phái của đạo Juda – the Jesus sect of Judaism
[17] Nietzsche dẫn một câu trong kinh “Thánh” – nhỡ có nhìn thấy “tội lỗi” thì phải móc mắt đi! – nếu điều này đúng, chắc chắn thiên đàng có không ít những kẻ mù, hay rất nhiều những kẻ chột! –  Và rất nhiều những tật nguyền, khuyết tật khác, vì như ông nhắc chúng ta – không chỉ có mắt thôi đâu – còn những bộ phận thân thể khác – chúng dễ dàng “phạm tội” hơn nhiều – quá nhiều!
[18] Lied, lion: nói láo và sư tử vần nhau trong tiếng Anh – câu này của Jesus và Nietzsche nói Jesus là con sư tử nói láo. Nhưng cũng có thể Jesus tin – ngày tận thế sắp đến nay mai – thực như vậy

[19] Nguyên văn cả đoạn cho thấy những chữ For (Vì): [Then he called the crowd to him along with his disciples and said: “Whoever wants to be my disciple must deny themselves and take up their cross and follow me.  For whoever wants to save their life will lose it, but whoever loses their life for me and for the gospel will save it. What good is it for someone to gain the whole world, yet forfeit their soul?  Or what can anyone give in exchange for their soul? If anyone is ashamed of me and my words in this adulterous and sinful generation, the Son of Man will be ashamed of them when he comes in his Father’s glory with the holy angels.” –  Sau đó, Ngài gọi dân chúng và các môn đồ đến và nói: “Nếu ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập tự giá mình mà theo Ta. ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai Ta và Tin Lành mà mất mạng sống, thì sẽ cứu được mạng sống mình. Một người nếu được cả thế gian mà mất linh hồn mình thì có ích gì? Người ấy sẽ lấy gì mà đổi lại linh hồn mình? nếu ai hổ thẹn về Ta và đạo Ta giữa thế hệ gian dâm tội lỗi nầy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn về người ấy khi Ngài cùng với các thiên sứ thánh ngự đến trong vinh quang của Cha Ngài.”]
[20] Những trích dẫn trên và những chỗ khác trong tác phẩm này, Nietzsche dùng bản dịch của Luther, có đôi chỗ khác với bản tiếng Anh King James, và khác biệt lại khá nhiều hơn, khi tôi có dịp đối chiếu với bản của hội nhà thờ Việt – thí dụ câu trên của bản Viêt ngữ đã khéo léo dịch khác ý đi (thêm Gót vào làm quan tòa –  vốn không có, dù chỉ ẩn ý, trong bản tiếng Anh – có lẽ những người dịch bản tiếng Việt đã đọc Nietzsche!):
[“Do not judge, or you too will be judged.  For in the same way you judge others, you will be judged, and with the measure you use, it will be measured to you. –  "Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy ; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em.]
[21] (Paul, 1 Cor. 6:13.)

[22] Nietzsche trích bản dịch của Luther, có đôi chỗ khác với bản dich tiếng Anh King James.
Những bản dịch của Luther (tiếng Đức) hay bản dich King James (tiếng Anh) được các học giả dùng làm tiêu chuẩn để nghiên cứu kinh Thánh – vì ngày nay có rất nhiều phiên bản đã sửa đổi, đã làm sai lạc, tổng quát là từ một đông cơ muốn che dấu những gì nội dung văn bản này vẫn từng bị phê bình lên án, chỉ trích cho đến nay (phản đạo đức, phản văn hóa, phản lý trí, phi nhân, phản con người – đặc biệt là các tính chất bạo động, tàn ác, phi luân, dâm đãng…)
Tiện đây để tham khảo – đoạn trên của bản tiếng Việt hiện lưu hành của hội nhà thờ Việt nam:
“Có phải Đức Chúa Trời đã làm cho sự khôn ngoan của thế gian ra dồ dại không? Vì, tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng nhờ sự khôn ngoan Đức Chúa Trời mà nhận biết Đức Chúa Trời, nên Ngài đành lòng dùng sự giảng dồ dại của chúng ta mà cứu rỗi những người tin cậy. …
Hỡi Anh em, hãy suy xét rằng ở giữa anh em là kẻ đã được gọi, không có nhiều người khôn ngoan theo xác thịt, chẳng nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng. Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh; Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ và khinh bỉ ở thế gian, cùng những sự không có, hầu cho làm những sự có ra không có, để chẳng ai khoe mình trước một Đức Chúa Trời. Vả, ấy là nhờ Ngài mà anh em ở trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm nên sự khôn ngoan, sự công bình, sự nên thánh, và sự cứu chuộc cho chúng ta; hầu cho, như có lời chép rằng: Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa.”
Nietzsche sinh trưởng trong một gia đình chuyên nghiệp mấy đời nội ngoại chuyên nghề chăn chiên, chính ông cũng được gia đình sửa soạn cho nối nghiệp nhà của cha và ông nội, nhưng Nietzsche bỏ ngang khi vào đại học; chúng ta có thể hoàn toàn tin cậy vào những gì ông trích dẫn kinh Thánh (cũng như Russell sau này).

[23] Tôi đã dịch và phổ biến trên blog này – Nietzsche – Về Lai lịch của Đạo đức, bản dịch LDB. Luận văn Thứ Nhất: “Lành và Dữ”, “Tốt và Xấu” (bắt đầu từ một vụ đòi đất cho hội nhà thờ, nhưng vốn trước đó là đất chùa từ lâu đời đã bị phá chiếm trong thời thực dân mất nước, một thực trạng điển hình ở Việt nam (và cả châu Âu – cứ đào xới một nhà thờ ở những vị trí lịch sử lâu đời –  sẽ có nhiều xác xuất tìm thấy dấu tích những đền đài, đình miếu, chùa chiền, lăng tẩm không-Kitô, đã từng có trước đó tại đó từ nhiều thế kỷ trước trên chính đất ấy); tất cả xáo động cho thấy tâm lý quen thuộc của khối tín đồ này, khiến tôi nhớ lại những gì đã đọc, và không thấy có bản tiếng Việt, nên đi đến dịch bản văn Phản-kitô này – rồi chuyện này dẫn tới chuyện kia, sau đó bản văn đòi đến Về Lai lịch của Đạo đức, và những gì khác liên hệ của Nietzsche trong phê bình tôn giáo – và để không bất công với ông – có lẽ khi có thời gian - sẽ đi đến giới thiệu tất cả những tác phẩm quan trọng của ông).