Wednesday, August 15, 2012

Stefan Zweig viết về Nietzsche




Stefan Zweig viết về Nietzsche









1.
Trong Về Lai lịch của Đạo đứccuối Lời nói đầu, Nietzsche ghi: “Sils-Maria, Oberengadin Tháng 7 / 1887”, cho chúng ta biết năm tháng và nơi chốn ông đã viết xong tập luận văn quan trọng này.

Đọc Ecce Homo, Nietzsche cho chúng ta biết thêm: “đến 20 September tôi mới rời Sils-Maria. Buổi chiều ngày 21, tôi đến Turin – chỗ xứng hợp của tôi, chốn ngụ cư của tôi, từ đấy. Tôi lại thuê cùng chỗ đã trọ trong mùa xuân, tòa nhà số 6, phố Carlo Alberto; đối diện với cung điện đồ sộ Carignano, nơi vua Vittorio Emanuele đã chào đời; phòng nhìn xuống công trường Carlo Alberto, và nhìn xa đến tận những ngọn đồi.  Không chần chừ và không để mình bị quấy rầy dù chỉ khoảnh khắc, tôi quay sang làm việc ngay …” [Nếu theo dõi hành trình của ông trong năm 1888 – ông đã ở các thành phố: Nice (Jan- đầu Apr); Turin (Apr-May); Sils-Maria (đầu Jun - cuối Sep); và về lại Turin (cuối Sep - Dec)].

Cảnh trong phim 
Dias de Nietzsche em Turim
Sau đó, chuyện kể rằng – Sáng ngày 3, Jan/1889, vừa ra khỏi cổng, – số 6, phố Carlo Albert nói trên, – được vài bước, trên công trường Carignano, Nietzsche thấy một người đương nặng tay đánh con ngựa kéo xe của mình, vì xem dường nó không chịu đi. Nietzsche chạy tới, che làn roi quất, tức tưởi choàng ôm cổ con vật đáng thương. Chuyện cũng kể ông đã ngã quị xuống đường, bất tỉnh; được chủ nhà (hay hàng xóm) can thiệp với cảnh sát, đưa ông về phòng trọ. Nằm bất động suốt hai ngày mới hồi tỉnh, nhưng ông không bao giờ hồi phục sau biến cố đó. Trong những ngày sau, ông gửi đến những bạn bè quen, một loạt thư, nội dung hết sức bất thường,  như dấu hiệu cho thấy chứng suy sụp thần kinh của ông đã trầm trọng.

Những chi tiết có khác biệt đôi chút tùy nguồn kể, nhưng biến cố ngã xuống đường phố Turin là thực. Khi ấy Nietzsche mới có 45 tuổi; nó chấm dứt một thời kỳ 10 năm kể từ 1879, vì thiếu sức khỏe ông đã từ nhiệm tại đại học Basel - đây  là quãng đời nay đây mai đó, nhưng đầy sáng tạo của  Nietzsche.

Chuẩn đoán bệnh của ông khi ấy là “tê liệt cấp tính”. Sau một năm trong một bệnh viện tâm thần ở Jena. Năm 1890, ông được mẹ đưa về quê hương ấu thời Naumburg, khi bà mất vào năm 1897, Elisabeth, em gái đã đưa ông về Weimar. Trong 10 năm tàn phế cuối đời này, chúng ta có thể thấy Nietzsche trong những ảnh chụp có râu dày rậm, áo trắng, nằm dựa trên giường – nhìn kỹ, đôi mắt sâu đã mất tinh anh.  Giai đoạn này ông đã nổi tiếng, nhiều khách đến thăm; nhưng ông thường im lặng, bình thản, trong một trạng thái hoàn toàn mất trí. Ông chết ở Weimar, ngày 25 tháng 8 năm 1900, khi mới 55 tuổi. Ngày nay, chúng ta có thể viếng mồ ông ở Röcken, một làng rất nhỏ gần Lützen trong xứ Saxony, vùng đông nước Đức. Triết gia Friedrich Wilhelm Nietzsche ra đời tại đây, ngày 15, Oct /1844.

 
2.
Dĩ nhiên ở đây, chúng ta quan tâm với triết lý Nietzsche, và để hiểu tư tưởng của ông – trước tiên và tối thiểu, không có cách nào ngoài khác là phải đọc chính những gì ông viết, thay vì những gì viết về ông - dù do ai đi nữa – hay những chi tiết về đời ông. Thế nhưng, điều thứ nhất cũng dẫn đến điều mới nói sau - chúng ta cũng có đôi lúc đặt sách xuống, cảm phục nghĩ ngợi về thân thế tác giả. Biết thêm vài chi tiết chọn lọc về người viết – cũng có khi giúp chúng ta hiểu hơn, gần hơn và cảm được về những gì người ấy viết.

Đặc biệt trong trường hợp Nietzsche, như Ecce Homo nhắc trên – một thứ tự truyện, trong đó ông nói về mình và những tác phẩm của mình, giọng điệu đôi chỗ đã có phần ra ngoài lề lối bình thường – và khi ông ngã quị trên đường phố đá lát của thành phố Turin, tập sách nhiều tai tiếng đó còn dở dang, viết chưa xong, và một tác phẩm khác nổi tiếng nhất của ông, Der Wille zur Macht (The Will to Power) – vẫn là những ghi chú không xếp đặt, nằm đó đây trong đống bản thảo, sau này do tay người em gái thu tập, thêm thắt và cho xuất bản.

Sils-Maria
Những ngày đẹp nhất năm 1888, ông kể trong Ecce Homo là ở làng Sils-Maria – thuộc Upper Engadine, nam Switzerland sát với bắc Ý, vùng thung lũng có hồ nước xanh im lắng bóng những đỉnh núi tuyết; nơi mùa hè, Nietzsche thường đến. Ông viết xong - chỉ một tuần, The Twilight of the Idols – và xong The Antichrist, cộng với The Wagner CaseEcce Homo, và Dionysos Dithyrambs là 5 tác phẩm trong chỉ mộtmùa thu 1888 đó, ông kể “cho đến nay, tôi chưa bao giờ hưởng một mùa thu như thế này. Tôi không bao giờ nghĩ một-gì giống vầy có thể xảy ra ở trần gian”. Chúng ta nghe ra được giọng của định mệnh, và đã có thể đoán trời xanh thẳm năm đó là màu thu tỉnh táo cuối cùng của đời ông. Xuống Turin, thủ đô vùng Piedmond, đầy những công trình kiến trúc lịch sử, nhà bảo tàng và nhà hát opera ông ưa thích – ông thường đi dạo dọc bờ sông Pô của thành phố – những địa danh trên, nay đã gắn với tên tuổi ông, thành những điểm đến nổi tiếng của du lịch văn hóa.

Cuộc đời ông ngắn ngủi và đơn giản – Thời đầu tiên là những năm thơ ấu với gia đình và đi học (1844-1869). Ông học rất giỏi. Trong 6 năm theo học trường nội trú Schulpforta (1858–64) nổi tiếng thời ấy của hội nhà thờ Luther, ông đã xuất sắc về môn cổ điển (ngôn ngữ và văn chương Hylạp Lamã). Năm 20 tuổi, vào đại học Bonn, học ngữ văn cổ điển và thêm thần học, để sửa soạn nối nghiệp nhà; từ các cụ nội ngoại đến cha ông đều là những thày chăn chiên, và mẹ ông là một đại diện vùng quê cho hội nhà thờ Tinlành Lutheran. Nhưng Nietzsche sớm chán ghét đạo Kitô, ông bỏ thần học, chuyển sang đại học Leipzig, chỉ theo ban cổ điển. Trong một thư gửi em gái Elisabeth, ông nói - nếu một người muốn được bình an trong tâm hồn và hạnh phúc thì nên có đức tin, nhưng nếu muốn trở thành một môn đồ của chân lý dù nó có thể là “đáng sợ và xấu xí”, do thế phải đi tìm. Xuất sắc và nổi tiếng, nên khi sắp tốt nghiệp, còn chưa nhận bằng tiến sĩ, dù mới 24 tuổi, ông đã được mời giữ ghế giáo sư đặc biệt môn Ngữ văn cổ điển (Extraordinary Professor of Classical Philology), năm sau ông thành giáo sư thực thụ, tại một trường đại học cổ nhất và uy tín nhất của Switzerland – nơi những tên tuổi như Erasmus, Paracelsus, Daniel Bernoulli, Jacob Burckhardt, Leonhard Euler, Eugen Huber, Carl Jung, Karl Barth, và Hans Urs von Balthasar, trước và sau ông đã từng giảng dạy. Ông bắt đầu với những bài giảng về Socrates, bi kịch Hylạp và thái độ sống, nhìn đời theo tinh thần Dionysus.

Một điểm đặc biệt trong đời Nietzsche là bệnh tật; từ những năm đầu trung học, Nietzsche đã phải nghỉ học nhiều vì chứng nhức đầu và đau mắt. Thời gian tại đại học, phải bỏ ngang nghĩa vụ quân sự, khi ông sớm bị thương ở xương ngực, chữa không lành. Khi chiến tranh Pháp-Đức (lúc ấy là Prussia) bùng nổ năm 1870, ông tình nguyện nhập ngũ, phục vụ lao động trong nhà thương quân đội, nhưng chỉ được hai tuần, đã nhiễm bệnh lỵ (dysentery) và xưng cổ (diphtheria), phải giải ngũ. Trở về Basel, ông được nhà trường cho nghỉ dưỡng bệnh, và chính trong thời gian này, năm 1871, ông viết The Birth of Tragedy, tác phẩm xuất bản đầu tiên của ông. Sau đó, sức khỏe ngày càng yếu kém, bệnh tật không giảm nhưng chỉ tăng; đến 1879, ông phải sớm bỏ nghề, chấm dứt thời kỳ 10 năm dạy học (1869–1879) tại Switzerland.

Những gì ông viết khiến ông nổi tiếng về sau (Thus Spoke ZarathustraBeyond Good and EvilThe Gay ScienceThe Genealogy of Morals) đều ở trong giai đoạn 10 năm ngắn ngủi kế tiếp (1880-1888) này. Đây là giai đoạn ông đóng vai du khách, sống qua những thành phố: Venice, Genoa, St. Moritz, Sils-Maria, Rome, Sorrento, Nice và Turin. Sau hai lần cầu hôn đều bị từ chối, với người bạn gái là Lou Andreas-Salomé ; ông không lập gia đình, sống một mình. Bằng chút lương hưu trí non; ông nay đây mai đó, mùa đông trốn lạnh, xuống Ý; mùa hè tránh nóng, lên núi Alpes, Switzerland, một người Lang thang với cái Bóng của mình, lặng lẽ hứng chịu sự hành hạ của bệnh tật, năng lực trút vào viết sách – điều chúng ta được Stefan Zweig mô tả tinh tế trong bản văn sau đây. Nhanh chóng, bệnh thần kinh đã đến, lấy đi của nhân loại, có lẽ một triết gia có ảnh hưởng vào bậc nhất ở hai thế kỷ qua, và mười năm sau (1889-1900), cái chết có e dè, chậm chân hơn nhưng cuối cùng cũng đến, mang đi nốt người con tàn phế của gia tộc Nietzsche.

Trước đây, thường mặc nhận bệnh mất trí và cái chết của ông có nguyên nhân là chứng neurosyphilis, dẫn chứng xoay quanh một câu chuyện – một lần, thời còn sinh viên, bè bạn đùa nghịch, lừa đưa ông vào nhà thổ; nhưng cũng chính chuyện này kể thêm – biết mình đang ở đâu, ông tìm một piano (Nietzsche còn là một nhạc sĩ, viết nhạc cổ điển) ngồi xuống chơi đàn hết buổi, chờ bạn bè xong xuôi, về chung; cho thấy phỏng đoán trên chỉ là thiên kiến. Những nghiên cứu y khoa nghiêm chỉnh mới đây, dựa trên những các triệu chứng còn ghi lại, đã đi đến kết luận khác: chứng bệnh của ông có thể là frontotemporal dementia – một chứng mất trí nhớ, đặc biệt tác động vào thùy não trước và thái dương (giải thích chứng nhức đầu một bên, và đau mắt kinh niên của ông), nguyên nhân của nó như thế là di truyền: cha ông, trước đã chết lúc mới 36 tuổi vì chứng mềm não, và người em trai độc nhất của ông cũng chết – dù không rõ nguyên nhân –lúc chỉ mới 2 tuổi.

Bài văn đặc biệt sau đây của văn hào Stefan Zweig cho chúng ta một chân dung sống động về quãng đời này – mê mải viết, trong phòng trọ lạnh lẽo, cô độc bên đống chai lọ đựng thuốc cầm bệnh - của Nietzsche.

Tôi dịch như một ghi chú cho Về Lai lịch của Đạo đức, và cho Stefan Zweig - cùng một ngậm ngùi không nguôi.

Lê DọnBàn




Dias de Nietzsche em Turim

Hình ảnh Nietzsche

Stefan Zweig 




“Ông là người dè dặt, cao khoảng một mét bảy hai [1], nhưng mình hơi khòm, mắt gần như mù, giữ gìn kín đáo, lãnh đạm, và đặc biệt lễ độ, ông sống trong những nhà trọ khiêm tốn ở Sils Maria, Nizza, Mentone, Rome, Turin [2].  Cẩn thận, con người cận thị ngồi xuống bàn ăn; thận trọng, người có dạ dày yếu nhược xem xét tất cả những món trên mơnu: Liệu trà có không quá đậm hay không, không biết thực phẩm có quá nhiều gia vị hay không, vì trong ăn uống phải kiêng khem của ông, mỗi nhầm lẫn sẽ rối loạn đường tiêu hóa bất thường của ông, và mỗi quá độ dinh dưỡng sẽ tàn phá những thần kinh mong manh của ông hàng nhiều ngày. Không có ly uống vang, không có cốc thủy tinh uống bia, không rượu, không cà phê ở chỗ ông ở, không xìgà và không thuốc lá sau bữa ăn của ông, không có gì gây kích thích, làm tươi tỉnh, hoặc tạo thư thái cho ông. Chỉ bữa ăn đạm bạc ngắn ngủi, và một chút trao đổi lịch sự, qua loa, bằng một giọng nhẹ nhàng khi thỉnh thoảng có dịp với một người hàng xóm (nói như một người qua nhiều năm đã không quen nói chuyện, và sợ bị hỏi quá nhiều).

Bản thảo viết tay của N.
“Và lên trở lại trong căn phòng nhỏ, chật, khiêm tốn, lạnh lẽo chambre garnie[3] nơi có vô số ghi chép, những trang giấy, bài viết, và những chứng minh được chất đống trên bàn, nhưng không có hoa, không có trang trí. Trong một góc, một hòm gỗ trơn trụi và nặng nề, sở hữu duy nhất của ông, với hai áo sơmi và bộ comlê thứ nhì kia, đã sờn cũ. Ngoài với chỉ những sách và bản thảo, có một khay đựng vô số chai, và lọ, và những phần thuốc nước: thuốc chống lại chứng nhức một nửa đầu, vốn ông thường phải chịu đựng tàn nhẫn vô nghĩa hàng giờ, thuốc chống lại chứng co thắt đau dạ dày, thuốc chống cơn nôn đột biến, thuốc chống lại chứng ruột biếng nhác không tiêu, và trên tất cả là thuốc an thần khủng khiếp chống lại chứng mất ngủ của ông, Chloral hydrate và Veronal. Một kho vũ khí khủng khiếp gồm những chất độc và những loại thuốc, thế nhưng đó là những giúp đỡ duy nhất trong sự thinh lặng trống vắng của căn phòng kỳ lạ này, trong đó ông không bao giờ nằm ​​nghỉ ngoại trừ trong giấc ngủ ngắn và nhân tạo, chinh phục được (bằng thuốc ngủ).

Quấn mình trong áo khoác ngoài và một chiếc phula len (vì cái bếp khốn khổ chỉ xông khói nhưng không tỏa ấm), những ngón cóng lạnh, kính dí sát xuống giấy, tay ông vội vã viết hàng giờ - những từ mà mắt mờ khó có thể đọc thành chữ. Hàng giờ, ông ngồi như thế và viết cho đến khi mắt ông cháy lụi”.

Stefan Zweig (1881-1942), 
trích từ Master Builders (1936).

Lê Dọn Bàn tạm dịch  bản nháp thứ nhất 
(Aug/2012)




[1] Chi tiết bản tiếng Anh: “5’ 8’’ = năm foot, tám inch”.
[2] Năm 1879 Nietzsche từ nhiệm ghế giáo sư cổ điển của trường đại học Basel, Switzerland, vì lý do sức khỏe. Ông sống nay đây mai đó trong những nhà trọ ở Germany, Switzerland, và Italy. Đây là giai đoạn ông viết những tác phẩm chủ yếu và nổi tiếng nhất, trình bày tư tưởng của mình. Mùa hè, ông thường ở Switzerland; và mùa đông, ở Italy. Tháng Jan/1889, tại thành phố ông yêu thích Turin, Italy; Nietzsche bắt đầu bị chứng suy nhược thần kinh, sau đó không viết gì nữa.
 [3] phòng trọ cho thuê với sẵn tiện nghi về bàn ghế, giường ngủ