Saturday, July 21, 2012

Nietzsche - Về Thực và Dối (02)


Về Thực và Dối
Trong một ý hướng không-Luân lý 
Friedrich Nietzsche (1844-1900)
(tiếp theo ...)

Über Wahrheit und Lüge im außermoralischen Sinne
On Truth and Lies in a Nonmoral Sense (1873)





2.
Chúng ta đã thấy đó là từ nguyên thủy ngôn ngữ làm việc như thế nào trên sự xây dựng những khái niệm, một công việc vốn được khoa học [1] dành lấy trong những thời đại về sau. Cũng giống như ong vừa đồng thời xây những lỗ tổ ong và vừa làm đầy mật những lỗ này, vậy nên khoa học làm việc không ngừng trên tòa nhà chứa tro hỏa táng to lớn này của những khái niệm, bãi tha ma của những nhận thức. Nó luôn luôn xây những tầng mới, cao hơn, và chống đỡ, làm sạch và cải tiến những ô cũ; chung tất cả, nó cố gắng hết mực để làm đầy cơ cấu tổ chức khổng lồ cao chót vót này, và sắp xếp vào trong đó toàn bộ thế giới kinh nghiệm, đó là nói rằng, thế giới được nhân cách hóa. Trong khi con người của hành động kết buộc đời mình với lý trí và những khái niệm của nó, như thế để anh ta sẽ không bị quét sạch và thất lạc, nhà nghiên cứu khoa học xây lều của mình ngay bên cạnh tòa tháp của khoa học, như thế để ông có khả năng tiếp tục làm việc với nó, và tìm thấy chỗ trú ẩn cho chính ông bên dưới những tường phòng ngự đó vốn bây giờ hiện hữu. Và ông cần có nơi trú ẩn, vì có những sức mạnh kinh hãi, chúng liên tục đột phá vào ông, những sức mạnh vốn chống đối “sự thật” khoa học, với những loại “sự thật” hoàn toàn khác biệt, trên những khiên chắn của chúng mang những huy hiệu thuộc đủ loại đa dạng nhất.

Monday, July 9, 2012

Nietzsche - Về Thực và Dối

Về Thực và Dối
Trong một ý hướng không-Luân lý 
Friedrich Nietzsche (1844-1900)

Über Wahrheit und Lüge im außermoralischen Sinne
On Truth and Lies in a Nonmoral Sense (1873)





Friedrich Nietzsche, The birth of tragedy and other writings.  Người dịch bản tiếng Anh: Ronald Speirs.
(Cambridge Texts in the History of Philosophy – Biên tập: Raymond Geuss & Ronald Speirs . Cambridge University Press, 1999.) [1]



1.
Ngày xưa, một lần xưa lắm, trong một góc hẻo lánh nào đó của vũ trụ ấy, đã phân tán thành vô số những hệ thống mặt trời lấp lánh, có một hành tinh, trên đó những con thú thông minh đã phát minh ra sự hiểu biết. Đó là phút cao ngạo nhất và dối trá [2]  nhất của “lịch sử thế giới”, nhưng dù sao đi nữa, nó đã chỉ dài một phút. Sau khi thiên nhiên thở một vài hơi, hành tinh đó đã nguội lạnh và đóng băng cứng, và giống vật thông minh đã phải chết.

Ai đó đã có thể tạo một truyền thuyết như vậy, thế nhưng người ấy đã vẫn không minh họa đầy đủ - nhìn trong phạm vi tự nhiên - trí tuệ con người khốn khổ ra sao, nông cạn và vô thường ra sao, vô bổ không mục đích và tùy tiện ngẫu nhiên [3] ra sao. Đã có những thời gian vô tận nó không hiện hữu trong đó. Và sau khi tất cả đã xong xuôi với trí tuệ con người, không có gì sẽ xảy ra. Vì trí tuệ này không có thêm sứ mạng nào sẽ dẫn nó vượt quá sự sống con người. Đúng hơn, nó là thuộc con người, và chỉ kẻ sở hữu và kẻ sinh ra nó mới nhận lấy nó nghiêm trọng đến thế - như thể trục của thế giới đã quay ở trong nó. Nhưng nếu chúng ta có thể nói chuyện với một loài muỗi nhỏ tí, chúng ta sẽ biết rằng tương tự như vậy, con muỗi bay trong không gian với cùng một sự nghiêm trọng [4], rằng nó cảm thấy trung tâm bay bổng của vũ trụ nằm bên trong chính nó. Trong tự nhiên, không có sự-vật-gì ti tiện hèn hạ và tầm thường vô nghĩa như thế lại sẽ không ngay lập tức phồng to lên giống một quả bóng khi hít được hơi yếu nhẹ nhất từ sức mạnh này của sự hiểu biết. Và đúng như tất cả mỗi người vác nặng đều muốn có một người thán phục, nên ngay cả người tự hào nhất của loài người, nhà triết học, cho rằng ông thấy mắt nhìn của vũ trụ từ mọi hướng rất xa chú mục trên hành động và tư tưởng của ông.

Đáng chú ý rằng điều này đã có nguyên nhân là trí tuệ, vốn nó chắc chắn đã được chia phần cho những sinh linh bất hạnh nhất, mong manh và phù du nhất này, chỉ đơn thuần như một khí cụ để giữ họ lâu lấy một phút trong sự tồn sinh. Vì nếu không có thêm vào này, họ sẽ có mọi lý do để chạy trốn thoát sự hiện hữu này cũng nhanh chóng như đứa con trai của Lessing [5] . Sự tự hào kết nối với nhận biết và cảm biết, nằm phủ trên mắt và những giác quan con người, như một lớp sương mù đặc, thế nên đánh lừa họ về vấn đề giá trị của hiện hữu. Vì tự hào này chứa trong chính nó sự ước lượng tâng bốc nhất về giá trị của sự hiểu biết. Lừa dối là tác dụng tổng quát nhất của tự hào giống vậy, nhưng ngay cả những tác dụng đặc thù nhất của nó có chứa bên trong chúng một gì đó thuộc cùng một cá tính lường gạt.