Saturday, October 29, 2011

Wednesday, October 26, 2011

Plato - Republic

Plato 
The Republic 
(On the Just)

(Πλάτων – Πολιτεία)





Viết lại và sửa chữa ở đây:
http://chuyendaudau.blogspot.ca/2017/07/plato-republic-01.html



Sunday, October 23, 2011

Plato - Phiên Tòa và cái Chết của Socrates (8)

Πλάτωνας
Απολογία Του Σωκράτη

Plato
Phiên Tòa và cái Chết của Socrates

(tiếp theo)






Lời bạt

1.
“Đời sống không bị tra xét là không đáng sống.”

Đó là “Απολογία Του Σωκράτη”- Lời Socrates cãi trước tòađã khởi đầu cho tất cả. Viết khoảng 360 trước Công nguyên, bài tiểu luận nổi tiếng của Πλάτωνας (Plato, Platon) – chúng ta đọc ở đây – thường được biết như : ΑπολογίαApologia – (từ Hy Lạp, có nghĩa là “lời cãi cho chính mình”); đã kể lại Socrates ra trước tòa như thế nào và cãi lại những cáo buộc ông đã làm hư hỏng thanh niên Athens và phạm tội bất tôn kính những vị gót của Athens, có lẽ với những suy tưởng triết học của ông. Có mặt trong phiên tòa lịch sử này, Plato kể lại thái độ và quan điểm của người thầy mình, cho thấy trước sau Socrates đã từ chối không bày tỏ hối tiếc nào về lối sống của mình, thậm chí còn đi xa hơn như ví mình một “con mòng” cố gắng để khấy động một “con ngựa lười biếng” (hiểu như xã hội Athens). Vào thời điểm đó, Socrates là một nhân vật gây tranh cãi trong thành phố và đặc biệt không được ưa thích. Ông đã thách thức suy nghĩ của bất kỳ ai thông qua phương pháp elenchus – như chúng ta đã thấy trong Euthyphro, - đối thoại không dứt và vòng quanh và rồi luôn luôn ngừng ở một – aporia - không lối thoát, và ông công khai đặt câu hỏi về những gót Athens tôn thờ vào thời điểm đó. Theo như Plato cũng như Xenophon. Socrates đã có thể tránh thoát tội chết và có thể trốn khỏi Athens sau khi ông bị kết tội. Nhưng ông như đã chọn cái chết để chứng minh những nguyên tắc sống của mình. Qua lời cãi của ông – dù cảm động - chúng ta thấy ông thậm chí không cố gắng thuyết phục những người nghe là mình vô tội. Tuy nhiên, trong khi bài phát biểu của Socrates sẽ tiếp tục ảnh hưởng vào sự hình thành ngàn năm của tư tưởng phương Tây, một ban bồi thẩm gồm các đồng bào ông đã không bị thuyết phục: ở tuổi 70, họ đã đồng ý ông phạm tội và bị kết án tử hình – uống chất độc lấy từ cây hemlock - một phán quyết, theo Plato, không làm ngạc nhiên nhà hiền triết. “Bây giờ lúc ra đi đã đến. Tôi đi để chết, quí vị đi để sống.” Plato nhắc lại lời Socrates khi nghe tuyên án. “Ai trong chúng ta đi đến phần số tốt hơn thì không người nào biết, chỉ trừ gót”. Ung dung, tự tín, không một lời xin lỗi nào!

Trong Lịch sử Triết học phương Tây, Russell cho chúng ta một tóm lược về  vụ án Socrates như sau:

“Truy tố đã dựa trên sự buộc tội cho rằng, “Socrates là một kẻ làm tà ác, và là một người kỳ dị khác thường, tìm kiếm trong những điều sâu dưới đất và cao trên trời, và làm cho cái tồi tệ hơn xuất hiện ra như lý lẽ tốt hơn, và giảng dạy tất cả điều này cho những người khác”. Nền tảng thực sự của ác cảm thù địch đối với ông, đã là gần như chắc chắn, ông bị xem như thông đồng với phái quí tộc; hầu hết những học sinh của ông thuộc về phe này, và một số, ở những chức vị có quyền lực, đã tự chứng tỏ họ rất độc hại. Nhưng nền tảng này đã không thể được dùng làm bằng chứng, vì luật ân xá. Ông đã bị kết phạm tội bởi một đa số, và theo như pháp luật lúc ấy của Athens, đã mở cho ông để được đề nghị một vài hình phạt nhẹ hơn cái chết. Những người xử án đã phải lựa chọn, nếu như họ đã tìm thấy bị cáo là phạm tội, giữa hình phạt của bên công tố đòi hỏi và của bên biện hộ đề nghị. Như thế, đã là vì quyền lợi của Socrates để đề nghị một hình phạt đáng kể, mà tòa án có thể chấp nhận là thích đáng. Tuy nhiên, ông đề nghị một phạt vạ bằng ba mươi đồng tiền mina, mà một số bạn của ông (bao gồm cả Plato) đã sẵn sàng đứng bảo đảm. Điều này đã là một hình phạt rất nhỏ đến nỗi tòa án đã khó chịu, và đã lên án ông với tội tử hình bằng một đa số lớn hơn với so với lúc đã thấy ông phạm tội. Không hồ nghi gì rằng ông đã thấy trước kết quả này. Rõ ràng là ông đã không có ước muốn tránh án tử hình bằng những nhượng bộ mà có thể được xem như thừa nhận tội lỗi về mình.” (Bertrand Russell - Lịch sử Triết học phương Tây – bản dịch LDB)

Wednesday, October 19, 2011

Plato - Phiên Tòa và cái Chết của Socrates (5)


Plato
Phiên Tòa và cái Chết của Socrates

Lời Socrates cãi trước tòa 
Apology 






 [Ban bồi thẩm bây giờ cho phán quyết của họ là có tội, và Melelus yêu cầu hình phạt tử hình.]

2. Bản án

Có nhiều những lý do khác khiến tôi không giận dữ với quí vị vì kết án tôi, thưa quí vị bồi thẩm, và những gì đã xảy ra đã chẳng phải không thấy trước [1]. Tôi ngạc nhiên nhiều hơn về số phiếu bỏ ở mỗi bên, vì tôi đã không nghĩ rằng quyết định sẽ là bằng ít phiếu đến như thế, nhưng bằng một số rất nhiều [2]. Như nó là, một xê dịch của chỉ ba mươi phiếu, đã tha bổng tôi. Tôi nghĩ rằng bản thân mình đã xóa sạch những buộc tội của Meletus, và không chỉ vậy, nhưng là rõ ràng sạch hết với tất cả những điều đó, nếu Anytus và Lycon đã không dự vào cùng ông ta trong việc buộc tội tôi, ông hẳn sẽ bị phạt một ngàn drachmas vì không nhận được một phần năm của phiếu kết tội.

Ông ta thẩm định hình phạt là án chết. Vậy hãy như thế đi. Phản thẩm định nào đây tôi nên đề nghị với quí vị, thưa quí vị bồi thẩm? Rõ ràng nó sẽ phải là một hình phạt xứng đáng cho tôi, và có phải tôi đáng phải chịu xử chết, hoặc phải nộp phạt bởi vì tôi đã cố tình không sống một đời im lặng, nhưng đã xao lãng những gì bận rộn hầu hết mọi người: sự giàu có, công việc gia đình, chức vị của tướng lãnh, hoặc của nhà hùng biện chính trị, hoặc trong những cơ quan khác, những club chính trị và những phe phái xã hội, vốn hiện hữu trong thành phố? Tôi nghĩ chính mình quá chân thực, khó sống xót nếu tôi tự mình bận rộn với những điều đó. Tôi đã không theo con đường đó vốn có thể đã làm cho tôi thành vô dụng hoặc với quí vị hoặc với chính bản thân tôi, nhưng tôi đã đi đến từng mỗi quí vị trong riêng tư, và đã bàn bạc với người ấy những gì tôi nói là lợi ích lớn nhất, bằng cách cố gắng thuyết phục ông ta đừng chăm sóc với bất kỳ tài sản nào của mình trước khi chăm sóc chính mình, xem mình có là tốt và khôn ngoan nhiều đến như có thể được hay chưa, đừng có quá chăm sóc với những sở hữu của thành phố nhiều hơn với chính thành phố, và chăm sóc cho những thứ khác trong cùng một lối. Có những gì tôi xứng đáng với tư cách là một người như vậy? Một vài điều tốt, thưa quý vị đoàn bồi thẩm, nếu tôi thực sự phải làm một thẩm định theo như những công lao đáng thưởng của tôi, và cái-gì-đó thích hợp. Những gì phù hợp với một ân nhân nghèo là người cần sự nhàn rỗi để khuyên nhủ quí vị? Không có gì là phù hợp hơn, thưa quý vị, là cho một người như thế được đãi ăn trong dinh Prytaneum [3], rất phù hợp nhiều với ông ta, hơn với bất cứ ai trong quí vị đã giành được một chiến thắng tại Olympia với một cặp hoặc một đoàn ngựa. Những người chiến thắng ở Olympia làm quí vị nghĩ mình sung sướng, tôi làm cho quí vị được sung sướng [4]. Bên cạnh đó, ông ta không cần thực phẩm, nhưng tôi cần. Vì vậy, nếu tôi phải làm một thẩm định cho đúng với những gì tôi xứng đáng, tôi định giá nó như vầy: những bữa ăn miễn phí trong dinh Prytaneum.

Monday, October 17, 2011

Plato - Phiên Tòa và cái Chết của Socrates (4)

Plato
Phiên Tòa và cái Chết của Socrates

Lời Socrates cãi trước tòa 
Apology 




1.3.1.1. Đối chất với Meletus
1.3.1.1. Đối chất thứ nhất: về giáo dục giới Trẻ 

Ông ta nói rằng tôi phạm tội làm hư hỏng giới trẻ, nhưng tôi nói rằng Meletus thì phạm tội về xử sự những vấn đề nghiêm trọng một cách nông nổi, về mang người ta ra tòa một cách vô trách nhiệm, và về tự tuyên xưng là thành thật lo lắng đến những sự việc vốn không một điều nào trong số đó mà ông đã từng bận tâm, và tôi sẽ cố gắng để chứng minh rằng điều này là như vậy [1]. Hãy đến đây và nói cho tôi biết, Meletus. Ông có chắc chắn xem đó là điều quan trọng nhất rằng những người trẻ của chúng ta nên tốt càng nhiều càng tốt đến mức có thể tốt được? [2] - Đúng thực, tôi có vậy.

Vậy đến đây, hãy nói với đoàn bồi thẩm ai là người làm chúng tốt hơn. Ông hiển nhiên là biết, nhìn theo sự lo lắng của ông. Ông nói rằng ông đã khám phá được con người làm hư hỏng chúng, cụ thể là tôi, và ông mang tôi ra đây và buộc tội tôi với đoàn bồi thẩm. Nào, hãy thông báo với đoàn bồi thẩm và kể cho họ biết người đó là ai. Ông thấy chưa, Meletus, ông im lặng và không biết nói gì. Không phải là điều này xem dường đáng xấu hổ cho ông, và là một bằng chứng đầy đủ về những gì tôi nói, rằng ông đã không từng quan tâm với bất kỳ những điều này? Hãy kể cho tôi biết, thưa ngài khả kính của tôi, ai là người làm thanh niên của chúng ta tốt hơn? - Pháp luật.

Sunday, October 16, 2011

Plato - Phiên Tòa và cái Chết của Socrates (6)

Plato
Phiên Tòa và cái Chết của Socrates

Crito






Dẫn nhập vắn tắt:

1.
Đàm thoại diễn ra trong nhà tù tại Athens, nơi Socrates đang chờ thi hành án tử hình. Mặc dù ngắn gọn, Crito là một đàm thoại khó hiểu và có phần nào hơi lộn xộn. Khó khăn của Plato phải giải quyết trong khi viết đàm thoại này là bằng cách nào đó biện minh cho quyết định của Socrates ở lại trong tù chứ không chịu trốn thoát, mặc dù có quan điểm mình đã bị lên án một cách sai trái nếu không là oan uổng. Để làm điều này, Plato đã phải vẽ ra một sự phân biệt giữa pháp luật công chính, mà Socrates phải tuân theo bằng cách ở lại trong tù, và những hành vi bất công của những người buộc tội Socrates, là những người đã kết án ông phải chết.

Sự nổi tiếng đặc biệt của Crito phần lớn dựa trên ý tưởng về một hợp đồng trong xã hội, hay khế ước xã hội mà ở đây Plato giới thiệu. Đây là gợi ý đầu tiên trong nền văn minh phương Tây rằng một hệ thống pháp luật tồn tại như là một kết quả của một loại hợp đồng giữa những cá nhân và Nhà nước; và từ đây, ý tưởng này đã có một tác động trong lịch sử hết sức lớn lao, sâu xa, và lâu dài trên thế giới cho đến tận thời hiện đại chúng ta. Dĩ nhiên, như tất cả những văn bản triết học cổ điển khác, khi đọc Crito, chúng ta phải lội qua những lập luận rắc rối này, như tìm hoa giữa đám cỏ dại và ngay cả gai góc, nhưng đó là một động lực tuyệt vời để thúc đẩy chúng ta nhìn, hay nhìn lại, và đặt hay đặt lại, rồi giải quyết những vấn đề xung quanh hai khái niệm Công lý và Pháp luật cho chính mình và cho xã hội của mình đương sống. Chúng ta biết, ở đây, cũng như Republic – một tác phẩm triết học vĩ đại của Plato – vốn vẫn được xem như văn bản tất yếu và bất hủ mở đầu của chính trị học - mục tiêu của Plato không phải là trình bày các phán quyết cuối cùng về bất cứ vấn đề cụ thể nào. Ông chọn hình thức đàm thoại một phần lớn là vì ông muốn khuyến khích chúng ta suy nghĩ cho chính mình. Vấn đề được đặt ra và những gợi mở để thử thách chúng ta, và chỉ duy thế thôi, đã làm nên giá trị của bản văn này.


2.
Trong Crito có những nhân vật sau đây:

a. Socrates - Qua Crito chúng ta thấy ở đây một ông già bảy mươi, ngồi trong tù và đang chờ bản án sắp thi hành.

b. Crito - Một người bạn cũ và trạc tuổi Socrates, là nhân vật đàm thoại chính. Crito cũng là người theo Socrates một thời gian dài, và giờ đây vô cùng quẫn trí trước những gì sắp xảy ra cho Socrates. Crito sẵn sàng làm hầu như bất kỳ hy sinh nào để cứu mạng sống cho Socrates.

c. Pháp luật của Athens - Không phải là một nhân vật theo nghĩa thông thường của từ này; thực tế là Socrates đã nhân vật hóa pháp luật của Athens trong lập luận của ông, cho nó một tiếng nói.

Người dịch
Lê Dọn Bàn


Sunday, October 9, 2011

Arthur Rimbaud - Ô saisons, ô châteaux


Ôi tháng năm, Ôi lâu đài

Ô saisons, ô châteaux
Arthur Rimbaud






Ôi tháng năm, Ôi lâu đài,
Có hồn nào không lần lầm lỡ?

Ôi tháng năm, Ôi lâu đài,

Tôi đã học đòi phép thuật
Của Hạnh phúc vốn không ai tránh khỏi.

Ôi vạn tuế nó, mỗi lần
chàng gà Gôloa gáy rộn.

Nhưng! tôi không còn đâu ham muốn,
Nó quán xuyến đời tôi.

Thần tình này! chiếm hồn và xác,
Ném tất cả mọi gắng sức tan tác

Lời tôi nói hiểu gì đây?
Nó chạy trốn rồi bay!

Ôi tháng năm, Ôi lâu đài!

[Và nếu bất hạnh kéo tôi đi,
Điếm nhục của nó tôi chắc chắn.

Than ơi chắc khinh miệt của nó!
Giao tôi vào cái chết nhanh nhảu nhất!

- Ôi tháng năm, Ôi lâu đài!
Có hồn nào không lần lầm lỡ?]


Arthur Rimbaud [1]
(1854–1891)
(Viết năm: 1872 - In lần đầu tiên: 1886)

Thursday, October 6, 2011

Guilliam Apollinaire - Vĩnh Biệt


Vĩnh Biệt

L’Adieu
Guilliam Apollinaire









Anh đã hái nhánh bruyère này
Mùa thu đã chết em hãy nhớ điều ấy
Trên mặt đất chúng ta sẽ không thấy nhau nữa
Mùi thời gian nhánh bruyère
Còn anh hãy nhớ rằng em chờ anh.

Apollinaire

(J'ai cueilli ce brin de bruyère
L'automne est morte souviens-t'en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t'attends)

Guilliam Apollinaire (1880-1918)
Alcools (1913) © 1920 Éditions Gallimard

Plato – Phiên Tòa và cái Chết của Socrates (7)


Plato
Phiên Tòa và cái Chết của Socrates
(tiếp theo)

Phaedo






Dẫn nhập vắn tắt:

1.
Chuyện xảy ra ở thị trấn Phlius hẻo lánh trong vùng Peloponnesus, Echecrates gặp Phaedo người vùng Elis, Phaedo là người có mặt trong những giờ phút cuối cùng của Socrates tại nhà giam ở thành Athens. Thiết tha muốn nghe diễn tiến câu chuyện từ một nhân chứng trực tiếp, Echecrates ép nài Phaedo kể cho mình nghe về những gì đã xảy ra. Và đàm thoại Phaedo này, là những gì Plato viết qua lời Phaedo.

Phaedo có thể đứng bên Republic như những đàm thoại triết học sâu xa nhất của Plato. Phaedo bắt đầu bàn sâu về Lý thuyết Thể Dạng, đưa ra những luận chứng mạnh mẽ bênh vực một đời sống triết lý, chủ trương lấy triết học làm đuốc soi đường sống, và đặc biệt quan điểm của Plato về hồn người và những luận chứng về sự bất tử của hồn người. Nhất là huyền thoại về số phận của hồn con người sau cái chết, trong thế giới bí ẩn bên kia. Ở đây Plato đã đối thoại với những triết gia trước ông, lý thuyết về thế giới và hồn người, đặc biệt của Pythagoras, Anaxagoras, và Heraclitus.