Thursday, January 19, 2012

Sigmund Freud - Văn minh và những Bất mãn từ nó (8)

Văn minh và những Bất mãn từ nó
Sigmund Freud
(1856 – 1939)
Das Unbehagen In Der Kultur (Vienna, 1929)
Civilization and Its Discontents (1930)






Chương VII

Tại sao những họ hàng của chúng ta, những loài vật, không trưng bày bất kỳ một cuộc đấu tranh văn hóa nào giống như thế? Chúng ta không biết. Rất có thể một số trong chúng – loài ong, loài kiến, loài mối - ra sức từ hàng ngàn năm trước khi chúng đi đến những thể chế Nhà nước, sự phân bố những chức năng và những hạn chế trên cá nhân, mà ngày nay chúng ta ngưỡng mộ chúng. Nó là một nhãn hiệu của điều kiện hiện nay của chúng ta, mà chúng ta biết từ những tình cảm của riêng chúng ta, rằng chúng ta không nên nghĩ rằng chúng ta sẽ hạnh phúc ở trong bất cứ một Nhà nước nào của những loài vật này, hoặc ở trong bất cứ phần vụ nào trong đám chúng được giao cho mỗi cá nhân. Trong trường hợp của những loài động vật khác, có thể là có một sự cân bằng tạm thời đã đạt được giữa những ảnh hưởng của môi trường của chúng và những bản năng tranh đua lẫn nhau bên trong chúng, và rằng như thế một sự ngưng lại của sự phát triển đã xảy đến. Có thể là trong con người nguyên thủy một tiếp cận tươi mới của libido đã khơi lửa hồi phục một bùng phát mới của những hoạt động về phần của bản năng phá hoại. Có một số rất nhiều những câu hỏi ở đây mà vẫn chưa có trả lời.

Một câu hỏi khác quan tâm chúng ta chặt chẽ hơn. Văn minh sử dụng những phương tiện nào ngõ hầu ngăn cấm tính gây hấn hung hãn vốn đối kháng nó, làm tính này thành vô hại, loại bỏ tính này, có lẽ? Chúng ta đã trở nên quen thuộc rồi với một ít của những phương pháp này, nhưng vẫn chưa với một phương tiện xem dường như là quan trọng nhất. Điều này chúng ta có thể nghiên cứu trong lịch sử sự phát triển của cá nhân. Điều gì xảy ra trong anh ta để làm cho mong muốn gây hấn của anh thành không độc hại? Một cái gì đó rất đáng chú ý, vốn chúng ta sẽ không bao giờ đoán được, và nó dù sao đi nữa vẫn khá hiển nhiên.  Sự gây hấn của anh ta được bơm ngược vào bên trong, đồng hóa với chính mình [1] ; đó là, trong thực tế, được gửi trở lại nơi từ đó nó đã đến - có nghĩa là, nó được hướng trở về ego của riêng anh ta. Ở đó, nó bị một phần của ego dành lấy, phần này tự đặt mình lên trên cao và kình chống lại phần còn lại của ego, như là super-ego, và giờ đây, trong dạng “lương tâm”, sẵn sàng đặt vào hành động chống lại ego với cùng một tính gây hấn khắc nghiệt mà ego vốn đã thích thú thú thỏa mãn như khi nó có thể áp dụng với người khác, những cá nhân bên ngoài không liên hệ. Sự căng thẳng giữa super-ego khắc nghiệt và ego phải chịu dưới nó, được chúng ta gọi là ý thức về lầm lỗi, về sai phạm [2], nó tự thể hiện như một nhu cầu đòi trừng phạt [3]. Văn minh, do đó, lấy được quyền chủ nhân trên khát khao nguy hiểm với sự gây hấn của cá nhân, bằng cách làm suy yếu nó, và tước bỏ vũ khí của nó, và bằng cách thiết lập một cơ năng bên trong anh ta, trong mỗi người, để canh chừng nó, giống như một đồn binh trong một thành phố bị chinh phục.


Về phần nguồn gốc của ý thức về lầm lỗi, nhà phân tích tâm lý có quan điểm khác với những nhà tâm lý học khác, nhưng dẫu thế ông không thấy đem cho một giải thích về nó là dễ dàng. Để bắt đầu, nếu chúng ta hỏi làm thế nào một người đi đến có một ý thức về lầm lỗi, chúng ta đi đến một trả lời mà không thể tranh cãi: một người cảm thấy lầm lỗi (những người mộ đạo (Kitô) sẽ nói “tội lỗi”) khi ông đã làm điều gì đó mà ông biết là “xấu”. Nhưng sau đó chúng ta để ý thấy lời đáp này cho chúng ta biết thật ít ỏi. Có lẽ, sau một vài do dự, chúng ta sẽ thêm rằng ngay cả khi một người đã không thực sự làm điều xấu, nhưng chỉ nhận ra trong mình một ý định làm điều đó, ông có thể tự coi mình là phạm lầm lỗi; và nảy sinh câu hỏi sau đó là tại sao ý định lại được xem là bằng như tác động. Cả hai trường hợp, tuy nhiên, có giả định trước rằng một người đã nhận ra rồi rằng điều gì là xấu là đáng khiển trách, là một điều gì đó phải không được đem ra thực hiện. Phán đoán này đã đến như thế nào? Chúng ta có thể gạt bỏ sự hiện hữu của một khả năng nguyên thủy, như nó đã là tự nhiên, có thể phân biệt tốt khác với xấu. Điều gì là xấu thường không phải tất cả là những gì gây tổn hại hoặc nguy hiểm cho ego; trái lại, nó có thể là một gì đó đáng mong muốn và thú vị cho ego. Do đó, có một ảnh hưởng đứng ngoài - không liên quan đến vấn đề đang giải quyết - làm việc ở đây, và đây là điều vốn quyết định những gì được gọi là tốt hay xấu. Bởi vì những xúc cảm của riêng một người hẳn đã không dẫn ông đi theo lối này, ông phải đã có một động cơ để qui phục, để đặt dưới thế lực xa lạ không dính dáng gì này. Một động cơ như thế thì được khám phá dễ dàng trong tính không tự lực được của ông, và trong sự phụ thuộc của ông vào người khác, và nó có thể được chỉ định hay nhất như sợ hãi bị mất yêu thương. Nếu như ông ta mất đi yêu thương của người khác vốn là người ông dựa vào, ông cũng thôi không còn được bảo vệ khỏi một loạt nhiều loại những nguy hiểm. Trên hết, ông bị phơi ra với nguy hiểm rằng con người mạnh mẽ hơn này sẽ cho thấy ưu thế của mình trong hình thức của sự trừng phạt. Do đó, ở lúc khởi đầu, những gì là xấu là bất cứ điều gì gây cho người ta mối nguy bị đe dọa với sự mất mát của yêu thương. Vì lo sợ về sự mất mát đó, người ta phải tránh nó. Đây cũng là lý do tại sao chẳng mấy khác biệt gì, nếu như một ai đã làm điều xấu, hoặc chỉ có ý định làm điều đó. Trong cả hai trường hợp, sự nguy hiểm chỉ đặt ra trong trường hợp nếu như, và khi nào gì-đó có uy quyền khám phá ra nó, và dù trong trường hợp nào trong hai, uy quyền sẽ hành xử cùng một lối.

Trạng thái này của não thức được gọi là “lương tâm xấu”; nhưng thực sự nó không xứng đáng với tên gọi này, vì ở giai đoạn này, ý thức về lầm lỗi là rõ ràng chỉ là một sợ hãi về mất yêu thương, lo lắng “xã hội”. Ở trẻ nhỏ, nó không bao giờ có thể là bất cứ điều gì khác, nhưng ở nhiều người lớn cũng vậy, nó chỉ thay đổi trong mức độ vị trí của người cha, hay của cả cha lẫn mẹ, được cộng đồng nhân loại lớn hơn chiếm chỗ. Hậu quả là, những người như vậy có thói quen tự cho phép mình làm bất cứ điều gì xấu nhưng vốn hứa hẹn cho họ sự vui thú, miễn là chúng được bảo đảm rằng uy quyền sẽ không biết bất cứ điều gì về nó, hoặc không thể trách họ về chúng; họ chỉ sợ bị khám phá ra [4]. Nói chung, trong xã hội ngày nay đã phải tính đến trạng thái này của não thức.

Một thay đổi lớn chỉ diễn ra khi uy quyền được chủ thể hóa qua việc thiết lập một super-ego. Hiện tượng lương tâm sau đó đạt tới một giai đoạn cao hơn. Trên thực tế, phải đợi cho đến bây giờ chúng ta mới nên nói về lương tâm, hay về ý thức về lầm lỗi [5]. Tại điểm này cũng vậy, hết không còn sự lo sợ bị khám phá; hơn nữa, sự phân biệt giữa làm một gì đó xấu và muốn làm nó biến mất hoàn toàn, vì không có gì có thể ẩn trốn khỏi super-ego, ngay cả dẫu chỉ những suy nghĩ. Đúng là tính nghiêm trọng của tình hình từ một quan điểm thực tế đã qua mất, vì uy quyền mới, super-ego, không có động cơ mà chúng ta biết để phải đối xử tệ hại với ego, vốn nó có ràng buộc mật thiết với; nhưng ảnh hưởng di truyền, vốn dẫn đến sự sống còn của những gì đã quá khứ và đã bị khắc phục, làm cho tự chính nó cảm thấy trong sự kiện là những sự việc cơ bản vẫn còn như chúng đã là ở lúc khởi đầu. Super-ego hành hạ ego tội lỗi với cùng một tình cảm của khắc khoải lo lắng và thấp thỏm canh chừng những cơ hội ego bị thế giới bên ngoài trừng phạt.

Ở giai đoạn thứ hai này của sự phát triển, lương tâm trưng bày một tính chất khác thường vốn vắng mặt trong giai đoạn đầu tiên, và nó không còn dễ dàng để giải thích [6]. Đối với một con người càng nhiều đức hạnh hơn bao nhiêu, thì hành vi ứng xử càng nghiêm trọng và càng không tin cậy bấy nhiêu, vì vậy mà cuối cùng đó chính là những người đã tiến xa nhất trên đường thánh thiện là người khiển trách mình với sự tội lỗi tệ hại nhất. Điều này có nghĩa là đức hạnh bị mất đi một vài phần của tưởng thưởng đã hứa hẹn của mình, ego ngoan ngoãn và trinh bạch không được vui hưởng sự tin tưởng của người thầy của nó, và cố gắng trong vô vọng, có vẻ như, để có được điều đó. Sự phản đối ngay lập tức sẽ được thực hiện rằng những khó khăn này là những khó khăn nhân tạo, và sẽ được nói rằng một lương tâm nghiêm nhặt và thận trọng hơn thì cjinhs thực là dấu ấn của một người đạo đức. Hơn nữa, khi tự gọi mình là kẻ tội lỗi như thế, những vị thánh không phải là đã sai, khi xem xét những cám dỗ với sự thỏa mãn bản năng mà họ phơi bày ở một mức độ đặc biệt rất cao – bởi vì, như được rộng rãi biết đến, thất vọng thường trực chỉ đơn thuần gia tăng những cám dỗ, trong khi một thỏa mãn có thỉnh thoảng với chúng làm chúng giảm bớt, ít nhất là đương khi xảy ra. Lĩnh vực luân lý, vốn nó quá đầy những vấn đề, trình bày với chúng ta một sự kiện khác: cụ thể là sự không may - nghĩa là, sự thất vọng với bên ngoài – hết sức nâng cao sức mạnh của lương tâm trong super-ego. Miễn là chừng nào những sự việc tiến hành tốt đẹp với một người, lương tâm của ông thì dễ dãi và để mặc ego làm tất cả những sự việc thuộc mọi loại; nhưng khi bất hạnh xảy đến với ông, ông lục xoát linh hồn của mình, thừa nhận tội lỗi của mình, làm tăng lên những đòi hỏi của lương tâm mình, áp đặt những tiết chế trên chính mình, và trừng phạt chính mình với những hành xác ăn năn[7]. Trọn  cả dân tộc đã ứng xử trong cách này, và vẫn còn làm thế. Tuy nhiên, điều này có thể dễ dàng giải thích được bởi giai đoạn ấu trĩ sơ nguyên của lương tâm, như chúng ta thấy, vốn nó đã không bị buông bỏ sau sự nội nhập đồng nhất hóa vào trong super-ego, nhưng vẫn tồn tại dai dẳng song song với nó, và đằng sau nó. Số phận được xem như là một thay thế cho tác năng mang tính bố mẹ. Nếu một con người bị không may, bất hạnh có nghĩa là ông ta không còn được quyền lực cao nhất này thương yêu; và bị đe dọa bởi sự mất thương yêu như thế, một lần nữa ông lại cúi đầu trước đại diện mang tính bố mẹ trong super-ego của mình – một vị đại diện vốn là người trong những ngày may mắn của mình, ông đã sẵn sàng bỏ bê. Điều này trở nên đặc biệt rõ ràng nơi Số phận được ngước nhìn lên trong ý nghĩa tôn giáo nghiêm nhặt, của tư cách không gì khác hơn một biểu hiện của Ý chí Thần linh. Dân tộc Israel đã tin chính họ là đứa con yêu biệt đãi của Gót, và khi người Cha vĩ đại đã gây bất hạnh này tiếp bất hạnh khác xối xả như mưa xuống dân tộc này của ông, họ đã không khi nào bị lay chuyển trong tin tưởng của họ vào sự liên hệ của ông với họ, hoặc đã đặt câu hỏi về quyền năng của ông, hoặc sự công chính của ông. Thay vào đó, họ đã sản xuất những tiên tri, những người đã giương cao trước họ sự tội lỗi của họ, và thoát ra từ ý thức về tội lỗi của họ, họ đã tạo ra những giới răn quá nghiêm khắc của tôn giáo thày tu [8] của họ [9]. Đáng chú ý là một con người nguyên thủy cư xử khác biệt như thế nào. Nếu người này gặp một bất hạnh, ông không ném trách nhiệm trên chính mình, nhưng trên vật-thần ông tôn thờ, vốn hiển nhiên là nó không làm nhiệm vụ của nó, và ông cho nó một trận đòn thay vì trừng phạt chính mình.

Theo đó, chúng ta biết hai nguồn gốc của ý thức về lầm lỗi: một phát sinh từ sợ hãi với một uy quyền, và một khác, về sau này, phát sinh từ sợ hãi với super-ego. Nguồn thứ nhất nhấn mạnh trên một sự từ bỏ của những thỏa mãn bản năng; nguồn thứ hai, cũng làm cùng việc này, thúc đẩy cho sự trừng phạt, vì sự tiếp tục của những khao khát bị cấm đoán không thể che dấu được với super-ego. Chúng ta cũng biết được tính nghiêm khắc của super-ego - những đòi hỏi của lương tâm - được hiểu như thế nào. Nó chỉ đơn giản là một tiếp nối của tính nghiêm khắc của uy quyền bên ngoài, mà nó đã kế thừa và nó đã thay thế một phần. Bây giờ chúng ta thấy trong quan hệ nào sự từ chối bản năng đại diện cho ý thức lầm lỗi. Ban đầu, sự từ chối bản năng là kết quả của sự sợ hãi uy quyền bên ngoài: một người từ bỏ những thỏa mãn của mình để mình không bị mất thương yêu. Nếu một người đã thực hiện điều này, khi đã xong, một người là rời bỏ khỏi gì đó có uy quyền, và ý thức lầm lỗi thôi không còn nữa. Nhưng trường hợp sự sợ hãi với super-ego là khác biệt. Ở đây, từ bỏ bản năng thôi là chưa đủ, vì mong muốn vẫn dai dẳng tiếp diễn, và không thể che dấu được khỏi super-ego. Vì vậy, bất kể sự từ bỏ đã được thực hiện, một ý thức về lầm lỗi xảy ra. Điều này tạo nên một bất lợi kinh tế lớn trong sự dựng dậy của một super-ego, hoặc, như chúng ta có thể nói về nó, trong sự hình thành của một lương tâm. Buông bỏ (từ chối, hay hy sinh) bản năng bây giờ thôi không còn có tác dụng giải phóng hoàn toàn; trinh bạch đạo đức thôi không còn được tưởng thưởng với sự đảm bảo về tình yêu. Một bất hạnh đe dọa từ bên ngoài – bị mất yêu thương và sự trừng phạt từ phần của uy quyền bên ngoài - đã được đánh đổi lấy một bất hạnh vĩnh viễn bên trong, lấy sự căng thẳng của ý thức về lầm lỗi.

Những quan hệ qua lại này là quá phức tạp và đồng thời quá quan trọng, cho đến nỗi dù trước nguy cơ tự lập lại, tôi sẽ tiếp cận chúng nhưng từ một góc độ khác. Trình tự diễn tiến theo thời gian, sau đó, sẽ là như sau. Đầu tiên đi đến sự từ bỏ bản năng do sợ hãi sự hung hăng của uy quyền bên ngoài. (Dĩ nhiên, điều này có nghĩa là những gì từ sự lo sợ bị mất yêu thương, vì yêu thương là một bảo vệ chống lại sự hung hăng trừng phạt này.) Sau đó đến sự dựng dậy của một uy quyền bên trong, và sự từ bỏ bản năng đến từ sự sợ hãi uy quyền đó – đến từ sợ hãi của lương tâm [10]. Trong hoàn cảnh thứ hai này, những ý định xấu ngang đồng với những hành động xấu, và từ đó đi đến một cảm xúc lầm lỗi và một nhu cầu trừng phạt. Tính hung hăng của lương tâm tiếp tục tính hung hăng của uy quyền. Cho đến đây, mọi việc đã không nghi ngờ gì được làm cho rõ ràng, nhưng ở chỗ nào điều này để lại khoảng trống cho sự tăng cường ảnh hưởng của bất hạnh (của sự từ bỏ, vốn áp đặt từ bên ngoài) , và cho mức độ nghiêm trọng bất thường của lương tâm trong những người tốt nhất và dễ bảo, dễ sai khiến nhất? Chúng ta đã giải thích rồi cả hai những lạ thường này của lương tâm, nhưng chúng ta có lẽ vẫn còn có một ấn tượng rằng những giải thích này đã chưa đi đến đáy của vấn đề, và để lại một dư lượng vẫn còn không được giải thích. Và ở đây, cuối cùng, một ý tưởng đi đến trong nó vốn hoàn toàn thuộc về tâm lý phân tích, và do đó là xa lạ với cách suy nghĩ thông thường của mọi người. Ý tưởng này là thuộc về  một loại cho chúng ta khả năng hiểu tại sao nội dung chủ đề đã phải bị xem ra quá lẫn lộn và quá khó hiểu cho chúng ta. Vì nó bảo cho chúng ta biết rằng lương tâm (hay đúng hơn, những lo lắng mà sau này trở thành lương tâm) khi khởi đầu, thực sự là nguyên nhân của sự từ bỏ bản năng, nhưng sau đó quan hệ này là đảo ngược. Mỗi sự từ bỏ bản năng bây giờ trở thành một nguồn động lực của lương tâm, và cứ mỗi sự từ bỏ tươi mới về bản năng lại làm tăng mức độ nghiêm trọng và không khoan thứ của lương tâm. Nếu như chúng ta có thể chỉ đem nó hòa hợp vào tốt hơn với những gì chúng ta đã biết về lịch sử của nguồn gốc của lương tâm, chúng ta sẽ bị cám dỗ để bảo vệ phát biểu có tính nghịch lý rằng lương tâm là kết quả của sự từ bỏ bản năng, hoặc rằng sự từ bỏ mà bản năng (ép đặt lên chúng ta từ bên ngoài) tạo ra lương tâm, vốn nó sau đó đòi hỏi thêm nữa sự từ bỏ bản năng.

Mâu thuẫn giữa phát biểu này và những gì chúng ta đã từng nói trước đây về căn nguyên của lương tâm là trong thực tế không phải rất lớn đến như vậy, và chúng ta có thể thấy một cách trong đó vẫn giảm nó thêm nữa. Ngõ hầu làm phát biểu vấn đề của chúng ta dễ dàng hơn, chúng ta hãy cùng lấy bản năng gây hấn như một thí dụ của chúng ta, và chúng ta hãy cùng giả định rằng sự từ bỏ trong vấn đề đang bàn luôn luôn là một sự từ bỏ sự gây hấn. (Điều này, tất nhiên, sẽ chỉ được nhận lấy như là một giả định tạm thời.) Hiệu quả của sự từ bỏ bản năng với lương tâm sau đó là tất cả mỗi mảnh của gây hấn, vốn đem lại sự hài lòng với đối tượng được từ bỏ, thì được super-ego tiếp thu và làm tăng tính gây hấn của super-ego (với ego). Điều này không hài hòa tốt với quan điểm rằng tính gây hấn nguyên thủy của lương tâm là một tiếp tục của tính nghiêm khắc của uy quyền từ bên ngoài, và do đó không có dính líu gì với sự từ bỏ, hy sinh bản năng. Nhưng sự khác biệt thì được loại bỏ nếu chúng ta mặc nhiên công nhận có một nguồn gốc khác biệt cho phần đặt định đầu tiên của tính gây hấn của super-ego.

Một số lượng đáng kể của tính gây hấn phải được phát triển trong đứa trẻ, chống lại uy quyền vốn ngăn cản nó không có được những thỏa mãn đầu tiên - nhưng không phải là kém quan trọng nhất - của nó, dù cho là sự tước mất thỏa mãn bản năng bất kể thuộc loại nào vốn đã đòi hỏi nó, có thể là gì đi nữa; nhưng nó bị bắt buộc phải từ bỏ sự thỏa mãn của tính gây hấn báo thù này. Nó tìm cách ra của mình khỏi tình hình hơn-thiệt (kinh tế) khó khăn này với sự giúp đỡ của những phương thức (tâm lý) quen thuộc. Bằng phương tiện của sự nhận dạng, đồng hóa mình với gì không phải là mình, đứa trẻ vơ lấy uy quyền mà nó không chống trả được, vào trong thành chính nó. Uy quyền này, giờ đây trở thành super-ego của nó, và đi vào sở hữu tất cả tính hung dữ gây hấn vốn (trước đó) một đứa trẻ đã thích mong chống lại nó. Ego của đứa trẻ đã phải lấy làm tự bằng lòng với vai trò không vui sướng gì của uy quyền - người cha - người đã như vậy, bị xuống cấp. Ở đây, như thường xảy ra, tình hình (thực sự) đảo ngược: “Nếu như ta đã là cha và ngươi là con, ta sẽ đối xử xấu với ngươi”. Mối quan hệ giữa super-ego ego, bị bóp méo bởi một ước muốn, là một sự quay trở lại của những quan hệ thực giữa ego, khi còn chưa bị phân chia, và một đối tượng bên ngoài. Đó là cũng điển hình nữa. Tuy nhiên, sự khác biệt yếu tính là tính nghiêm khắc ban đầu của super-ego là không - hoặc không quá nhiều như thế - đại diện cho tính nghiêm khắc mà người ta đã có kinh nghiệm từ đối tượng, hoặc vốn từ người ta gán thuộc tính vào đối tượng; nó đúng hơn đại diện cho tính hung dữ gây hấn riêng của đứa trẻ hướng về đối tượng. Nếu điều này là chính xác, chúng ta có thể khẳng định thực sự rằng lúc khởi đầu, lương tâm phát sinh từ sự đàn áp của một xung lực hung dữ gây hấn, và nó sau đó được củng cố làm mạnh thêm hơn bằng những đàn áp mới thuộc cùng một loại.

Trong hai cái nhìn, cái nào là chính xác? Cái nhìn trước đó, vốn mang tính di truyền xem ra khó có thể̉ công kích được, hay cái nhìn mới hơn, vốn gói tròn lý thuyết trong một cách thức đáng chào mừng như vậy? Rõ ràng, và cũng bởi bằng chứng nữa, của những quan sát trực tiếp, cả hai đều là hợp lý. Chúng không mâu thuẫn với nhau, và ngay cả chúng trùng hợp  tại một điểm, bởi vì tính gây hấn trả thù của đứ  trẻ sẽ được một phần được xác định bởi số lượng gây hấn trừng phạt mà nó thấp thỏm trông đợi đến từ cha mình. Kinh nghiệm cho thấy, tuy nhiên, mức độ nghiêm khắc của super-ego mà một đứa trẻ phát triển không có cách nào tương ứng với mức độ nghiêm khắc trong đối ứng mà nó tự mình đã gặp phải [11]. ¹ Mức độ nghiêm khắc của cái kể trước xem dường như là độc lập với của cái kể sau. Một đứa trẻ đã được nuôi lớn lên trong rất dễ dãi nhân nhượng, vẫn có thể có một lương tâm rất nghiêm ngặt. Nhưng nó cũng sẽ sai lầm khi thổi phồng sự độc lập này; không phải là điều khó khăn để một người tự thuyết phục rằng mức độ nghiêm khắc của dưỡng dục cũng quả thực có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự hình thành super-ego của trẻ con. Những gì đưa đến đáng kể là trong sự hình thành của super-ego và sự xuất hiện của một lương tâm bẩm sinh những yếu tố tạo dựng và những ảnh hưởng từ môi trường thực sự hành động trong kết hợp. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên tất cả, trái lại, nó là một điều kiện về   bệnh lý [12] phổ quát cho tất cả những tiến trình như vậy [13].

Điều cũng có thể khẳng định rằng khi một đứa trẻ phản ứng trước những thất vọng lớn lao đầu tiên của mình với tính gây hấn hung hãn quá độ bản năng và với một super-ego nghiêm khắc tương ứng, đứa trẻ đi theo một mô hình phát sinh của loài [14] và sẽ đi vượt ra ngoài phản ứng vốn hiện giờ là chính đáng hợp lý; vì người cha của thời tiền sử chắc chắn đã là khủng khiếp, và một số lượng cực kỳ hung hãn gây hấn có thể được quy cho ông. Thế nên, nếu người ta đổi từ phát triển phát sinh của cá nhân sang phát triển phát sinh của toàn loài, những khác biệt giữa hai lý thuyết về nguồn gốc của lương tâm vẫn còn tiếp tục giảm bớt thêm nữa. Mặt khác, một khác biệt mới và quan trọng tự làm cho sự xuất hiện của nó giữa hai tiến trình phát triển này. Chúng ta không thể tránh bỏ được giả định rằng cảm xúc lầm lỗi của con người bắt nguồn từ mặc cảm Oedipus và đã có được mặc cảm này từ việc những anh em kết tập với nhau và giết người cha [15]. Trong dịp đó, một hành động của sự gây hấn đã không bị đàn áp đè nén, nhưng được đem ra thực hiện, nhưng nó là cùng là một hành động của sự gây hấn vốn nếu nó bị đàn áp đè nén ở đứa trẻ thì được cho là nguồn gốc của ý thức của nó về tội lỗi. Tại điểm này, tôi sẽ không nên ngạc nhiên nếu người đọc có kêu lên giận dữ: “Như thế, không có sự khác biệt nào dù một người giết cha của mình hay không – một người nhận được một xúc cảm về tội lỗi dù trong trường hợp nào! Chúng ta có thể bỏ đi không nêu lên một vài nghi ngờ ở đây. Hoặc không đúng là cảm xúc lầm lỗi xuất phát từ tính hung hãn bị đàn áp đè nén, hoặc khác đi, toàn bộ câu chuyện giết cha là một hư cấu tiểu thuyết, và những trẻ con của người nguyên thủy đã không giết cha của mình thường xuyên nhiều hơn trẻ con ngày nay. Bên cạnh đó, nếu nó không phải là viễn tưởng hư cấu, nhưng một mảnh có thể có của lịch sử, nó sẽ là một trường hợp của một gì đó xảy ra vốn tất cả mọi người trông mong sẽ xảy ra - cụ thể là, của một người cảm thấy tội lỗi vì ông ta thực sự đã làm một gì đó mà không thể biện minh được. Và với sự kiện này, vốn sau hết tất cả, là một chuyện xảy ra tất cả mỗi ngày, phân tích tâm lý vẫn chưa đưa ra bất kỳ lời giải thích nào.

Đó là sự thật, và chúng ta phải làm như đã hứa với sự bỏ xót. Và chẳng phải là có bất kỳ bí mật lớn lao nào về vấn đề. Khi một người đã có một cảm xúc lầm lỗi sau khi đã phạm một hành động xấu ác hay trái luật, và vì nó, đúng hơn nên gọi tình cảm là hối hận [16]. Nó liên quan chỉ đến một hành động vốn đã thực hiện, và tất nhiên, nó giả định trước là một lương tâm - sự sẵn sàng để cảm thấy lầm lỗi - đã hiện hữu rồi trước khi hành động diễn ra. Do đó, hối hận loại này không bao giờ có thể giúp chúng ta khám phá được nguồn gốc của lương tâm và ý thức về lầm lỗi nói chung. Điều gì xảy ra trong những trường hợp hàng ngày là thường như thế này: một nhu cầu bản năng thu lấy được sức mạnh để đạt được sự thỏa mãn, bất chấp lương tâm, vốn là sau tất cả, có sức mạnh của nó bị hạn chế; và với sự suy yếu tự nhiên của nhu cầu do sự nó đã được hài lòng, sự quân bình trước đây của sức mạnh được tái lập. Như vậy, phân tích tâm lý là có lý do chính đáng để không bao gồm trong thảo luận hiện tại, trường hợp của một ý thức về lầm lỗi đến từ hối hận, dù cho trường hợp như vậy xảy ra thường xuyên đến đâu, và dù cho sự quan trọng thực tiễn của chúng lớn lao cho đến đâu.

Nhưng nếu ý thức về lầm lỗi của con người đi ngược về đến tận sự giết hại người cha thời nguyên thủy, sau cùng tất cả, đó đã là một trường hợp của “hối hận”. Có phải chúng ta cho rằng một lương tâm và ý thức về lầm lỗi, ở thời điểm đó, như chúng ta đã giả định trước, đã không hiện hữu trước hành động? Nếu không thế, trong trường hợp này, hối hận đã từ đâu đến? Không nghi ngờ gì rằng trường hợp này sẽ giải thích cho chúng ta bí mật của cảm xúc lầm lỗi , và chấm dứt những khó khăn của chúng ta. Và tôi tin là nó có. Hối hận này đã là kết quả của tình cảm mâu thuẫn vừa yêu vừa ghét, có từ nguyên thủy, hướng về người cha. Những đứa con trai ông ghét ông, nhưng chúng cũng yêu ông nữa. Sau khi thù ghét của họ đã được thỏa mãn từ hành động hung hãn gây hấn của họ, tình yêu của họ đã đi ra tiền diện trong sự hối hận của họ với hành động. Nó thiết lập super-ego bằng sự tự nhận nhập một, đồng hóa với người cha, nó đã cho cơ năng đó - super-ego - quyền lực của người cha, như được nghĩ như một trừng phạt cho hành động gây hấn họ đã tiến hành chống lại ông, và nó đã tạo ra những hạn chế vốn dự định để ngăn chặn một sự lập lại hành động đó. Và vì khuynh hướng gây hấn chống lại người cha đã được lập lại trong những thế hệ tiếp nối, cảm xúc lầm lỗi , cũng vậy, vẫn tồn tại, và nó đã được làm vững mạnh thêm nữa bởi tất cả mỗi mảnh của gây hấn đã bị dập tắt và bị đem chuyển sang super-ego. Bây giờ, tôi nghĩ rằng, cuối cùng chúng ta có thể nắm vững hai điều hoàn toàn rõ ràng: phần do tình yêu đóng vai trong nguồn gốc của lương tâm, và tai họa không thể tránh khỏi của cảm xúc lầm lỗi . Cho dù một người có giết cha của mình, hoặc đã kiêng không làm như vậy, không thực sự là điều quyết định. Một người là buộc vào phải cảm thấy có lầm lỗi dù trong trường hợp nào của cả hai, vì cảm xúc lầm lỗi là một biểu hiện của xung đột do mâu thuẫn, của đấu tranh đời đời giữa Eros và bản năng của hủy hoại hoặc của cái chết. Xung đột này bắt đầu tiến hành lập tức ngay khi con người bị đối mặt với công việc phải sống chung lẫn với nhau. Chừng nào cộng đồng không nhận lấy hình thức nào khác hơn là hình thức của gia đình, xung đột này nhất định buộc phải tự thể hiện trong mặc cảm Oedipus, để thiết lập lương tâm và để tạo ra xúc cảm đầu tiên về tội lỗi. Khi một nỗ lực được thực hiện để mở rộng cộng đồng, cùng một xung đột được tiếp tục trong những hình thức vốn phụ thuộc vào quá khứ; và nó thì được làm mạnh thêm và kết quả trong sự tăng cường sâu đậm hơn nữa ý thức về lầm lỗi. Vì văn minh tuân theo một xung lực gợi tính dục nội tại, vốn là nguyên nhân khiến con người kết hợp thành nhóm ràng-buộc-chặt-chẽ, nó chỉ có thể đạt được mục tiêu này qua một sự củng cố ngày càng tăng của cảm xúc lầm lỗi . Điều gì đã bắt đầu trong liên hệ với người cha được hoàn tất trong liên hệ với cả nhóm. Nếu văn minh là một tiến trình cần thiết của sự phát triển từ gia đình đến nhân loại như một toàn bộ, sau đó - như là một kết quả của cuộc xung đột bẩm sinh phát sinh từ mâu thuẫn, của cuộc đấu tranh vĩnh cửu giữa những khuynh hướng của tình yêu và cái chết - có ràng buộc không thể gỡ ra với nó một gia tăng về cảm xúc lầm lỗi , vốn có lẽ sẽ đạt đến những đỉnh cao mà cá nhân thấy khó chịu đựng nổi. Người ta thì được nhắc nhở đến sự buộc tội kể lại, do một nhà thơ lớn chống lại “Những sức mạnh trời cao”: -

Ihr führt in’s Leben uns Leben.
Ihr lasst den Armen schuldig werden,
Dann überlasst Ihr ihn den Pein,
Denn jede Schuld rächt Sich auf Erden.  [17]

Và chúng ta cũng có thể thở dài nhẹ nhõm khi nghĩ rằng dù sao đi nữa nó vẫn ban cho một số ít người, khó mà gọi là một gắng sức, để vớt vát từ xoáy nước của những xúc cảm của chính họ, những chân lý sâu xa nhất, hướng về chúng vốn phần chúng ta còn lại phải mở lấy lối đi cho chúng ta, trong không ngừng mò mẫm sờ soạng bất an, giữa những bất định hành hạ khổ ải.


Lê Dọn Bàn tạm dịch - bản nháp thứ nhất
(Jan/2012)
(còn tiếp)
http://chuyendaudau.blogspot.com/
http://chuyendaudau.wordpress.com



[1] Internalize: trong tâm lý – chủ thể hóa - đồng hóa một thái độ hay cách ứng xử, thành bản tính tự nhiên hoặc do bắt chước không ý thức, hoặc bằng học tập.
[2] guilt: cảm giác phạm tội – làm điều gì sai trái, tự biết mình làm điều gì đó lầm lỗi, có trách nhiệm; đáng lẽ không nên làm; khác với cảm giác hổ thẹn (shame), Đây là những xúc cảm có tính cách đạo đức tự ý thức (self-conscious moral emotions) - sau khi làm một điều gì tự mình biết là không nên, một gì đó thường trực hơn, tạm gọi là lương tâm cảm thấy áy náy; đưa đến ăn năn, hối hận, sám hối; thí dụ - vì đã hại đến một ai khác (đâm xe vào một ai, gây tại nạn, gây thiệt hại cho mình hay người). Mức độ nhẹ hơn là lúng túng, ngượng ngùng (embarrassment) ở mức độ thấp này, thiệt hại cũng nhẹ hơn, thí dụ trong trường hợp không thực sự tổn thương ai ngoài sự tự trọng chính mình (nói lỡ lời). Những xúc cảm này hướng nội về mình (self), tự phán đoán hay nhận thức chủ quan một kinh nghiệm cảm xúc xảy ra khi một người nhận ra hoặc tin rằng, dù đúng thực hay không, người ấy đã vi phạm một tiêu chuẩn đạo đức nào đó, và chịu trách nhiệm đáng kể đối với hành vi đó. Nó liên quan chặt chẽ và dẫn đến khái niệm hối hận (remorse) hay ăn ăn.

Nói chung, chúng ta có thể tìm thấy trong những sách giáo khoa tâm lý – sẽ cho chúng ta những định nghĩa và phân loại sâu rộng về những tình cảm này. Nhận định ở đây là những xúc cảm này là những sự kiện thực tại, chúng tác động trên chúng ta và thường là nguồn gốc những bệnh tâm thần. Chúng cũng liên hệ với câu hỏi về “lương tâm” – có là một thực thể hay không, hay chỉ mà một ảo tưởng (cũng như linh hồn) là điều còn bàn cãi. Nhưng câu hỏi quan trọng hơn, và ở đây, là về nguồn gốc của chúng, và tùy theo những giải thích nguồn gốc của chúng, sẽ đưa đên những tác dụng, ứng dụng khác biệt tùy khung cảnh và môi trường văn hóa, trong đó tôn giáo đóng một vai trò quan trọng.

Tôn giáo ở phương Tây, chủ yếu là Kitô – đã có một giải thích hết sức đặc biệt về nguồn gốc của cảm thức lầm lỗi; từ đây nó đã đẩy thành một khái niệm khác – sin, tội lỗi. Khái niệm này có màu sắc và nội dung giáo điều và khoác màu tín ngưỡng. Sin được giải thích và hiểu trong văn hóa Kitô là trạng thái hay hành động làm trái ý Gót, nên “tội” (sin) ở đây không hoàn toàn có nội dung như từ được dịch và xử dụng như tương đương trong văn hóa không-Kitô. Trong tiếng Việt, chẳng hạn, chúng ta nói “làm thế là có tội – với pháp luật, với làng xã, với cha mẹ, với đất nước,…”, có khi nói “làm như thế phải tội chết”, nghĩa là có tội, có thể phải chịu hình phạt của “đất trời” – sẽ bị đày “địa ngục” chẳng hạn, mới nhuốm màu tôn giáo, nhưng không tuyệt đối như “sin”. Trong văn hóa Kitô phương Tây, một người có tội (“sin”) – là có tội với Gót, không với ai khác.

Kitô (và Islam) kế thừa hầu hết nội dung khái niệm tội lỗi từ Judaism, và những ý tưởng từ Persia và Roma, chủ yếu qua diễn dịch của Augustine, là người đã thích nghi những ý tưởng của Plato với giáo lý Kitô. Tiếng Latin tội lỗi là culpa, một từ đôi khi thấy trong tài liệu pháp luật, ví dụ “mea culpa” có nghĩa là “lỗi của tôi (guilt)”

Theo giáo lý Kitô, tội lỗi và xấu hổ có nguồn gốc từ loài người phạm giới đầu tiên chống lại Gót, chúng là những hậu quả của tội lỗi nguyên thủy (original sin). Tội lỗi và xấu hổ do đó mật thiết gắn liền với khái niệm về sin tội lỗi – một sự cố ý phạm giới chống lại ý chí của Gót. Như vậy những khái niệm này khác biệt tùy khung văn hóa và những giải thích phổ thông và bình dân về nguồn gốc của chúng có tính văn hóa. Giải thích của giáo lý Kitô thuộc loại này và nó khác biệt sâu xa, nếu không nói là đối nghịch với văn hóa quen thuộc của chúng ta, vốn chúng ta chịu ảnh hưởng nặng nề văn hóa Tàu (người Tàu dịch shame là tu tàm (), và guilt là tu quí (羞愧) – gốc từ “tu là xấu hổ thẹn thùng. Khác biệt trên hai điều chính yếu và quan trọng. Thứ nhất, quan niệm tội lỗi của đạo Kitô là xa lạ với văn hóa nước Tàu, đặc biệt là khái niệm về tội lỗi nguyên thủy đã đi ngược lại với sự sùng bái và tôn kính tổ tiên. Thứ hai, những giải thích trong kinh thánh về tội lỗi nguyên thủy đã quá nhấn mạnh về khía cạnh tình dục. Nhục dục và và tình dục là trung tâm giáo lý về tội lỗi nguyên thủy (tội tổ tông). Augustine giải thích sự xấu hổ của Adam và Eve đã có từ kinh nghiệm về sự trần truồng của họ, đã ngầm ý nói về những sinh hoạt dục tình với bộ phận sinh dục của họ. Xấu hổ dẫn họ kết lá sung làm khố, che những gì trước đó tự nhiên phơi mở, sau đã được gọi là âm hộ (pudenda), cơ quan sinh dục bên ngoài con người, đặc biệt là của người phụ nữ; (từ pudere Latin, có nghĩa là gây ra sự xấu hổ). Ngược lại, truyền thống Nho giáo của Tàu chấp nhận tình dục như là một phần nội tại của bản chất con người, sinh hoạt tình dục là tự nhiên, chuyện ăn nằm giao cấu như chuyện gió mưa của đất trời (đọc Bồ Tùng Linh). Tuy nhiên, những hoạt động tình dục ngoài giới hạn của mỗi cá nhân mới bị lên án, nhưng chủ yếu từ quan điểm xã hội. Một chấp nhận đầy đủ hơn về tình dục được tìm thấy trong Đạo giáo, xem hoạt động tình dục như là một biểu hiện tự nhiên của nguyên lý âm dương trong vũ trụ.

Freud mô tả và giải thích cảm giác này, như chúng ta thấy trong chương này - như là kết quả của một cuộc đấu tranh giữa egosuper-ego. Freud bác bỏ vai trò của Gót như một kẻ trừng phạt hay ban thưởng. Trong khi loại bỏ nguồn gốc thần bí tôn giáo (bệnh tâm thần vẫn được xem là bị “quỉ” nhập – phải mời những thày chăn chiên “trục quỉ” (exorcism)), ông đưa giải thích khác về nguồn gốc tâm lý của cảm giác về sai phạm, hổ thẹn, lầm lỗi thấy trong những bệnh nhân, ông đưa ra một nguồn gốc khoa học, của khoa tâm lý phân tích. Là một y sĩ, ông thấy điều này là động lực vô thức trong cá nhân đã góp phần vào tạo những bệnh tâm thần. Freud đã xem “chướng ngại của một cảm giác vô thức về tội lỗi ... như chướng ngại lớn nhất trên sự hồi phục cho bênh nhân”.

Đến đây, đặt trong toàn bộ giải thích của Freud, sự đè nén của văn minh trên bản năng tự nhiên của con người là điều không thể tránh khỏi – nên xúc cảm lầm lỗi, hay phạm tội – là xúc cảm thường trực vĩnh viễn của con người kết tập xã hội, con người văn minh; giáo dục, văn hóa có thể ngăn ngừa và xóa khỏi hay kiếm soát hữu thức, nhưng không thể xóa khỏi vô thức. Chính xúc cảm này đã được tôn giáo như Ki tô khéo léo lợi dụng (“sin”) và trên đó xây dựng cả một hệ thống tín điều và luân lý. Như thế, nó đánh vào chỗ yếu đuối, điểm đáng thương nhất của con người.

Tôi chú ý đến điểm này khi đi tìm lý do giải thích sự tồn tại dai dẳng của tôn giáo – dù chúng chứa đầy rẫy những nội dung phi lý – trong xã hội khoa học phát triển của con người phương Tây. Tôn giáo ở phương Tây dựng trên tình cảm, không trên lý trí, thế nên có lẽ bao nhiêu phê bình sắc bén trên cơ sở lý trí như Russell, Marx, Durkheim, hay Freud, hay hiện nay của những nhà vô thần mới (Hitchens, Dawkins, Harris) cũng có lẽ khó làm nó đổ được. Nó bám chặt vào chỗ bị thương không thể tránh và dựng trên khổ đau không thể chữa được khởi từ đó của con người. Dĩ nhiên, nó chỉ an ủi xuông, hứa hẹn hão huyền, nhưng không bao giờ có ý định và cũng không thể chữa chạy được những thương đau của nhân loại. Như đã giới thiệu vội vàng trong lời dẫn nhập của tôi; tôi cũng sẽ khai triển điểm này sau.
[3] [ Cf. “The Economic Problem of Masochism” (1924c), Standard Ed., 19, 166-7]
[4] [Điều này nhắc một vai trò lĩnh đạo nổi tiếng của Rousseau. (Vấn đề do Rousseau nêu lên đã được Freud trich dẫn trọn vẹn trong bài viết ‘Our attitude towards Death (1915b), Stand Ed., 14, 298)]
[5] [Mọi người có nhận định sáng xuốt sẽ hiểu và đưa vào giải thích sự kiện là trong mô tả tóm tắt này chúng ta đã giới hạn mạnh mẽ những sự kiện mà trong thực tế xảy ra bởi tiến trình chuyển đổi dần dần, và nó không chỉ là một câu hỏi về sự hiện hữu của một super-ego, nhưng về sức mạnh tương đối và phạm vi ảnh hưởng của nó. Tất cả những gì đã được nói ở trên về lương tâm và tội lỗi, hơn nữa, là kiến thức phổ biến và hầu như không thể tranh cãi.]
[6] [nghịch lý này đã được Freud bàn luận trước đó, Xem, lấy thí dụ, chương V của The Ego and the Id (1923)]
[7] [Sự đề cao này trong đạo đức như là một hậu quả của sự không may, đã được Mark Twain minh họa trong một câu chuyện thú vị ngắn, The First Melon I ever Stole. Quả dưa lần đầu tiên ăn trộm là còn xanh. Tôi đã nghe chính Mark Twain kể lại câu chuyện, một trong những lần đọc trước công chúng của mình. Sau khi ông đã đưa ra nhan đề, ông dừng lại và tự hỏi như thể ông đã nghi ngờ: “Đó có phải là lần đầu tiên không?” Với điều này, tất cả mọi việc đã được nói xong. Quả dưa đầu tiên đã rõ ràng không phải là chỉ một.]
[8] Priestly religion – một hình thức tôn giáo với điển hình là đạo DoThái - Trong phần lớn lịch sử của dân DoThái, tôn giáo của họ được những thày tu quản lý. Những thày tu DoThái tạo thành một giai cấp đặc biệt, có quyền lực xã hội, kinh tế và chính trị vượt xa ngoài nhiệm vụ thực hiện những nghi lễ thiêng liêng tôn giáo trong những đền synagogue. Địa vị của giai cấp thày tu này chỉ đứng sau nhà vua.
[9] [Một giải thích rộng rãi hơn về những liên hệ của dân tộc Do thái với Gót của họ, có thể được tìm thấy trong Freud, Moses and Monotheism (1939a).]
[10] ['Gewissensangst.' Một vài nhận xét về thuật ngữ này được tìm thấy trong cước chú của người biên dịch trong chương VlI của Inhibitions, Symptoms alld Anxiety (1926d), Standard Ed., 20, 128.]
[11]  Như đã đúng được nhấn mạnh bởi Melanie Klein và do những nhà văn khác tiếng Anh.
[12] Aetiological – thuộc về lý do gây bệnh.
[13] Hai loại chính của những phương pháp gây bệnh trong sự nuôi dạy giáo dục - quá nghiêm khắc và quá nuông chiều  - đã được Franz Alexander đánh giá chính xác trong tập sách của ông  Psychoanalysis of the Total Personality (1927) kết hợp với nghiên cứu của Aichhorn về sự phạm pháp (Wayward Youth, 1925) Sự “quá mức nhân hậu và đam mê lạc thú của người cha” là nguyên nhân của trẻ em hình thành một super-ego quá mức nghiêm khắc, bởi vì, theo ấn tượng của yêu thương mà họ nhận được, họ không có lối thoát nào khác cho tính gây hấn của họ ngoài cách biến nó vào bên trong. Ở trẻ em phạm pháp, những người đã được nuôi dạy mà không có thương yêu, sự căng thẳng giữa ego super-ego là thiếu vắng, và toàn bộ tính gây hấn của chúng có thể được dẫn đưa ra bên ngoài. Ngoài một số yếu tố tạo dựng có thể được xem là hiện hữu, do đó có thể nói, có một lương tâm nghiêm khắc phát sinh từ những hoạt động chung của hai yếu tố: sự thất vọng của bản năng, vốn nó tháo gỡ mọi ràng buộc, giải phóng tính gây hấn, và kinh nghiệm được thương yêu, vốn biến tính gây hấn vào bên trong và giao nó cho super-ego.
[14] Phylogenetic: the evolutionary development and diversification of a species or group of organisms, or of a particular feature of an organism. Với mỗi cá nhân trong từng chủng loại là ontogenesis - the development of an individual organism or anatomical or behavioral feature from the earliest stage to maturity.
[15] [Totem and Taboo (1912-13), Standard Ed., 13, 143]
[16] remorse
[17] [Goethe , Wilhelm Meister , “The Song of the Harper"
 Với trái đất, trái đất mệt mỏi này, ngươi mang chúng ta
Với cảm giác tội lỗi ngươi để mặc ... bỏ đi không màng,
Sau đó, để ăn năn khốc liệt day dứt chúng tôi:
Một khoảnh khắc tội lỗi, nhưng một thời khổ hận! ,
 Bản dịch của Carlyle
Couplet đầu tiên được kể như một liên kết với một giấc mơ trong quyển sách ngắn của Freud On Dreams  (1901a), Standard Ed., 5,637 và639.]