Tuesday, May 10, 2011

Bertrand Russell - Lịch sử Triết học phương Tây (25)

Bertrand Russell
Lịch sử Triết học phương Tây



Quyển Một – Triết học Cổ thời
Phần III.  Triết học cổ thời sau Aristotle



Chương 27 - Những triết gia theo Epicurus
(tiếp theo)

Epicurus không đồng ý với một vài người trước ông thuộc phái hedonism [1], về sự phân biệt giữa những lạc thú tích cựctiêu cực, hoặc lạc thú động tĩnh. Những lạc thú động, bao gồm trong việc đạt được một cùng đích mong muốn, mong muốn trước đây đã đi kèm với đau đớn. Những lạc thú tĩnh bao gồm trong một trạng thái của cân bằng, vốn là kết quả từ sự hiện hữu của loại trạng thái của những sự việc vốn chúng được mong muốn nếu chúng đã thiếu vắng. Tôi nghĩ rằng người ta có thể nói rằng sự thỏa mãn của đói ăn, trong khi nó đang diễn ra, là một lạc thú động, nhưng tình trạng im lìm xảy ra không ngờ khi cơn đói đã hoàn toàn được thỏa mãn là một lạc thú tĩnh. Trong hai loại này, Epicurus chủ trương rằng theo đuổi loại thứ hai là thận trọng hơn, vì nó là tinh khiết không pha trộn, và không phụ thuộc vào sự tồn tại của đau đớn như là một kích thích cho mong muốn. Khi cơ thể ở trong trạng thái cân bằng, không có đau đớn, do đó, chúng ta nên nhằm đến sự cân bằng và những thú vui yên tĩnh hơn là những vui vẻ mạnh bạo. Epicurus, có vẻ như, sẽ muốn, nếu đã có thể, luôn luôn ở trong tình trạng có ăn vừa phải, không bao giờ ở trong tình trạng của khao khát tham ăn ngấu nghiến.
 
Như vậy trong thực hành, ông dẫn về sự vắng mặt của đau đớn, hơn là sự có mặt của lạc thú, như là mục đích của con người khôn ngoan [2]. Dạ dày có thể là ở gốc rễ của những sự việc, nhưng những cơn đau dạ dày đánh bật những thú vui của ăn uống quá độ, theo đó Epicurus đã sống với bánh mì, và một ít pho mát vào những ngày lễ. Những ao ước chẳng hạn như về giàu có và danh dự là vô ích, bởi vì chúng làm cho một người thành bất an khi ông ta có thể là hài lòng. “Cái tốt lớn nhất của tất cả là sự cẩn trọng: nó là một điều quý báu hơn ngay cả so với triết học”. Triết học, như ông đã hiểu nó, là một hệ thống thực hành được thiết kế để đảm bảo một đời sống hạnh phúc, nó đòi hỏi chỉ ý thức thông thường, không lôgích hoặc toán học, hoặc bất cứ một huấn luyện tỉ mỉ công phu nào như Plato đã ghi chép. Ông thúc dục học người trò trẻ tuổi và bạn của mình là Pythocles “chạy khỏi mọi hình thức của văn hóa”. Đó là một hệ quả tự nhiên của những nguyên tắc của ông đã khuyên nên tiết chế, tránh đời sống công cộng, vì theo tỷ lệ khi một người đạt được quyền lực, số lượng những người ghen tị với ông tăng lên, và do đó ước muốn ông bị tổn thương. Ngay cả nếu như ông có trốn thoát bất hạnh đến từ bên ngoài, yên tĩnh não thức là không thể có trong một tình trạng như vậy. Người không ngoan sẽ cố gắng sống không ai để ý, để không có những kẻ thù.

Dục tình, là một trong những lạc thú “động” nhất, đương nhiên chịu lệnh cấm. “Quan hệ tình dục”, vị triết gia tuyên bố, “chưa bao giờ làm một người nên tốt lành, và ông ta là may mắn, nếu nó đã không làm hại ông”. Ông thích trẻ con (của những người khác), nhưng để thị hiếu này được hài lòng, ông xem ra đã phải dựa vào người khác không theo lời khuyên của ông. Ông có vẻ, trên thực tế, đã ưa thích trẻ em dù ngược với phán đoán tốt hơn của chính ông, vì ông đã xem hôn nhân và trẻ em như một sự phân tâm khỏi những theo đuổi nghiêm trọng hơn. Lucretius, người đã theo ông trong sự phủ nhận tình yêu, thấy không có hại gì trong quan hệ tình dục miễn là nó cách biệt khỏi đam mê.

Lạc thú xã hội an toàn nhất, theo ý kiến của Epicurus, là tình bạn. Epicurus, giống như Bentham [3], là một người cho rằng tất cả mọi người, ở mọi thời điểm, chỉ theo đuổi lạc thú của riêng mình, đôi khi một cách khôn ngoan, đôi khi không khôn ngoan, nhưng cũng lại như Bentham, do bản chất tử tế và dễ xúc động của chính mình, ông liên tục bị quyến rũ vào hành vi ứng xử đáng ngưỡng mộ, vốn chúng nếu trên lý thuyết của riêng ông, ông đã phải nên kiềm chế. Ông rõ ràng là yêu thích những bạn bè của mình mà không quan tâm đến những gì ông lấy được từ họ, nhưng ông đã thuyết phục chính mình rằng ông là ích kỷ như là triết lý của ông đã chủ trương tất cả mọi người là như thế. Theo như Cicero, ông chủ trương rằng “tình bạn không thể tách rời khỏi lạc thú, và vì lý do đó, phải được vun trồng, bởi vì không có nó, chúng ta không thể sống trong an toàn và không sợ hãi, mà thậm chí cũng chẳng thích thú gì”. Thỉnh thoảng, tuy nhiên, ít hoặc nhiều ông quên những lý thuyết của mình: “tất cả tình bạn là đáng mong ước trong tự thân nó”, ông nói thêm “mặc dù nó bắt đầu từ nhu cầu được giúp đỡ” [4].

Mặc dù dường như với những người khác, đạo đức của Epicurus đáng khinh như lợn và thiếu sự nâng cao luân lý, Epicurus đã chân thực rất nhiều. Như chúng ta đã thấy, ông nói về cộng đồng trong vườn nhà là “cơ thể thiêng liêng của chúng ta”, ông đã viết một cuốn sách Về sự Thiêng liêng [5], ông có tất cả nhiệt tình của một nhà cải cách tôn giáo. Ông phải đã có một cảm xúc thương hại mạnh mẽ về những khổ đau của nhân loại, và một quả quyết không lay chuyển là chúng sẽ được giảm đi rất nhiều nếu con người áp dụng triết lý của ông. Đó là một triết lý của người ốm đang dưỡng bệnh, được thiết kế cho thích hợp với một thế giới trong đó hạnh phúc liều lĩnh đã trở thành khó có thể có. Ăn ít, vì sợ khó tiêu, uống ít, vì sợ buổi sáng hôm sau; kiêng cữ chính trị và tình yêu và tất cả những hoạt động nhiệt tình mạnh bạo, đừng làm con tin cho số mệnh bằng kết hôn và có con cái; trong đời sống tinh thần của bạn, hãy dạy tự mình chiêm ngưỡng những thú vui hơn là chịu những đau đớn. Đau đớn thể chất chắc chắn là một điều tai ác lớn, nhưng nếu khắt khe, nó là ngắn gọn, và nếu kéo dài, nó có thể chịu đựng được bằng những phương tiện của kỷ luật tinh thần và thói quen suy nghĩ về những điều hạnh phúc bất chấp với nó. Trên tất cả, sống sao như để tránh sự sợ hãi.

Đã là qua vấn đề về tránh sợ hãi đã dẫn Epicurus vào trong triết học lý thuyết. Ông chủ trương rằng hai trong số những nguồn lớn nhất của sự sợ hãi đã là tôn giáo và sự khiếp hãi cái chết, chúng vốn kết nối với nhau, vì tôn giáo thúc đẩy quan điểm cho rằng người chết không hạnh phúc. Thế nên, ông đã tìm một siêu hình học vốn nó sẽ chứng minh rằng những thần linh không can thiệp vào nhân sự, và rằng linh hồn tàn rụi cùng với cơ thể. Hầu hết con người hiện đại nghĩ rằng tôn giáo là sự an ủi, nhưng với Epicurus nó là ngược lại. Sự can thiệp siêu nhiên với vận hành của tự nhiên dường như với ông là một nguồn của khiếp hãi, và sự bất tử làm chết đi hy vọng thoát ra khỏi đau đớn. Theo đó, ông đã xây dựng một học thuyết công phu với dự kiến chữa con người khỏi những tin tưởng vốn gây sợ hãi.

Epicurus là một người duy vật, nhưng không phải là một người theo thuyết tất định [6]. Ông theo Democritus trong tin tưởng rằng thế giới bao gồm những atom và trống không; nhưng ông không tin như Democritus rằng những atom lúc nào cũng hoàn toàn bị những luật tự nhiên kiểm soát. Khái niệm về sự tất yếu ở Hylạp, như chúng ta đã thấy, nguồn gốc có tính tôn giáo, và có lẽ ông đã đúng trong cân nhắc rằng một tấn công vào tôn giáo sẽ không toàn vẹn nếu nó cho phép tất yếu được sống sót. Những atom của ông có trọng lượng, và liên tục rơi xuống, không hướng về trung tâm của trái đất, nhưng rơi xuống trong một ý hướng tuyệt đối nào đó. Tuy nhiên sau đó, cứ thỉnh thoảng có một atom, khởi động bởi một điều gì đó giống như ý chí tự do, sẽ lệch chút ít với đường thẳng đứng đi xuống [7], và như vậy sẽ đi đến va chạm vào một vài atom khác. Từ điểm này trở đi, sự phát triển của những xoáy cuốn [8], vv… tiến hành theo cách tương tự như trong Democritus. Linh hồn là vật chất, và nó cấu tạo bởi những particle giống như của hơi thở và nhiệt. (Epicurus nghĩ rằng hơi thở và gió, về thực chất, khác nhau với không khí; chúng không chỉ đơn thuần là không khí trong chuyển động). Những atom của linh hồn được phân bố khắp cơ thể. Cảm giác là do những tấm phim mỏng do thân thể ném ra và tiếp tục đi du hành cho đến khi chúng chạm vào những atom-linh hồn. Những phim này có thể vẫn tồn tại khi những cơ thể mà từ đó chúng phát khởi ra đã tan vữa; điều này giải thích những giấc mơ. Lúc chết, hồn bị phân tán, và những atom của nó, dĩ nhiên là chúng tồn tại, nhưng không còn khả năng cảm giác, bởi vì chúng thôi không còn kết nối với cơ thể. Nó dẫn đến, theo lời của Epicurus, rằng “Cái chết là không là gì với chúng ta; bởi vì những gì đã bị phân hủy, là không có cảm giác, và những gì mà thiếu cảm giác là không là gì với chúng ta”.

Đối với những vị thần, Epicurus tin chắc vào sự hiện hữu của họ, bởi vì nếu không thế, ông không thể giải thích về sự tồn tại rộng rãi của ý tưởng về những vị thần. Nhưng ông được thuyết phục rằng họ không hơi đâu bận tâm chi với những công việc của thế giới con người chúng ta. Họ là những kẻ theo đuổi lạc thú [9] có chừng mực phải lẽ, những người tuân theo những giới luật của mình, và kiêng tránh sinh hoạt công cộng; chính quyền sẽ là một lao động không cần thiết, trong đời sống hoàn toàn sung sướng may mắn của họ, họ không cảm thấy có cám dỗ gì. Dĩ nhiên, bói toán và xem điềm, giải triệu và tất cả những hoạt động như vậy là những mê tín thuần túy, và cũng thế là niềm tin tưởng ở một thần linh phù hộ [10].

Thế nên, không có cơ sở cho sợ hãi rằng chúng ta có thể phải chịu sự tức giận của những vị thần, hoặc là chúng ta có thể bị đau khổ trong địa ngục của Hades sau khi chết. Mặc dù là đối tượng của những sức mạnh của tự nhiên, vốn có thể được nghiên cứu một cách khoa học, thế nhưng chúng ta có ý chí tự do, và chúng ta, trong những hạn chế là những chủ nhân số phận của chúng ta. Chúng ta không thể thoát khỏi cái chết, nhưng cái chết, hiểu cho đúng, không phải là tà ác. Nếu chúng ta sống thận trọng, theo như những châm ngôn của Epicurus, chúng ta sẽ có thể đạt được một biện pháp thoát đau đớn. Đây là một tập hợp những tin tưởng, giảng dạy [11] ôn hòa vừa phải, nhưng với một người đã cảm kích với đau khổ của con người, nó đã đủ để gây cảm hứng cho nhiệt tình.

Epicurus không quan tâm đến khoa học trên cơ sở của riêng ông; ông coi trọng nó chỉ đơn thuần như nó cung cấp những giải thích theo tự nhiên những hiện tượng vốn mê tín dị đoan đã gán buộc chúng với những can thiệp của những vị gót. Khi có nhiều những giải thích theo tự nhiên có thể có được, ông cho rằng là vô ích nếu cố gắng để quyết định chọn lựa giữa chúng. Lấy thí dụ chẳng hạn, những tuần trăng (tròn, khuyết), đã được giải thích theo nhiều cách khác nhau, bất kỳ cách nào trong chúng cũng được, là tốt như nhau, miễn là nó không lôi những vị gót vào, và sẽ là sự tò mò nhàn rỗi để cố gắng xác định cách nào trong chúng là đúng. Thế nên không phải tự hỏi sao những triết gia Epicurus đã không đóng góp gì thiết thực vào kiến thức về tự nhiên. Họ phục vụ một mục đích hữu ích bằng sự phản đối của họ đối với những sùng bái ngày càng tăng của người ngoại đạo sau này với chiêm tinh, ma thuật, và bói toán, nhưng họ vẫn là, như người sáng lập của họ, giáo điều, hạn hẹp, và không có quan tâm chân thực nào với bất cứ điều gì ngoài hạnh phúc cá nhân. Họ đã học thuộc lòng những giáo lý của Epicurus, và đã không thêm gì vào nó suốt nhiều thế kỷ trong khi trường phái đó sống sót.

Chỉ có một học trò lỗi lạc của Epicurus là nhà thơ Lucretius (99-55 TCN), một người đồng thời với Julius Caesar. Trong những ngày cuối cùng của Cộng hòa Lamã, tư tưởng tự do là thời thượng, và học thuyết của Epicurus phổ thông trong giới học thức. Hoàng đế Augustus đã đem lại một sự hồi sinh những gì cổ xưa của đức hạnh và tôn giáo cổ đại, làm bài thơ của Lucretius Về bản chất của những sự vật [12] trở thành mất phổ thông, và giữ nó như vậy cho đến thời kỳ Phục hưng. Chỉ có một bản thảo của nó sống sót qua thời Trung cổ, và suýt bị những kẻ cuồng tín hủy hoại. Hiếm thấy có một nhà thơ lớn nào đã phải chờ được nhìn nhận quá lâu đến như thế, nhưng trong thời hiện đại, giá trị của ông đã được hầu như thừa nhận hoàn toàn phổ quát. Lấy thí dụ, ông và Benjamin Franklin đã là những tác giả được Shelley yêu thích.

Bài thơ của ông ghi triết lý của Epicurus xuống thành vần điệu. Mặc dù hai người có cùng một học thuyết, tính khí của họ rất khác nhau. Lucretius là người đam mê, và cần những lời hô hào về thận trọng nhiều hơn so với Epicurus. Ông tự tử chết, và có vẻ đã bị bệnh tâm thần từng thời kỳ – một vài nguồn đã cho là do những đau khổ vì tình đem lại, hay do những tác động ngoài ý muốn của một bùa yêu. Ông cảm xúc về Epicurus như là hướng về một vị cứu tinh, và áp dụng ngôn ngữ có tính chất tôn giáo sâu đậm với con người mà ông xem như là vị hủy hoại tôn giáo: [13]

Khi đời người quì phục trên mặt đất
Rành rành bị đạp xuống và bị nghiền nát điên cuồng
Dưới sự tàn ác của nàng Tôn giáo, trong khi đó ai là người
Lôi ra từ những vùng trời ở trên cao
cho thấy rõ mặt nàng, những khía cạnh đáng kinh hoàng,
kéo thấp xuống cho người trần, đã làm thế trước tiên là một người Hylạp
dám trừng lên đôi mắt trần của ông với nàng;
Người đầu tiên là ông; đã đứng lên và thách thức nàng.
Với ông, không phải chuyện những vị thần, cũng không phải những sấm chớp,
cũng không phải thiên đường với những lẩm bẩm đe dọa, có thể dập tắt,
nhưng tất cả, có nhiều thì chúng chỉ khơi dậy dũng cảm kiên quyết
của linh hồn ông, cho đến khi ông trông chờ là người đầu tiên
phá vỡ bước qua cửa gài then chặt của Tự nhiên.
Thế nên năng lực nhiệt thành tinh thần của ông
Đã thắng thế, và ông đi tới, du hành xa
Vượt quá những lũy thành cháy lửa của thế giới,
Từ lĩnh vực não thức đến tinh thần xa và rộng
khắp xuốt vũ trụ vô hạn; và từ đó
như một kẻ chinh phục chiến thắng ông trở về với chúng ta, mang lại
kiến thức về cả hai những gì có thể và những gì không có thể
tăng trưởng thành hữu thể, giảng dạy chúng ta trong chi tiết
về – trên nguyên tắc nào mỗi sự vật có sức mạnh bị giới hạn của nó
và (chỗ nào) là hòn đá chôn sâu chỉ ranh giới của nó.
Do đó hiện nay nàng Tôn giáo đã bị ném xuống
dưới bàn chân của con người, và đến phiên nó bị chà đạp:
bản thân chúng ta cao như trời; chiến thắng của ông vòi vọi .

Lòng căm ghét tôn giáo được Epicurus và Lucretius bảy tỏ tất cả không phải là hoàn toàn dễ hiểu, nếu người ta chấp nhận những giải thích qui ước về sự vui tươi của nghi lễ và tôn giáo Hylạp. Bài thơ Ode on a Grecian Urn của Keats, lấy thí dụ, ca ngợi một buổi lễ tôn giáo, nhưng không phải một buổi lễ có thể làm đầy não thức con người với những sợ hãi đen tối và ảm đạm. Tôi nghĩ rằng niềm tin phổ biến đã là rất nhiều không thuộc vào loại vui vẻ này. Việc thờ phụng những thần linh Olympus đã có ít mê tín dị đoan tàn bạo hơn so với những hình thức tôn giáo khác của Hylạp, nhưng ngay cả những vị gót Olympus đã đôi khi đòi hỏi sự hy sinh bằng con người cho đến tận thế kỷ thứ bảy, hoặc thứ sáu TCN, và thực hành này đã được ghi lại trong truyền thuyết và kịch [14]. Trong khắp thế giới còn man rợ, đem con người làm vật hy sinh vẫn được nhìn nhận trong thời của Epicurus; cho đến tận cuộc chinh phục Lamã, nó đã được thực hành trong những thời có khủng hoảng, chẳng hạn như những trận chiến tranh Punic [15] , bởi ngay cả giới văn minh nhất của những dân chúng man rợ.

Như Jane Harrison đã cho thấy thuyết phục nhất, ngoài những sùng bái chính thức với thần Zeus và gia đình của ông, người Hylạp đã có những tín ngưỡng nguyên thủy khác liên quan ít nhiều với những nghi lễ man rợ. Những nghi lễ này, trong một vài giới hạn đã kết hợp vào đạo Orphism, vốn nó trở thành tín ngưỡng thịnh hành trong những người có tính khí tôn giáo. Đôi khi hỏa ngục được cho là một phát minh của đạo Kitô, nhưng đây là một lầm lẫn. Những gì đạo Kitô đã làm trong phương diện này đã chỉ là hệ thống hóa những tín tưởng đã phổ biến trước đó. Từ phần khởi đầu Republic của Plato rõ ràng là nỗi sợ hãi về trừng phạt sau khi chết đã được phổ biến trong thế kỷ thứ 5 ở Athens, và nó không phải là có thể đã giảm kém đi trong khoảng thời gian giữa Socrates và Epicurus. (Tôi đương không nghĩ về một thiểu số có giáo dục, nhưng về dân chúng nói chung). Cũng có chắc chắn đã là phổ biến để gán những dịch bệnh, động đất, thảm bại trong chiến tranh, và những thiên tai như vậy, vào với sự bất mãn thần linh, hoặc sự thất bại, không tôn trọng những điềm thần báo trước. Tôi nghĩ rằng văn học và nghệ thuật Hylạp là có lẽ rất sai lạc về phần liên quan đến những tín ngưỡng dân gian. Chúng ta biết được những gì về Methodism trong cuối thế kỷ mười tám nếu không có ghi chép của thời kỳ này còn tồn tại, ngoại trừ những cuốn sách của giới quý tộc và những bức tranh của nó? Ảnh hưởng của Methodism, tương tự như của lòng mộ đạo trong thời đại Hylạp, đã dâng lên từ dưới đáy, nó đã mạnh mẽ rồi trong thời của Boswell và Sir Joshua Reynolds, mặc dù từ những ám chỉ bóng gió của họ về sức mạnh ảnh hưởng của nó là không rõ ràng. Thế nên, chúng ta phải không phán đoán về tôn giáo phổ biến ở Hylạp bằng những hình ảnh trên “Grecian Urns” hoặc qua những tác phẩm của những nhà thơ và triết gia quý tộc. Epicurus đã không phải là quý tộc, không qua dòng giống, chẳng qua những người ông giao kết, có lẽ điều này giải thích ác cảm đặc biệt của ông với tôn giáo.

Đó là qua bài thơ của Lucretius khiến triết học của Epicurus đã chủ yếu được những người đọc biết đến, kể từ thời Phục hưng. Những gì đã tạo ấn tượng nhất với họ, khi họ đã không là những triết gia chuyên nghiệp, là sự tương phản với niềm tin đạo Kitô, trong những vấn đề như chủ nghĩa duy vật, sự phủ nhận của đấng thần linh phù hộ [16], và phủ nhận sự bất tử. Những gì là đặc biệt nổi bật với một người đọc hiện đại là có những quan điểm này – ngày hôm nay, chúng thường được xem như là ảm đạm và chán nản thất vọng – đã trình bày như là một phúc âm của giải thoát khỏi gánh nặng của sự sợ hãi. Lucretius thì cũng chắc chắn được thuyết phục như bất kỳ một tín đồ đạo Kitô nào về sự quan trọng của niềm tin đích thực trong những nội dung tôn giáo. Sau khi mô tả con người tìm cách thoát ra khỏi chính mình như thế nào, khi họ là nạn nhân của một cuộc xung đột nội tâm, và vô vọng tìm kiếm cứu giúp trong thay đổi địa điểm, ông nói: [17]

Mỗi người bay ra từ tự ngã của riêng mình;
Thế nhưng, từ tự ngã đó thực sự anh ta không có quyền lực
để thoát khỏi: anh ta bám vào nó, mặc dù trong nguyền rủa của chính anh ta,
và kinh tởm nó nữa, bởi vì, mặc dù anh ta bị bệnh,
anh ta không nhận thấy là nguyên nhân bệnh tật của mình :
Mà nếu anh ta như có thể hiểu cho đúng,
Mỗi người sẽ đặt tất cả những thứ khác sang một bên, và trước tiên
nghiên cứu để tìm hiểu bản chất của thế giới,
bởi vì đây là trạng thái của chúng ta xuốt thời gian vĩnh cửu,
không phải chỉ trong một giờ, điều đó là nghi ngờ,
trạng thái trong đó những con người có sống chết sẽ phải đi qua
toàn bộ thời gian vốn nó đợi họ sau cái chết.

Thời đại của Epicurus đã là một thời đại mệt mỏi, và sự tắt ngấm có thể hiện ra như là một nghỉ ngơi chào đón từ vất vả của tinh thần. Thời đại cuối cùng của chế độ Cộng hòa, trái lại, với hầu hết người Lamã, đã không phải là một thời của ảo tưởng tan vỡ: những người có năng lực vĩ đại đã tạo một trật tự mới ra từ sự hỗn loạn, vốn người Macedonia đã thất bại không làm được. Nhưng với những quý tộc Lamã là người đứng ngoài chính trị, và không quan tâm gì với tranh giành quyền lực và cướp bóc, dòng chảy của những biến cố phải đã là hết sức nản lòng sâu xa. Khi cộng với điều này là phiền não của sự điên cuồng cứ tái diễn, điều không phải tự hỏi là tại sao Lucretius đã chấp nhận hy vọng về sự không-hiện-hữu như là một giải thoát.

Nhưng nỗi sợ hãi về cái chết đã bắt rễ thâm sâu trong bản năng khiến phúc âm của Epicurus không thể, ở bất cứ lúc nào, tạo được một kêu gọi rộng rãi, nó luôn luôn vẫn là tín ngưỡng của một thiểu số có văn hóa. Ngay cả giữa những triết gia, sau thời Augustus, như một quy luật, nó bị từ chối, thay vào đó là sự ủng hộ học thuyết Stoicism. Nó đã sống sót, đó là sự thật, mặc dù với sức sống suy giảm, trong sáu trăm năm sau cái chết của Epicurus; nhưng khi con người ngày càng trở nên bị những cơ cực của cuộc tồn sinh trần gian của chúng ta áp bức, họ đã tiếp tục đòi hỏi thuốc chữa mạnh hơn từ triết học, hay tôn giáo. Những triết gia đã tránh nạn, với vài ngoại lệ, trong Neoplatonism; giới không học thức đã chuyển sang những mê tín khác loại đến từ phương Đông, và sau đó, trong liên tục số lượng ngày càng tăng, về đạo Kitô, vốn trong hình thức ban đầu của nó, đặt tất cả những tốt lành vào sự sống bên kia cửa mộ, như thế cung cấp con người một phúc âm chính xác ngược lại với của Epicurus. Tuy nhiên, những triết gia Pháp vào cuối thế kỷ thứ mười tám đã làm sống lại học thuyết rất giống với của ông, và Bentham và những người theo ông đã mang sang nước Anh; điều này được thực hiện trong sự đối lập có ý thức chống lại đạo Kitô, mà những người này đã xem cũng có ác cảm như Epicurus xem những tôn giáo trong thời của ông.


Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất
(May, 2011)



[1] Hedonism: a philosophical doctrine that holds that pleasure is the highest good or the source of moral values
[2] CTTG – (Đối với Epicurus) “Sự không có đau đớn là lạc thú trong tự thân nó, thực như vậy, trong phân tích cuối cùng của ông về lạc thú xác thực nhất”. Bailey, op. cit., p. 249.
[3] Jeremy Bentham (1748 – 1832): triết gia của Utilitarianism (chủ nghĩa duy lợi), và nhà cải cách xã hội người Anh.
[4] CTTG – Về chủ đề của tình bạn và sự mâu thuẫn đáng yêu của Epicurus, xem Bailey, op. cit., trang 517-20.
[5] On Holiness.
[6] determinist.
[7] CTTG – Một quan điểm tương tự được Eddington kêu gọi trong thời đại chúng ta, trong cách giải thích của ông về nguyên lý của sự bất định.
[8] Vortices.
[9] hedonist
[10] Providence.
[11] gospel
[12] De Rerum Natura (On the Nature of Things).
[13] CTTG – Tôi trích dẫn bản dịch của ông R.C. Trevelyan, quyển. I, 60-79
[14] CTTG – Lucretius nêu trường hợp cụ thể về sự hy sinh của Iphigenia như là một thí dụ về tác hại của tôn giáo. Bk. I, 85-100.
[15] The Punic Wars – chuỗi gồm ba cuộc chiến giữa Rome và Carthage từ 264-146 TCN
[16] Providence
[17] CTTG – Bk. III, 1068-1076. Tôi vẫn trích dẫn bản dịch của ông R. C. Trevelyan.